khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Ba, 27 tháng 7, 2021

Những nạn nhân bị bỏ quên trên hành trình đòi công lý của bà Trần Tố Nga - Tác giả Ca Dao

 

Bà Trần Tố Nga, người được biết đến qua vụ kiện “chất độc da cam” đã nộp đơn tại Tòa án Evry (Pháp) năm 2013 khởi kiện 26 công ty hóa chất Mỹ. Ngày 10 Tháng Năm 2021 vừa qua, Tòa án Evry (Pháp) đã đưa ra phán quyết về vụ kiện kéo dài gần 10 năm này. Tòa án Evry tuyên bố: “Tòa án Pháp không đủ quyền tài phán để phán xét hành động và chính sách của một quốc gia nước ngoài có chủ quyền trong thời chiến”.

Báo Người Lao Động gọi phán quyết ngày 10 Tháng Năm 2021 của Tòa án Evry không phải là một phán quyết lịch sử cho một vụ kiện lịch sử. Sau khi xem xét vụ kiện, Tòa Evry kết luận rằng “Các công ty đã hoạt động (sản xuất và cung cấp sản phẩm) theo lệnh nhà nước Mỹ”. Cho nên bà Trần Tố Nga không thể kiện các công ty này. Nói cách khác, nguyên đơn Trần Tố Nga đã thua bước đầu trong vụ án này. Gọi là “bước đầu” vì sau phiên tòa, bà Trần Tố Nga trả lời báo chí bà sẽ tiếp tục đưa vụ kiện lên Tòa Phúc Thẩm.

Nguyên đơn vụ kiện là bà Trần Tố Nga, theo truyền thông, là đại diện cho ba triệu nạn nhân chất độc da cam khởi đơn kiện 26 đại công ty hóa chất về những thiệt hại mà họ đã gây ra trong thời chiến. Chất độc da cam (Agent Orange), là tên gọi của một loại chất thuốc diệt cỏ và làm rụng lá cây được quân đội Hoa Kỳ sử dụng tại Việt Nam trong thời chiến tranh. Sở dĩ Hoa Kỳ phải dùng chất khai hoang này là vì trong chiến tranh, bộ đội miền Bắc sử dụng chiến thuật du kích, ẩn nấp trong rừng, đánh nhanh, rút lẹ.

 Trước 1975, diện tích bao phủ rừng của Việt Nam là 33%, để có thể “tìm thấy” đối phương, cách duy nhất là diệt rừng, hủy lá để đối phương không còn chỗ ẩn nấp. Cách này, dĩ nhiên ở thời điểm hiện tại sẽ không được chấp nhận, nhất là những tổ chức bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, trong giai đoạn chiến tranh, đó là cách khả dĩ để có thể phá vỡ chiến thuật du kích của bộ đội Bắc Việt.

Thử đặt ra một mệnh đề khác: Nếu cộng sản Bắc Việt không dùng chiến thuật này thì Hoa Kỳ có phải dùng tới chất hóa học để hủy diệt rừng và từ đó có thể gây ra những hệ luỵ khác hay không? Ở một góc nhìn nào đó thì Hoa Kỳ là nguyên nhân trực tiếp, nhưng Bắc Việt là nguyên nhân gián tiếp. Lịch sử không có chữ “nếu”, nhiều người sẽ nói như thế.

Thôi thì nhìn đến hiện tại:

Một trong những lý lẽ mà phía luật sư của các công ty bị kiện đưa ra, là các công ty hóa chất có sản xuất chất độc màu da cam khi đó, có thể không biết tác hại của loại thuốc diệt lá mà sau mãi 40 năm nghiên cứu người ta mới được biết. Điều này khá có thể, vì nhìn vào hình mà các quân nhân Hoa Kỳ sử dụng hóa chất da cam, người ta không thấy họ mang quần áo hoặc bao tay bảo hộ. Nếu lúc đó, chính phủ Mỹ hoặc các công ty hóa chất Mỹ biết đây là chất gây độc hại cho sức khỏe con người thì chắc chắc họ sẽ khuyến cáo cho quân nhân Hoa Kỳ phải mang y phục bảo hộ khi sử dụng bởi vì chính quân đội Hoa Kỳ sẽ là những nạn nhân đầu tiên.

Bà Trần Tố Nga là ai?

Sinh ra tại sông nước miền Tây trong một gia đình hạnh phúc ở Sóc Trăng, bà đã hưởng một thời thơ ấu viên mãn trên một vùng đất mà bà đã gọi là “vùng đất trù phú, những cây trái thơm ngon, những dòng sông mà chưa có dòng sông nào đẹp hơn…” trong quyển sách Ma terre empoissnée của bà. Đẹp như thế, trù phú như thế nhưng đã không giữ nỗi chân của đứa bé ba tuổi khi nghe tiếng kêu gọi của Hồ Chí Minh trong ngày Hai Tháng Chín 1945 để rồi – như nhiều trí thức khác – sau này bà đã chọn đi theo Việt Minh để chống lại chính mảnh đất màu mỡ đã sinh ra bà và nuôi bà khôn lớn, với mục tiêu – mà theo bà – là “đấu tranh để có nền độc lập cho nước nhà”, như bà đã viết trong quyển sách nói trên.

Đọc qua tiểu sử và lý tưởng của bà, người ta chợt thấy những điều khá mâu thuẫn:

– Bỏ ra tuổi thanh xuân để “đấu tranh cho một Việt Nam độc lập”, nhưng khi Việt Nam có độc lập rồi, bà lại chọn quốc tịch và sống trên một đất nước mà bà đã từng chiến đấu để đuổi nó đi khỏi quê hương bà.

– Bà muốn cho Việt Nam “có chủ quyền, có độc lập!” – người ta tự hỏi bà Trần Tố Nga ở đâu khi giàn khoan Trung Quốc tiến vào lãnh thổ Việt Nam, khi biển đảo Việt Nam dần dần biến thành sân nhà Trung Quốc?

Việt Nam, một đất nước oằn oại dưới chiến tranh – chiến tranh chống Tàu, chống Pháp, chống Nhật rồi chống Mỹ qua cuộc chiến ý thức hệ. Người dân mong muốn hòa bình đến độ có thể vội vã cầm lấy bất cứ chiếc bánh vẽ nào được đưa ra trong thời chiến với một mong muốn duy nhất: Hòa bình trên mảnh đất đã quá nhiều hệ lụy. Bà Trần Tố Nga là một trong những trí thức như thế. Chỉ tiếc là sau này, nhiều người đã nhận ra đấy chỉ là chiếc bánh vẽ, bà Nga thì không!

Không ai phủ nhận những hậu quả độc hại của hóa chất diệt cỏ này. Dù muốn dù không, hậu quả của chất hóa học này là không thể chối cãi. Con số nạn nhân có là ba triệu như báo chí Việt Nam khẳng định hay ít hơn thì số nạn nhân vẫn là có thật. Tuy nhiên, khi nhìn bà Trần Tố Nga với khuôn mặt đau buồn biểu tình với khẩu hiệu “tìm công lý cho nạn nhân chất độc da cam”, người ta liên tưởng đến một nạn nhân khác, cũng do chất độc gây nên: nạn nhân Formosa.

Họ cũng là nạn nhân của hành động hủy hoại môi trường sống. Chỉ khác là việc hủy hoại môi trường do chất độc da cam xảy ra trong thời chiến, trong khi chất độc do nhà máy Formosa gây ra xảy ra trong thời bình. Trên con đường đi tìm công lý của bà Nga, liệu có công lý cho hàng trăm ngàn người dân thất nghiệp, nhiều gia đình phải sống cảnh chia lìa vì cha mẹ phải tìm nơi khác làm ăn ở các vùng bị ảnh hưởng của Formosa?

Theo bà Nancy Bùi, Phó Chủ tịch Hội Công lý cho Nạn nhân Formosa (JFFV): “Thảm hoạ Formosa để lại không chỉ là biển nhiễm độc, cá chết, người dân mất việc, mà nó còn kéo theo nhiều hệ lụy khác. Số người mắc bệnh ung thư hay liên quan đến ô nhiễm môi trường cho thấy ngày càng cao”.

Mặc dù sống trên nước Pháp, nhưng chắc chắn bà Nga không thể không biết đến “thảm họa Formosa”. Bà có động lòng không, khi nghĩ đến những nạn nhân có cùng hệ lụy như bà? Trả lời đài RFI, bà nói rằng “cuộc chiến này không chỉ là cuộc chiến của Trần Tố Nga mà là cuộc chiến của tất cả những người đi tìm công lý”. Tuy nhiên, trong cuộc chiến tìm công lý của nạn nhân Formosa đã không thấy bóng Trần Tố Nga đồng hành cùng họ. Thảm họa Formosa giáng xuống đầu ngư dân Vũng Áng từ năm 2016. Suốt năm năm qua, từ bên kia vùng đất an bình Pháp quốc, chưa hề thấy bà Trần Tố Nga một lần lên tiếng chia sẻ cho nỗi đau của họ.

Trên đường phố Paris, người ta thấy bà Trần Tố Nga dẫn đầu các cuộc biểu tình đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam. Thế nhưng các cuộc biểu tình của cộng đồng người Việt tại Pháp cho nạn nhân Formosa, chống Trung Quốc xâm lược thì vắng bóng “người đi tìm công lý”, vắng bóng “chiến sĩ đấu tranh cho chủ quyền Việt Nam” Trần Tố Nga.

Trả lời báo Người Lao Động, bà Nga nói: “Hôm nay, chúng ta chưa thể hát lên bài ca chiến thắng thì chúng ta hét lên sự phẫn nộ của tất cả nạn nhân chất độc da cam”. Trong tiếng thét đó, bà có hét lên giùm sự phẫn nộ của nạn nhân Formosa, cũng da vàng máu đỏ, cũng là nạn nhân môi trường như bà?

Sau phán quyết của Tòa án Evry, bà Tố Nga vẫn bày tỏ quyết tâm tiếp tục theo vụ kiện. Bà nói: “Phía sau tôi, có cả hàng triệu nạn nhân, hàng triệu người ủng hộ cho công lý!”.

Đúng thế, phía sau bà không chỉ có ba triệu nạn nhân mà còn có cả một hệ thống cầm quyền, với nguồn tài chánh dồi dào và lực lượng thông tin mạnh mẽ để tiếp tay bà trên hành trình “đi tìm công lý”.

Chỉ tiếc rằng, trên hành trình công lý đó, chỉ có một số người được đồng hành và nhiều, rất nhiều những nạn nhân môi trường như bà đã bị bỏ quên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét