khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Tư, 28 tháng 7, 2021

Làm Thinh và Vợ Chồng - Tác giả Nguyễn Hưng Quốc

 

Trước đây, có lần, đọc cuốn Trong Cõi của Trần Quốc Vượng, một nhà nghiên cứu sử học, khảo cổ học và văn hoá dân gian nổi tiếng ở trong nước, tới đoạn ông bàn về hai chữ “làm thinh”, tôi ngỡ đã tìm thấy một phát hiện quan trọng.
Theo Trần Quốc Vượng, “thinh” là thanh, âm thanh, hay là tiếng ồn. “Nín thinh” là kiềm giữ tiếng động lại, là im lặng. Thế nhưng “làm thinh” lại không có nghĩa là gây nên tiếng động mà lại có nghĩa là... im lặng. Cũng giống như chữ “nín thinh”. Trần Quốc Vượng xem đó như là một trong những biểu hiện của Phật tính trong ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam: “nín” và “làm” y như nhau; có và không y như nhau (thình lình và bất thình lình); ấm và lạnh cũng y như nhau (áo ấm và áo lạnh là một!); “đánh bại” và “đánh thắng” y như nhau. Quả là một thứ tiếng “sắc sắc không không”, nói theo ngôn ngữ Phật giáo, hay “huyền đồng”, nói theo ngôn ngữ của Trang Tử.
Thú thực, đọc những đoạn phân tích như thế, tôi cảm thấy mừng rỡ và thích thú vô hạn.
Thế nhưng, chẳng bao lâu sau, đọc bài viết “Tìm nguồn gốc một số từ ngữ tiếng Việt qua các hiện tượng biến đổi ngữ âm” của Lê Trung Hoa, tôi lại bàng hoàng khám phá ra là chữ “làm thinh” thực chất chỉ là biến âm của chữ “hàm thinh” trong chữ Hán. “Hàm” có nghĩa là ngậm (như trong các từ: hàm ân, hàm oan, hàm tiếu, hàm huyết phún nhân...). “Hàm thinh” là ngậm âm thanh lại, không cho chúng phát ra, tức là không nói, tức là... im lặng. Y như chữ “nín thinh”. Nhưng sự giống nhau ở đây chỉ là sự giống nhau của hai từ đồng nghĩa, chứ chả có chút Phật tính hay Trang Tử tính gì trong đó cả.
Tôi mới biết là mình mừng hụt.
Một ví dụ khác: về hai chữ “vợ chồng”.
Trước đây, đã lâu lắm, đọc cuốn Ngôn Ngữ và Thân Xác của Nguyễn Văn Trung, tôi thấy tác giả giải thích hai chữ “vợ chồng” đại khái như sau: “Chồng” là chồng lên nhau, nằm lên nhau. Còn chữ “vợ”? Nguyễn Văn Trung chỉ viết bâng quơ, trong câu chú thích in cuối trang: “chữ vợ phải chăng là vơ, vớ, đọc trại đi, theo giọng nặng; nếu thế, chữ vợ chỉ thị việc quơ lấy quàng lên, vơ vào, phù hợp với việc chồng lên trong hành động luyến ái?”
Ðọc đoạn ấy, tôi hơi ngờ ngờ, nhưng rồi cũng bỏ qua, không chú ý mấy.
Gần đây, tôi sực nhớ lại vấn đề ấy khi đọc cuốn Phương Ngữ Bình Trị Thiên của Võ Xuân Trang. Tôi được biết là ở Bình Trị Thiên, thay vì nói cái “vai”, người ta lại nói cái “bai”; thay vì nói đôi “vú”, người ta lại nói đôi “bụ”; thay vì nói “vải”, người ta lại nói “bải”; thay vì nói “vá” áo, người ta nói “bá” áo; thay vì nói “vả” (vào miệng), người ta lại nói “bả” (vào miệng), v.v...
Qua những sự hoán chuyển giữa hai phụ âm V và B như thế, tự dưng tôi nảy ra ý nghĩ: phải chăng nguyên uỷ của chữ “vợ” là... bợ? “Vợ chồng” thực ra là “bợ chồng”?
Tôi càng tin vào giả thuyết trên khi nhớ lại, trong tiếng Việt hiện nay, có cả hàng trăm từ nguyên thuỷ khởi đầu bằng phụ âm B đã biến thành V như thế. Nhiều nhất là từ âm Hán Việt chuyển sang âm Việt. Ví dụ: trong chữ Hán, chữ “bái” sang tiếng Việt thành “vái”; chữ “bản” sang tiếng Việt thành “vốn” và “ván”; chữ “bích” sang tiếng Việt thành “vách”; chữ “biên” sang tiếng Việt thành “viền”; chữ “bố” sang tiếng Việt thành “vải”; chữ “bút” sang tiếng Việt thành “viết”; chữ “bà phạn” sang tiếng Việt thành “và cơm”, v.v...
Theo Nguyễn Tài Cẩn, trong cuốn Giáo Trình Lịch Sử Ngữ Âm Tiếng Việt (sơ thảo), quá trình hoán chuyển từ B đến V kéo dài khá lâu cho nên hiện nay thỉnh thoảng cả hai biến thể B/V vẫn còn tồn tại song song với nhau, như: băm và vằm (thịt); be và ve (rượu hay thuốc); béo và véo; bíu và víu, v.v...
Chúng ta biết là hiện tượng tồn tại song song của hai biến thể như thế không phải chỉ giới hạn trong hai phụ âm B và V. Theo nhiều nhà ngôn ngữ học, ngày xưa, từ khoảng thế kỷ 17 trở về trước, trong tiếng Việt có một số phụ âm đôi như BL (blăng, blời...), ML (mlầm) hay TL (tlánh). Ðến khoảng thế kỷ 18, các phụ âm đôi ấy dần dần rụng mất. Ðiều đáng chú ý là khi những phụ âm đôi ấy rụng đi thì chúng lại tái sinh thành một số phụ âm khác nhau.
Ví dụ phụ âm đôi TL sẽ biến thành TR hoặc L, do đó, hiện nay, chúng ta có một số chữ có hai cách phát âm và hai cách viết khác hẳn nhau, cùng tồn tại song song bên nhau, đó là các chữ tránh và lánh; trộ và lộ, trồi và lồi, trêu và lêu, trũng và lũng, trộn và lộn, trọn và lọn, trệch và lệch, trèo và leo, tràn và lan, v.v...
Trong khi đó phụ âm đôi ML sẽ biến thành L hoặc NH, bởi vậy, chúng ta cũng có một số từ tương tự, như lầm và nhầm, lời và nhời, lẽ và nhẽ, lát và nhát, lạt và nhạt, lớn và nhớn.
Trong những cặp từ tương tự vừa kể, có một số chữ dần dần bị xem là phương ngữ hoặc là cách nói cổ, càng ngày càng ít nghe, như các chữ nhớn, nhời, và nhẽ. Tuy nhiên, những chữ khác thì cho đến nay cũng vẫn còn tồn tại khá phổ biến, ví dụ chúng ta có thể nói là rượu lạt hoặc rượu nhạt; nói lầm lẫn hoặc nhầm lẫn; nói một lát dao hay một nhát dao đều được cả.
Ðặt trong toàn cảnh mối quan hệ giữa hai phụ âm B và V cũng như quá trình biến đổi phụ âm đầu như thế, chúng ta sẽ thấy ngay giả thuyết cho nguồn gốc của chữ “vợ” trong “vợ chồng” là “bợ” rất có khả năng gần với sự thật. “Vợ chồng” như thế, thực chất là “bợ chồng”. “Bợ”: từ dưới nâng lên; “chồng”: từ trên úp xuống. Danh từ “bợ chồng” diễn tả tư thế thân mật giữa hai người nam nữ khi ăn ở với nhau. Cách gọi tên khá thật thà như thế kể cũng thú vị đấy chứ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét