Có lần tôi đi một phiên tòa xử nhanh hai thanh niên Việt Nam ăn trộm trong cửa hàng.
Một chàng diện Nike Air Max chói chang, một chàng quần bò Dolce Gabbana rất “xước”.
Cả hai đều mới sang Đức hai tuần trước, đơn xin tị nạn còn chưa nộp.
Họ ăn trộm phụ kiện, nước hoa và mỹ phẩm trị giá gần 1000 Euro, trong một cửa hàng mà họ hiển nhiên là những vật thể lạ.
Xã hội tư bản tân tiến một thế kỷ rưỡi sau Marx đã xóa đi nhiều ranh giới giữa các giai cấp đối kháng, song lại mở rộng khoảng cách giữa các đẳng cấp.
Hai thanh niên Nghệ An này chỉ cần đặt một nửa bàn chân vào cửa hàng đó là toàn hộ hệ thống báo động của nó đã đỏ rực.
Hình phạt cho mỗi chàng là một cuối tuần quản thúc, tức chiều tối thứ Sáu khăn gói đến Nhà Quản Thúc Thanh Thiếu Niên ở, chiều tối Chủ Nhật được về.
Đại diện tư pháp cho thanh thiếu niên cằn nhằn rằng thế hơi nặng, phạt lao động công ích là đủ rồi.
Công tố viên nhún vai. Thẩm phán thở dài, biết rằng sớm muộn cũng gặp lại họ, nhiều phần sớm hơn phần muộn.
Người Việt ở Đức hoàn toàn vắng mặt trong những tội phạm cỡ lớn như khủng bố, đe dọa an ninh quốc gia; rất khiêm tốn trong những tội phạm tài chính và công nghệ cao; khá thứ yếu trong những lĩnh vực như ma túy, mại dâm…; quả thật không thể sánh vai các bạn thuộc khối Đông Âu cũ do Nga dẫn đầu; nhưng lừng danh trước hết với mafia thuốc lá lậu và ngay sau đó có thứ hạng đáng kể là những người ăn trộm, có lẽ chỉ đứng sau Rumani.
Trong ba năm gần đây, mỗi năm cộng đồng 84.000 người Việt ở Đức phạm khoảng 5000 vụ hình sự, trong đó trên dưới 1000 vụ là tội ăn cắp.
Để so sánh: Cộng đồng Trung Quốc 110.000 người, mỗi năm trên dưới 200 vụ ăn cắp.
Trừ tranh tượng nghệ thuật và bí mật công nghiệp, nói chung không có thứ gì mà người Việt ở đây không thể và không nỡ ăn cắp, từ mèo nhà hàng xóm, xe nôi, xe đạp, hộ chiếu, thẻ tín dụng, điện, nước, biển số, đến nhân thân, vịt trời…; làm nấm ăn cắp nấm, làm xúc xích ăn cắp xúc xích, làm quán ăn cắp tất cả những gì không còn nguyên niêm phong; song phổ biến nhất là ăn cắp trong cửa hàng.
Có thời, đồ ăn cắp được bày ngang nhiên ở nhiều góc Trung Tâm Thương Mại Đồng Xuân, khu chợ Việt Nam nổi tiếng tại quận Lichtenberg.
Đồng bào xúm xít mua đồ tốt giá rẻ, từ hộp thuốc đánh răng, kem dưỡng da, rượu, cà-phê đến túi xách, áo da, quần bò hàng hiệu.
Sự nghiệp bán thuốc lá lậu đã góp phần xây dựng cộng đồng người Việt ở miền Đông nước Đức trong 25 năm qua, song thời hoàng kim của nó đã là dĩ vãng, trong khi ăn cắp thì tương lai còn khá vững bền.
Ta hãy nhớ lại: Ngày 10/5/1996, cuộc chiến giành quyền kiểm soát thị trường thuốc lá lậu ở Berlin giữa các băng đảng Việt Nam – mở màn ngày 6/12/1992 với một xác người Việt ở một bãi đậu xe tại quận Marzahn, Đông Berlin – đạt tới đỉnh cao ghê rợn: Sáu người Việt bị hành hình trong một căn chung cư cũng ở quận Marzahn, tất cả tay đều bị trói, mỗi người lĩnh chính xác hai viên đạn của băng Ngọc Thiện bắn vào đầu.
Bốn ngày sau, để “tháng Năm đẫm máu” đi vào lịch sử tội phạm của thành phố này, băng Quảng Bình “bị hại” đáp lễ bằng ba xác người Việt vứt ở đường tàu quận Lichtenberg.
Mafia Việt Nam một thuở, nghe thì kinh, đếm xác nạn nhân càng kinh, song diện mạo thật thì thô sơ đến bất ngờ.
Một số lính, được trìu mến hay trọng thị hay e sợ hay tất cả trộn lại – chỉ trừ không giễu nhại – gọi là “bộ đội”, quân chủ lực của băng Quảng Bình, sa vào tay cảnh sát Berlin không phải như trong phim hình sự, sau những pha săn lùng, đột nhập nghẹt thở. Mà đơn giản là ngớ ngẩn.
Sau một phiên tòa xử tội ăn trộm một chiếc sơ-mi, một bộ đồ tắm và một chiếc quần short trị giá gần 500 DM trong cửa hàng xa xỉ KaDeWe, bị cáo là một phụ nữ Việt nhất định không chịu rời khỏi phòng xét xử.
Cô run rẩy bảo “bộ đội” đang chờ trước cửa tòa án, “bộ đội” sẽ bắt cóc cô để tra khảo, dù cô không khai gì trước tòa.
Một trong những “bộ đội” ấy, súng giắt cạp quần ngẩn ngơ, gần như lao thẳng vào tay cảnh sát, và ngay trong ngày hôm ấy sào huyệt của Quảng Bình bị lật tung, một trong hai khẩu Kalashnikov thu được ở đó chính là vũ khí đoạt mạng ba người ở đường tàu.
Vài hôm sau, một trong những “bộ đội” đang bị truy nã cũng dính lưới, không phải trong khi chôn sống một ai đó ngoài rừng, mà trong khi ăn trộm tại một cửa hàng ở quận Lichtenberg.
Ăn cắp vậy là đã góp phần thanh toán mafia thuốc lá, chuyện của người Việt thường trớ trêu như thế.
Không bao giờ nghề buôn lậu thuốc lá của người Việt ở đây còn đạt tới quy mô huy hoàng của những năm chín mươi đó nữa.
Đức không còn là điểm đến hấp dẫn nhất. Chính ở thời điểm đó, Anh quốc nổi lên, với lợi nhuận kếch xù từ nghề trồng cỏ.
Người Việt nghèo nhưng nhiều tham vọng. Họ muốn giàu, nhưng phải là giàu một cục, thật nhanh, thật xổi.
Chắt chiu những đồng tiền lẻ để khấm khá dần lên từng đời như người Tàu ở nước ngoài thì chẳng bõ.
Tuy một bước đổi đời bằng nghề cầm nhầm thì khó, song ăn trộm ở đây một ngày vẫn hơn đi cày ở nhà cả tháng.
Và khác xa huyền thoại, đồng bào tôi – nhất là thế hệ hai chàng Nike và Dolce Gabbana – còn thiếu cần cù hơn cả thiếu kiên nhẫn.
Ăn trộm là nghề nhàn, dạo phố, tia hàng, đi làm như đi chơi mà thu nhập không thua đứng đường bán thuốc lá từ sáng sớm đến tối mịt, tức mỗi tháng trên dưới một ngàn Euro, chưa kể tiền nhà, tiền bảo hiểm y tế và khoảng 350 Euro trợ cấp tị nạn, tất cả do nhà nước trả.
Môi trường lại vô tận, nhân loại còn thì siêu thị còn, siêu thị còn thì người Việt còn. Và gần như không mất vốn. Một cái kìm cắt tem từ. Một cái túi lót lớp giấy bạc để tránh báo động khi qua cổng từ, gần đây người Việt giàu sáng kiến còn khâu luôn lớp giấy bạc vào mặt trong áo khoác.
Và không cần qua đào tạo. Hôm trước theo đàn anh đàn chị đi tia, hôm sau tự mình đã ngon lành khánh thành công ty một thành viên hai ngón.
Và ít mạo hiểm.
Khung hình phạt cao nhất là năm năm, nhưng có ăn cắp cả Nữ thần Chiến thắng lẫn bốn con ngựa trên cổng thành Brandenburger Tor cũng chưa chắc được tuyên bản án ấy.
Xã hội càng yên thì luật pháp càng hiền. Trong thực tế, không mấy người Việt phải ngồi nhiều hơn vài ba tháng. Phần lớn chỉ phạt tiền, mỗi tháng trả dần vài ba chục, án tù thường chuyển thành chế độ hưởng án treo.
Thanh thiếu niên chưa tròn hai mốt tuổi thường chỉ bị cảnh cáo, phạt lao động công ích, tức dọn dẹp lau chùi ngay trong trại, hay quản thúc cuối tuần.
Có lần tôi suýt phì cười vì bản án dành cho một thanh niên Việt Nam ăn cắp 17 gói cà-phê: Bắt về trại đi học tiếng Đức!
Thế là hôm ấy khi ra cửa, tôi bảo, hai cháu chịu khó đi học tiếng Đức nhé, đừng ăn trộm nữa.
Chàng Dolce Gabbana đáp, bọn Phát Xít, nó xử oan, cháu có cầm đồ đâu.
Cầm đồ ở đây không phải là cầm đồ mà là cầm đồ. Tôi đã tưởng mình khá thông thạo ngôn ngữ của đồng bào ở Berlin, song có lần hỏi một chị làm nghề gì và nghe câu trả lời, em nhặt tay nhặt chân, tôi vẫn hơi sững sờ.
Ám ảnh của chiến tranh mấy chục năm trước vụt hiện về: Đó là một buổi sáng, từ hầm trú ẩn nơi sơ tán chui lên, đứa trẻ khi ấy là tôi cùng người lớn và những đứa trẻ khác lặng lẽ đi nhặt những mẩu chân tay vô danh, có cái là nguyên một tảng ở khúc hông và bẹn, văng rải rác gần một hố bom mới toanh.
Nhưng ở Berlin, người phụ nữ Việt Nam nọ là chủ một tiệm làm móng, việc thường trực là lấy khóe, tỉa da thừa ở móng tay móng chân.
Tôi hỏi, cái gì cầm đồ?
Chàng Nike nhanh nhẹn giải thích, đồ thì cháu cầm, thằng này – hất hàm về phía Dolce Gabbana – chỉ bóc tem thôi. Nhưng cháu đã ra đến cửa đâu. Luật pháp đéo gì, bất công!
Tôi bảo, bóc tem với cầm đồ thì đúng là định ăn trộm rồi, oan với ai nữa.
Dolce Gabbana trừng mắt: Cô bênh bọn Đức lợn hử? Người Việt thì phải giúp người Việt chứ! Cô có phải người Việt không hử?
Vâng, tôi đúng là người Việt, sống ở Đức.
Tháng trước, ở Trung Tâm Thương Mại Đồng Xuân, trong lễ hội “40 năm hội nhập và phát triển” của người Việt ở Đức, ông Nguyễn Thiện Nhân, tốt nghiệp đại học và bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đức, thay mặt chính phủ Việt Nam cảm ơn sự giúp đỡ tận tình của chính phủ và nhân dân Đức, rồi kết thúc bài phát biểu bằng tiếng Đức của mình với lời gửi gắm đến cộng đồng người Việt đang sống ở đây: Đồng bào hãy chứng tỏ lòng biết ơn nước Đức bằng cách tôn trọng luật pháp Đức.
Hóa ra là chuyện ơn huệ. Vậy việc hai khách du lịch Việt Nam vừa ăn trộm ở Zürich thật không đáng để làm ồn. Họ vừa không có gì mang ơn Thụy Sĩ để phải tôn trọng luật pháp nước này, vừa quá vặt vãnh so với hệ thống công ty hai ngón, chẳng hạn của người Việt ở Đức.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét