Những người cộng sản thường đưa ra các khái niệm lẫn lộn, nguyên do là vì họ chủ trương xây dựng một xã hội không giống ai, nhưng bây giờ họ phải sống chung với phần còn lại của thế giới, cho nên họ lẫn lộn lung tung.
Sự lẫn lộn mới nhất chính là câu tuyên bố hùng hồn của đương kim Chủ tịch nước, cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông nói với cử tri thành Hồ rằng, đảng (cộng sản) của ông lúc nào cũng “đề cao, phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân”. (Ông nói lắp, vì quyền làm chủ của người dân chính là dân chủ).
Tuy nhiên ông nói thêm, “nếu ‘dân chủ tào lao’, không có kỷ cương phép nước thì đất nước sẽ loạn”. Ông không giải thích để mọi người hiểu rõ hơn câu tuyên bố như “sấm động giữa trời quang” này, nhưng một số tờ báo lấy nó để “câu viêu”, kéo theo một số “đài địch” và mạng xã hội “phản động” tha hồ bêu riếu ông.
***
Ông Phúc là một người có vẻ bề ngoài rất thân thiện, hay cười với mái đầu nghiêng nghiêng, hay tiếp các nguyên thủ quốc gia ngoại quốc bằng những kiểu cách bổ bả quê mùa vùng Quảng Nam quê ông. Nhưng trên hết là ông hay gây cười với những cách dùng từ mà tác giả Võ Văn Quản của trang Luật khoa gọi là “sáng tạo”.
Tôi đồng ý với ông Quản là ông Phúc rất sáng tạo, nhưng không phải trong trường hợp này, mà là ông thuộc nhóm những người cộng sản còn tồn tại đến nay trong cái thế giới không cộng sản đông đúc hơn, và họ nhầm lẫn khái niệm thôi.
Nội hàm của lời phát biểu của ông Phúc trong buổi tiếp xúc cử tri này, không khác với tất cả những gì những người cộng sản nói từ trước đến nay, đó là “dân chủ tập trung”, chứ không phải “dân chủ đa đảng”. Mà cơ khổ là cái gọi là dân chủ tập trung, có nghĩa là gom tất cả, hành pháp, lập pháp, tư pháp về một mối, hay đảng cử dân bầu… thì đâu có nghĩa là dân chủ như mọi người hiểu nữa.
Chẳng qua là người cộng sản, khi đối diện với những chỉ trích, cho rằng, họ cai trị bằng chế độ độc tài, họ bèn ghép cụm từ “dân chủ” vào. Ngay cả từ “Đảng” mà họ luôn viết hoa ấy là một khái niệm tồn tại ở số ít và số nhiều, đã nói đến “đảng” tức là nói đến những phần khác nhau.
Từ chỗ gượng ép ghép từ để chống chế, họ đi tới chỗ nhầm lẫn lung tung. Sự nhầm lẫn của ông Phúc cũng giống như ông Nguyễn Phú Trọng cách đây vài năm, khi ông ta nói rằng: “Hiến pháp … là văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng!”
Còn một cách để chống chế về khái niệm dân chủ nữa mà người cộng sản hay nói là, họ mở rộng dân chủ trong … đảng. Họ lại lẫn lộn một cách… cố tình, vì đảng của họ thì kệ họ, chứ chuyện dân cần là dân chủ trong dân, trong xã hội chứ!
Một khái niệm nữa mà người cộng sản cũng lẫn lộn lung tung là khái niệm về pháp luật. Họ chủ trương xây dựng một xã hội chỉ có “tòa án nhân dân” giống như trong cải cách ruộng đất, cho nên là họ rất sợ luật pháp. Theo hồi ký của luật sư Nguyễn Mạnh Tường, người tham gia Mặt trận Việt Minh trước năm 1954, thì đảng Cộng sản cứ lần lữa không muốn soạn những bộ luật cho đất nước. Lý do dễ hiểu là, luật pháp theo nguyên tắc độc lập của nó, sẽ giới hạn quyền lực của đảng.
Ngay luật đảng của chính họ, còn bị họ xé bỏ dễ như không, như trong đại hội 13 của họ vừa rồi, ông Trọng vừa tuổi cao sức yếu, lại vừa trải qua hai nhiệm kỳ, vẫn tiếp tục ngồi thêm nhiệm kỳ thứ ba.
Trở lại câu chuyện “dân chủ tào lao” của ông Phúc, tôi thấy diễn ngôn của ông Phúc hết sức rối rắm. Vì từ khi Việt Nam bắt đầu tiếp xúc với thế giới bên ngoài, sau năm 1986, dân chúng dần hiểu ra rằng, họ có quyền này quyền nọ và họ cũng dần hiểu dân chủ. Các nhóm đối kháng, chỉ trích Đảng Cộng sản, cứ lặp đi lặp lại hai từ “dân chủ”.
Điều này làm cho những người như ông Phúc rối và lo lắng, vì cái cụm từ thần chú “dân chủ tập trung” dùng để định vị vai trò hợp pháp của mình trong mắt mọi người, không còn hiệu nghiệm nữa. Không ca ngợi mình được thì tấn công địch thủ, thế là “dân chủ tào lao” ra đời. Ông Phúc tuy rối, nhưng là người thông minh, ông nói thế sẽ dán một cái nhãn vào những người đòi dân chủ (đúng theo chữ này, từ dưới lên) là bọn tào lao.
Nhưng như tác giả Võ Văn Quản phân tích, chuyện kỷ cương phép nước và dân chủ trong cùng câu nói của ông Phúc, thật ra không có gì là mâu thuẫn cả (như ý ông Phúc muốn?). Cho nên chuyện dán nhãn của ông Phúc có thể sẽ thành công trong ngắn hạn, trong một số độc giả của vài tờ báo nhà nước (vì có nhiều tờ báo của nhà nước không đưa tin này), nhưng về lâu dài thì không xong, mà ngược lại.
Có lẽ Chủ tịch Phúc nên giao luôn khái niệm “dân chủ” cho phe đối kháng, tức là “dân chủ” và “cộng sản” không bao giờ đi với nhau, thay vì sử dụng “tào lao” như thế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét