Hồi tưởng về quá khứ là điều vô cùng thú vị, vì trong quá khứ đó có tuổi trẻ của mình, có quê hương, có tình yêu, có ngôi trường Gia Long cổ kính đấy ắp những kỷ niệm. Thế nhưng, trong trí nhớ hư hoại của tuổi già, kỷ niệm ngày xưa trở về chập chùng, khi rõ khi mờ, chợt có chợt không, có khi mất hút vào vùng tâm tối nào trong tiềm thức.
Giữa bao quên lãng, tôi còn nhớ được một ít về cái năm đầu tiên tôi đặt chân lên bục giảng của trường Gia Long cách đây hơn 50 năm (Ôi! Thời Gian Qua Mau). Xin ghi lại như để tìm kiếm một chút niềm vui cuối đời.
Tôi bắt đầu vào dạy niên khóa 1959-1960, sau khi rời trường sư phạm, còn trẻ tuổi, lạc quan, yêu nghề. Tại đây, một quãng đời dài gần 20 năm thầm lặng nhỏ nhoi làm cô giáo dạy các lớp Đệ Nhất Cấp buổi chiều, tôi bỗng thấy mình gắn bó mật thiết với các em nhỏ thơ ngây, trong lành, bụi đời chưa hề vướng gót chân. Nơi sân trường Gia Long, mỗi ngày đến đó tôi chỉ thấy chiều xuống mà không thấy nắng lên, chỉ nghe tiếng bước chân hấp tấp của học sinh tan trường sau cơn mưa chiều lê thê mà không nghe được tiếng cười khúc khích tinh nghịch của học sinh lớn buổi sáng. Ngày tháng êm đềm trôi qua, mấy dãy lầu cao vọi bao quanh như cố giữ cho cái thiên đường của những nàng tiên áo trắng được nguyên vẹn bình yên giữa bao dồn dập của thời thế. Những biến động của đất nước, bao lớp sóng phế hưng vẫn không ảnh hưởng gì đến ngôi trường Gia Long. Trường vẫn sừng sững uy nghi bảo vệ cho nền giáo dục tự do, bảo vệ cho nhiều thế hệ học sinh được anh lành trau dồi học vấn và phẩm hạnh. Từng lớp học sinh vào trường rồi ra trường, dù có địa vị ngoài xã hội hay làm người nội trợ trong gia đình đều có một giá trị riêng xứng đáng với sự giáo dục của nhà trường. Cho mãi đến một ngày, cái ngày đau thương của trường bị mất tên, cái thiên đường Gia Long mới thực sự tan biến vào dĩ vãng. Thầy trò buồn bã tứ tán. Muôn ngàn trái tim đau thắt nhớ về một thời vàng son đã qua. Kỷ niệm nào còn sót lại, còn nhớ được đều trở thành quý báu, ai ai cũng muốn níu giữ như níu giữ những vưu vật trong đời.
Còn nhớ, ngày đầu tiên tôi nhận lớp là Đệ Lục B11, lớp học nằm phía dãy đường Đoàn Thị Điểm, có 55 học sinh nhỏ bé, vô tư hồn nhiên. Tôi dạy môn Việt Văn, vừa là giáo sư hướng dẫn hiệu đoàn nên gặp các em nhiều giờ trong tuần. Giờ học, các em ngồi khoanh tay trên bàn, đôi mắt nai tơ mở tròn, nghe mà như nuốt vào lòng lời giảng của cô giáo. Giờ ra chơi thì tung tăng đùa giỡn, có khi cột áo dài lại nhảy giây hay rượt bắt, nói cười rộn rã một góc sân. Ô! Cái khung trời Gia Long thần tiên ấy, tuổi thơ của các em mà tuổi trẻ của tôi, bây giờ nhắc lại vẫn là cái gì đẹp đẽ, êm ái, xoa dịu.
Môn Việt Văn (lớp Đệ Thất, Đệ Lục, Đệ Ngũ) gồm có Kim Văn vả Cổ Văn. Kim Văn có hai phần văn xuôi và văn vần. Tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn thường được trích để giảng trong phần văn xuôi. Về văn vần, tôi hay soạn những bài thơ của các tác giả nổi danh thời tiền chiến như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận… với các thể thơ quen thuộc, khuôn phép, chuẩn mực, nội dung thường tả cảnh, tả tình thích hợp với trình độ học sinh. Lúc bây giờ phong trào thơ tự do đã xuất hiện nhiều trên các tạp chí văn học ở Sài Gòn.
Một hôm, tôi bình giảng bài “Tiếng Sáo Thiên Thai” của Thế Lữ. Đây là lần đầu tiên các em được học một bài thơ mới so với các bài thơ cổ điển trong phần cổ văn. Các em ngồi im phăng phắc, mắt mở to ngời sáng. Ngoài sân trường, nắng vàng rực rỡ. Cạnh lớp, sân bóng rổ vắng lặng, vài con chim nhỏ sà xuống nền xi măng nhảy nhót reo vui. Qua khung cửa lớp, tôi thoáng nhìn những nhánh phượng vĩ trên cao, cành lá xanh um đong đưa trước gió. Hình ảnh và âm điệu của tiếng sáo trong thơ Thế Lữ đã làm cho thầy trò mơ màng quên đi cõi trần tục:
“Khi cao, vút tận mây mờ
Khi gần, vắt vẻo bên bờ cây xanh
Êm như lọt tiếng tơ tình
Đẹp như Ngọc Nữ uốn mình trong không
Thiên thai thoảng gió mơ mòng
Ngọc Chân buồn tưởng tiếng lòng xa bay…”
Bài giảng chấm dứt. Thấy các em hớn hở, tôi hỏi thử cho vui: “Có em nào biết ngâm thơ?” Không ai giơ tay cả, nhưng cả lớp nhao nhao chỉ vào em học sinh nhỏ nhất ngồi ở đâu bàn, trên bàn đầu: “Kim Chi, Kim Chi!”. Đó là em Huỳnh Kim Chi rất đáng yêu, hễ các bạn yêu cầu là không hề từ nan; thường là được yêu cầu hát vì em ở trong ban nhi đồng Nguyễn Đức, một ban ca nhạc thiếu nhi có tiếng lúc bấy giờ. Em đứng lên, nhoẻn miệng cười và đọc lại bài thơ với một chút âm điệu trầm bổng. Không biết ngâm nhưng vì biết hát nên giọng em đã làm cho bài thơ trở nên êm ái, linh động, có hồn hơn. Có lẽ đó là lần đầu tiên Kim Chi tiếp xúc với thơ, cất giọng ngâm thô sơ vụng về bài thơ đầu tiên trong đời mình. (Thật không ngờ, em Huỳnh Kim Chi sau này là Ca Sĩ Hoàng Oanh và là một trong những người ngâm thơ nổi tiếng).
Em rất giỏi môn luận văn. Mỗi lần đến giờ trả luận, mặt em sáng rỡ vì biết bài sẽ được điểm cao và đôi khi còn được đọc cho cả lớp nghe. Một vài em khác trong Đệ Lục B11 cũng giỏi Việt Văn mà tôi còn nhớ loáng thoáng: Kha Quỳnh Châu, Nguyễn Trinh Phương Nga, Lâm Thị Hía, Triệu Thị Chơi, Nguyễn Thị Chính v.v… mà sau này các em cũng nổi tiếng trong lĩnh vực thi văn, gia chánh thẩm mỹ, từ thiện xã hội… đều góp phần làm rạng danh cho trường Gia Long.
Riêng em Kim Chi, ngồi ngay bàn đầu trước mặt cô giáo, lại xinh xắn dễ thương nên hình ảnh em trở thành quen thuộc thân yêu với tôi. Mỗi lần vào lớp, bước lên bục giảng vừa đặt cặp sách xuống bàn là tôi bắt gặp ánh mắt, môi cười rạng rỡ của em. Lướt nhìn qua cả lớp, tất cả các học sinh đều tươi vui hồn nhiên như những bông hoa mới nở, lòng tôi thấy lâng lâng nhẹ nhàng. Có lẽ vì thích môn văn hay vì lúc đó tôi còn trẻ, yêu đời, cởi mở mà kim chi đặc biệt rất quý mến tôi. Không biết nói gì để bày tỏ tấm lòng, em đem hình chụp riêng mặc áo đầm bé bé xinh xinh đến ấp úng rụt rè tặng tôi với lời viết phía sau, nét chữ thơ dại đầy tình cảm mặn nồng thương yêu cô giáo. Ảnh này cùng với ảnh các lớp tôi đã từng dạy suốt mấy mươi năm dài (mỗi năm nhà nhiếp ảnh Duy Hy vào trường một lần để chụp hình lưu niệm cho từng lớp với thầy cô), tôi vẫn còn giữ trong rương hành trang của đời mình. Mỗi khi xem lại, vừa vui vừa buồn, vừa ngậm ngùi tiếc nhớ những gì đã qua không bao giờ trở lại nữa.
Vào những ngày nắng đẹp, tôi cùng vài chị bạn đồng nghiệp dạy cùng lớp, chị Nguyễn Võ Lệ Hạnh, chị hoàng Thị Hạ, chị Nguyễn Thị Thư hướng dẫn các em đi du ngoạn Long Hải - Nước Ngọt bằng xe hiệu đoàn; vừa xem ruộng muối vừa vui chơi cùng biển rất thích thú. Đó là những kỉ niệm khó quên.
Dịp Tết Nguyên Đán, khoảng giữa niên học, học sinh thường tổ chức ăn tất niên trong lớp trước khi về nghỉ tết. Các em xếp dọn bàn học lại, bưng bàn cô giáo xuống bày bánh mứt hạt dưa rồi lăng xăng đi mời giáo sư tới dự. Em Kim Chi phụ trách hát giúp vui, còn trổ tài đánh muỗng rất tài tình và vui nhộn.
Những buổi văn nghệ của nhà trường, em luôn có mặt, múa hát hay đóng kịch, phần nào cũng lột tả xuất sắc, như hứa hẹn một thiên tài nghệ thuật.
Niên học trôi qua. Cuối năm học, vào tháng 6, khi hoa phượng nở đỏ, thầy trò chia tay. Tôi còn nhớ, buổi tạm biệt, đứng bên hành lang dãy lớp, Kim Chi và một số em ngập ngừng bịn rịn chào tôi. Trong đôi mắt ướt của thầy trò hình như đều có vài giọt nước mắt long lanh. Ôi! Mấy giọt lệ của thời hoa mộng ấy là những hạt ngọc, hạt kim cương quý giá mà suốt đời ta sẽ không tìm lại được. Các em tiến lên mãi trên đường học vấn, rồi đường đời trải rộng, tuổi thơ sẽ không còn trở lại với các em. Nhiều năm sau đó, tôi cũng không còn xúc động dễ cảm như lúc ban đầu mặc dù mỗi năm tôi đều có học trò mới, cũng ngây thơ dễ thương và tình nghĩa cũng ngọt ngào tròn đầy. Rồi thế sự thăng trầm cùng với những bận rộn gieo neo trong đời sống , tôi không còn theo dõi bước chân của người học trò tài hoa năm xưa. Rồi vật đổi sao dời, thầy trò lưu lạc khắp bốn phương, tôi dạt khắp chân trời góc bể. Ngôi trường cũ, quê hương thân yêu và những người cùng có với ta nhiều kỷ niệm nay đã xa thật xa rồi, chỉ gặp lại trong giấc mơ thôi.
Sau hơn 50 năm, tôi có dịp gặp lại em Huỳnh Kim Chi, người học trò từng một thời nào thuở ấu thơ đã yêu thương tôi, đã say mê nghe tôi giảng bài và đã từng cố gắng vụng về cất giọng ngâm bài thơ “Tiếng Sáo Thiên Thai” để vừa lòng cô giáo, vừa lòng bạn, vì yêu bài thơ hay vì trong tự thân đã tiềm ẩn tài năng thiên phú.
Suốt hơn nửa thế kỷ qua, Hoàng Oanh Huỳnh Kim Chi ngoài sự nghiệp âm nhạc còn nổi danh về ngâm thơ, để diễn ngâm không biết bao nhiêu những tuyệt tác của các thi sĩ danh tiếng, để đưa những lời thơ diễm tuyệt, đã chuyển tải thi tứ, nguồn cảm của thi nhân vào tận ngõ ngách của tâm hồn người nghe, đã ve vuốt lòng người, làm đẹp cuộc đời và đóng góp vào việc gìn giữ cái kho tàng thi ca Việt Nam.
Vẫn đằm thắm dịu dàng, vẫn kính trọng thương mến cô giáo cũ, em nhỏ nhẻ tâm sự: “Em còn nhớ bài thơ “Tiếng Sáo Thiên Thai” mà cô bình giảng và ngày ấy chỉ là đứa bé 12, 13 tuổi, em nào có biết ngâm thơ là gì…” Lòng tôi bỗng dưng chợt vui. Biết đâu, bài thơ lục bát giản dị mà tuyệt mỹ đó đã thầm kín ươm mầm cho một niềm đam mê vần điệu thi ca, khơi nguồn cho em bay cao vào vùng trời nghệ thuật.
Và tôi cũng thật vui khi biết em, giống như hầu hết các cựu nữ sinh khác đã rất xứng đáng với truyền thống giáo dục của trường Gia Long: đầy đủ khoa bảng và vẹn toàn đức hạnh.
Xa cách nghìn trùng nhưng mỗi khi nghe đâu đó giọng ngâm thơ óng chuốt của em, quá khứ lại trở về trong tôi. Tôi mường tượng lại những khuôn mặt trong sáng ngây thơ của đám học trò đầu tiên ấy, sân bóng rổ loang nắng có con chim nhảy nhót trên nền xi măng, nhành lá phượng vĩ rung rung, bảng đen, phấn trắng, bài thơ năm xưa và tuổi trẻ tươi đẹp của riêng mình. Nỗi nhớ đó vừa là niềm đau vừa là niềm hạnh phúc.
Trong tuổi già bóng xế, lưu lạc nơi xứ lạ quê người với đầy dẫy những nỗi khổ niềm đau, hôm nào đó, trên đường phố hay chốn tiệc tùng lao xao bất chợt có người phụ nữ lạ, bước tới, lễ độ, e dè khẽ nói bên tai: “Cô ơi! Em đã từng học với cô ở Gia Long”. Chao ơi! Còn nỗi vui nào hơn. Có khi một ánh mắt, một lời ân cần thăm hỏi của người học trò cũ có thể làm dịu được nỗi khổ đau trong đời. Và cái nhân cách tuyệt vời ấy của nữ sinh Gia Long là một thứ trang sức sáng ngời lộng lẫy hiếm quý trên thế gian.
Đó đây, tôi đã từng gặp những CARNOT của Gia Long như vậy. Nghề dạy học trầm lặng khiêm tốn ít được đền bù, may ra chỉ có niềm vui tinh thần thế thôi.
Cho đến hôm nay, Gia Long đã đi vào quá khứ rồi, chỉ còn trong tưởng tượng, vậy mà những tình cảm thâm trầm kín đáo các em còn dành cho Thầy Cô như là một quà tặng, một lời cám ơn nồng nàn, an ủi biết bao cho buổi hoàng hôn của những người đã từng một thời đứng trên bục giảng, từng có cái duyên dạy dỗ các em trong một chặng thời gian nào đó.
Thì ra, những hạnh ngộ trong một niên học, chỉ một lần trong đời đó thôi tưởng chừng có thể bị cát bụi thời gian vùi lấp, nhưng thật ra vẫn còn như một dấu ấn mãi mãi không phôi pha.
Ai trong chúng ta, chẳng đã từng, chỉ một phút giây gặp gỡ mà hệ lụy cả cuộc đời dài thì sao?
Đối với dòng thời gian trôi chảy bất tuyệt, một niên học chỉ là khoảnh khắc nhưng khoảnh khắc ấy trong tâm tư của người học trò, của người thầy hình như trở thành thiên thu. Nhất là khi tuổi đời chồng chất, mọi thứ đều vuột khỏi tầm tay, khoảnh khắc ở Gia Long là một gốc rễ không ai mướn bứng ra khỏi cuộc đời của mình.
Hôm nay chúng ta còn có nhau, thật là một hạnh phúc lớn. Bằng tâm tưởng, hãy về thăm trường xưa, nơi ta đã có một phần đời gắn bó mà đành lỗi hẹn cuộc hội ngộ trăm năm:
“Trăm năm bến cũ hẹn hò
Cây đa còn đó, con đò khác xưa” (ca dao)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét