khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2021

Bố và Cố với Quất và Tết - Tác giả Lm Nguyễn văn Khải

 

Không cái mất nào to lớn cho bằng mất cha mất mẹ.
Tôi vẫn nghe nói vậy từ bao nhiêu năm nay, nhưng đến khi bố tôi chết cách đây mấy tháng tôi mới cảm nhận được cái mức độ mất mát nó lớn lao và chấn động như thế nào. Nó đích thị là một biến cố xoay chuyển cuộc sống của tôi.
Gần tết tôi lại càng nhớ bố. Nhớ lúc bé, khi tôi còn ở nhà, trong khoảng đất phía sau đầu hồi, luôn trồng mấy khóm quất. Để có quả quất ăn thay chanh và nhất là để tết đến có quất trưng trong nhà.
Có năm quả ít và không kịp chín vàng, trông không đẹp thì bố tôi đi mua mấy chậu. Bố tôi sang tận bên Liễu Đề-Ninh Cường phía bên kia sông Đáy để mua cho đẹp. Không mai, không cúc và thậm chí không đào chứ quất thì luôn phải có.
Tôi không hiểu quất là gì mà quan trọng vậy. Tôi hỏi bố. Bố bảo thì nó đẹp và ăn được. Phải có nó mới thành Tết! Thế các thứ khác cũng đẹp và cũng ăn được sao không trưng mà lại cứ phải là quất? Bố tôi không trả lời được.
Mãi đến khi đã đi tu tôi mới hiểu tại sao nhờ Ông Cố Vũ Thế Hùng, thân phụ Cha Vũ Khởi Phụng, DCCT. Lúc đó vào dịp tết, giữa tiết trời se lạnh, tôi ngồi uống trà hòa nhài bà cố ướp và nói chuyện cả buổi với Ông Bà Cố. Chuyện xưa chuyện nay chuyện đạo chuyện đời. Đủ cả.
Thấy Ông Bà Cố Hùng có chậu quất nhỏ giống như bố tôi chuẩn bị ở nhà ngày trước, tôi mới hỏi Cố tại sao tết lại cứ phải có quất. Cố là con quan Tổng Đốc, từng học chữ Nho, rồi đi du học Pháp, rồi nghiệp khóa đầu của Trường Luật Đông Dương, rồi làm Tri phủ Tĩnh Gia cho đến năm 1945, rồi đi tù CS từ năm 1946 đến năm 1973, vì vậy hiểu biết của Cố rất uyên thâm. Cố giảng cho tôi nghe thế này:
Ngày xưa theo những người theo Nho học coi mai-lan-trúc-cúc là những loài cây cảnh thanh cao, tượng trưng cho lối sống của người quân tử. Người quân tử khi chơi hoa, thì chơi mai lan trúc cúc, chứ không chơi quất, vì quất tượng trưng cho hạng nô tỳ, tức hạng con ở mà ngày nay Miền Bắc mình hay gọi là “osin”.
Vì trái quất tròn lẳn giống như hạng nô tỳ cứ phải vo tròn mình để sống theo ý chủ. Dù cuộc đời đau khổ và tủi nhục thế nào đi chăng nữa, thì quanh năm suốt tháng mặt mày cứ phải tươi tỉnh hồng hào cho vừa lòng chủ khách. Mình không được là mình và thậm chí mình không còn là mình nữa! Do đó, người quân tử chơi gì thì chơi dứt khoát không chơi quất!
Người Việt mình đa số là nông dân chân lấm tay bùn, đâu có được học chữ Thánh Hiền, tức là chữ Nho. Nhưng họ không mặc cảm tự ty, trái lại vẫn tự hào với phận quất của mình, vì họ có cái triết lý riêng của mình về quất. Ông Cố đưa ra nhiều điển tích lại còn đọc cả bài Ái Quất của cụ Nguyễn Khuyến để giảng cho tôi nghe.
Quất dễ trồng và dễ chăm nhất, lại sống quanh năm lá lúc nào cũng xanh tươi tượng trưng cho sức sống mạnh mẽ của dân mình.
Quất quanh năm ra quả và ra rất sai ám chỉ sự sinh sản phong phú và đời sống cộng đồng ấm áp tình nghĩa của dân mình khi hội với nhau thành họ, thành thôn, thành làng, thành nước.
Quả quất tròn lẳn nhắc nhở mình khi sống với nhau phải chấp nhận sự mài giũa của nhau và chấp nhận nhường nhịn nhau để sống.
Quất da lúc nào cũng mịn màng và hồng hào tượng trưng cho ý chí mạnh mẽ và tinh thần lạc quan, yêu đời của dân mình. Dù khó khăn đau khổ vẫn luôn biết tươi nét mặt, biết cười với mọi người. Đến chết, tức là khi quất rụng mặt vẫn tươi.
Quất khi sống không chỉ đẹp để cho người ta ngắm cho vui mắt mà còn có thể dùng làm gia vị cho đồ ăn và nước chấm thêm thơm ngon đậm đà; khi quả rụng xuống có nghĩa là “chết” quất vẫn được dùng làm thuốc để cứu người.
Có hạng tưởng là quân tử, nhưng thực ra họ chỉ là quân tử giả hiệu, đúng hơn là phường tiểu nhân, chẳng sinh ích gì, chỉ sống chết chỉ ăn hại.
Có hạng tưởng là thấp hèn nhưng đấy mới là bậc chính nhân quân tử thật, vì lúc sống sinh ích cho đời lúc chết vẫn còn là phương dược cứu người.
Quất là như vậy!
Quất đấy là hình ảnh của người dân nước mình! Bởi vậy tết đến chơi gì thì chơi, đừng quên chơi quất. Ông Cố kết luận.
Cả đời tôi đi học từ Bắc chí Nam, từ trong nước ra ngoại quốc, tôi từ chưa từng thấy ai nói về văn hóa Việt Nam hay như Ông Cố.
Đến lúc đó tôi mới hiểu tại sao cây quất lại quan trọng như thế trong ngày tết đối với những người nông dân như bố tôi.
Ông Cố đã giải đáp thỏa đáng câu hỏi tôi mang trong lòng từ thuở bé- mà bố tôi không thể giải nghĩa cho tôi.
Về sau tôi nghĩ mình là người Công giáo thì lại càng nên chơi quất, nên dịp tết đi đâu tôi cũng giảng về quất.
Vì quất chính là hình ảnh của Chúa Giêsu.
Ngài mang thân phận xác phàm hèn mọn đấy, nhưng thật ra Ngài là Con Thiên Chúa cao trọng vô cùng. Ngài sống thì mang Tin mừng cho người; Ngài chết vẫn làm phương dược cứu người nơi Bí tích Thánh Thể cực trọng.
Có năm tôi về xứ Báo Đáp, Bùi Chu quê Cụ tổ nhà tôi, cha xứ mời tôi giảng lễ Mùng Hai Tết ở nghĩa trang, tôi cũng giảng quất là hình ảnh của Chúa Giêsu và chúc mọi người sống giống Chúa như quất. Năm sau anh Thắng, người thân nói dịp tết quất trong làng bán hết sạch.
***
Hôm qua gần tết, em trai tôi từ Sài Gòn về quê ăn tết với mẹ tôi. Em nói đang dọn nhà đón tết, tôi hỏi em có trưng quất không! Em nói có! Em trồng cả một chậu quất bên mộ bố tôi nữa! Tôi mừng vì cái hồn của tết bố tôi truyền lại vẫn còn.
***
Ông Cố Vũ Thế Hùng mất năm 2010. Bà Cố mất năm 2011. Cha Vũ Khởi Phụng con Ông Bà Cố- người cha tinh thần của tôi mấy chục năm- mất năm 2016. Bố tôi mất năm 2020. Lúc sống bố tôi và các ngài thường thăm nhau mỗi khi bố tôi ra Hà Nội hoặc mỗi khi các ngài về Phát Diệm. Cuối đời thì cả bốn gặp nhau khá thường xuyên ở Tu viện Thái Hà.
Hôm nay tôi nhớ đến các ngài nhiều quá!
Tôi nhớ những cái tết nghèo khó mà ấm áp với bố mẹ tôi ở quê thuở trước.
Tôi nhớ cái không khí buổi ngồi nghe Ông Cố giảng về quất, uống nước trà ướp hòa nhài của Bà Cố và nghe Bà Cố hát một vài bản ca Huế bà mà mới sáng tác.
Làm lễ và giải tội xong lúc 11 h, tôi đi ra tiệm Castroni gần Vatican tìm thứ trà hoa nhài kia. Tìm mãi cũng ra. Tôi về pha uống một mình để tìm lại chút không khí tết của ngày xưa và tưởng nhớ những người thân đã làm nên đời tu của tôi.
Bao nhiêu cảm xúc trào dâng lẫn lộn.
Thiếu cây quất, thiếu bố tôi, thiếu Ông Bà Cố, thiếu cha Vũ Khởi Phụng, thiếu cha Bùi Thông Giao, thiếu chị Mai và thiếu bao nhiêu người thân thương khác nữa!
Thôi tôi chỉ còn đợi ngày về ăn tết với các ngài trong mùa xuân Nước Trời.

PS. Năm 2003 Cha G.B Hoàng Thanh Huê mời tôi đến giúp tĩnh tâm tại Giáo xứ Tin Mừng, giáo phận Phan Thiết. Buổi tối xong việc, anh em ngồi ở cái hành lang rộng, vừa uống nước vừa nói chuyện. Tôi phát hiện ra ngài cũng là người yêu thơ và biết làm thơ. Ngài đọc tôi nghe bản dịch bài Ái Quất của ngài. Tôi thấy hay nên học thuộc lòng. Nay tôi ghi ra đây cho cả nhà thưởng thức.
YÊU QUẤT
Yêu cúc yêu sen
Yêu gì tùy ý
Tình người thênh thang
Riêng ta
Chỉ luôn yêu quất!
Quất cay không xé lưỡi
Quất chua chẳng rợn người
Quất đắng không như mật
Quất ngọt chẳng chết ruồi
Quất đâu chỉ thơm ngon
Nơi bờ môi chót lưỡi
Quất vẫn luôn chờ đợi
Làm lương dược cứu người
Quất không hề tranh đối
Dành phần thắng phần hơn
Luôn an phận nhỏ nhoi
Vị tha và trìu mến
Tầm thường mà quân tử
Khó thấy nơi trần ai
Ái quất nhi ái nhân
Yêu quất như yêu người./.
Thơ chữ Hán của Nguyễn Khuyến
Bản dịch của Lm. G.B Hoàng Thanh Huê, DCCT.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét