khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Năm, 17 tháng 12, 2020

Tạ Chí Đại Trường, một cái nhìn lịch sử khác- Tác giả Đỗ Lai Thúy

 

Có thể thấy từ những sự kiện nhỏ, lẻ tẻ, Tạ Chí Đại Trường đã kết nối thành vấn đề lớn của lịch sử đất nước. Đây là lối đưa đời thường vào lịch sử, khiến bánh xe lịch sử rời bỏ chốn quan phương về với đời sống sinh động...

    "Phương pháp [cái nhìn] đẻ ra đối tượng" (Ferdinand de Saussure).

    Tôi không học sử nhưng từ nhỏ yêu thích những câu chuyện lịch sử. Bao buổi chăn trâu chụm đầu nghe đọc Hán Sở tranh hùng, Thuyết Đường, Chinh Đông chinh Tây, Càn Long du Giang Nam… Sau này, làm luận án phó tiến sĩ văn hóa học, do chưa có mã số, tôi được ghé vào sử học: lịch sử văn hóa nghệ thuật. Sử nghệ thuật, theo Thái Bá Vân, khác với sử nói chung ở chỗ nó chỉ chọn những sự kiện có giá trị nghệ thuật cao, chứ không phải sự kiện bất kỳ. Từ đó đầu óc tôi dần quen với lối đọc đằng sau sự kiện và nảy sinh sự hoài nghi lịch sử. Hay đúng hơn, hoài nghi những diễn ngôn sử học chính thống.

    Lần đầu tiên đọc Tạ Chí Đại Trường, tôi bắt gặp một lịch sử khác. Đó là tác phẩm Thần, Người và Đất Việt (1989) in ở Mỹ. Thần, Người và Đất Việt mô tả quá trình hình thành và biến đổi hệ thống thần linh Việt qua những phạm trù cơ bản: nhiên thần -> thiên thần -> nhân thần. Đường dây này vừa theo chiều lịch đại (chiều ngang), vừa theo chiều tâm linh (chiều dọc). Bởi vậy, cùng một hiện tượng tín ngưỡng mà thiên thần chồng lên nhiên thần, rồi nhân thần lại chồng lên thiên thần, và cuối cùng con người chồng lên nhân thần. Điều này đòi hỏi trong nghiên cứu quá khứ phải biết tách bóc các lớp văn hóa, như bóc một củ hành. 

    Sử gia Tạ Chí  Đại Trường (1938 - 2016). Ảnh: Nguyễn Việt

    Tuy nhiên, Tạ Chí Đại Trường “không tìm một khuôn mặt nhạt nhòa qua thời gian, mà đi tìm một khuôn mặt hình thành qua thời gian, vì lẽ dĩ nhiên sẽ thấy được khuôn mặt lúc khởi đầu (Lịch sử một thần tích: Phù Đổng Thiên Vương, 1986). Và cái khuôn mặt đã hình thành nhưng còn đang tiếp tục đó chính là các nhân thần, thần hóa thân vào nhân vật lịch sử hay nhân vật lịch sử được thần thánh hóa.

    Trên đất Việt, sự thay đổi của Thần cũng là/do sự thay đổi của Người. Bởi vậy nghiên cứu diễn tiến của thần linh cũng là nghiên cứu lịch sử xã hội người. Đây có thể nói là một cách tiếp cận khác về lịch sử của Tạ Chí Đại Trường. Từ đó, hình thành một lịch sử khác - một lịch sử không có đường ranh giữa cái gì là lịch sử, cái gì là không lịch sử. Càng khác với cái lịch sử được coi là khách quan, duy nhất đúng, mang khẩu khí độc thoại, áp đặt. Đó là quan niệm bước đầu của tân duy sử, được Tạ Chí Đại Trường gọi là dã sử.

    Dã sử không phải là sử dân gian, mang tính bịa đặt do chữ dã có nghĩa là đồng nội, mà theo Từ điển Hán Việt, Đào Duy Anh định nghĩa là “sử của tư gia” (histoire privée). Tuy vậy, chữ “tư gia” ở đây phải hiểu là cá nhân, viết sử theo quan điểm cá nhân, phi chính thống. Có thể thấy rõ điều này trong Những bài dã sử Việt (USA, 1996; Tri Thức, 2009) của Tạ Chí Đại Trường. Một tập hợp các bài tiểu luận viết về những vấn đề hết sức khác nhau. Một bài về ngôi đình làng (Một trú sở Việt của thần linh: cái đình làng), tục thờ Thánh Gióng (Lịch sử một thần tích: Phù Đổng Thiên Vương), một cách làm thủy lợi (Về dấu vết thủy lợi sử dụng chất liệu đá xếp ở vùng Gio Linh - Quảng Trị).

    Rồi Việt Nam thế kỷ X với các ông Hoàng đế - Điền chủ Đại Việt (Thế kỷ X - XIV); thành phần cư dân Đại Việt (Người hay Phật) và Phổ hệ và chế độ nội hôn của họ Trần, cuối cùng là 4 bài về đồng tiền cả ở Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài, cả tiền đồng lẫn tiền giấy (Tiền đúc ở Đàng Trong: phương diện loại hình và tương quan lịch sử, Tiền kẽm và cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Đàng Trong nửa sau thế kỷ XVIII, Về khuôn tiền đá ở núi Voi (Bắc Thái), Tiền giấy ở Việt Nam vào cuối thế kỷ XIV - nửa đầu thế kỷ XV). 

    Có thể thấy từ những sự kiện nhỏ, lẻ tẻ, Tạ Chí Đại Trường đã kết nối thành vấn đề lớn của lịch sử đất nước. Đây là lối đưa đời thường vào lịch sử, khiến bánh xe lịch sử rời bỏ chốn quan phương về với đời sống sinh động. Từ sự mở rộng cả quan niệm lẫn đối tượng sử học như trên, Tạ Chí Đại Trường cấp cho chúng ta Bài sử khác cho Việt Nam.

    Bài sử khác cho Việt Nam là tác phẩm tổng kết suy ngẫm cả đời về sử học của Tạ Chí Đại Trường. Trong sách này có nhiều quan điểm lịch sử mới/khác. Trước hết, Việt Nam đã khai quốc từ lâu, nhưng chỉ khi đến đầu thế kỷ XX mới thực sự trở thành một quốc gia hoàn chỉnh cả về mặt lãnh thổ lẫn ý thức dân tộc. Đây là đất nước của 54 sắc tộc đang cùng nhau sinh sống. Người Việt tuy là tộc chủ thể, nhưng đóng góp của các thành phần khác vào việc hình thành đất nước Việt Nam là không hề nhỏ.

    Bởi vậy, cần phải bài trừ Việt tâm luận nhằm bảo vệ sự đa dạng văn hóa tộc người, tức quỹ gien văn hóa đang rơi vào Sách đỏ. Tiếp theo, trước đây người ta chỉ nói đến vai trò quan trọng trong việc mở rộng bờ cõi của phong trào Nam tiến, mà không biết đến Tây tiến, có khi còn quan trọng hơn. Nếu Nam tiến là một ứng xử chủ yếu của người Việt với bản thân mình, trên hành trình xa rời văn hóa Hán trở về với nguồn gốc Đông Nam Á, thì Tây tiến là ứng xử của người Việt với các tộc người thiểu số phía Tây, phía núi, tạo nên một cái nhìn từ núi, sau khi đã có cái nhìn từ biển, để thoát khỏi cái nhìn từ đồng bằng của người Kinh.

    Cuối cùng là bình thường hóa đối tượng sử học. Sử học trước dây chỉ ghi chép chuyện lớn của đất nước, của tầng lớp thống trị, thì nay, với Tạ Chí Đại Trường, quan tâm đến cả những chuyện nhỏ. Hơn nữa, một sự kiện lịch sử không chỉ có sự độc quyền của diễn ngôn chính thống, mà còn của nhiều diễn ngôn khác. Tuy chưa đạt đến tân duy sử, nhưng Tạ Chí Đại Trường đã đục thủng, phá vỡ diễn ngôn chính thống, tạo một cái nhìn sử học khác cho Việt Nam.

    Tạ Chí Đại Trường trở thành Tạ Chí Đại Trường không phải là nhất thành bất biến, mà là một quá trình. Những sách đầu tay của ông vẫn viết theo lối hàn lâm, chính thống. Cuốn Người lính thuộc địa Nam kỳ (1861 - 1945) thoát thai từ một luận văn tiến sĩ sử học còn nhiều dấu vết trường quy. Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802 (Sài Gòn, 1973; USA, 1991) thì đỡ hơn (*)

    Sử gia họ Tạ chỉ bắt đầu thay đổi khi ông sang Mỹ chỉ mang theo được bộ Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên. Ông đọc đi đọc lại đến mấy chục lần. Nhờ thế, ông đọc thủng cả những gì sau con chữ. Ông viết cuốn Sử học đọc một quyển để lật tẩy cuốn Toàn thư được viết theo quan điểm Nho giáo hẹp hòi. Tạ Chí Đại Trường đã tìm thấy những sự thật giấu mặt. Về sau, ông có điều kiện đọc thêm một vài cuốn sử khác, trong đó có The Birth of Vietnam (Việt Nam khai quốc) của K. W. Taylor để viết nên cuốn Sử Việt đọc vài quyển (Văn Mới, 2004, USA). “Đọc vài quyển” tất nảy sinh đối thoại giữa các con chữ, nên tác giả phải chọn cho mình một chỗ đứng. Tạ vừa là kẻ đứng trong, vì ông là người Việt đọc sử Việt, vừa là kẻ đứng ngoài, không chỉ ở nước ngoài, mà ngoài hệ thống giáo dục cũ, hệ thống chính trị mới; ngoài sự trung thành của sử quan cũ và dân tộc chủ nghĩa của sử gia mới. Chính từ chỗ đứng ngoại vi này Tạ Chí Đại Trường đã hình thành một cái nhìn khác.

    Trước khi ngừng bút, tôi nhớ, trước đây ở miền Bắc và sau cả nước, người ta thường nói đến tứ trụ trong sử học Lâm - Lê - Tấn - Vượng. Song, có người bảo đấy chỉ là bộ tứ của khoa Sử Tổng hợp chứ không của cả giới. Và, không phải ngẫu nhiên mà sử gia Lê Minh Khai đề xuất một tứ trụ mới là Kim Định - Đào Duy Anh - Nguyễn Phương - Tạ Chí Đại Trường. Tôi thấy bộ bốn này tiêu biểu hơn cho cả giới và cũng tầm cỡ, đa dạng hơn. Kim Định là triết sử, huyền sử chứ không phải minh sử. Đào Duy Anh là sử bách khoa, tuy nghiêng về xã hội học, nhưng là khởi điểm của những khởi điểm, trong đó có địa - lịch sử (nước Việt Nam qua các đời). Nguyễn Phương yếu hơn cả trong bộ tứ mới này và là nhà viết sử theo phong cách hàn lâm cổ điển. Duy Tạ Chí Đại Trường, như đã trình bày trong bài viết này, là nhà viết sử theo phong cách hiện đại, đưa ra một cái nhìn lịch sử khác. 

    ____________

    (*) "Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802" là tác phẩm đầu tiên của Tạ Chí Đại Trường được in ở Việt Nam do Nhà sách Song Thủy và NXB CAND xuất bản nhưng chưa phát hành thì bị thu hồi. Gần đây sách được NXB Tri Thức và Nhã Nam chính thức cho ra mắt.


    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét