Làm sao cho giọt nước đừng khô ?
Giọt nước trong veo nơi khí hậu ấm áp, bỗng nắng nôi, gió thốc, biến mảnh hình hài chốc lát trôi giạt về nơi khô khốc. Long lanh như sương sớm đầu ngọn cỏ, nhưng nắng sẽ lên chắp cánh vào ngấn nước bay hút theo triền gió. Giọt lệ kia, tưởng chừng như tuôn trào theo nỗi khổ tự nội chẳng ngưng dứt. Nhưng lệ rồi sẽ cạn, mắt cũng ráo hoảnh như thời gian thiêu huỷ mọi vết thương lòng.
Thời gian làm khô héo tâm can, thời gian làm bay bốc từng giọt nước. Làm sao chận đứng bước thời gian bưng bốc giọt nước khô ?
Thời gian cứ sùng sục đi tới, vững chắc trên nghìn thiên lý, như tinh tú giản nở cái không-thời bất tận. Biết làm sao cho giọt nước đừng khô ? Câu hỏi tưởng chừng không người đáp ?
Nhưng gần ba nghìn năm trước, Phật Thích Ca đã dịu dàng hồi đáp lời thắc mắc “làm sao cho giọt nước đừng khô ? “:
- Hãy thả giọt nước vào biển cả !
Thả giọt nước vào biển cả, dạng thái thong dong, tự tại, lọn lý sum vầy duyên hợp. Giúp người thoát ly hai cực đoan biệt lập, hay bầy đoàn, của lớp người tư kỷ và hạng người đi xích trói. Chẳng ai trường sinh bất tử nơi góc kén. Cũng không ai đời đời vinh quang sau tiếng hô vạn tuế.
Người phải đi về nơi rộng thinh bản thể, vốn chưa hề bị giới tuyến. Bài học nguyên thuỷ của tương sinh, tương tức, tương hợp. Máu cuồn cuộn thuỷ triều trong ta chẳng hề chảy riêng tứ chi nào. Môi không lời riêng cho tim hay óc. Bước chân cất không theo đường vạch sẵn. Chân mở lối tới vùng hào quang trời và đất.
Vì máu là niềm người tuôn cuộn. Môi là cái mấp máy không lời của sinh thức chồm qua sinh tử.
Triết gia Pháp Jean Paul Satre khẳng quyết “Tha nhân là địa ngục – l’Enfer c’est les autres”. Gabiel Marcel, triết gia cùng thời đáp lại “le Ciel c’est les autres – Tha nhân là Thiên đường”.
Riêng Nietzsche, triết gia Đức, phán lời báo hiệu “Thượng đế đã chết” !
Nietzsche quên chăng, vấn đề cần thiết đặt ra trước hết : Thượng đế có từng hiện hữu ? — Hiện hữu tất có lúc chết, vì hiện hữu là quá trình của thành, trụ, hoại, không. Còn như Thượng đế không hiện hữu — thì lấy gì làm cái chết ?
Điều hiển nhiên đã rõ, mọi hiện hữu chẳng có chi tồn tại biệt lập nơi vũ trụ giản nở từ vô thuỷ tới vô chung. Tất cả do duyên sinh cấu thành. Mọi sự mọi vật rỗng không. Nhờ rỗng không nên sum vầy kết hợp, mãi hoài sáng tạo từ vô thủy tới vô cùng.
Khái niệm, quan điểm, hay ý tưởng dựng nên danh tướng, chỉ là thành phẩm của tri thức. Thần, Phật cũng chỉ là danh hiệu hoá thân cho trí tuệ bát nhã.
Câu hồi đáp của Phật khai thị lối nhìn mới về con người và vũ trụ, làm sụp tan mọi thứ triết học, tôn gíao tôn thờ vị trí vĩnh viễn, biệt lập của cá thể, biến dựng ra thượng đế sinh tạo muôn loài theo bóng hình toàn năng của huyễn tượng.
Cá thể biệt lập do ảo giác sinh thành. Trong khi mọi sự mọi vật kết tạo từ duyên hợp. Vật chất cấu tạo từ các potron, electron và khoảng rỗng giữa chúng. Người, vật, vũ trụ là tổng thể của những duyên ngộ vầy vui.
Có cái gì bình đẳng, mến thương, trọng thị qua lối nhìn vận hành kết hợp của tạo vật, mà đạo Phật gọi bằng hai chữ Vô Ngã — không ta, không cái ta biệt lập, tự thị, vĩnh viễn ù lì nơi chốn vốn vô thường. Không ta, nhưng vẫn có ta nơi cái ta hoà nhập vào mọi người.
Vô Ngã là thành tựu qua tiến trình nghiệm sinh, chứ không là suy kết luận lý của bất cứ trường phái triết học nào. Trí tuệ đã vén màn vô minh nhìn thấy thực tại Vô Ngã trong không gian, hay Vô Thường trên thời gian. Nhờ trí tuệ mà lòng từ ái cho vui và cứu khổ hiển sinh. Thấy được mối dệt dính tương sinh duyên khởi, ắt không còn cái ta biệt lập, vị kỷ, mà đổ lòng thương lo âu yếm cho cái toàn thể có ta làm thành tố.
Những người theo chân đức Phật sống tự tại trong tư thế biến dịch của vô thường, và duyên sinh vô ngã, nên lòng phơi phới thoát xa trần luỵ khổ đau. Bởi đầu mối của bi kịch đời người là tham, sân, si. Đạo sư Diệu Hiệp viết ra Mười Điều Tâm Niệm cho tiến trình chứng ngộ Vô Ngã (Đại tạng kinh quyển 47, trang 373d – tr. 374.) :
MƯỜI ĐIỀU TÂM NIỆM
của Đạo sư Diệu Hiệp
Thứ nhất, nghĩ đến thân thể thì đừng cầu không bịnh khổ, vì không bịnh khổ thì dục vọng dễ sinh.
Thứ hai, ở đời đừng cầu không hoạn nạn, vì không hoạn nạn thì kiêu sa nổi dậy.
Thứ ba, cứu xét tâm tánh thì đừng cầu không khúc mắc, vì không khúc mắc thì sở học không thấu đáo.
Thứ tư, xây dựng đạo hạnh thì đừng cầu không bị ma chướng, vì không bị ma chướng thì chí nguyện không kiên cường.
Thứ năm, việc làm đừng mong dễ thành, vì việc dễ thành thì lòng khinh thường, kiêu ngạo.
Thứ sáu, giao tiếp đừng cầu lợi mình, vì lợi mình thì mất đạo nghĩa.
Thứ bảy, với người thì đừng mong tất cả đều thuận theo ý mình, vì được thuận theo ý mình thì lòng tất kiêu căng.
Thứ tám, thi ân đừng cầu đền đáp, vì cầu đền đáp là thi ân có mưu đồ.
Thứ chín, thấy lợi thì đừng nhúng vào, vì nhúng vào thì si mê phải động.
Thứ mười, oan ức không cần biện bạch, vì biện bạch là nhân ngã chưa xả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét