khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Hai, 9 tháng 11, 2020

Chu Văn An Và Tôi - Tác giả Võ Kỹ Điền

 

Những ngày mới định cư ở Montreal, một thành phố lớn của Canada, tôi được người bạn thân rủ đi chơi Quebec. Thành phố nhỏ, đẹp và xinh xắn y như một thành phố bên Tây. (vì lúc nhỏ thường coi mấy hình chụp phong cảnh nước Pháp trong các sách vở, tạp chí) Hai đứa đi thang lang hết đường nầy sang ngỏ kia, cảnh đẹp như tranh vẽ, tôi là nhà quê ra tỉnh, đâm mê man, ngó ngang ngó dọc. Chợt thấy một nhà hàng chuyên các món ăn Pháp thuần túy, có quảng cáo các món ăn ngon thêm câu ngộ nghĩnh -quí khách được coi tay miễn phí. Quảng cáo nầy hấp dẫn quá, tôi khoái chí kéo anh bạn bước vô liền. Sau khi ăn uống no nê, tôi đến bà thầy ngồi phòng bên cạnh, rụt rè chìa ra cái biên lai ăn uống và nhờ coi tay dùm. Gọi là bà chớ thật ra cô đầm nầy còn trẻ, độ chừng trên dưới 30, đặc biệt là khá đẹp. Bà nắm lấy bàn tay tôi, tôi cảm thấy tay bà mát rượi, da đầm sao mà mượt mà, êm ái như nhung. Bà cười nheo mắt, chắc tại tôi hơi run…
Bà nói nhiều chuyện về đời tôi, đại khái tánh tình ra sao, ưa màu gì, tôi ưa số mấy, giao thiệp với bạn bè và hạp với bạn gái hay bạn trai… Tôi nghe vui vui và bất chợt bà nói câu nầy : ông là người có tài nhưng không biết sử dụng cái tài đó. Ông làm cái gì cũng bỏ dở nửa chừng… rồi bà cười và kết luận -cho nên kể như ông không có tài năng gì ráo trọi, làm cái gì không ra cái gì. Lúc đó tiếng Tây tôi còn kém, giọng Quebecois lại khó nghe, đại khái tôi hiểu ý bà là như vậy. Tôi tự ái, hỏi lại -xin bà vui lòng giải nghiã cho tôi hiểu rõ hơn chỗ nầy… Bà chỉ cho tôi đường chỉ tay ngoằn ngoèo -rồi giải nghiã, khi nhỏ, ông sanh ở một nơi cư ngụ một nơi, không theo một trường nào lâu dài, nay học trường nầy, mai học trường kia, làm quen bạn gái, nay cô nầy mai cô kia, chuyện gia đình cũng vậy, nghề nghiệp cũng vậy, nay làm nghề nầy, mai làm nghề kia, nhà cửa cũng vậy, các trò chơi trong đời cũng vậy… Ông mê thì mê mang, hết mê rồi ông bỏ liền không luyến tiếc, tình cảm thì say đắm như nghệ sĩ nhưng lý trí thì của một ông thầy giáo chừng mực, thành ra đời ông cái gì cũng được có phân nửa, làm sao mà thành tựu lớn cho được, phải không nào, ông thử nghiệm lại coi. Rồi bà cười, ngay cả sống ở Việt Nam cũng có phân nửa đời thôi, bây giờ ông ở Canada nè.. mà chưa chắc ở Montreal hoài đâu, rồi ông sẽ đi nữa…
Mùa xuân nầy, tôi đến cư ngụ tại Toronto. Buổi trưa nhận cú phone người bạn mới rủ viết về những kỷ niệm học ở Chu Văn An khiến tôi đâm nhớ miên man và lan man những thầy những bạn Chu Văn An, Chu Văn An…. Những ngày tháng mới lớn. Lời của bà đầm chợt nhớ -ông đâu có học trường nào lâu. Quả đúng y như vậy, chuyện học hành của tôi cũng lung tung, tôi học Chu Văn An chỉ trọn vẹn có một năm, năm Đệ Nhứt, niên khoá 1959 -1960, tính đến nay là một đoạn thời gian quá dài đối với một đời người, có chuyện nhớ và chuyện quên…
Nhớ lại hồi đó, tôi hoàn toàn không có ý niệm nào về việc học, việc chọn ngành nghề. Hễ lớn lên là phải đi học, chớ không phải đi chơi. Như vậy là làm đủ bổn phận rồi, mà bổn phận đối với ai, đối với cái gì thì không biết, vì có ai nói gì đâu mà biết. Đậu xong Tú Tài Nhứt, khoẻ quá tha hồ đi chơi, đi chơi… Có anh bạn hỏi -mầy nộp đơn trường nào chưa. Tôi trả lời tỉnh queo -chưa, còn lâu mà. Anh ta trợn mắt, lâu gì mà lâu, còn có mấy ngày nữa là hết hạn nộp đơn vô mấy trường công rồi, coi chừng không kịp, nộp đơn xong còn phải chờ cứu xét chấp thuận, nếu được thì hay quá, không được thì năm nay mầy học ở đâu?
Tôi nghe mà đâm lo -theo mầy thì bây giờ tao phải làm sao. Anh bạn nói, mầy chỉ còn cách nộp đơn vô học Chu Văn An thôi, vì mầy đậu Bình Thứ, đương nhiên được nhận, chớ mầy nộp Pétrus Ký thì phải chờ cứu xét, rủi đông quá, thì có thể không được.
Tôi bèn ba chưn bốn cẳng xách đơn vô nộp Chu Văn An mà run trong bụng. Việc được học trường nầy là đương nhiên rồi vì có quy định rõ ràng cho người đậu cao, nhưng không phải run vì việc đó, mà tôi là dân Nam kỳ, đáng lẽ phải xin học Petrus Ký. Trường Chu Văn An là của Bắc kỳ, nghe nói học sinh Bắc Kỳ khôn ngoan, lanh lợi và ma mảnh, lại ưa đánh lộn lắm. Tụi nó đánh lộn với tụi học sinh Kỹ Thuật Cao Thắng hà rầm.. tụi Cao Thắng là dân thứ dữ, ưa dùng bù lon, kềm búa, mà không sợ, lại dám đánh lộn thì chắc là phải dữ hơn, tôi đoán vậy. Tôi vốn ở tỉnh nhỏ và chưa quen gặp gỡ bạn bè người Bắc nhiều, thuở đó người Bắc và người Nam còn xa lạ lắm, chớ không như bây giờ.
Trường là một dãy lầu hai từng, trong khuôn viên trường Petrus Ký, trên đường Cộng Hoà, nó vốn là ký túc xá cho học sinh nội trú, bây giờ được dành ra cho Chu Văn An từ ngoài Bắc di cư vô, có hàng rào kẽm gai ngăn đôi hai trường ra. Ở ngay cổng ra vào cạnh Petrus Ký có quán bán bánh cuốn nóng nhưn thịt của vợ con bác tùy phái. Bánh cuốn rất ngon và thơm lừng mùi củ hành phi, không lúc nào vắng khách hàng. Tôi còn nhớ, có lần đương học, đói bụng quá thèm ăn bánh cuốn, trốn học lén ra quán ngồi ăn, bị ông Tổng (giám thị) Lãng đi ruồng, chạy trốn muốn chết, ngày đó bỏ học, lang thang ra chợ Sài Gòn, chun vô coi hát cho hết ngày. Ngày đầu tiên vào lớp, tự nhiên đám Nam Kỳ tụi tôi được chừng chục đứa, sớm làm quen nhau và giành ngồi hết mấy dãy đầu bàn. Mấy bạn còn lại ngồi chỗ nào, tôi không nhớ. Tôi may mắn gặp lại được các bạn thân là Huỳnh Thiếu Hoa và Chiêm Thanh Hoàng, hai bạn nầy cùng học Văn Lang với tôi năm vừa qua. Bàn sau lưng tôi là Triệu Quốc Mạnh, Trương Bửu Sum, Võ Văn Nho, Huỳnh Quảng….
Như vậy trước là thầy, xung quanh tôi là bạn thân hết, có gì mà sợ. Mà quả tình cũng không có gì đáng sợ. Ngày qua ngày, các bạn Bắc cũng hiền lành, cũng ham học, cũng lễ phép… y như tụi Nam chúng tôi và cũng chưa thấy tụi nó đánh lộn lần nào. Nhưng mà chưa chắc giống y, hình như tụi Bắc học giỏi hơn. Tôi thuộc hạng thông minh và khá giỏi, ở mấy trường cũ, Nguyễn Trãi, Văn Lang… thầy giảng bài là hiểu ngay liền, không thua đứa nào. Nhưng mà bây giờ mỗi lần làm bài tập so điểm lại thua vài đứa, nhứt là Nguyễn Hoàng Giáp, ngồi bên góc trái, tận phía sau. Tay nầy ốm ốm đen đen, hơi xấu trai, lầm lầm lỳ lỳ mà sao học hay quá, môn gì cũng nhứt lớp. Tôi đâm ra khó chịu, ganh tức và tìm cách chọc phá.
Nguyễn Hoàng Giáp ngồi tuốt phía sau. Mỗi lần thầy viết bài học trên bảng, thì Giáp đi lên trên cạnh chỗ tôi ngồi, đóng cánh cửa sổ lại, để ánh sánh đừng phản chiếu chói chang, cho dễ thấy. Tôi chờ khi Giáp quay lưng, đưa tay đẩy nhẹ cánh cửa mở ra và ngồi im. Khi Giáp quay về tới chỗ, thì vẫn không đọc được bài. Giáp tưởng là cửa đóng không kỹ bị gió thổi tung ra.. Giáp kiên nhẫn đi trở lên và đóng cửa lại kỹ càng, khi quay lưng đi thì Trương Bửu Sum lẹ tay tháo chốt cửa và mở toát ra… rồi cũng ngồi im ngoan ngoãn. Giáp trở về, nhìn lên bảng đen chói chang, biết có đứa phá và không biết đứa nào, giận dữ và chửi đổng -đồ khốn lạn, lạn, lạn, lạn,… giọng Bắc của Giáp nặng sệt và kỳ cục, giọng Nghệ An -Hà Tĩnh gì đó, vang vang giữa lớp nghe lớn lắm, chữ lạn kéo dài ngoằn. Mấy thằng Nam tụi tôi nháy giọng của Giáp chửi lại -đồ khốn lạng, cũng lớn không thua gì giọng Giáp. Giọng Nam của chúng tôi cũng nghe kỳ cục lắm, khốn lạng, lạng, lạng… Cả lớp lúc đó không còn Nam, Bắc gì hết, xúm nhau lại mà cười rần rần. Giáo sư đang giảng bài là cha Khiết, dạy Triết, cha mặc áo chùng thâm, hiền thiệt là hiền, giữa trưa nóng bức, nghe cả lớp cãi lộn cũng ngừng lại hỏi, các con làm gì mà ồn thế…
Bạn Nguyễn Hoàng Giáp nghe đâu sau nầy là Tiến sĩ Dược Khoa và là giáo sư Đại Học Dược rồi hình như nhập ngũ, bạn có thời là Giáo sư Trường Võ Bị Đà Lạt hay Kinh Tế Chánh Trị, Kinh Doanh gì đó, tôi nghe như vậy mà không chắc… Nếu bạn Giáp tình cờ mà đọc được những dòng nầy thì cười lớn một phát nghen và cứ tha hồ chửi tiếp, cái thằng Võ Tấn Phước nầy khốn lạn thiệt tình…
Cha Khiết, dạy môn Triết thiệt là khó hiểu. Cha không soạn bài, mỗi buổi có giờ dạy thì cha cầm cuốn Triết Học Khảo Luận của Cao Văn Luận, vừa đọc vừa giải nghiã. Giọng cha trầm trầm như đọc kinh. Giữa trưa, nóng bức, lớp học lại đông, không ai còn ham muốn nói chuyện nữa, thiệt là buồn ngủ hết sức. Vậy mà có buổi vui ghê, quên luôn cả việc ngủ gục. Số là vào những ngày gần lễ Giáng Sinh, cha không dạy bài trong chương trình. Cha nói chuyện Chúa Hài Đồng được sanh ra ở thành Bethlem. Chúa ra đời ở máng cỏ ở một xứ sa mạc hoang vu, chuyện sanh nở chỉ trong vài giờ mà cha nói gần hai tuần, vẫn chưa hết… Sau khi nghỉ lễ vô, thì cha nói tiếp những đêm vui Giáng Sinh ở Pháp, ở Anh, ở Hoà Lan, ở Na uy… rồi cuối cùng cha nói tới lễ Giáng Sinh Hà Nội. Có đứa vọt miệng hỏi -thưa cha, tại sao trong đêm Giáng sinh người ta phải ăn réveillon bằng ngỗng. Cha nói đó là tập tục ở Âu Châu, có từ lâu đời. Sau đó cha nói tiếp, ở ngoài Bắc đâu có ngỗng mà ăn, người ta ăn réveillon bằng thịt chó, có gì ăn nấy chớ không bắt buộc.
Việc ăn thịt chó lúc đó còn quá xa lạ đối với học sinh Nam chúng tôi và điều đó cũng là thứ cấm kỵ. Cả đám đâm ra vô phép hỗn hào với cha : -Cha ăn thịt chó, cha ăn thịt chó… Tôi cứ tưởng là cha sẽ giận dữ và rầy la, nào ngờ cha cười hiền hoà và nói -ừ ừ, cha có ăn và thịt chó ngon lắm. Chúa sanh ra muôn loài để cho người ăn thịt như mình ăn thịt bò, thịt heo, thịt gà vậy… Nghe cha nói, tôi chưng hửng và thấy mình sai lầm.
Cha Trần Trinh Khiết chắc đã mất từ lâu rồi, tôi nghĩ như vậy nhưng dáng điệu, cử chỉ khoan hoà, từ ái của cha, tôi còn nhớ mãi. Cha đúng là nhà tu hành và là nhà giáo đầy đạo hạnh. Tôi đem tâm phân biệt, chấp trước nặng nề mà phê phán cha, khó mà tha thứ được, vậy mà cha không để ý đến, coi như là không có… Bây giờ đây tuổi đời khá cao, chuyện đời đã trải, ngọt bùi, chua cay, đắng chát, nếm hết, tôi kính phục thương mến cha nhiều hơn thời còn đi học. Tôi tuy học được những bài Triết khô khan nhưng không học được công phu hàm dưỡng của cha. Lớp Đệ Nhứt của tôi năm ấy 47 học sinh, thấy chơi nhiều hơn học. Vậy mà thi kỳ nhứt đậu ngay 43 đứa và 4 bạn còn lại cũng đậu nốt kỳ nhì. Toàn là đậu hạng cao, chỉ có vài bạn đậu Thứ. Ngộ ghê chưa. Chu Văn An thiệt là giỏi.
Năm ngoái tôi có nói chuyện với bạn Chu Văn An cũ là Chiêm Thanh Hoàng, Thiếu Tá Lôi Hổ hay Biệt Kích gì đó, chủ tịch Hội Ái Hữu Võ Bị Đà Lạt, hiện nay ở Boston. Hoàng nhắc lại Chu Văn An của chúng tôi ngày xưa và hỏi tôi còn nhớ Triệu Quốc Mạnh. Tôi nói -còn chớ sao không, cái thằng hiền lành, mập mập. Hoàng cười -nó mà hiền, mầy có biết bây giờ nó làm gì không. Tôi trả lời tỉnh queo -không. Rồi hỏi -nó làm gì, khá không, có vượt biên như anh em mình không ?
Hoàng cười chua chát và cho tôi biết, sau khi Nguyễn Văn Thiệu từ chức thì Trang Sĩ Tấn cũng từ chức theo, luật sư Triệu Quốc Mạnh thay thế chức vụ Tổng Giám đốc Công An Cảnh Sát thành phố Sài Gòn trong Chánh phủ Trần Văn Hương và Dương Văn Minh. Sau ngày mất nước thì Triệu Quốc Mạnh được trọng dụng và làm lớn hơn nữa, nó vượt biên như anh em mình để làm chi.
Bà thầy coi chỉ tay nói tôi nhiều chuyện, đúng hay sai thì bây giờ chưa biết được. Nhưng chuyện bà nói tôi thường hay đổi trường và học trường nào cũng chỉ có phân nửa thì thiệt là đúng. Nếu tôi học một trường thiệt dài, thiệt lâu như các bạn ở Chu Văn An, Pétrus Ký, Võ Trường Toản, thì có thể hy vọng tôi sẽ giỏi hơn nhiều. Tôi chỉ học Chu Văn An vỏn vẹn có một năm, tiếc quá…
Hình ảnh trung học Chu Văn An tọa lạc khu ngả sáu Cộng Hoà, cạnh bên Tổng Nha Cảnh Sát Đô Thành với hai dãy lầu im lìm, cũ kỹ rêu phong, thấp thoáng trong các tàn lá còng xanh muớt, vẫn còn lưu luyến hoài trong mớ ký ức bề bộn…(sau đó trường sở đổi thành Đại Học Sư Phạm và tôi cũng lại tiếp tục học nơi đây). Nhớ về ngôi trường cũ một thời chợt đến, chợt đi, tuy thời gian có ngắn, có dài nhưng đó cũng là khoảng thời gian đẹp của tuổi hoa niên. Tính ra ngày đó tôi còn trẻ măng, bây giờ già ngắc già ngơ, gần nửa thế kỷ rồi còn gì. Tìm đâu cho ra thời thơ mộng cũ ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét