khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Năm, 8 tháng 10, 2020

Phạm Đoan Trang mà tôi biết, mơ mộng và bướng bỉnh - Tác giả JackhammerNguyễn

 

Khuya ngày 6/10/2020, cô Phạm Đoan Trang bị bắt. Quả thật là tôi không ngạc nhiên và tôi nghĩ rằng Phạm Đoan Trang cũng không ngạc nhiên, một kết cục tất yếu của phong trào đối kháng Việt Nam đi vào tàn tạ, giữa một không khí quốc tế vô cùng bất lợi. Vụ bắt giữ diễn ra ngay sau khi đối thoại nhân quyền Việt Mỹ thường niên kết thúc.

Những dòng tôi sắp viết sau đây không phải để phân tích diễn biến thời cuộc của một người quan sát bàng quan, giống như những bài tôi viết gần đây về Việt Nam, mà là tôi muốn qua Phạm Đoan Trang, nhìn thấy một thế hệ cùng thời với cô, trong một nước Việt Nam đang vất vả trên con đường dân chủ hóa.

Phạm Đoan Trang sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, trung tâm quyền lực cộng sản Việt Nam. Khi Trang lớn lên, những người cộng sản đã thay đổi màu sắc của họ, không còn hàng đoàn người đạp xe trên những con phố Hà Nội tối om, mà đã nhộn nhịp sôi nổi không khí làm ăn, “tích lũy tư bản” như các nhà lý thuyết Marxism thường nói.

Đoan Trang được vào Đại học Ngoại thương, một nơi danh giá thời hậu cộng sản, tiền tư bản. Với mảnh bằng đó, với thân thế lý lịch “sạch”, cô hoàn toàn có thể bước vào một cuộc sống của giới trung lưu mới của xã hội Việt Nam, với cơ man nào là công ty nhà nước có, tư nhân có, nước ngoài có, đang sôi nổi làm ăn.

Mà ngay cả với con đường báo chí mà cô chọn, cô cũng có thể ung dung có được một cuộc sống sung túc, một chiếc ghế thư ký tòa soạn, phó tổng biên tập, thậm chí tổng biên tập của một tờ báo nào đó, đường hoàng có thể có hàng chục lô đất đắt địa, chạy xe Land Rover như bao anh em bạn bè đồng nghiệp khác.

Đoan Trang chọn con đường vất vả nhất ở nước Việt Nam thế kỷ 21, con đường đấu tranh dân chủ.

Đoan Trang có hai tính cách để từ chối hai con đường nhung lụa, chọn con đường khổ ải, đó là lý tưởng và phản kháng, hay nói nôm na là mơ mộng và bướng bỉnh.

Ở thế hệ của Đoan Trang và trước đó một chút là thế hệ của chúng tôi, chúng tôi được giảng dạy về những lý tưởng mà học thuyết cộng sản vẽ ra. Những người giảng bài cũng có thể là rất thành thật, và những học trò chúng tôi cũng thành thật mà tin.

Ngay những ngày đầu tiên Đoan Trang thực hiện những phóng sự trong tư cách phóng viên báo chí nhà nước, một sự thật được phơi bày hoàn toàn khác. Đứng trước sự thật như vậy, một số ít sẽ “làm theo” sự thật đó, tìm kiếm con đường nhung lụa và sung túc, cúi đầu trước quyền lực và nhũng lạm của chế độ để cầu vinh.

Một số đông hơn sẽ yên lặng rút về những khoảng không gian mà chế độ còn cho phép, không còn lý tưởng nửa, nhưng sống an bình, sống cầu an. Những người này có thể đôi khi cũng bực tức trước sự nhũng lạm, nhưng rồi tự nhủ: mình làm gì được?!

Đoan Trang thuộc thành phần hiếm hoi nhất, vẫn tin ở những điều lý tưởng của con người và muốn thực hiện chúng, bằng sự phản kháng bướng bỉnh.

Không phải ngẫu nhiên mà Đoan Trang yêu nhạc Beatles, nhạc của lý tưởng và phản kháng. Loại nhạc phản kháng xã hội tư bản này, trớ trêu thay cũng là dòng nhạc khai tâm cho rất nhiều thanh niên ở những xã hội cộng sản, Việt Nam không ngoại lệ.

Tiếp xúc với xã hội mở phương Tây, một phát hiện làm cho nhà hoạt động phản kháng trẻ tuổi chấn động, đó là ý nghĩa của từ Chính Trị, ở cái nghĩa cốt lỏi của nó, là tất cả những gì liên quan đến cuộc sống hàng ngày của con người.

Phát hiện đó dẫn đến việc cô thực hiện quyển sách Chính trị bình dân, với ý tưởng làm cho dân chúng Việt Nam hiểu được những quyền cơ bản của mình mà đòi lấy, hiểu được rằng chính trị không phải là điều gì xa xôi mà chính là cuộc sống chung quanh, chứ không phải là những vùng cấm chỉ dành cho chi bộ đảng.

Tôi cho rằng nước Việt Nam dân chủ trong tương lai phải ghi nhận Chính trị bình dân là một cột mốc quan trọng.

Với tư chất thông minh, Đoan Trang cũng thận trọng bước đi trong sự hỗn độn vô cùng phức tạp của “phong trào đối kháng”, với những âm mưu, những mục đích khác nhau một trời một vực, của những con người thoạt nhìn đều là những “thành phần phản động” chống nhà nước cộng sản. Cô chủ trương đoàn kết, cho rằng ít nhất họ cũng chống cộng sản. Tính “đúng đắn chính trị” lý tưởng này đôi khi làm cho Đoan Trang phải trả giá đắt, khi những người tưởng đâu cứng rắn nhưng chưa đánh đã khai, những người lẳng lặng giấu “tiền cách mạng” ở chỗ nào không rõ, những người đối kháng chỉ để lấy tiếng ở nước ngoài,…

Với tính cách lý tưởng cô cũng bất ngờ khi những gã dân túy lên cầm quyền khắp nơi trong thế giới phương Tây, dẫn tới việc lộ rõ những kẻ “tiêu chuẩn kép” trong phong trào đối kháng Việt Nam. Lần nói chuyện cuối cùng qua điện thoại với Đoan Trang cách đây hai năm, tôi nghe thấy sự thảng thốt và mệt mỏi của cô khi chứng kiến những gương mặt đó dần lộ rõ.

Giải thích về hành động từ chối ở lại Mỹ mà trở về nước của Phạm Đoan Trang, một người có tham gia vào những phong trào chống cộng sản tại hải ngoại nói với tôi rằng Đoan Trang về nước vì ở lại hải ngoại sẽ chẳng là cái gì cả.

Tôi không đồng ý với anh ta. Đoan Trang về lại Việt Nam vì cô là con người mơ mộng và… bướng bỉnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét