khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2020

Dàn Hợp Xướng Tung Hô Lãnh Tụ - Tác giả Đinh Phụng Tiến

 

Dạo ấy là giữa mùa hè nóng nực, tôi xuống con tầu có tên là “Sông Hương”. Khởi hành từ trại giam Suối Máu, đến bến cảng Saigon để đi ra miền bắc. Người bạn đồng hành của tôi là anh Xuân, Nguyễn Văn Xuân, con người có khuôn mặt khắc khổ và những nét âu lo hằn trên trán như những rãnh cày. Suối Máu là trại giam chuyển tiếp, vì đã có nhiều đợt chuyển tù đến nơi này rồi chuyển đi. Ở đây tôi cũng có thêm vài người bạn mới. Mỗi người một tâm sự, mỗi người một âu lo. Tư trang mang đi chỉ đủ dùng cho thời gian gọi là ăn ở, học tập. Giờ đây quần áo đã rách. Có người lấy những bao cát cạnh bờ rào, khâu lại thành áo để mặc lên người. Phần tôi, cũng có được vài cái bao cát, tháo đường chỉ rồi khâu lại như cái khăn quàng cổ, phòng xa có khi trời trở lạnh. Tình cảnh bắt đầu nhếch nhác thấy rõ. Những buổi chiều, hướng mắt về thành phố mà lòng xót xa. Bên ngoài, xã hội đổi thay ra sao không ai biết. Những ai còn, ai mất? Dân thành phố được khuyến khích đi đến những vùng đất hoang vu gọi là vùng kinh tế mới. Ai không hưởng ứng thì cưỡng bách ra đi. Trong trại lúc này mọi sự việc chưa rõ nét. Nói là tù thì cũng chưa phải, bảo là học tập thì cũng không đúng. Có nhiều người thắc mắc hỏi: Xin cho chúng tôi biết đây là trại giam hay trại học tập như chính quyền vẫn nói? Những câu hỏi này đặt ra hàng đêm trong những buổi gọi là họp hành, sinh hoạt, kiểm điểm.
Rồi thì cũng có một ngày, cán bộ đến giải thích. Hôm ấy vào buổi trưa, toàn trại tập họp ở ngoài sân trống. Người cán bộ đeo súng ngắn, vệ binh mấy chục người trang bị súng AK canh gác trong bầu không khí hết sức khẩn trương. Trước hết cán bộ nói về tình hình thế giới, như phong trào ba dòng thác cách mạng từ châu Á, châu Phi, đến châu Mỹ la-tinh đang sục sôi trong thế tiến công. Bọn tư bản và đế quốc, đặc biệt đế quốc đầu sỏ là đế quốc Mỹ, đang bị đẩy lùi từng bước. Tiếp đến là tình hình trong nước, cách mạng đã thành công hoàn toàn và triệt để, bẻ gẫy mắt xích xung yếu nhất là chiến trường đông dương. Thắng đế quốc Mỹ rồi, chúng ta có liên bang đông dương, ông nói và nhấn mạnh, tình thế không thể đảo ngược. Và quyết định về đường lối của đảng ta là đúng đắn, duy nhất đúng.
Xong, ông nói về tình hình trong trại. Ông bảo, cái cốt yếu là các anh phải an tâm. An tâm tin tưởng. Có an tâm mới cải tạo được. Rồi ông nói, nhưng hiện nay vẫn còn một số người chưa an tâm. Có tiếng nói từ phía “trại viên”, đúng thế. Cán bộ nói, vẫn còn nhiều anh chưa an tâm tin tưởng. Các anh vẫn còn lấn cấn mặt này mặt khác. Có anh đặt câu hỏi là các anh đang ở trong trại tù hay trại học tập cải tạo? Có tiếng nói đúng thế, từ đám đông. Ông ta bảo, này nhé đây là khu trại mà xung quanh có hàng rào kẽm gai, có lính gác, có kỷ luật chặt chẽ, có chế độ ăn uống, lao động và duy nhất là chỉ những người nào có tội đối với xã hội mới vào đây. Những người vô tội không vào đây. Vậy thì tôi nói thẳng, các anh muốn gọi là cái gì cũng được. Các anh muốn gọi là tù nhân, là trại viên, là học viên... là gì gì cũng không sai nhưng phải khẳng định với nhau rằng, chỉ những người có tội mới vào đây. Tuy nhiên, tôi nói cho rõ hơn, trong chế độ xã hội chủ nghĩa là không có nhà tù, chỉ có trường học. Chủ nghĩa xã hội ưu việt là ở chỗ đó, các anh phải nắm vững để khỏi chao đảo. Một anh nào đó nói, nhà tù là trường học và trường học là nhà tù, nhưng cán bộ không nghe thấy.
Khởi hành vào giữa đêm. Cứ hai người chung nhau một cái còng, người này bị còng tay trái thì người kia bị còng chung bởi tay phải. An ninh giải tù như vậy là gần như tuyệt đối. Khi di chuyển, tù nhân sẽ không thể đánh tháo bỏ chạy được. Tôi và Xuân cùng chung một chiếc còng trong hoàn cảnh như thế để bước xuống con tầu Sông Hương. Con tầu chật chội có những khoang chứa hàng hóa, cứ một trăm người một khoang. Ngày hai bữa, từ trên boong thả xuống, phát cho mỗi người một gói mì cho mỗi bữa ăn. Khẩu phần này dù sao cũng khá hơn khi còn ở trên bờ nhưng vẫn đói vì bữa có bữa không. Tiêu tiểu tại chỗ trong cái thùng gỗ, khi đầy được ròng giây kéo lên cùng với một người tù đem đi đổ. Sau đó, nắp khoang tầu đóng kín, đề phòng tù nhân nổi loạn trên đường biển. Ngột ngạt vì thiếu không khí cùng với đủ mọi thứ mùi khiến một tù nhân chết dưới khoang tầu. Xác chết được kéo lên boong ngay, không biết chôn cất ở đâu. Có người nói vất xuống biển làm thủy táng, đó là quy luật hàng hải. Tới lúc đó, nắp khoang tầu mới được mở hé ra chút ít cho có không khí lùa vào. Cho tới mãi về sau, cứ hợp rồi tan như một định mệnh, tôi và Xuân xa nhau sau mỗi lần đổi trại. Rồi lại gặp nhau, ở bên nhau trong lần đổi trại khác trên những nẻo đường của miền bắc Việt Nam.
Trên đường ra xứ bắc xa xôi, dưới boong tầu tăm tối, nồng nực hơi người, hơi phân và nước tiểu cùng với nỗi lo liệu còn có người nào chết ngộp nữa không. Xuân nhắc tới tên đứa con gái đầu lòng và người vợ trẻ ở nhà, không biết họ sẽ sống ra sao khi mà mọi sự đã đổi thay. Xuân là lính trận. Sau mỗi chiến dịch hành quân, được nghỉ phép về với gia đình thời gian ngắn ngủi. Thi, cô giáo của ngôi trường tỉnh nhỏ chỉ được hưởng những ngày vui bên chồng rất ngắn. Cho đến khi bé Vân chào đời thì niềm vui của Thi là đứa con. Xuân vẫn thường xuyên vắng nhà trong những cuộc hành quân xa. Thi ở nhà, với phấn trắng, bảng đen và con. Những ngày xa chồng, Thi sống trong lo âu, mơ ước một ngày hết chiến tranh để mọi người trong gia đình luôn mãi gần nhau. Thuở xưa, cuộc sống của Thi êm đềm. Trong ký ức của Thi, cái thành phố thời ấu thơ đã được đan dệt bằng biết bao những cành hoa phượng đỏ của Hải Phòng, thành phố nhỏ miền bắc. Thi có thể thuộc lòng từng gốc cây, từng vết nứt trên những mảng tường vôi cũ bên con đường từ nhà đến trường. Thành phố biển ấy từng ôm giữ biết bao kỷ niệm. Những lần bố đi xa trở về là những ngày vui. Như sau này những lần chồng về là những ngày vui. Bố chỉ quyết định vào miền nam khi những cuộc đấu tố bắt đầu ở đồng bằng bắc bộ. Lớn lên, gặp Xuân, yêu Xuân rồi thành vợ thành chồng. Những ngày vui ấy bên nhau nơi thành phố núi, Đà Lạt là quê hương của bình yên đã cho Thi cuộc sống êm đềm.
Cho đến ngày... giải phóng, bầu không khí bát nháo cùng cực trên cả nước, có nhiều người liều chết xuống thuyền ra khơi mà không biết sẽ đi về đâu. Nhiều người từ miền trung đổ xô về nam. Cái gia đình nhỏ bé của Xuân kéo nhau về thành phố Saigon để tìm kiếm sự yên ổn hơn là ở lại nơi tỉnh lẻ. Thành phố ngơ ngác chờ đợi những đổi thay. Chỉ vài ngày sau đó, chợ trời mọc lên như nấm sau cơn mưa. Những gia đình khá giả đang muốn tự làm cho mình nghèo đi. Đồ dùng trong nhà đẩy ra đường bán với giá rẻ mạt. Những bộ quần áo cũ nát thay cho những bộ đồ sang trọng trước đó. Bọn đeo băng đỏ lùng sục khắp các khu phố. Ủy ban quân quản thành phố ra lệnh xóa bỏ tàn dư chế độ cũ. Không biết có lệnh từ đâu, những chiếc thùng phuy dựng khắp nơi, đầu đường, đầu ngõ. Đám đeo băng đỏ vào từng nhà moi móc các ấn phẩm không cần biết nội dung ra sao, đem đốt.
Những người lính bộ đội vào thành phố như trẻ con lạc chợ. Các viên chức chế độ mới từ miền bắc vào nam đi săn lùng đồng hồ, radio, bàn ủi, quạt máy đem về bắc. Từng đoàn xe molotova chở “chiến lợi phẩm” từ nam ra bắc ngày đêm. Tất cả đều âm thầm nhưng rất mãnh liệt. Cán bộ tung tin ông Thiệu mang đi mười sáu tấn vàng vốn là tài sản của quốc gia. Đối với nhà cầm quyền mới, người dân lạnh nhạt, thờ ơ. Báo chí bị đóng cửa. Dân Vườn Xoài bày tỏ ý kiến như thời trước bằng cách tụ họp ở đường Trương Minh Giảng nhưng đã bị bao vây chia cắt. Họ bị dẹp ngay bằng súng liên thanh. Số người chết không biết bao nhiêu. Từ đó người ta hiểu rằng trong chế độ mới không ai có quyền bày tỏ ý kiến khác với ý nhà nước. Nhiều người vẫn tiếp tục ra đi. Những người lính miền nam giờ đã trút bỏ quân phục, lẫn vào đám đông, lo lắng và chờ đợi.
Và lệnh của chính quyền đưa ra sau đó, các viên chức hành chánh từ cấp phó phòng trở lên, quân nhân từ cấp úy, cấp tá, tướng, thành phần các đảng phái, nhân viên xã ấp v.v... trình diện học tập. Xuân, cũng như mọi người, theo thông cáo gọi đi học tập với số tiền ăn đóng cho một tháng, dành cho cấp tá. Dạo, ấy tôi nhớ lại, chỉ một tuần sau khi cấp tá ra đi thì cấp úy được gọi đóng tiền ăn cho mười ngày. Cấp tá đã đi rồi, chưa đến hạn về thì cấp úy đi theo. Nghe ra có vẻ hữu lý, cấp bậc cao hơn sẽ học tập lâu hơn. Tôi, cấp úy, đóng tiền ăn mười ngày cũng lên đường. Rồi tá hay úy gì sau đó cũng gặp nhau ở trại Suối Máu để đi ra miền bắc. Tôi quen và thân thiết với Xuân từ dạo ấy. Rồi cứ tưởng rằng một tháng học tập xong sẽ trở về với gia đình, trong một đất nước đã hoàn toàn hết chiến tranh. Cũng tưởng rằng cấp úy sau mười ngày sẽ về. Một tháng trôi qua, rồi nhiều tháng trôi qua... từ những trại ở Tây Ninh, đến Long Khánh, rồi Suối Máu... thì chúng tôi hiểu rằng câu chuyện về việc... học tập một tháng hay mười ngày sẽ không đơn giản như thế.
Khi bước chân xuống tầu Sông Hương, kể như đã hơn một năm Xuân không hề biết gì về tin tức gia đình. Trước khi chuyển ra miền bắc, ban chỉ huy trại có cho mọi người viết thư về nhà. Theo hướng dẫn của cán bộ trại thì nội dung thư chỉ được viết cho gia đình biết là mọi người ở trong trại vẫn đang học tập tốt, sức khỏe tốt. Điều quan trọng là khuyên gia đình nên chấp hành mệnh lệnh của chính quyền cách mạng mà đi định cư ở vùng kinh tế mới. Bởi vì thử thách này sẽ là chìa khóa giúp người thân sớm về đoàn tụ. Kinh tế mới là gì, nào ai biết được. Mãi sau này mới được kể lại rằng những người “tình nguyện” đi kinh tế mới được đưa đến những vùng đất hoang vu. Với hai bàn tay không, tự đào đất, bới cỏ làm sao cho có lương thực để tự nuôi thân. Sau này, hầu hết trong số đó đã bỏ trốn trở lại thành phố thì nhà cửa đã mất sạch. Nhà của họ đã có chủ mới. Những người đi kinh tế mới trở về, bỗng biến thành những kẻ lang thang không nhà không cửa. Đám người này bổ xung cho đội quân ăn xin, mánh mung, buôn bán lặt vặt quanh các khu chợ trời, các cửa hàng mậu dịch nhà nước. Nhiều người đã đi rồi lại quay về. Trước khi phải sử dụng đến biện pháp mạnh, chính quyền mới dùng những người trong trại khuyến khích người thân ra đi. Đó là lý do có đợt thư đến thư đi và dùng người ở nhà khuyến khích người trong trại để trông chờ một hy vọng ngày trở về đoàn tụ. Cả hai phía bỗng trở thành con tin của nhau. Đa số anh em đều đã nhận được hồi âm từ gia đình sau đó. Nội dung những lá thư này đều giống nhau: Khuyên chồng con hãy phấn đấu trong lao động để sớm được hưởng chính sách khoan hồng.
Cùng đi chung dưới tầu Sông Hương dạo ấy là các thành phần an ninh, tình báo, tâm lý chiến và các linh mục đạo công giáo, tu sĩ phật giáo. Linh mục được phân loại là thành phần tâm lý chiến ác ôn nhất. Trước đó, gần đến ngày lễ quốc khánh 2 tháng 9, ban chỉ huy trại giao cho ông linh mục gom số anh em có giọng ca để tập, hát mừng ngày quốc khánh. Ông linh mục này vốn tốt nghiệp tại một trường âm nhạc danh tiếng ở Bỉ: linh mục Công. Trong trại nghiêm cấm xưng hô với nhau theo lối cũ. Anh em bèn gọi thân mật là bố Công. Bố Công tuyển được một “ca đoàn” khoảng ba mươi người. Bố Công tổ chức “ca đoàn” theo kiểu nhà thờ ở các xứ đạo. Sau mười ngày luyện tập gian khổ, cán bộ văn hóa vào kiểm tra trước khi cho trình diễn trong trại.
Hôm ấy bố Công sắp xếp các ca viên theo thứ tự từng hàng ngay ngắn trước, sau rất trật tự. Bản hợp ca hát ba bè có lớp lang. Bố Công cầm một cây đũa ăn cơm thay cho đũa nhịp điều khiển dàn hợp ca, vung đũa về phía trước, mắt nhìn thẳng vào hàng một của “ca đoàn”. Tiếng hát bè một đồng thanh cất lên: ...
Hồ Chí Minh muôn năm...
Đũa nhịp nâng lên cao, đôi mắt nhạc trưởng say sưa, bè hai nối tiếp:...
Hô Chí Minh muôn năm...
Đũa nhịp nâng tít lên trời, mắt nhạc trưởng như nhìn vào một cõi xa xăm, bè ba bốc lên cao tít:...
Hố Chí Minh muôn năm...
Dòng hợp xướng đang đi ngon trớn. Vị cán bộ văn hóa đứng phắt dậy hô, im. Ông bảo, bố láo, bố láo tất, các anh rất bố láo. Dàn hợp xướng ngưng bặt. Bố Công buông thõng cây đũa nhịp, đứng sững sờ. Cán bộ văn hóa mặt đỏ gay gằn giọng, các anh hát cái gì, Hồ... Hô... Hố... là sao? Anh kia (chỉ mặt bố Công), trình độ văn hóa của anh như thế nào? Bố Công chưa kịp phản ứng ra sao thì vị cán bộ hỏi, anh học lớp mấy? Bố Công nói, thưa... . Cán bộ bảo, thưa gửi cái gì..., tàn dư phong kiến..., tôi hỏi anh học lớp mấy? Bố Công nói, cử nhân... . Cán bộ cắt ngang, cử nhân là lớp mấy, tới lớp mười chưa? Bố Công luống cuống, dạ... tới. Cán bộ bảo, lớp mười mà sao anh ngu thế, anh có biết chữ Việt không? Bố Công trả lời, dạ... biết. Biết mà sao anh ngu thế, cán bộ gằn giọng. Mặt bố Công tái mét. Cán bộ bảo, anh có biết bác Hồ là cha già của dân tộc, bác Hồ là danh nhân của cả thế giới... . Bố Công nói rất nhanh, dạ... biết. Cán bộ quát to, biết mà sao anh dám sửa lời, sửa tên họ bác là Hồ... Hô... Hố... anh muốn bôi bác tên Người? Đúng là bọn tâm lý chiến các anh lúc nào cũng xỏ xiên...
Bây giờ thì bố Công hiểu ra rồi. Mặt bố Công thấy cắt không còn một giọt máu, trở nên tái mét. Cán bộ bảo, các anh đứng yên tại vị trí, rồi ông ta đi. Năm phút sau, ông ta trở lại với khoảng một tiểu đội vệ binh, súng ống hườm sẵn. Ông nói với những người vệ binh, các đồng chí trói anh này lại đưa đi giam riêng, tính sau. Còn các anh trong tổ hát theo tôi. Thế là bố Công bị giam riêng, không biết hậu quả sẽ như thế nào. Những “ca viên” đi theo cán bộ văn hóa, được giáo dục về tài năng, đạo đức của bác và nhận hình phạt cấm viết thư về gia đình cho đến khi nào cán bộ nhận xét thấy có biến chuyển, xứng đáng rồi sẽ tính tiếp. Chẳng may cho Xuân, anh là một trong ba chục “ca viên” trong “ca đoàn” hát bản hợp ca hôm ấy! Xuân và những người khác trong “ca đoàn 2 tháng 9” không được viết thư về nhà nên cũng không có hồi âm từ gia đình. Thế là mọi liên lạc bị cắt từ lúc ấy. Xuân không có tin tức gì về vợ con. Anh mang cái tâm tình nặng chĩu ấy xuống tầu Sông Hương. Sau những ngày đêm ngột ngạt và đói khát dưới hầm kín, cuối cùng tầu Sông Hương cũng đã tới bến cảng Chùa Vẽ của thành phố Hải Phòng, miền bắc xã hội chủ nghĩa, vào một buổi chiều mùa hạ. Phải đợi đến nửa đêm, chúng tôi, lại vẫn hai người chung một chiếc còng tay leo lên tầu hỏa, trong những toa chở súc vật để đến một nơi gọi là Yên Bái. Lần này tôi chung còng với một người khác không phải là Xuân nữa. Chắc anh đã được biên chế vào một đội tù nào khác rồi. Đoàn tầu đi trong đêm, mỗi toa chứa sáu chục người, ngồi không được nên buộc lòng phải đứng trong toa tầu khóa kín cửa. Mùi phân bò phân trâu cùng với hơi người ngột ngạt. Một vài khe thông hơi không đủ thoát mùi càng thêm khó thở. Mùa hè miền bắc rất nóng. Tầu đi lúc lắc dập dềnh, chiếc còng chung xiết vào cổ tay đau nhức. Chúng tôi cứ thay nhau từng cặp hai người, luồn lách đến gần khe gió mà hít không khí từ bên ngoài.
Đoàn tầu hỏa ngừng lại giữa một nơi hoang vu vào sáng hôm sau. Chúng tôi không biết là đâu. Chuyển lên xe molotova, đi tiếp. Chúng tôi tới địa điểm mới vào lúc xế trưa. Xuống xe, còng được mở để mọi người rộng tay mang vác tư trang. Ăn vội vài miếng cơm vắt, rồi từ ngoài đường cái, đoàn tù đi vào khe núi ngoằn ngoèo chừng hơn hai cây số thì một khu ruộng nước dưới thung lũng hiện ra. Qua những bờ ruộng nhỏ, rồi suối hẹp, “khu nhà” chúng tôi sẽ ở hiện ra trước mắt. Đó là dẫy lán trại mà chúng tôi sẽ ở lại và học tập, người dẫn đường nói thế. Về sau, tôi biết được rằng khu lán trại này do những người tù từ miền nam đến trước dựng lên để đón chúng tôi. Những người đến trước ấy bây giờ ở đâu, không ai biết. Cả khu lán được dựng hoàn toàn bằng tre vầu của rừng Yên Bái. Mái lợp bằng những thân vầu đập dập. Cột vầu to, vách che thưa mỏng. Nơi nằm cũng đan bằng thân vầu đập dập. Đó là những cái chõng to mà ngày xưa tôi đã từng biết đến ở những vùng quê miền bắc. Nước sinh hoạt được dẫn từ những dòng khe, suối trên núi bởi những máng vầu to. Cách này ta thấy rất phổ biến tại các làng người dân tộc miền thượng du. Quanh trại có hai lớp hàng rào cũng bằng tre vầu và những vọng gác có chòi cao. Chúng tôi có nửa ngày và một đêm để “ổn định chỗ ăn, chỗ ở”.
Hôm sau, “biên chế” các đội, cứ hai hoặc ba đội ở chung trong một lán. Cuối cùng là biên chế đội nhà bếp, gọi thân mật là đội “anh nuôi”. Ổn định xong, bắt đầu đi vào “nề nếp”. Mỗi sáng, vì không ai có đồng hồ nên không biết giờ giấc ra sao, nhưng đã có tiếng kẻng. Kẻng báo thức. Kẻng lao động. Kẻng sinh hoạt. Kẻng ngủ... . Ở đây, sau hồi kẻng lao động, toán vệ binh đứng sẵn tại cổng trại, phát cho tù nhân mỗi người một con dao gọi là dao tông. Đoạn cứ mỗi một vệ binh dẫn khoảng vài chục người đến một bìa rừng đã định sẵn. Anh ta ở lại tại chỗ và chúng tôi chui vào rừng, mỗi người đi một hướng khác nhau để tìm và chặt cây, gọi là cây “vầu”. Chỉ tiêu trong một ngày là mỗi người chặt đủ mười lăm cây, chiều dài phải trên bốn mét rưỡi. Cây vầu dài trên bốn mét rưỡi thì vòng thân của nó phải to gần hai gang tay mới bao kín. Vác một cây vầu chặt xong, xuống bìa rừng đã là một chuyện. Cứ năm cây cột thành một bó, kéo lê từng chặng đường xa.
Trước khi rời trại, nhà bếp cấp cho mỗi người hai miếng bột luộc. Một miếng để lọt lòng bàn tay, dầy hơn một centimét là bữa sáng và một miếng to hơn là bữa trưa. Không cần phải đem theo nước vì nước suối, nước khe tha hồ uống. Làm việc qua trưa gọi là thông tầm. Xong chỉ tiêu, mang vầu đủ mười lăm cây về bãi tập kết, kiểm tra, đếm đủ, trả lại dao tông rồi vào trại. Dạo ấy không có gạo. Liên Xô viện trợ bột mì cứu đói, tù cũng có phần nhưng vì tiêu chuẩn chính sách dành cho tù được theo một định mức bắt buộc, nhà bếp có sáng kiến nhào bột rồi luộc chín cho tù ăn với một tí nước muối. Phần nước luộc những cục bột ấy giống như nước vo gạo dành để cán bộ nấu cám nuôi lợn, cải thiện của cơ quan. “Anh nuôi” có lần đề nghị chia cho “trại viên” để bồi dưỡng thêm vì “cái đó” dù sao cũng vẫn còn là tiêu chuẩn của anh em. Cán bộ không cho, bảo con heo quý hơn mạng người, nhất là loại người phản động. “Trí thức không bằng cục phân”, Mao chủ tịch nói thế, huống chi là con người phản động. Những cơn đói dần dần tích tụ. Những thân hình khỏe mạnh bắt đầu teo tóp. Rừng vầu gần bìa rừng rồi cũng xác xơ thêm. Phải luồn sâu, leo cao mới có cây vầu. Loại vầu dài bốn mét rưỡi càng hiếm. Chỉ tiêu, mức khoán khó đạt. Cán bột phê bình bằng những lời nói nặng nhẹ, xỉ vả, trừng phạt cắt thêm phần ăn, giam riêng, bỏ đói... vẫn không tăng lên được.
Đường đi tìm vầu mỗi ngày thêm xa. Chặt được mười lăm cây vầu to theo định mức, bó lại cứ năm cây một, cả thảy ba bó. Kéo lê từng bó đi theo kiểu chân rết, cuốn chiếu tức là cứ kéo bó thứ nhất đi khoảng một trăm mét thì để đó. Quay lại, kéo bó thứ hai đi vượt qua bó trước một trăm mét tức hai trăm mét. Rồi bó cuối cùng ba trăm. Việc ấy lặp đi lặp lại nhiều lần thì về tới bãi tập kết. Có khi bẩy tám giờ tối mới xong kiểm tra, nghiệm thu. Lúc đầu, rừng vầu còn gần trại. Sau, xa dần. Có khi hàng chục cây số. Đường xa dốc thẳm, cơn đói hành hạ con người khiến “cái khó nó ló cái khôn”, có người nẩy ra sáng kiến “cải thiện” riêng. Nhưng rừng Yên Bái rất lạ kỳ. Không có sinh vật, không có trái cây rừng. Chỉ có vắt và đỉa. Nhưng có những cây chuối rừng, cây này không trái mà mọc tràn lan, chỗ nào cũng có. Chặt một cây, lột vỏ lấy khúc lõi trắng bên trong ăn thì tạm thời cũng cảm thấy đầy bụng. Chỉ được vài ngày, nhựa thân cây chuối thấm vào thành dạ dầy, thấm vào ruột thì biết ngay. Ruột gan xót cào xót cấu. Trong rừng cây vầu, thỉnh thoảng có con chim kêu “bắt cô trói cột” ở đâu đó càng thêm buồn bã. Tuyệt vọng đã lên đến đỉnh điểm rồi. Ngày về xa vời vợi, làm lụng khổ sai kiểu này rồi cũng chết, ăn uống kiểu này rồi cũng chết dần chết mòn theo thời gian. “Trại viên” ngơ ngác thầm hỏi, đóng tiền ăn mười ngày, đóng tiền ăn một tháng... giờ đã gần hai năm rồi khiến mọi thứ đã bay đi. Mây vẫn trôi và gió vẫn bay trên quê hương giờ đã im tiếng súng... nhưng không còn có ai tin rằng quê hương giờ đây đã có thanh bình.
Một buổi sáng điểm danh thấy mất ba người. Tối hôm ấy cán bộ tập họp tù nhân dưới sân dõng dạc nói, đứng trên quan điểm nhân đạo cách mạng, chúng tôi nói cho các anh biết như thế này: Khi đưa các anh tới đây để học tập cải tạo, cách mạng đã có tính toán, không phải vô tình mà để quản lý lỏng lẻo các anh đâu. Các anh vào rừng, không có vệ binh đi theo từng anh nhưng không phải vì thế mà các anh có thể trốn thoát chỗ này. Chúng tôi nói thẳng, các anh cứ để ý mà xem, toàn bộ rừng Yên Bái không hề có một con chim, ngoại trừ con chim kêu “bắt cô trói cột” nhưng sẽ không bao giờ các anh thấy nó. Điều ấy chứng tỏ không có một thứ trái cây rừng hay lương thực gì có thể nuôi sống đến cả chim chóc chứ đừng nói con người. Cho nên lời khuyên là các anh đừng bao giờ nghĩ đến chuyện trốn trại. Cứ yên tâm và tin tưởng ở đây may ra còn có ngày về. Còn đối với ba tên ngoan cố trốn trại trong đêm qua, kết quả ra sao, các anh sẽ biết. Thôi, các anh nghỉ. Đêm ấy trong lán yên lặng như tờ. Số phận ba người bạn ấy ra sao, thoát được hay không chẳng ai biết.
Nhưng chỉ vài ngày sau đó, người ta đem về hai người tù bị trói thúc ké, vào trại. Hôm ấy trại cho nghỉ lao động một ngày để mọi người tận mắt nhìn thấy hậu quả của việc trốn trại. Cán bộ chỉ định hai người đi theo vệ binh, khiêng về một xác chết đặt nằm giữa sân. Người chết bị bắn, đạn xuyên từ hàm bên phải qua thái dương bên trái. Máu đã khô trên khuôn mặt dúm dó như trái táo tàu thuốc bắc. Đó là ba “trại viên” trốn trại hôm trước. Người chết được đem chôn trong một manh chiếu rách ở bìa rừng. Hai người bị trói thúc ké sau đó được mang đi nơi khác, không biết đi đâu. Những ngày sau đó, năng suất lao động vẫn rất kém, chỉ tiêu đề ra không đạt. Cán bộ tập họp, giải thích. Rằng đây là trại học tập cải tạo. Rằng đây không phải nhà tù. Rằng chỉ có lao động mới cải tạo được con người. Con người tiến bộ được như ngày hôm nay là do lao động. Từ khỉ thành người, từ thời hái lượm đến thời lên đến mặt trăng là do lao động. Chỉ có lao động mà chủ yếu là lao động tay chân mới cải tạo được tinh thần các anh. Cán bộ bảo, vì sao năng suất lao động của các anh mỗi ngày mỗi kém đi? Các anh lãn công? Các anh chống đối? Rồi người cán bộ ấy nói, anh nào có ý kiến cứ mạnh dạn phát biểu. Ông ta chỉ vào một người trong đám đông nói, anh kia, cứ mạnh dạn phát biểu thành thực. Cứ nói, mạnh dạn nói. Hợp lý, chúng tôi giải quyết.
Người được chỉ định phát biểu rụt rè nói, chúng tôi không chống đối, chúng tôi không lãn công. Vậy thì vì sao?, cán bộ hỏi. Người tù nói, có hai lý do, một là cây vầu bây giờ mỗi ngày mỗi ở xa hơn, chúng tôi phải mất nhiều thời gian hơn và, thứ hai là... anh ta ngập ngừng ở đây. Cán bộ bảo, anh cứ nói tiếp. Anh nói, suất ăn của chúng tôi... ít quá, chúng tôi đói và kiệt sức... .
Có tiếng xầm xì đồng ý trong đám đông. Cán bộ bảo, vầu ở mỗi ngày mỗi xa hơn, cái này anh nói đúng. Vì cứ chặt mãi ở ven rừng thì nó phải hết, ta phải vào trong hay đi chỗ khác là đương nhiên. Nhưng đây là nhiệm vụ. Các anh không có quyền khước từ lao động. Cán bộ cắt nghĩa thêm, các anh phải hiểu rằng ở đây, trại ta cũng là một đơn vị làm kinh tế. Trại ta cũng như những nơi khác đang làm kinh tế, thi đua làm kinh tế. Hàng hóa trại làm ra đem bán cho hợp tác xã, lợi tức có được, một phần để nuôi các anh, một phần để đáp ứng mọi tiêu chuẩn của cán bộ, chiến sĩ là những người phải bảo vệ, trông coi, giáo dục các anh và, phần khác và là phần chính phải nộp về trung ương theo chỉ tiêu, định mức của trên. Tôi nhắc lại, cán bộ nói, trại chúng ta đang làm kinh tế. Trại ta là một đơn vị kinh tế. Ông ta ngẫm nghĩ giây lâu rồi nói, thế này nhá, để coi xem năng suất có thể cao hơn được không? Thật vô lý với những con người trẻ trung, khỏe mạnh và có trình độ như thế này lại không đạt được chỉ tiêu trên giao? Tôi đánh cược là chúng ta đạt được. Nhất định các anh sẽ làm tròn nhiệm vụ...
Ông nói tiếp, tôi đề nghị thế này, thay vì một cái bánh thông tầm ăn trưa (ý ông nói đến cục bột luộc), trại sẽ cung cấp cho các anh hai cái. Ông ta ngừng dường như chờ phản ứng của “trại viên”. “Trại viên” đồng loạt vỗ tay. Ông tiếp, nhưng cái gì cũng thế, có đi thì phải có lại, cùng lúc năng suất lao động cũng phải tăng. Tăng như thế nào? Không nhiều đâu, nghĩa là hiện các anh đang có định mức là mười lăm cây mỗi ngày thì sẽ tăng lên hai mươi cây. Có tiếng xầm xì, chỉ tiêu nặng quá. Cán bộ bảo, có như thế mới xứng đáng với hai cái bánh chứ. Trong số tù cải tạo, nhiều người nghĩ, dù sao còn được hai miếng bột luộc. Cán bộ nói tiếp, thôi ngày mai chúng ta làm thử. Nếu làm được thì từ ngày kia sẽ có thêm bánh cùng với định mức. Các anh cố hạ quyết tâm để làm cho bằng được việc này. Nào, ta hô “quyết tâm”. “Trại viên” hô quyết tâm. Hôm sau trại viên làm đủ hai mươi cây vầu tức bốn bó thay vì ba bó. Đoạn đường chân rết cực nhọc hơn nhưng hai cục bột luộc hứa hẹn như một rừng mơ mà ngày xưa Tào Tháo dẫn quân đi trong sa mạc.
Lại nhận dao tông lên đường, nhà bếp giao cho hai cục bột luộc ăn trưa. Gói kỹ trong lá chuối, không dám mở ra xem chừng như sợ nó bốc hơi. Buổi trưa ở giữa rừng, trịnh trọng mở phần ăn trưa mới. Đó là hai cục bột luộc chỉ bằng hai cái “lưỡi mèo”, mỗi cái nhỏ, xấp xỉ bằng phần ăn sáng. Dù sao vẫn là hai “cái bánh” cho bữa trưa mà cán bộ đã hứa. Ăn xong vẫn đói như chưa ăn, có khi bao tử bị kích thích còn cảm thấy đói hơn. Không hiểu sao lại như vậy. Hai mươi cây vầu dài trên bốn mét rưỡi cũng đã làm xong vào buổi chiều, về trại. Tiếng xầm xì lại nổi lên, chắc bọn nhà bếp lại bớt xén của anh em. Cùng là đồng cảnh sao nỡ chặn đầu chặn đuôi anh em như thế. Tình nghĩa huynh đệ chi binh để đâu? Hôm sau, có người lén lút gặp một “anh nuôi” hỏi cho ra nhẽ. Tay này mắt ngó trước ngó sau bảo, vẫn chỉ bằng ấy bột thôi nhưng cán bộ bảo phải ngắt ra làm thành... hai cái. Hai cục bột luộc ấy chỉ là một nhưng chỉ tiêu, định mức đã tăng thêm một phần ba rồi.
Một buổi họp quan trọng được triệu tập sau đó. Cán bộ bảo, các anh có đủ khả năng làm hai mươi cây vầu mỗi ngày. Cái này trại biểu dương các anh. Kể từ nay, anh nào không làm đủ định mức quy định thì có nghĩa là chống đối, khước từ cải tạo. Chúng tôi sẽ phê bình, mà phê bình mạnh mẽ đấy. “Vũ khí của phê bình là phê bình bằng vũ khí”, Các Mác nói như vậy. Mọi hậu quả đều do các anh định đoạt. Trại hứa hai cái bánh cho bữa ăn trưa, trại đã nghiêm túc làm rồi. Phần còn lại, các anh tự giải quyết. Từ nay tất cả mọi hậu quả tốt hay xấu đều do các anh định đoạt. Các anh có tự do quyết định cũng như ngày về sớm hay muộn là do các anh. Buổi họp chấm dứt trong lặng lẽ. Ông cán bộ viện dẫn đến cả lời của Các Mác như một tín hiệu hăm dọa của bạo lực. Có tiếng chim kêu “bắt cô trói cột” trong rừng Yên Bái nghe chừng buồn bã. Rừng thiêng Yên Bái là đây. Năm 1930, Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí Việt Nam Quốc Dân Đảng của ông đã bị Pháp hành quyết tại nơi này. Năm ấy ông mới hai mươi tư tuổi đầu. Rất may cho ông, đã “được” bọn Pháp chém đầu, nên sau này ông vẫn còn được ghi danh vào hàng ngũ những người yêu nước. Nếu không, về sau ông cũng bị thủ tiêu bởi những người làm cách mạng vô sản. Đảng cộng sản trừ khử tất cả các đảng phái khác cho dù họ có cùng một mục tiêu chống Pháp. Sau khi mười ba anh hùng Yên Bái rơi đầu, các đảng viên quốc dân đảng trốn chạy những người làm cách mạng vô sản còn hơn cả trốn chạy bọn thực dân.
Lại “cái khó nó ló cái khôn”. Đói quá, một vài “trại viên” có sáng kiến bằng cách không ăn sáng. Để dành miếng bột luộc tiêu chuẩn “lưỡi mèo” đến trưa. Ăn một lúc hai suất sáng trưa hình như thấy có vẻ nhiều hơn. Thật có lý. Lại có người đi xa hơn một bước mới. Không ăn cả sáng lẫn trưa, giấu suất ăn sáng và trưa trong lưng quần, chờ lãnh suất ăn chiều, sau khi điểm danh vào lán trại mới lôi ra ngồi trên sạp thưởng thức luôn một lần. Gồng mình suốt một ngày, với chỉ tiêu hai mươi cây vầu, tưởng là dễ. Việc làm ấy rõ ràng là ảo tưởng, không đánh lừa được cơn đói. Cái dạ dày có lý lẽ riêng của nó. Cũng như con tim có lý lẽ riêng của nó. Nó bất chấp mọi quy luật tâm lý và vật lý, nó chỉ tuân theo quy luật sinh tồn. Nó réo gọi, lên tiếng bằng một thứ ngôn ngữ riêng. Thời đại ngày nay là thời đại của ba dòng thác cách mạng. Từ châu Á, châu Phi đến châu Mỹ la-tinh đang sục sôi tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cái dạ dày bỏ qua mọi xu thế tất yếu này mà đòi được ăn đủ. Cái sáng kiến nhịn đói, ăn gom kiểu trên nghe chừng có lý. Cho nên trong một buổi họp kiểm điểm hàng đêm đã có “trại viên” đề xuất, kiến nghị nhà cầm quyền trại không phát suất ăn sáng. Dùng suất ăn sáng ấy để cộng với bữa ăn trưa thì “cái bánh” buổi trưa sẽ to hơn. Đề xuất này được nhiều “trại viên” nhất trí vì thật ra, cục bột luộc của bữa sáng quá nhỏ, nó chỉ đủ kích thích cái dạ dày thêm đói hơn mà thôi. Lại có đề xuất táo bạo hơn, cộng cả ba suất sáng, trưa, chiều làm một. Sáng kiến này ít được chú ý. Cuối cùng, các đội trưởng đã kiến nghị lên trên đề xuất thứ nhất, bỏ qua không nhắc tới đề xuất thứ hai, dù biết rằng đề xuất này có tính cách mạng hơn nhiều.
Nhà cầm quyền trại nhanh chóng phản hồi. Toàn trại được tập họp ở sân tập kết. Cán bộ trại nói đến những chiến thắng vang dội địa cầu. Cán bộ nói đến một ngày mai tươi sáng khi chủ nghĩa xã hội toàn thắng trên phạm vi toàn thế giới. Cán bộ nói đến phương pháp học tập cải tạo. Cải tạo con người thông qua lao động, lao động là thước đo mức độ cải tạo. Tóm lại là, vật chất quyết định tinh thần. Tuy nhiên, cán bộ bảo, nhà cầm quyền trại đã nghiên cứu kỹ những đề xuất của “trại viên”. Nhưng đề xuất này hoàn toàn trái với chủ trương, đường lối của cách mạng. Ông ta nói, chúng tôi biết các anh ăn như vậy là chưa no nhưng không đói. Dứt khoát là không đói, chỉ chưa no thôi. Bây giờ có kẻ đề nghị gộp bữa sáng và trưa vào làm một, như vậy là một ngày chỉ ăn có hai bữa, đúng không? Như thế là nối giáo cho bọn CIA, bọn thù nghịch nước ngoài đang ra sức nói xấu chính quyền cách mạng. Chúng sẽ rêu rao là cách mạng chỉ cho các anh ăn mỗi ngày có hai bữa. Không, cách mạng nuôi các anh đầy đủ mỗi ngày ba bữa... có ăn sáng, ăn trưa và ăn tối đàng hoàng. Có tiếng nói nhỏ từ đâu đó nhưng mọi người cùng nghe được, vậy thì chia làm năm bữa. Người cán bộ quay về hướng phát ra tiếng nói ấy hỏi, anh nào vừa phát ngôn thế? Không có tiếng đáp, yên lặng trùm phủ nặng nề. Ông ta lớn tiếng một cách gay gắt, anh nào nói giơ tay? Một cánh tay rụt rè giơ lên từ hàng bìa bên trái. Cán bộ bảo, anh đứng lên và ra khỏi hàng. Một người tù gầy yếu đứng lên và bước ra ngoài. Đồng chí vệ binh đâu, giải anh này xuống phòng kiên giam, sẽ làm lệnh sau, cán bộ ra lệnh một cách dứt khoát. Hai người vệ binh bước tới, trói thúc ké người tù ấy và dẫn anh ta đi. Cán bộ nói, giải tán. Đám đông tan hàng về phòng giam. Chúa ơi! Cách mạng bảo đóng cho một tháng, hay mười ngày tiền ăn chứ có bảo đi học tập một tháng, hay mười ngày đâu. Cách mạng bảo sẽ tăng khẩu phần ăn từ một thành hai “cái bánh” chứ có nói tăng lượng bột mì luộc lên gấp hai đâu. Bất chợt, như dàn hợp xướng tung hô lãnh tụ cất vang tiếng hát. Có tiếng chim kêu “bắt cô trói cột” buồn bã.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét