khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2020

Có hay không những hiểu lầm về Phật giáo? - Tác giả Bs Trần Xuân Ninh


1/Hiểu lầm

Hiểu lầm là chuyện thường thấy ở đời. Có những chuyện hiểu lầm người ta bịa ra kể cho vui. Như chuyện nông thôn xưa, riễu anh học trò dốt đi hỏi vợ bị thử tài làm câu đối. Bố vợ là một ông đồ. Biết anh chàng hỏi con gái mình là con nhà giầu nhưng vắng chữ. Mới ra một câu đối cho anh ta đối nhưng cắc cớ đọc từng chữ một. “Thần / Nông /giáo /dân/ nghệ /ngũ /cốc” (Thần Nông –(là một trong tam hoàng thời cổ đại Trung quốc)- dậy dân trồng ngũ cốc). Cậu ấm nhà giầu tối dạ cũng điềm nhiên đối lại từng chữ. Cho nên kết cục thành một câu vô nghĩa làm phì cười mọi người nghe “Thánh/ sâu/ gươm/ quan/ gừng/ tam/ cò”. Hay như chuyện hiểu lầm tai hại cười chẩy nước mắt đầu thế kỷ trước (thế kỷ 20) có hai vợ chồng người Ăng Lê nhà giầu sang Hồng kông du lịch. Vào một tiệm ăn sang trọng bậc nhất để thưởng thức các món ăn cầu kỳ độc đáo. Hai người đem theo một con chó kiểng quý giá. Sau khi duyệt danh sách món ăn, chọn xong xuôi, ngồi chờ. Chợt nghĩ đến con chó cũng cần cho nó hưởng một chút cơm tầu Hồng Kông lạ miệng. Mới gọi phổ ky ra. Phổ ky không biết nói tiếng Anh, và dĩ nhiên du khách Ăng Lê không biết nói tiếng Tầu. Người vợ bèn ra hiệu. Chỉ chỉ vào con chó rồi chỉ lên miệng rồi chỉ chỉ vào bếp. Người phổ ky thông minh cúi rạp đầu đưa tay ra đỡ con chó. Người vợ trao con chó cho phổ ky, nghĩ rằng con chó được đưa vào bếp cho ăn. Một lúc sau, người phổ ky bưng ra một cái khay đẹp đẽ trên đó là con chó quay vàng ngậy, chẳng khác gì con lợn sữa mà hai ông bà Ăng Lê đã gọi để ăn thử.

Cho nên khi thấy hai bài viết nhan đề “Những hiểu lầm về đạo Phật” thì tôi đọc ngay. Để xem tôi có phạm vào một trong những hiểu lầm nêu ra không. Bởi vì tôi đã chú ý tìm hiểu về Phật giáo sau khi đọc quyển Le philosophe et le moine (nhà triết gia và nhà sư), ghi lại cuộc thảo luận của hai cha con Jean Francois Revel và Mathieu Ricard, mua được trong một chuyến nghỉ hè ở Cannes (Pháp quốc), cách đây 25 năm. Revel là một triết gia thiên tả, mê Cộng sản một thời, rồi bỏ Cộng sản, viết quyển sách phản tỉnh chối bỏ cả duy vật lẫn duy tâm nhan đề “Ni Marx ni Jesus” (Không Marx mà cũng không Jesus). Mathieu Ricard có bằng tiến sĩ Sinh học phân tử (biologie moléculaire) ở đại học Paris. Được một học bổng sang đại học Harvard, Boston nghiên cứu tiếp, nhưng đã bỏ không sang Mỹ, sau chuyến đi thăm một tu viện Phật giáo ở Nepal được tiếp kiến vị sư trưởng. Ông đi tu và lâu lâu khi cần thì làm thông dịch viên cho đức Dalai Lama. Tôi đọc bài viết Những hiểu lầm về đạo Phật còn vì cái tên dài nghe kêu vang mà tôi không hiểu nghĩa, của tác giả là Minh Đức Triều Tâm Ảnh. Mở Google ra coi thì được biết đó là bút danh của sư Giới Đức, từng theo Bắc Tông rồi chuyển sang Nam Tông và được nhà nước VC cho trụ trì chùa Huyền Không rộng lớn ở đèo Hải Vân từ năm 1976.

Tôi xin viết ra đây vài nhận định khi đọc bài “Những hiểu lầm về đạo Phật” của Sư, vì không muốn trong tình trạng của người theo Phật giáo như Sư viết là “Không ai dám nhìn thẳng vào mặt mình, không ai dám nói, không ai dám đối diện với những lỗi lầm của mình, mà luôn tìm cách biện minh, bảo vệ cách này hay cách khác”. Mà mục đích là theo ý Sư “phải dũng cảm để gỡ bỏ từng lớp tường rào khái niệm ngăn cách, phải gạn lọc hết những mờ ảo khói sương bên ngoài Phật Giáo đã phủ bụi theo năm tháng, trả lại cho đạo Phật – con đường giải thoát – cái gì như chân, như thực để chúng ta cùng nhau tu tập”.

Tiếp theo Sư viết:

“Chúng ta là Phật tử, đôi khi có rất nhiều người chưa hiểu rõ “đạo Phật” và “Phật giáo” khác nhau thế nào. Ngôn giáo của đức Phật là phương tiện, còn con đường giác ngộ mới là cứu cánh. Đạo Phật là đạo giác ngộ. Vậy nên, những điều tôi trình bày sau đây không ngoài mục đích trả lại sự trong sáng cho đạo Phật, con đường giải thoát như chơn, như thực”

Trước hết trong sách vở chưa bao giờ người viết bài này thấy ở đâu nói “đạo Phật” và “Phật giáo” khác nhau. Thường ngày, đạo Phật hay Phật giáo được coi như đồng nghĩa. Trả lời câu hỏi “ông/bà theo tôn giáo nào” thì câu trả lời là một trong hai tiếng “đạo Phật” hay “Phật giáo”. Và chưa bao giờ có ai trong số những người kể là Phật tử, đi chùa thường xuyên hay không thường xuyên, cũng như một số tăng ni cấp chức cao trọng ở hải ngoại mà tôi có dịp thảo luận, phân biệt như thế. Dĩ nhiên tôi hiểu rằng không phải vì tuyệt đại đa số người nói không thấy một điều gì thì đúng là không có điều ấy. Bởi ai cũng biết rằng cả một đám mù thì chẳng thể nào nhìn thấy gì. Cho nên tôi tiếp tục đọc tiếp lời giải thích trong bài viết, như sau: “Đạo Phật là con đường giác ngộ. Phật giáo là những ngôn giáo của đức Phật. Vậy thì nó khác nhau hoàn toàn. Ngôn giáo của đức Phật là phương tiện, còn con đường giác ngộ mới là cứu cánh”. Vì tò mò tôi đã tiếp tục đọc để xem sự phân biệt trái thường giữa đạo Phật với Phật giáo của MĐTTA có gì để học hỏi về mặt lý luận hay chăng.

2/Trước hết, suy nghĩ về khẳng định “Ngôn giáo của đức Phật là phương tiện”

Ngôn giáo là hai chữ Hán Việt mà nói nôm na chẳng qua đó là lời dậy bảo. Thông thường những lời dậy bảo là của thầy giáo hay của phụ huynh. Nghĩa là kiến thức, là hiểu biết, truyền cho con cái và học trò.

Thầy giáo đem hiểu biết về toán và lý hóa ra dậy cho học trò để lấy lương thì tức là dùng toán lý hóa làm phương tiện kiếm sống. Bác sĩ áp dụng hiểu biết về y khoa ra để chữa bệnh nhân lấy tiền thì tức là dùng y khoa làm phương tiện kiếm sống. Y khoa hay toán lý hóa tự thân không phải là phương tiện mà chỉ là hiểu biết, kiến thức. Trong thời đại ngày nay có một số người Mỹ dùng lời Chúa Kitô giảng đạo trên truyền hình lôi kéo người nghe vô số, ủng hộ tiền bạc đếm không xuể, mỗi khi nói ra là các chính trị gia kính nể. Hoặc là một số người hành nghề tăng sĩ diễn giải kinh sách thuận tai dễ nghe cho quần chúng nên có đệ tử xúm sít vây quanh cúng dường, phụng dưỡng, mà béo tốt, mặt mũi phương phi, có chùa to tượng lớn hoành tráng.

Nói cho rõ, ngôn giáo của đức Phật, đức Chúa được dùng như phương tiện là vậy. Còn nội dung ngôn giáo (tức là kiến thức) không phải là phương tiện.

Ngôn giáo của đức Phật có thể tóm tắt trong bài giảng đầu tiên gọi là Chuyển Pháp Luân, nói về Tứ diệu đế: Khổ tập diệt đạo.

Sau phân biệt như vậy thì MĐTTA đã đi sâu vào chữ nghĩa của những thầy bàn thời nay - tức là các hàn lâm viện sĩ - để mà nói rằng đạo Phật không phải là tôn giáo, mà là triết lý vân vân gồm 7 mục ... Phân biệt ra như thế không giúp chút gì trên con đường diệt khổ cho nên không nói tới ở đây.

Đức Phật sau khi giác ngộ đã giảng đạo chừng nửa thế kỷ. Những giảng thuyết này thu gom bởi nhiều đệ tử viết lại những kinh sách không nhất thiết giống nhau chẳng mấy ai đọc xiết. Nhưng ngôn giáo của đức Phật thì có thể tóm lược trong bài giảng đầu tiên Chuyển Pháp luân Tứ diệu đế (4 chân lý) gồm Khổ Tập Diệt Đạo. Chỉ ra cho thấy rằng: 1/ Đời là bể Khổ (Sinh lão bệnh tử). 2/Nguyên nhân của khổ ở đâu (tức là Tập) : sự ham muốn, ái dục vân vân 3/Muốn hết khổ - tức là tới đạo - đắc đạo, là giác ngộ, thì phải Diệt, tức là tu. Vậy thì Tu là phương tiện, Đạo là cứu cánh. Không tu thì không tới đạo được. Điều này chẳng có gì khó hiểu. Nhiều người trong chúng ta đã nghe bốn chữ tứ diệu đế như nước đổ lá khoai. Nói thế vì chẳng được ích lợi gì chẳng đem lại giác ngộ cho ai. Vì đa số chỉ có đi qua giai đoạn nghe, tức là “văn” và quá lắm là nghĩ xem đúng sai ra sao , tức là “tư” mà không “tu’, không thực hành, cho nên không đi tới đâu. Nói khác đi, ngôn giáo không phải là phương tiện. Mà thực hành ngôn giáo (tu) mới là phương tiện.

3/Ngôn giáo là chữ của sư MDTTA gọi lời dậy của đức Phật. Trong kinh sách, những Nội dung chỉ dậy này của đức Phật gọi là gì?

Ngoài những trường hợp những lời dậy được dùng làm phương tiện trong và ngoài đạo như nói trên, bởi các tăng sĩ và thầy giáo hay các nhà nghiên cứu, thì lời dậy (ngôn giáo) của đức Phật kinh sách gọi là Pháp. Bởi kinh Đại bát niết bàn kể rằng trước khi đức Phật nhập diệt, các đệ tử van xin ngài ở lại hướng dẫn thêm thì ngài đã nói rằng không có ngài thì còn Pháp. Cho nên nếu hiểu như thế thì ngôn giáo, hay Pháp không phải là phương tiện mà cũng không phải là cứu cánh, như MĐTTA nghĩ.

Đến đây thì không thể không nẩy ra câu hỏi: Pháp là gì?

Chữ Pháp đã được dùng rất nhiều trong các kinh sách Phật giáo, với những ý nghĩa lớn nhỏ rộng hẹp khác nhau. Nhỏ thì Pháp là giới luật trong đời sống tu hành, ta không nói tới ở đây. Lớn và tổng quát thì Pháp là những nguyên lý vận hành của con người và vũ trụ, những sự kiện. Thí dụ như mối tương quan nhân- quả-duyên. Thí dụ như ban ngày mặt trời mọc thì sáng, ban đêm mặt trời lặn thì tối. Nước ở thể lỏng, gặp nóng thì bốc thành hơi. Hơi nước gặp lạnh đọng lại thành mưa. Thí dụ Âm với Dương gặp nhau thì chập lại. Ong bướm thì tìm đến hoa…Vân vân…

Các nguyên lý này không phải do đức Phật nghĩ ra, mà bảo là của Phật, tuy rằng người ta hay nói “Phật pháp”. Bởi vì những nguyên lý hay đặc tính vận hành của con người và vũ trụ (mà ví dụ vừa nói ở trên} có từ trước khi đức Phật nhập thế, trong thời gian Phật tại thế và tiếp tục tồn tại sau khi Phật nhập diệt. Trong Bát-nhã-ba-la-mật-đa-tâm-kinh được coi là tóm tắt mọi tinh yếu của Phật giáo, có một câu mô tả Pháp như sau:

“Thị chư Pháp không tướng, bất sinh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm”.

Nghĩa là các Pháp là tướng không, không sinh không diệt, không sạch không bẩn, không tăng không giảm.

Để hiểu câu này nghĩa là gì thì trước hết xin nói về hai chữ “tướng không”.

Trong khoa tướng số Đông phương, người mình trước đây thường nghe nói “ nó tướng ăn cướp”, hay “ nó tướng hiền lành phúc hậu”, “tướng yểu” (tức là chết non), “tướng thọ” tức là sống lâu. Hổ tướng (tức là tướng con hổ), hầu tướng tức là tướng con khỉ. Xà tướng là tướng con rắn. Từ các đặc điểm của các con thú này người ta suy ra đặc tính hành động của con người dáng vẻ giống như thế. Chữ Tướng như thế là dùng để tả ấn tượng có được từ tác phong tư thái của một người, nghĩa là tóm tắt các đặc tính của một người.

Do đó “Thị chư Pháp không tướng, bất sinh bất diệt bất cấu bất tịnh bất tăng bất giảm” là ý nói Pháp không có đặc tính gì cả. Pháp không sinh ra không mất đi, không sạch không bẩn không tăng không giảm, vân vân…Nói cho rõ thì cái tương quan, hay cái lý nhân-quả-duyên không phải là do ai sinh ra, không mất đi đâu cả, không sạch không bẩn, không tăng không giảm. Suy thêm ra nữa thì tức là không xấu không tốt. Hột soài là Nhân, cây soài là quả. Có hột soài mà không có môi trường thuận lợi (duyên) thì không mọc thành cây, sinh trái được. Tương tự như vậy, quả trứng thì sinh con gà, nếu có điều kiện được ủ nóng (duyên). Xem như thế thì đức Phật chỉ ra pháp cho người ta thấy Pháp, nhưng không nghĩ, không tạo ra pháp. Cái tương quan nhân quả duyên, hay cái nguyên lý Nhân quả duyên, không phải của nhà Phật. (Ta biết rằng Tây phương cũng nói đến relation of cause and effect).

Hiểu như trên thì không thể nói như trong bài viết của MĐTTA rằng “Định luật quan trọng nhất của Phật giáo là nhân quả”. Bởi vì Nhân quả chỉ là một pháp trong nhiều pháp Phật đã chỉ ra cho mọi người thấy. Gán cho pháp một đặc điểm là không thấu rõ điều này, vì “thị chư Pháp không tướng” (nghĩa là các Pháp là tướng không) như trên đã nói. Vả lại cho dù không biết đến câu thị chư pháp không tướng, thì người thường ai có nghĩ một chút cũng biết rằng cái sự kiện quả soài sinh cây soài không có tính tốt hay xấu gì cả, không quan trọng nhiều hay ít gì cả. Nó như thế là như thế.

4/Các tông phái Phật giáo hiểu lầm nhau quá nhiều . Đến đây thì xin có ý kiến về một khẳng định khác của MĐTTA trong bài viết, là “các tông phái của chúng ta hiểu lầm nhau quá nhiều”

Chỉ cần suy nghĩ một chút thì ai cũng thấy các tông phái Phật giáo không hiểu lầm nhau, mà hiểu đạo Phật khác nhau, từ những góc nhìn khác nhau, cho nên có cách tu tập khác nhau. Như phái Khất sĩ thì cầm bình bát đi xin, bắt chước theo tinh thần của tu sĩ ngày xưa để hết thời giờ cho tu tập, chỉ đến giờ ngọ mới nghỉ đứng đường xin ăn, ai cho gì ăn nấy. Phái đại thừa thì ăn chay là bắt buộc. Những khác biệt tu tập này, MDTTA cho là có thể dẫn đạo Phật đến sự tàn hoại tha hóa diệt vong. Chuyện này xẩy ra hay không và trong bao lâu nữa thì không dám nói, nhưng kể từ khi đức Phật Thích Ca ra đời đến nay đã mấy ngàn năm chưa mất, mặc dầu trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, sau những tàn sát bởi Hồi giáo và ngăn ngừa phát triển bởi Ấn độ giáo ở Ấn Độ, và những trấn áp thời toàn trị tam vô của Cộng sản Trung hoa và Việt Nam. Cuối cùng từ khi VC biến thái đi vào kinh tế tư bản, Phật giáo bị lũng đoạn chuyển thành mê tín để làm công cụ khống chế quần chúng, nhưng vẫn có những tăng sĩ nghiêm chỉnh tu tập và cư sĩ sưu tầm nghiên cứu về sự phát triển của Phật giáo VN thì sự tiêu vong khó nói là gần đến.

Những cách hiểu khác nhau này, MDTTA so sánh với trường hợp của những người mù sờ voi. Nhưng MDTTA có phải là người nhìn thấy toàn cảnh, nghĩa là cả con voi hay không thì không biết.

5/Sau phần đầu tiên của bài viết phân biệt đạo Phật với Phật giáo, khác nhau như thế nào, một bên là phương tiện một bên là cứu cánh mà chúng ta đã đề cập, MDTTA đưa ra thảo luận về 7 điểm, là: 1-Tôn giáo 2-Triết lý,triết học 3- Tín ngưỡng 4- Triết luận 5- Từ thiện xã hội 6- Cực lạc, cực hạnh phúc 7- Tám vạn bốn ngàn pháp môn. Để mà luận xem đạo Phật có dính líu nhiều ít gì đến những điều đó hay không và để mà gọi “bóc hết đi cho đạo Phât trở về với như chơn như thực”. Bàn thêm ở đây từng điểm thì chỉ là một tiếp tục lý luận chơi nếu có dư thì giờ, như là đã vô số người làm, và như tác giả đã làm chút đỉnh trong bài. Nhưng không ích lợi gì cho việc tìm hiểu hay tu tập vì chỉ mang tính từ chương, giải thích chữ nghĩa theo sách vở vô hồn. Bởi vì cho dù có người nghiên cứu nói triết lý đạo Phật thế này thế nọ thì cũng chẳng hại gì đạo Phật, dù cho rằng đạo Phật là tín ngưỡng hay là tôn giáo, là triết lý hay không thì cũng chẳng sao. Tương tự như trong đời thường dù gọi cái bát cơm, hay cái chén cơm, hay cái đọi cơm, hay cái bowl of rice như người Mỹ hoặc cái bol de riz như người Tây thì cũng vẫn thế.

Tóm tắt thì sau cả một đoạn dài luận về 7 điểm nêu ra tác giả đi đến chỗ khẳng định rằng đạo Phật là như thị, như chơn. Mấy chữ này được nhắc lại nhiều lần từ đầu nhưng cho tới hết bài đã không chỉ ra thế nào là như thị như chơn, dựa trên tiêu chuẩn nào để khẳng định như vậy? Chưa kể rằng có một chỗ trong bài viết có một câu “Do nhờ tuệ giác, đức Phật mới thấy cái gì cũng như chơn như thực”, Rõ ràng là một câu khoa đại theo hứng, vô nghĩa. Đức Phật thấy cái gì cũng như chơn như thực là sao? Thế nào là “như chơn như thực”? Có lẽ tác giả muốn nói đức Phật nhìn mọi sự đúng theo bản chất của chúng, theo cái tinh thần gọi là “như thị” trong đạo Phật: Không diễn giải chế hóa xấu tốt. Cái tinh thần như thị để hiểu thấu đáo không nói ở đây, vì ra phạm vi của bài.

Xem ra thì bằng mấy chữ “như chơn như thực” MĐTTA đã mô tả đạo Phật theo lối tương tự như Nguyễn Du tả sắc đẹp của hai chị em Thúy Vân Thúy Kiều. Là: “Mai cốt cách tuyết tinh thần Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”. Có lẽ vì thế mà tác giả đã dùng bút hiệu MĐTTA tức là ở tư cách nhà văn, thay vì dùng Pháp danh Giới Đức tức là ở vị trí tu sĩ, để ký. Nhằm lôi người đọc vào cái không gian mông lung của tưởng tượng “lên non tìm động hoa vàng” theo “đường xưa mây trắng, theo gót chân Bụt” mà một số tăng sĩ đã xử dụng để lúc ra ngoài thì lọng che và tùy tòng xúm xít sau trước, khi về chùa thì phương trượng oai nghiêm, vườn đào thơm mát, suối chảy róc rách…cũng nhờ sự đóng góp công đức của tín đồ, hy vọng lúc chết được lên Niết bàn.

6/Kết luận nhà văn MĐTTA khuyến cáo đi theo con đường kiểu giáo phái Tiếp Hiện từ Làng Hồng Làng Mai ở Pháp của Thích Nhất Hạnh/Chân Không (Cao Ngọc Phượng) nay đã trở thành vô năng: “There is no way to happiness, happiness is the way” {không có con đường đi đến hạnh phúc, mà hạnh phúc chính là con đường)

qua mấy câu khuyến dụ:

“Tại sao những tu sĩ Phật Giáo không học hỏi, nghiên cứu, biên soạn, sáng tác những tác phẩm văn học, thi ca, thi pháp, văn chương, nghệ thuật để nâng tinh thần xã hội lên mà cứ cúi xuống cho vừa với cái tâm bình phàm dung tục của cuộc đời”. Và

“Ngoài sống đời phạm hạnh, học pháp, học thiền, người xuất gia có thể nghiên cứu giáo dục, văn hoá và các loại hình nghệ thuật như thơ, văn, hội hoạ, nhiếp ảnh… mang tinh thần và tư tưởng Phật giáo để giáo dục mỹ học, các giá trị nhân văn và nhân bản phục vụ tha nhân”.

Theo như khuyến dụ thứ nhất trích dẫn ở trên thì rõ ràng là MĐTTA cho văn học thi ca nghệ thuật là cao quý, mà không hiểu rằng người bình dân Việt Nam đã dư biết, trong câu xếp loại các thành phần xã hội xưa: “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”. Cũng không hiểu rằng sự phân biệt xấu tốt là hoàn toàn chủ quan, do bị điều kiện hóa mà thành. Cái hay đối với mình có thể là vô vị đối với người. Chưa kể rằng khi viết “cái tâm bình phàm dung tục của cuộc đời” là ngược lại với tinh thần đối xử Phật giáo không phân biệt mình với người (tha và ngã). Sự khác biệt nếu có chỉ là ở hoàn cảnh Phật tính đã hiển lộ (ta là Phật đã thành) hay chưa (các ngươi là Phật sẽ thành). Hiểu như thế thì không có “cái tâm bình phàm dung tục của cuộc đời”, tự ý cho mình không dung tục!

Và theo khuyến dụ thứ hai nếu đúng là tính đem các loại hình văn hóa nghệ thuật râu ria hoa lá cành con người vẽ ra để chuyển tải tinh thần và tư tưởng Phật giáo thì phương pháp này xem như có vẻ ngược lại với tinh thần “như thị” căn bản của Phật giáo, có sao nói vậy, nhìn vào bản chất sự vật, gạt hết các che mờ của ngũ uẩn, vô minh để giác ngộ.

7/Đến đây thì có thể nói rằng khẳng định có những hiểu lầm về Phật giáo chỉ là theo chủ quan của cá nhân. Chỉ có những nhận định khác nhau. Khác không nhất thiết là lầm dù rằng có một số đông nghĩ như thế. Vì thế, đã tồn tại có không biết bao nhiêu kinh sách trường phái khác nhau về Phật giáo từ sau khi Phật giảng bài kệ đầu tiên. Nói chung nhìn từ xa khó biết đúng sai, ngay cả dựa trên những dữ kiện vật chất cân đo đong đếm được như chùa to tượng lớn hay Phật tử đông đảo. Ngoài những bất cập và thiếu sót lý luận đã nêu trên, bài viết của MĐTTA cho thấy con đường nhà văn chủ trương như đã nói là phục vụ (hay lôi kéo) những người muốn theo lối ảo “đường xưa mây trắng theo chân Bụt” của phái Tiếp Hiện với cặp Thích Nhất Hạnh-Chân Không, nay đang trên “đại lộ hoàng hôn”. Thành công hay không trong tu tập theo Phật (nghĩa là đắc đạo – hết khổ) chỉ có chính mình biết. Bởi nhìn từ ngoài không ai biết là một người khổ hay sướng. Như qua câu thơ “bề ngoài cười nụ bề trong khóc thầm”.

8/Nhìn cơ ngơi rộng lớn hoành tráng của chùa Huyền Không ở đèo Hải Vân sư Giới Đức kiêm nhà văn MĐTTA trụ trì, cộng với những tác phẩm nghiên cứu kiểu “Những hiểu lầm về đạo Phật” và những nghệ phẩm lãng đãng cảm hứng chen lẫn với khát vọng người ta không khỏi thấy sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với những tín đồ có xu hướng “lên non tìm động Hoa Vàng”. Trạnh nghĩ trong số này không biết có bao nhiêu người tưởng đến ba chữ Văn Tư Tu và chữ Xả trong 4 chữ Từ Bi Hỉ Xả của đức Phật Thích Ca để lại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét