khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Tư, 29 tháng 4, 2020

Trích: Sinh hoạt văn học miền Nam trước 1975, ghi chép những ý nghĩ rời- Tác giả Đinh quang anh Thái


VÕ ĐẮC DANH là người cầm bút đã thành danh ở Việt Nam sau 1975. Anh viết nhiều, các tác phẩm tiêu biểu cho ngòi bút sắc bén của Danh là Nỗi Niềm U Minh Hạ, Đồng Cỏ Chát, Thế Giới Người Điên, Canh Bạc, Đồi Chợ Chợ Đời…

Danh sinh ra trong một gia đình “rặt cộng sản.” Nói theo cách của nhà văn Lê Phú Khải trong cuốn Lời Ai Điếu “những lần họp mặt gia đình ngày giỗ tết, trừ cái cột nhà, ai cũng là đảng viên cộng sản.”
Vậy mà tối 30 Tháng Tư 2019, ngồi với nhau tại nhà tôi, Danh nâng chén rượu, giọng dưng dưng nói “anh em mình cùng mất nước; anh Thái mất miền Nam, còn tui, Việt Nam bây giờ không còn là Việt Nam của tui nữa.”
Tôi bảo Danh, thực ra đất nước mình nào có mất, mà chỉ bị một tập đoàn cưỡng chiếm, cướp đoạt khát vọng của người dân muốn được sống đúng nhân phẩm.
Lần đầu gặp Danh năm 2011, Danh dẫn theo con gái đang học bên Mỹ, anh bảo con “tía muốn con nghe câu chuyện của những người như bác Thái để hiểu tại sao đất nước mình thống nhất mà nhiều người phải bỏ nước ra đi như vậy.”
Danh chào đời vào thời điểm chiến tranh ác liệt nhất; và lớn lên ở Cà Mau, trong vùng “giải phóng”, những phần đất mà Việt Nam Cộng Hòa gọi là vùng mất an ninh hoặc vùng Việt Cộng. Danh nói, phía Việt Cộng gọi vùng Quốc Gia là vùng Ngụy quân Ngụy quyền hoặc là vùng "tạm chiếm."
Tháng Giêng 2020, từ Xẻo Lá gần Sài Gòn, vợ chồng Danh chạy ngược chạy xuôi lo mua vé máy bay để sang Mỹ ‘trốn dịch Covid 19” đang có nguy cơ bùng phát ở Việt Nam và để đoàn tụ với 2 con gái đã định cư tại Nam California từ nhiều năm qua.
Đến thăm Danh, vợ Danh nấu cho ăn mấy món thuần quê Nam Bộ: Cá kèo kho tiêu, canh bầu, thịt luộc chấm mắm ớt. Câu chuyện miên man dẫn đến đề tài sinh hoạt văn hóa của miền Nam trước 1975, Danh nói, ba Danh và cả dòng họ đều đi theo kháng chiến. Ba của Danh hồi ấy là xã ủy viên, trưởng ban binh vận xã nên nhà Danh thường là điểm hội họp của cơ quan ba Danh và có khi cũng là điểm họp của xã ủy. “Vì thế mà những câu nói mang tính ‘thời sự’ của mấy chú, mấy bác sớm gieo vào trí nhớ tôi đến mức thuộc lòng. Những buổi tối, tôi hay bày ra một trò chơi, lấy gối chất thành một vòng tròn trên giường giả làm các ‘nhân sự’ trong cuộc họp, và tôi đóng vai người lãnh đạo, phát biểu với các ‘đồng chí’ trong chi bộ.”
Giọng “rặt” Nam Bộ, Danh hồi tưởng nguyên văn lời đã từng phát biểu trong trò chơi thời thơ ấu: "Thưa các đồng chí, vùng nông thôn giải phóng của chúng ta tuy còn nhiều khó khăn, tuy còn phải chịu mất mát đau thương bởi bom đạn của quân thù, nhưng chúng ta không khổ bằng hàng triệu đồng bào ta ở các đô thị miền nam đang chịu đựng sự kềm kẹp của đế quốc Mỹ, từng ngày, từng giờ họ đang chờ chúng ta về giải phóng . . ."
Tuổi thơ của Danh gắn liền với hình ảnh các “chú Việt Cộng” đêm đêm đem súng về làng. Sau đó, vì chiến tranh ngày càng leo thang, mẹ Danh gởi Danh về quê ngoại để đi học trường tiểu học cộng đồng ở một vùng "tạm chiếm". Danh nói, gọi là vùng tạm chiếm nhưng chỉ cách tỉnh lỵ An Xuyên chưa đến mười cây số. Một vùng ven trù phú và rất bình yên. Thỉnh thoảng có mấy anh mặc đồ đen từ ngoài chợ chạy xe đạp vô dạy đám trẻ cùng tuổi với Danh múa hát, và gọi là đoàn thiếu nhi nông thôn. Sau mỗi buổi sinh hoạt, ông xã trưởng mặc quân phục tới phát cho đám mỗi đứa một ổ bánh mì, ông luôn dặn dò các em phải cố gắng học giỏi, phải biết vâng lời ông bà cha mẹ, phải biết lễ phép với người lớn tuổi, phải biết ôn hòa với bè bạn và em út trong gia đình. Có khi ông đến sớm và cùng vỗ tay và hát với đám Danh:
Em là đoàn thiếu nhi nông thôn
Cùng vui sống bên bờ tre ruộng đồng
Em là đoàn thiếu nhi nông thôn
Biết mến yêu quê mình
Em áo rách nhưng lòng không rách
Em biết yêu cha mẹ khó nhọc
Đổ mồ hôi cho nhà em no ấm
Đổ mồ hôi cho đồng thêm lúa xanh
Danh nói, hàng năm, khi bãi trường thì Danh lại khăn gói về quê, tạm biệt ngôi trường, tạm biệt "vùng tạm chiếm" để về với gia đình ở "vùng giải phóng".
Danh kể “Những chiều êm tiếng súng giao tranh, các anh bộ đội thường ra xóm vui chơi với bà con, tối tối, các anh thường gọi mấy đưa trẻ chúng tôi lại quây quần dạy múa hát:
Qua miền Tân Đức cây là dừa xanh mát
Bóng tre vườn cau đã chứa bao hờn căm
Bộ đội ta về đây giải phóng quê nhà
Quân với dân một lòng
Cùng đồng tâm tiêu diệt hết quân thù

Sau ba tháng hè, ngày tựu trường lại đến, tôi lại trở về ‘vùng tạm chiếm’, lại hát:

Em là đoàn thiếu nhi nông thôn
Em biết yêu cha mẹ khó nhọc . . .

Và cứ thế, tuổi thơ tôi cứ trôi theo dòng chảy của cuộc đời như đám lục bình trôi theo dòng nước, không thể lựa chọn bến bờ.

Thế rồi cái dòng chảy ấy dừng lại thành cái mốc lịch sử 30 Tháng Tư như cái định mệnh cho " triệu người vui và triệu người buồn.”
Danh uống nhiều, và trong vài ba lần gặp nhau, lúc ngà ngà hơi men, có khi Danh còn hát vọng cổ cho tôi nghe. Chất giọng mạnh, sang sảng, Danh hát bài “Ghe Chiếu Cà Mau” hay tuyệt.
Hỏi Danh về kỷ niệm nào đáng nhớ nhất trong ngày 30 tháng Tư năm 75, Danh nói, lúc hơn 10 giờ trưa, “tôi ôm chiếc radio, mở hết volume chạy trong mưa, chạy dài theo xóm, vừa chạy vừa la: Dương Văn Minh đầu hàng rồi bà con ơi ! Giải phóng rồi bà con ơi! Nhưng rồi sau đó không lâu, bỗng một ngày, mấy đứa bạn học cùng trường cùng lớp với tôi mặt mày biến sắc, có đứa khóc ròng vì một sự cố xảy ra: Đánh tư sản! Đang giàu có bỗng trở thành kẻ trắng tay, đang nhà cao cửa rộng bỗng trở thành kẻ vô gia cư. Đứa thì theo cha mẹ vô sân chùa căng lều che mưa che nắng, đứa về quê tá túc với họ hàng, đứa vượt biên, đứa bỏ thây ngoài biển.
Tôi rùng mình nhớ lại trò chơi tuổi thơ, giả làm lãnh đạo phát biểu hùng hồn với mấy chiếc gối quanh giường: . . . Thưa các đồng chí, vùng nông thôn giải phóng của chúng ta tuy còn nhiều khó khăn, tuy còn phải chịu mất mát đau thương bởi bom đạn của quân thù, nhưng chúng ta không khổ bằng hàng triệu đồng bào ta ở các đô thị miền nam đang chịu đựng sự kềm kẹp của đế quốc Mỹ, từng ngày, từng giờ họ đang chờ chúng ta về giải phóng . . ."
***
TUẤN KHANH từng tốt nghiệp Nhạc Viện ở Sài Gòn bộ môn flute và sáng tác nhạc từ năm 17 tuổi. Nhiều năm gần đây, anh là Facebooker nổi tiếng với rất nhiều bài viết nêu lên những thảm trạng của đất nước và con người Việt Nam, và vạch trần những dối trá của chế độ. Có lần, nhà báo Huy Đức, tác giả cuốn Bên Thắng Cuộc, nói với tôi, Khanh viết hay đến độ, nhiều người trong giới cầm bút ở Sài Gòn nói với nhau, sáng sáng thức dậy mong đọc bài của Khanh.
Mỗi lần Khanh từ Việt Nam sang Mỹ thăm gia đình, chúng tôi thường tìm đến nhau để hỏi han tin tức “quê nhà quê người.” Những đêm trò chuyện, nghe Khanh nói, tôi có cảm tưởng lửa đang hừng hực cháy trong lòng Khanh khi Khanh bày tỏ nỗi phẫn uất về những chuyện xảy ra cho người dân trong nước.
Năm nay, dịch Covid 19 đang tàn phá nhiều quốc gia, không thấy Khanh sang chơi. Tôi email về Sài Gòn hỏi Khanh, rằng trong mắt Khanh, sinh hoạt văn học miền Nam ra sao, Khanh email trả lời:
Mùa hè năm 2000, trong một lần trò chuyện với một biên tập viên văn học có tên tuổi từ miền Bắc vào, tôi có nhắc đến việc sắp kỷ niệm 3 năm mất của Bùi Giáng, một thi sĩ lừng danh của miền Nam.
Đó là lần trò chuyện tổn thương đến mức, tôi không sao quên được. Người biên tập viên đầy ắp các tác phẩm văn học cổ điển của Pháp, Đức và Nga đã cười nhẹ, như chừng thương hại tôi ‘Nói thật, Bùi Giáng có gì đâu mà xuất sắc. Chỉ là người miền Nam mấy anh cứ nống lên.’ Tôi sững người, vì chưa bao giờ trong đời đối mặt với một sự phủ nhận tàn khốc đến vậy. Sự phủ nhận cứ như xô tôi – một người miền Nam hoàn toàn trung dung – vào bờ biển như một người bị đắm tàu, trôi dạt và kiệt sức. Để thuyết phục tôi về sự vĩ đại của nền văn học miền Bắc, người biên tập viên ấy kể không ngớt về Nguyễn Khải, Nguyễn Tuân, Xuân Quỳnh, Viễn Phương… tôi im lặng nghe, nhưng trong đầu cứ quay cuồng với suy nghĩ về cái hố sâu thẳm chia rẽ nhận thức của người Việt với người Việt đến vậy. Nhưng tôi quyết định không thuyết phục người đối diện. Bởi, văn hóa hay tri thức, là điều phải tự đến, không phải bằng thắng ở một cuộc tranh cãi.
Gần 10 năm sau, tôi gặp lại người biên tập viên ấy, ở đường sách Sài Gòn đối diện Vương Cung Thánh Đường, nơi các nhà sách đương thời xếp hàng nhau trưng bày các ấn phẩm mới. Nhưng nơi đó, đặc biệt có những quầy sách cũ của miền Nam Việt Nam trước 1975, lúc nào cũng có người cắm cúi tìm, lật, đọc. Người biên tập viên ấy cười, chào và nói anh đang tìm mua một số sách cũ. ‘Ở đây thì đắt nhưng còn chịu được, chứ bọn con buôn vác ra Hà Nội thì đắt gấp mấy lần.’ Trong những chồng sách cũ ấy, có đủ các tác giả được nhà nước cho phép lẫn không vui khi thấy tên. Tôi kéo ra cuốn Hoàng Tử Bé của nhà văn Pháp Antoine De Saint-Exupéry do Bùi Giáng dịch, và nói rằng bao nhiêu năm đọc lại vẫn thú vị. ‘Vâng, Bùi Giáng thì siêu rồi,’ người biên tập viên ấy nói, hào hứng.
Tôi không nhắc lại câu chuyện mà tôi như bị rạch trong tim từ 10 năm trước. Như vậy chắc là đủ. Nhận thức là thời gian, và sự khác biệt của văn học miền Nam là thấm sâu và chiếm trọn trái tim, không cần một sự thuyết phục nào. Văn hóa miền Nam bị giằng xé rách rưới, đứng giữ đống bùn lầy, vẫn mỉm cười kiêu hãnh, bất chấp đạo quân chiến thắng năm 1975 đã trút mọi căm thù lên bằng cách đốt, cấm, bắt cả những người viết sách đi tù.
Tôi được nghe rằng sau năm 1990, có một chỉ đạo từ Hà Nội, rằng những gì mà miền Nam đã có, nguồn lực của chế độ mới có thể thay thế, thì phải ra sức thay, để nhấn chìm văn hóa miền Nam vào quên lãng. Chẳng hạn như sách dịch: cuốn Hoàng Tử Bé, bản gốc Le Petit Prince của nhà văn Pháp Antoine De Saint-Exupéry do Bùi Giáng dịch được thay bằng bản mới là Hoàng Tử Nhỏ. Bố Già, nguyên tác The Godfather của Mario Puzo, bản dịch của Ngọc Thứ Lang, thì được thay bằng bản mới là Ông Trùm. Đỉnh Gió Hú, nguyên bản của Emily Bronté do Nhất Linh chuyển sang Việt ngữ thì thay bằng Đồi Gió Hú…
Rõ ràng, có một chủ trương muốn thay thế và cào bằng đối với văn học miền Nam, nhưng có vẻ như sức sống của một giai đoạn văn chương và tri thức của hai nền Cộng Hòa vẫn đứng vững. Những ấn bản được nhặt lên từ bùn lầy, bị xô giật rách rưới, vẫn tỏa sáng kỳ lạ đến tận hôm nay.
Chuyện kể, để thay sự diễn giải khô cằn. Và thú vị thay, tôi còn nhìn thấy những người bạn trẻ quanh mình, từ phía Bắc, lớn lên và được tắm mát từ những gì đã bị phế bỏ ấy.
***
THÚY HÀ, từng có thời làm thư ký tòa soạn báo Phụ Nữ của đảng. Sau đó Thúy Hà lấy chồng là con một ông sĩ quan “ngụy” cao cấp, cùng chồng sang Mỹ định cư. Hà viết nhiều, và đã viết một số bài về văn học Miền Nam, đặc biệt là về thơ Cao Tần (Lê Tất Điều). Có lần nói chuyện với Hà về thơ Cao Tần, cả hai chúng tôi đều rất tâm đắc bốn câu trong bài “Mai Mốt Anh Trở Về”:
Nếu mai mốt bỗng đổi đời phen nữa
Ông anh hùng ông cứu được quê hương
Ông sẽ mở ra nghìn lò cải tạo
Lùa cả nước vào học tập yêu thương
Tháng Tư 2020, cả thế giới chao đảo vì con virus Covid-19, không ai ra khỏi nhà, nên chỉ nói chuyện với nhau bằng phone, bằng email. Gọi cho Hà hỏi thăm sinh hoạt gia đình cô ra sao, rồi câu chuyện đẩy đưa đến đề tài văn học Miền Nam trước 1975 đối với lớp trẻ sinh ra và lớn lên sau thời điểm đó.
Hai ngày sau, Thúy Hà gửi cho tôi những giòng sau đây:
Covid chợt bùng lên, Chiều Trên Phá Tam Giang còn dai dẳng...
Trong những tuần qua trên Facebook, tôi thấy một số bạn bè mình ở Sài Gòn, ở Hà Nội... đăng tải những tấm ảnh thành phố vắng người kèm theo lời hát "Chiều Trên Phá Tam Giang" như một sự liên tưởng thú vị và thi vị. "Giờ này thương xá sắp đóng cửa... Giờ này thành phố chợt bùng lên..."
Thật lạ, khi một bài tình ca thời chiến lại in dấu trong tiềm thức những người Việt ở lứa tuổi thậm chí còn chưa hề trải qua chiến tranh, ở cả những người sinh ra và lớn lên bên kia chiến tuyến nơi bài hát xuất xứ- một bài hát từng bị cấm đoán tại Việt Nam sau 1975.
"Thật lạ"- đó là cảm giác của tôi năm 18 tuổi lần đầu nghe bài hát này ở một quán cà phê Thủ Đức khi đang là sinh viên Văn khoa năm thứ hai (cuối thập niên 90). Lời tự sự yêu đương, khắc khoải, xao xuyến ấy tự nhiên đi vào lòng người nghe- một cô gái trẻ, là tôi. Lúc đó tôi không hề biết bài hát phổ thơ Tô Thuỳ Yên- trong giáo trình đại học khoa Ngữ văn không hề có tên ông và bóng dáng nền văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975. Khoảng trắng về học thuật đó cũng không hề gợi nên thắc mắc nào trong thế hệ sinh viên-cừu non chúng tôi thời bấy giờ.
"Thật lạ" ở cấp độ cao hơn- "sửng sốt"- là cảm giác hơn 20 năm sau đó, khi tôi lần đầu đọc được nguyên bản bài thơ Chiều Trên Phá Tam Giang trên một trang mạng. Bài thơ nằm ngoài sự tưởng tượng của tôi về Chiều Trên Phá Tam Giang mà tôi chỉ biết lâu nay qua ca khúc.
Bài thơ dài 155 câu, đầy đặn, truyền cảm và sống động như một cuộn phim màn ảnh rộng. Thơ của một người từng là trưởng phòng tâm lý chiến quân đội Việt Nam Cộng Hòa mà lại tự vấn hoang mang thế này ư? Giữa thời điểm 1972 khốc liệt mà người lính ấy lại độc thoại, trăn trở, suy tư về thân phận, về chiến tranh, về sống chết, về tuổi trẻ, về tình yêu và về sự thương xót đến như vậy ư? Nhất là cái tình con người thương xót con người- với kẻ thù bên kia chiến tuyến, khi cả hai đều không thoát khỏi bánh xe lịch sử và cùng phải đối mặt với tử thần.
Điều gây ấn tượng mạnh với tôi về bài thơ ngoài nghệ thuật ngôn từ chính là cái chất Người lộng lẫy ấy. Con Người được bày tỏ tận cùng tâm trạng của mình trước thời cuộc mà không bị trói buộc bởi ý thức hệ, mưu toan chính trị hay chế độ kiểm duyệt nào. Tôi tìm đọc thơ Tô Thùy Yên cũng từ đó, và yêu thích thơ ông cũng từ đó, tuy trễ tràng nhưng vẫn kịp. Sau này tôi biết thêm: Chiều Trên Phá Tam Giang được coi là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất của nền thi ca miền Nam giữa cuộc chiến.
Những tuần qua, việc lock down, cách ly xã hội diễn ra gần như trên toàn cầu và nhu cầu bày tỏ tâm trạng của con người trước biến loạn thời cuộc bằng văn chương nghệ thuật lại trỗi dậy. Và không phải ngẫu nhiên những người bạn của tôi những ngày này bỗng nhắc lại bài thơ Chiều Trên Phá Tam Giang của Tô Thùy Yên, và Trần Thiện Thanh phổ thành ca khúc, xem lại những bức tranh về sự khủng hoảng cô đơn của Edward Hopper...
Nghệ thuật đích thực về con người sẽ trường tồn dai dẳng, mà Covid-19 chỉ là cơn dịch có nhiệm vụ nhắc nhớ chúng ta...
***
TỐNG VĂN CÔNG từng có 56 năm là đảng viên Cộng Sản và từng là tổng biên tập báo Lao Động, một trong những cơ quan tuyên truyền “mũi nhọn” của chế độ. Ông bỏ đảng năm 2014 và xuất bản tại Mỹ cuốn hồi ký 'Đến già mới chợt tỉnh - Từ theo cộng đến chống cộng'.
Đến thăm ông vào một chiều cuối Tháng Năm 2016 khi vợ chồng ông vừa từ Việt Nam sang định cư tại căn nhà người con gái ông ở thành phố Stanton-California. Tuổi đã ngoài 80, ông nhìn vẫn khỏe, đôi mắt tinh anh, nước da “như còn bám chút phèn” của vùng quê Bến Tre của ông.
Gặp lần đầu tiên nhưng bản tính xởi lởi Nam Bộ của ông làm tôi không còn rụt rè. “Chú ở lại ăn cơm với anh chị nhé,” ông Công nói “thẳng như ruột ngựa” và coi như đương nhiên tôi nhận lời. Bữa cơm có Thúy Hà, từng một thời là thư ký tòa soạn báo Phụ Nữ của đảng. Chính nhờ Hà và một nhà báo còn ở trong nước nên tôi mới có dịp gặp ông Công.
Ba năm liền, tôi đến thăm ông Công nhiều lần và thường là ở lại ăn cơm với hai ông bà để có nhiều giờ nghe ông nói chuyện. Có lần, cả buổi ăn, ông nói về nhận xét của ông đối với sinh hoạt văn học của miền Nam thời 1954-1975.
Nhấp chút rượu vang đỏ, ông Công từ tốn nói, “trước khi cầm bút, tôi được dạy rằng ‘báo chí là tiếng nói của Đảng’. Do làm đúng như thế, tôi trở thành Tổng biên tập ba tờ báo của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Tháng Chín năm 1969, khi ông Hồ qua đời, báo chí miền Bắc đăng lại bài viết của giáo sư Lý Chánh Trung đã đăng trên báo ở Sài Gòn, ca ngợi ông Hồ là một nhà ái quốc. Tôi hết sức kinh ngạc: ‘Ồ lạ nhỉ, báo chí của họ là tiếng nói của ai ? Tại sao họ có thể đăng bài ca ngợi kẻ thù của chế độ?’
Sau này tôi mới được biết ông Hoàng Đức Nhã, Tổng trưởng Dân vận và Chiêu hồi của Việt Nam Cộng Hòa tuyên bố : "Ở Việt Nam Cộng Hòa không có báo chí viết tốt cho chính quyền. Báo chí chỉ viết tốt cho các cương lĩnh của cá nhân, của các nhóm chính trị, của các tôn giáo và thuần túy vì mục đích thương mại. Tức là báo chí được tự do nói lên quan điểm của mình đối với mọi sự kiện mà không bị chính quyền ràng buộc.
Hỏi ông, thế lúc bấy giờ, ngoài Bắc thì sao, ông cho biết, ông và những người cầm bút khác được dạy là văn học phải sáng tác theo chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa , tác phẩm có giá trị trước hết phải "có tính Đảng sâu sắc". Nhưng theo ông thì các tác phẩm “được đảng đánh giá là xuất sắc sao mà quá tẻ nhạt!”
Ông nghĩ sao về giai đoạn sau Tháng Tư năm 1975, các loại sách của miền Nam bị tiêu hủy khiến nhiều người buộc phải đem sách ra bán trên vỉa hè như bán giấy lộn với giá rẻ như choông nói, “Tôi cũng như nhiều người yêu sách được dịp mua nhiều quyển sách quý : Âm Thanh Và Cuồng Nộ của William Faulkner, Dr. Zhivago của Pasternak, Mùa Hè Sa Mạc của Albert Camus... Đặc biệt là sách của các nhà văn Miền Nam như Thềm Hoang, Người Kéo Màn, Chuyện Bé Phượng của Nhật Tiến, Tiếng Chim Vườn Cũ của Nguyễn Mộng Giác, Vòng Tay Học Trò của Nguyễn Thị Hoàng ... Thơ của Tô Thùy Yên, Nguyên Sa, Du Tử Lê...
Sau này tôi được biết, trong lễ phát giải văn chương toàn quốc năm 1961-1962 , ông Trương Công Cừu, Bộ trưởng Đặc nhiệm Văn hóa và Xã hội của Việt Nam Cộng Hòa đã chúc các nhà văn miền Nam xây đắp xã hội mới ‘một thế giới gấm vóc mỹ lệ, dệt bằng tình bác ái không vụ lợi, bằng đức liêm khiết không xảo trá, và bằng tài trí không tự tôn tự đại.’ Trong một bài viết của Tiến sĩ Lubomir Svoboda, nhà phê bình văn học của Tiệp Khắc thời cộng sản nhận xét tác phẩm Người Kéo Màn của nhà văn Nhật Tiến: ‘Với bút pháp đầy trí lực, và cao hơn, tính nhân văn hay nói một cách chính xác là ông đã viết tác phẩm này bằng một trái tim nhân hậu, biết yêu thương và biết cả căm giận...’
Tôi nghĩ, có thể dùng hai nhận định nói trên để đánh giá chung cho nền văn học của Việt Nam Cộng Hòa.”
***
NGUYỄN THANH BÌNH chào đời tại tỉnh Thái Nguyên, Việt Bắc, nơi là căn cứ địa của Việt Minh. Gốc gác gia đình Bình là dân Nam Bộ và “tập kết” ra Bắc năm 48. Lúc Hội Nghị Genève đang diễn ra ở Thụy Sĩ, thân sinh của Bình, ông Nguyễn Thanh Hà (tên thật là Nguyễn Thành A), đang ở Genève với cương vị tổng thư ký đoàn đại diện Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Thân mẫu Bình, bà Huỳnh Thị Phi, người Vĩnh Long, sau đó mới ra Bắc, và sau năm 1954, làm nhân viên hành chánh của bộ Ngoại giao.
Hai đứa tôi sinh cùng năm. Chỉ hơn kém nhau 8 tháng.
Hai đứa tôi quen rồi thân nhau đúng là do “duyên nghiệp”, như cách Bình thường nói.
Nhà báo Huy Đức là người giới thiệu hai đứa tôi với nhau.
Năm 2015, tác giả “Bên Thắng Cuộc” đến thăm tôi. Thấy trên bàn tôi có cái tẩu hút thuốc màu trắng, Huy Đức nói, anh cho em đem về biếu một người bạn ở Việt Nam.
Khoảng một tháng sau đó, trên trang Facebook của Họa Sĩ Nguyễn Thanh Bình ở Sài Gòn có đăng hình cái tẩu với giòng chữ: Cám ơn Thái Đinh.
Vỏn vẹn 4 chữ, thế thôi. Sau đó, thản hoặc chúng tôi có liên lạc với nhau thì cũng chỉ là những câu ngắn gọn, nhưng tôi đọc nhiều bài viết của Bình và nghe bằng hữu ở quê nhà nói về chàng họa sĩ nổi danh này, tôi hình dung được Bình, một người đôn hậu, cởi mở, có lòng nhân.
Một buổi tối đầu Tháng Tám 2019, lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau khi tôi đón Bình từ Việt Nam sang Mỹ chơi.
Ba tuần ở với nhau, chúng tôi nói đủ thứ chuyện, chuyện đời, chuyện đất nước, chuyện người, chuyện mình… và nói về sinh hoạt văn học miền Nam. Bình nhận xét: “1954, người ta lấy một dòng sông chia đôi đất nước, một nửa phía Bắc, đứt lìa khỏi dòng chảy của Nam Phong, Tự Lực Văn Đoàn, nửa phía Nam vẫn tiếp nối và song hành cùng văn học thế giới. Những ai quan tâm đến văn học Việt Nam nói chung và miền Nam nói riêng (giai đoạn 1954 - 1975) không thể không biết những tên tuổi như Doãn Quốc Sỹ, Võ Phiến, Trần Hữu Tá, Võ Hồng, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Du Tử Lê, Tô Thùy Yên ... duy trì một nền văn chương chuyên nghiệp. Đó là một nền văn học đúng nghĩa, đúng chức năng đối với xã hội, chỉ nhằm vào đối tượng duy nhất là con người.
Diện mạo văn học miền Nam (1954 - 1975) có nhiều gương mặt nổi bật, tuy nhiên, cũng giống như hội hội họa hay âm nhạc ở miền nam trước 75, nó không tạo ra được sức mạnh có tầm ảnh hưởng sâu đậm như Tự Lực Văn Đoàn và văn nghệ tiền chiến. Những cây bút xuất sắc nhất, tự mình tỏa sáng, tài năng của mỗi người được bảo toàn, hợp thành mảng văn học Việt Nam phong phú, đầy màu sắc, nhưng chưa đủ để soi rọi những ngóc ngách sâu xa của dân tộc đau khổ, oằn mình vì thời cuộc, bởi cuộc nội chiến tương tàn, thảm khốc ấy, có vai trò rất quan trọng trong tiến trình lịch sử của đất nước. Tự Lực Văn Đoàn là sự xuất hiện một văn đàn mang hồn cốt của dân tộc, trong bối cảnh nô lệ, điều ấy, nói ngắn gọn là ‘hồn dân tộc’ không bao giờ mất, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, mà điều kiện của nó là sự tự do ngôn luận. Miền Nam trước 1975, quyền tự do ngôn luận được thể chế dân chủ bảo đảm, các nhà văn đã làm hết trách nhiệm của mình, đã đặt những dấu ấn không phai mờ, nhưng uy lực đã không còn rực rỡ như các bậc tiền bối.
Tuy nhiên, lịch sử văn học Việt Nam hiện đại, sẽ tạc tên những người như Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Du Tử Lê, Nhã Ca, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyên Sa, Dương Nghiễm Mậu và cả Bùi Giáng ... lên tượng đài của mình, như là một phần tất yếu của hồn dân tộc những năm tháng khói lửa, đau thương ...
Và Bình đọc bốn câu thơ của Bùi Giáng để kết cho buổi nói chuyện kéo dài quá nửa đêm giữa hai đứa:
"Em từ vô tận dư vang
Kết chùm cỏ mọc đá vàng thiên thâu
Em đi từ tình mộng đầu
Trùng lai chất vấn biết đâu điệu chào ... "
(Bùi Giáng)
***
NGUYỄN THỊ HẬU là tiến sĩ khảo cổ học, được nhiều người biết tới với tên "Hậu khảo cổ”. Bà có nhiều công trình nghiên cứu về các nền Văn hóa Óc Eo, Đồng Nai, Sa Huỳnh, khảo cổ học đô thị... Bà cũng xuất bản nhiều cuốn sách ở các thể loại như ký, truyện ngắn, tản văn…Một số tác phẩm tiêu biểu của bà: Thế Giới Mạng Và Tôi, Ngắn & Rất Ngắn, Sài Gòn Bao Giờ Cũng Thế…
Nguyễn Thị Hậu sang Mỹ lần gần đây nhất trước khi thế giới bị cuốn vào trận đại dịch Covid-19 là năm 2019.
Gia đình tập kết từ Nam ra Bắc năm 1954, bốn năm sau, Hậu “khảo cổ” chào đời tại Hà Nội. Lớn lên ngoài Bắc và chỉ nhìn thấy miền Nam sau 1975, nên Nguyễn Thị Hậu có giọng nói “thuần Bắc.”
Nhiều lần gặp, ăn uống, trò chuyện, thậm chí còn đi với nhau cả một đoạn đường xa từ Nam lên Bắc Cali, có cả nữ nghệ sĩ trung hồ cầm Hồng Ánh, họa sĩ Nguyễn Thanh Bình và nhà báo Mặc Lâm, nhiều câu chuyện Hậu “khảo cổ” kể đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng về sinh hoạt xã hội miền Bắc. Nhất là những cảm nghĩ của Hậu về văn học miền Nam trước 1975.
“Sau năm 1975, nhiều người lần đầu vào Sài Gòn choáng váng khi nhìn thấy cuộc sống của thành phố này: nhà cửa, xe cộ, quần áo và hàng ngàn loại vật dụng sinh hoạt... mà hầu như gia đình nào ở Sài Gòn cũng có, trong khi đó ở miền Bắc chỉ có thể nhìn thấy vài thứ trên phim ảnh “Liên xô”, thậm chí có thứ chưa từng biết đến như TV, tủ lạnh, đồ dùng trong toilet... Có thể đọc những cảm nhận này qua hồi ký của một số người nổi tiếng mới xuất bản gần đây.
Giữa năm 1975 gia đình tôi – một gia đình miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 – đoàn tụ ở Sài Gòn. Những tháng đầu cả nhà ở tạm trong một căn phòng tại cơ quan của ba tôi (là một biệt thự trên đường Trần Quý Cáp). Trong căn phòng chừng hơn 30m vuông có một tủ sách lớn dựng suốt một bức tường. So với tủ sách đơn sơ của nhà tôi ở Hà Nội được đóng bằng những mảnh gỗ tạp, cũng chứa đầy sách, thì cái tủ sách “vĩ đại” này đã thỏa mãn ước mơ lớn nhất của tôi khi ấy! Tôi bỡ ngỡ và sung sướng làm sao khi trên đó đầy ắp các loại sách truyện, tạp chí... còn phía dưới giá sách là một dàn máy AKAI với một cuốn băng đang nghe dở “Sơn ca 7”. Đây là cơ duyên đầu tiên của tôi với văn học miền Nam và với nhạc Trịnh Công Sơn.
Từ cái tủ sách đó giờ rảnh rỗi tôi chỉ ôm sách đọc ngấu nghiến, đầu tiên là sách văn học. Lâu rồi tôi không nhớ hết tác giả và tác phẩm, nhưng tôi còn nhớ các tác giả Duyên Anh, Nhã Ca, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thụy Long, Hồ Trường An, Bình Nguyên Lộc, Chu Tử, Hoàng Hải Thủy, Bà Tùng Long, Nguyễn Thị Thụy Vũ... Vài tác giả chuyên sáng tác chuyện miền Tây như Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, An Khê, Lê Xuyên... Những tác giả của Tự Lực Văn Đoàn mà ngoài Bắc chỉ giới thiệu rất ít... Ngoài ra còn nhiều truyện dịch mà ba tôi rất thích; chị tôi mê mải với Quỳnh Dao còn anh tôi thì nghiền Kim Dung...
Từ năm 1976 vào học đại học Văn Khoa tôi còn được bạn bè giới thiệu và cho mượn sách của các tác giả Mai Thảo, Nguyên Sa, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Võ Phiến, Nguyễn Mạnh Côn, Doãn Quốc Sỹ... lúc này đã bị cấm lưu hành. Rồi khi nhiều thư viện “thanh lý” sách xuất bản tại Sài Gòn trước 1975 ba tôi đã xin được mấy thùng sách về lịch sử của Kim Định, Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Đăng Thục, các bộ sử thời Nguyễn... Thế giới văn học của tôi trở nên rộng mở và cũng mang đến cho tôi bao điều mới mẻ, cả những nỗi hoài nghi mà tôi phải mất nhiều năm mới giải đáp được.
Lúc đầu tôi không thích lắm vì phần lớn các đầu sách là loại “tiểu thuyết gia đình” với tựa sách gợi cảm và hình bìa nhiều màu sắc, cốt truyện thường đơn giản, xoay quanh những cuộc tình éo le không lối thoát do thân phận, do cuộc chiến, nhiều tình tiết “lâm ly bi đát” giống tuồng tích cải lương khi ấy. Đọc xong không để lại ấn tượng gì ngoài một kết thúc buồn, hiếm khi nào “có hậu”. Phải chăng sự thật về chiến tranh luôn hiện diện trên báo chí truyền thông làm cho xã hội bất an, cuộc chiến ngấp nghé bên ngoài đô thành đã làm cho con người mất niềm tin vào tương lai?
Nhưng rồi, dần dần một thế giới mới đến với tôi, rất khác với các tác phẩm văn học tôi từng đọc ở miền Bắc. Từ cao sang đến nghèo hèn, từ quan chức tướng lĩnh đến công chức, buôn gánh bán bưng, thế giới của các tay anh chị, tướng cướp hay gái điếm... tất cả đều hiện diện trong văn chương, không loại trừ “kiêng cữ” một ai. Trong nhiều tác phẩm không có ai thật tốt hoặc thật xấu, nhưng ở vào thời điểm khó khăn thì họ đều bộc lộ phần nhân văn ẩn sâu bên trong... Vì vậy, dù kết thúc buồn nhưng vẫn mang lại cho người đọc cảm xúc đẹp về tình người.
Các tác phẩm về cuộc chiến thực sự khốc liệt, trần trụi, ác liệt... hầu như không có bóng dáng của những lời tuyên truyền “lý tưởng cao đẹp” như ngoài Bắc mà chỉ thấy trong mỗi người lính đầy ắp nỗi nhớ gia đình, nhớ quê hương, tình đồng đội... Cũng không thiếu vắng cái chết đau đớn của những người lính, nỗi đau giằng xé của vợ góa con côi, nhưng ước mơ một ngày giản dị bên gia đình, bên “người yêu bé nhỏ” khi đã “tàn cơn binh đao”... là hy vọng sống sót cho những người lính trận. Bởi vì, khi cuộc chiến kết thúc thì người lính lại trở về làm dân, nếu may mắn không “xanh cỏ” thì cũng có mấy ai được “đỏ ngực”.
Để lại nhiều ấn tượng với tôi là các tác phẩm của Duyên Anh như : Dzũng Đakao, Vết thù trên lưng ngựa hoang, Điệu ru nước mắt; của Nhã Ca: Truyện cho những cặp tình nhân, Thành phố buồn, Đêm nghe tiếng đại bác, Giải khăn sô cho Huế. Truyện của Nguyễn Thị Hoàng rất lạ với tôi như: Vòng tay học trò, Tuổi Sài Gòn. Còn Nguyễn Thụy Long hay nhất là Loan mắt nhung. Đặc biệt là Mùa hè đỏ lửa của tác giả Phan Nhật Nam hay bộ ba tập “Đường đi không đến” của nhà văn “chiêu hồi” Xuân Vũ... Tôi đặc biệt thích Bình Nguyên Lộc với các công trình biên khảo công phu của ông và những trang tản văn, tùy bút đẹp đến nao lòng...
Tuy nhiên, cái hấp dẫn tôi nhất chính là mỗi tác giả có phong cách riêng, dễ nhận biết qua chủ đề, cốt truyện và ngôn ngữ. Nhà văn Nam bộ hóm hỉnh, giản dị câu chữ, nhà văn miền Bắc sắc sảo, bóng bẩy, nhà văn và cũng là nhà báo thì sinh động, trực diện... Ngôn ngữ vùng miền, phương ngữ được sử dụng phổ biến. Cả một xã hội phân hóa sâu sắc, phong phú, đa dạng và cũng khắc nghiệt, tàn nhẫn như cuộc sống hiện ra, thôi thúc tôi tò mò tìm đọc và luôn ngạc nhiên mỗi khi bước vào “khu rừng” văn học miền Nam khi ấy.
Đặc biệt sách văn học cho tuổi thanh thiếu niên rất nhiều, có lẽ nổi bật nhất là Tủ sách Tuổi Hoa. Sách Tuổi Hoa chia làm ba loại: Hoa Đỏ, Hoa Xanh và Hoa Tím. Tôi còn nhớ sách Hoa Đỏ là loại trinh thám, phiêu lưu, mạo hiểm. Hoa Xanh thuộc loại tình cảm nhẹ nhàng. Hoa Tím đã xuất hiện tình yêu giữa nam nữ một cách trong sáng. Dấu hiệu thân thuộc của tủ sách là bông hoa tám cánh giản dị và xinh xắn.
Cũng phải nói đến những tiệm cho thuê sách và cửa hàng sách cũ luôn là nơi hấp dẫn với tôi chứ không phải là cửa hàng thời trang hay mỹ phẩm. Tôi còn nhớ hoài có bạn học người Sài Gòn khá kỳ thị tôi bởi cái giọng Hà Nội 75 và trang phục giản dị có phần “hổng giống ai”. Một lần không biết có việc gì bạn đến nhà tôi, nhìn thấy tủ sách bạn rất ngạc nhiên vì bên cạnh những cuốn sách tôi mang vào từ Hà Nội là rất nhiều sách xuất bản tại Sài Gòn. “Nhà Việt Cộng mà cũng có sách như nhà ‘Ngụy’ à?!” nhưng từ đó thái độ của bạn với tôi khác hẳn. Đặc biệt bạn bắt đầu đọc và rồi cũng thích nhiều tác phẩm văn học của miền Bắc.
Văn học miền Nam trước 1975 đa dạng và phong phú về tác giả, thể loại, khuynh hướng, trường phái… Đó là nhờ sự khai phóng của môi trường xã hội nói chung và môi trường sáng tác nói riêng, sự cởi mở của giới cầm bút chấp nhận những thử nghiệm, sáng tạo, tinh thần tự do dân chủ của giáo dục – nhất là giáo dục đại học. Những tác phẩm văn học tôi đọc tuy còn ít ỏi nhưng đủ để nhận biết giá trị nhân văn của một nền văn học, qua đó hiểu biết về xã hội và con người miền Nam trong cuộc chiến vừa qua. Điều đó góp phần giúp tôi thoát khỏi định kiến mặc cảm về “bên này – bên kia, thắng – thua, ta – địch” mà nhiều người cùng thời với tôi còn đang mang nặng trong lòng.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét