khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2019

Hán Hóa - Tác giả Đào duy Anh



Cuộc Hán hóa của dân tộc Việt nam tuy là rất sâu xa, nhưng xét kỹ về mọi phương diện, thì ảnh hưởng của văn hóa Hán tộc phần nhiều chỉ là thóp vào cái gốc mà thành ngành ngọn, hay là chỉ trùm phủ làm da thịt ở ngoài, còn cái căn bản cái cốt cách thì vẫn là đặc biệt Việt nam. Cái căn bản hay cốt cách ấy, chúng ta có thể nhận thấy ở trong những phong tục, những tín ngưỡng của dân chúng, phần nhiều là những thói quen và những nếp nghĩ tổ tiên xa của ta vốn có từ đời thượng cổ, đã do những phong tục, những tín ngưỡng của người Trung hoa (đạo giáo và phật giáo) làm thành phức tạp và có vẻ tinh vi hơn. Ví như tục chôn người chết, vốn xưa là chôn xác những đồ minh khí bằng đất bằng đồng, từ thời Hán hóa thì những đồ minh khí biến thành đồ giấy người ta đốt ở trên mộ và đốt trong những ngày giỗ tết, và ngày rằm tháng bẩy là ngày xá tội vong nhân. Lại như tiếng nói là cái gương phản chiếu tính tình và tư tưởng của một dân tộc, chúng ta thấy có lẽ tiếng Việt nam đã mượn đến hơn một nửa của tiếng tàu và chữ hán, song chúng ta mượn tiếng mượn lời mà vẫn nói theo giọng của ta, vẫn xếp đặt theo cú pháp của ta, khiến ngôn ngữ ta vẫn giữ hoàn toàn tinh thần cố hữu của nó.

Lại xem âm nhạc và các lối hát chúng ta đã theo người Hán tộc nhiều, nhưng lối ca dao và lối hát bình dân khác mà dân chúng bao nhiêu đời đã ký thác tư tưởng và tâm tình vào, thì chúng ta thấy nó vẫn chan chứa một cái hồn riêng của dân tộc. Suy rộng ra tất cả các phương diện văn hóa khác, chúng ta có thể nói rằng trong cuộc hán hóa, tổ tiên chúng ta đã biết lấy cái căn bản, cái cốt cách cố hữu mà dung hòa những yếu tố văn hóa ngoại lai.

Nhưng dân tộc ta là một dân tộc nhỏ, mà vận mệnh lịch sử bắt phải sống ngay bên cạnh và giữa đường phát triển của một dân tộc rất mạnh là Hán tộc, lại phải sống ở một mảnh đất, tuy phì nhiêu nhưng chật hẹp và luôn luôn bị thiên tai hoành hành, cho nên cuộc sống khó khăn vất vả hàng ngày đã rèn luyện cho dân tộc một cái năng lực thích ứng để có thể sống còn, năng lực ấy đã gây cho văn hóa của ta những tính chất đặc biệt.

Tuy dân tộc ta đã tự chủ về chính trị mà uy quyền của văn hóa Trung quốc còn mạnh mẽ hơn mười phần. Về học thuật, trong các học thuyết tư tưởng của thánh hiền, các thời Tam đại và Hán Đường Tông, kẻ sĩ nước ta có thể tìm đủ lợi khí tinh thần để sửa mình và làm chính trị, họ không thấy cái cần thiết phải tìm kiếm đường nào khác nữa. Cũng có lẽ vì dân tộc ta là một dân tộc nhỏ, cái khuôn khổ sinh hoạt của chúng ta so với Trung quốc rất là chật hẹp, cho nên vô luận là vấn đề gì về quốc kế hay dân sinh, cũng như về luân lý hay triết lý, kẻ sĩ nước ta đều thấy các “thánh hiền” Trung quốc giải quyết sẵn cả cho mình rồi, cái công phu của mình chỉ là thuật lại để thực hành cho xứng đáng, chứ không cần sửa chữa thêm thắt chút gì. Trái lại, cái gì của Trung quốc có vẻ vĩ đại hay cao siêu quá, thì chúng ta lại phải hãm lại, co lại cho vừa với kích thước khuôn khổ chật hẹp của chúng ta, cho nên kẻ sĩ của ta có học cao lắm thì cũng chỉ là học những điều thực tiễn về luân lý và chính trị trong tư tưởng học thuyết của nho gia thôi. Câu nói của La sơn phu tử là một kẻ sĩ có tiếng bực nhất ở thời Lê mạt : “Cái đạo học của thánh môn thì đã có sách của Liêm Khê, Minh Đạo, Y Xuyên, Hoành Cừ, Khang Tiết và Chu Văn công, bác học ước lễ, không thiếu điều gì nữa, người sinh ra sau những bậc ấy, chỉ lo cái đạo không thi hành ra, chứ không lo cái đạo không sáng” [1], có thể tiêu biểu cho cái cao vọng của cả giai cấp nho sĩ thuở xưa là chỉ lo thi hành cái đạo của thánh hiền mà thôi. Bởi thế, chính trong thời toàn thịnh của nho học nước ta, người ta thấy có những bực nhà nho kinh luân như Tô Hiến Thành, nhà nho anh hùng như Trần Quốc Tuấn, nhà nho cao khiết như Chu An, nhà nho khảng khái như Nguyễn Trãi, mà tuyệt nhiên không thấy được một nhà tư tưởng, một nhà triết học nào. Chúng ta chỉ có những nhà nho lao tâm khổ tứ để bắt chước thánh hiền mà cư xử và hành động cho hợp với đạo lý, chứ không có nhà nho nào dám hoài nghi bất mãn đạo lý xưa mà băn khoăn, khao khát đi tìm đạo lý mới.

Có những người, sau khi làm tròn phận sự một người quân tử ở đời thì “rũ sạch nợ trần” đi tìm nhàn hạ ở nơi thôn dã, hay có người bất bình với thời thế khiến mình không thể làm trọn phận sự được mà đi tìm an ủi ở sơn lâm, nhưng thảy đều là những người chỉ cần tự nhiên cấp cho những thú thanh cao để di dưỡng tính tình mệt mỏi, hay để khuây khỏa cuộc đời ô trọc, chứ không ai dám đem tâm trí mà tìm tòi, mà tra hỏi tự nhiên.

Xét rộng ra, chúng ta cũng thấy rằng tất cả các phương diện của văn hóa Việt nam đều chỉ phát triển ở trong vòng ảnh hưởng của văn hóa Hán tộc. Về nghệ thuật văn học, cũng như về các phương diện khác, người mình đều có cái khuynh hướng thu nhỏ qui mô bắt chước của Trung quốc để cho hợp với cái khuôn khổ sinh hoạt nhỏ bé của mình. Vì thế mà người ta nhận thấy ở trong tất cả các môn bộ của văn hóa Việt nam một cái tính chất chung, một cái tính chất rất tầm thường, mà lại rất là quí báu cho ta, có lẽ nhờ nó mà một dân tộc nhỏ bé như ta, phải sống ở bên cạnh một dân tộc đông đúc mạnh khỏe là Hán tộc, lại sống ở trong một miếng đất chật hẹp luôn luôn bị tai trời vạ đất, thế mà vẫn sống còn, vẫn phát triển, đó là cái tính chất thiết thực rất chắc chắn. Chúng ta không có những nhà tư tưởng xây dựng được những công trình huy hoàng phong phú như những lâu đài Ả rập và Ba tư, những công trình cao vót như các giáo đường gô tích, các bảo tháp Ấn độ, hoặc những công trình đồ sộ như Kim tự tháp, Vạn lý trường thành, đến Đế thiên Đế thích. Chúng ta chỉ cốt sống được thôi, và trong địa hạt sinh hoạt vật chất cũng như trong địa hạt tư tưởng nghệ thuật, chỉ nghĩ đến cái gì có thể giúp cho mình thích ứng với hoàn cảnh ác liệt để theo đuổi một cuộc sống tầm thường, kín đáo mà thôi. Bởi thế, thỉnh thoảng, nếu có được một người nào có khí độ phóng khoáng, không chịu ép mình làm nô lệ thánh hiền mà vượt ra ngoài vòng lề lối – chưa nói rằng vượt ra ngoài mà đã xây dựng được cái gì mới chưa – thì xã hội đã xem là quái vật mà không dung, hoặc giả khi có nhà nghệ thuật thực hiện được một cái gì to lớn phi thường, như pho tượng thánh Trấn Vũ ở Hà nội chẳng hạn thì cái mái nhà nặng nề sầm sập của ngôi đền lại đè bẹp nó xuống ở trong bóng tối mò của gian chính tẩm. Những cái thái độ và quan niệm xuất kỳ ấy thường bị cái tính thiết thực của dân tộc kìm hãm hay bài xích ngay.

Cái tính thiết thực ấy, chúng ta cũng thấy rất rõ ràng trong phần văn hóa bình dân vốn phát triển ở ngoài phạm vi ảnh hưởng trực tiếp của văn hóa Trung quốc, trong những câu tục ngữ, những câu ca dao, là văn chương truyền khẩu phản chiếu cái tâm hồn chất phác mộc mạc của kẻ dân thường. Hình như sống ở dưới bóng của cái khối văn hóa Trung quốc, sừng sững ỏ bên mình như cả núi Thái sơn, văn hóa chúng ta, cho đến cả văn hóa bình dân không sống hẳn ở trong vòng bóng ấy, chỉ cố sức để man diên ở trên mặt đất chứ không có cái khuynh hướng trổ vọt lên trời. Để sống còn, chúng ta chỉ cốt bám chặt lấy đất như bám lấy cái nguồn sinh khí, cho nên chúng ta không có cái vinh dự có những tổ tiên chọc trời khuấy nước, làm chấn động thế giới bằng tư tưởng hay hành động của mình, nhưng chúng ta lại đã may mắn có được những tổ tiên cần cù, kiên nhẫn, biết sống thiết thực và biết tổ chức cuộc sống một cách thích đáng để đối phó với vận mệnh khắc nghiệt của mình. Nói một cách khác, một dân tộc có cái vận mệnh tàn khốc như dân tộc ta, chính nhờ cái tính chất thiết thực chắc chắn ấy mà đã sống dai được và đã tránh được sự thôn tính của dân tộc Trung hoa, để có thể mở rộng phạm vi sinh hoạt vào đất Chiêm thành và Chân lạp. Đối với thiên hạ thì có lẽ văn hóa thực tiễn ấy chưa có cái giá trị gì đáng tự phụ, đáng khoe khoang, nhưng đối với chúng ta thì nó đã có cái giá trị vô cùng là đã tranh đấu được cho chúng ta sống đến ngày nay để còn tranh đấu nữa.

Cái giá trị tranh đấu chúng ta nhận thấy trong cái tính chất thiết thực ấy lại tuồng như chỉ là tiêu cực. Ngay trong văn hóa bình dân, cái văn hóa phát triển ở ngoài phạm vi ảnh hưởng trực tiếp của Hán hóa – trong những câu tục ngữ, câu hát ví, những câu chuyện khôi hài, những câu chuyện tiếu lâm, những bức tranh Tết – tuy có lộ rõ cái tinh thần chống đối luân lý lễ giáo của nhà nho, thế mà cũng chỉ là sự chống đối tiêu cực của kẻ yếu mà thôi.

Tuy nhiên, trong những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, mỗi khi vấn đề sinh tử tồn vong của dân tộc bị đặt ra một cách khẩn thiết, ví như khi phải đối phó với cái họa bị Hán tộc thôn tính, và khi phải tìm đường sống mới ở đất Chiêm thành và Chân lạp, thì chúng ta tất phải biết rằng nếu không tranh đấu tích cực thì đến phải nguy vong.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét