Khi chúng tôi gần đến bảo tàng cách mạng ở Bến Tre, một tòa nhà cổ thời thuộc địa Pháp, tôi có cảm giác quen thuộc kỳ lạ. Tôi nhận ra mình đã đến đây, từ lâu lắm.
Cùng một vài người thân, tôi đến Bến Tre vì nghe nói một phần bảo tàng dành trưng bày về chú tôi, Phạm Ngọc Thảo, còn được gọi là Albert, cựu đại tá quân đội miền Nam Việt Nam.
Được nhiều người ngưỡng mộ vì sự nhanh trí hài hước, tự trọng, tử tế với cấp dưới, và cũng bị nhiều người nghi ngờ, danh tiếng của ông Thảo đã tăng lên từ cái chết của ông trong thời chiến. Trong một diễn biến khó tin, ông sau này còn được đảng cộng sản vinh danh vì "thành tích" chống chính quyền Sài Gòn.
Năm 1995, 30 năm sau cái chết của ông, Hà Nội công nhận ông là anh hùng lực lượng vũ trang. Thi hài của ông được đặt ở một nghĩa trang liệt sĩ, ngoại vi thành phố Hồ Chí Minh.
Theo lời của Đảng, ông đã là điệp viên kép thời chiến, phá hoại chính quyền Sài Gòn.
Thời đó, người Mỹ, trong các điện tín mật, mô tả ông Thảo là "điệp viên rành nghề và lâu năm".
Cũng đúng thôi. Ông tham gia đảo chính 1963 lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm. Chính biến này đưa đất nước vào vòng xoáy bất ổn, tình hình quân sự thì xấu đi. Hai năm sau, Tổng thống Mỹ Lyndon Johnson có quyết định gửi lục quân vào Việt Nam, mở đầu 10 năm Mỹ can thiệp quân sự dẫn tới thất bại ngoại giao tệ hại.
Trong cuộc đảo chính tổng thống Diệm, ông Thảo đã lên đài phát thanh loan báo cuộc lật đổ, và hứa hẹn dân chúng rằng họ sẽ sớm được mua gạo, nước mắm ở chợ.
Ông Thảo đã gọi điện cho ông Diệm kêu gọi tổng thống đầu hàng.
Sau năm 1963, ông Thảo lại âm mưu chống người kế nhiệm ông Diệm, tướng Nguyễn Khánh. Đảo chính 1965 thất bại vì ông Khánh kịp bay ra khỏi sân bay Tân Sơn Nhứt khi xe tăng phiến quân kéo vào.
Nhưng ông Khánh sau đó phải từ chức, được thay bằng Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Văn Thiệu.
Ông Thảo bị kết án tử hình vì cuộc đảo chính chống ông Khánh. Lần này, ông hết may mắn. Ông bị bắt giữ, tra tấn tới chết. Ông chết ở tuổi 43 vào tháng Bảy 1965.
Dưới thời ông Diệm, ông Thảo không chỉ là kẻ âm mưu đảo chính. Ông còn giúp phá hoại chương trình ấp chiến lược. Chương trình này vốn mất lòng dân, nhưng ông Thảo cứ kêu gọi các tỉnh trưởng và ông Diệm tiếp tục để gia tăng bất mãn chống chế độ.
Trong thời chiến, ông Thảo có lúc ngắn ngủi từng là tỉnh trưởng Bến Tre, khi đó có tên Kiến Hòa. Chính tại đây, ông Thảo khắc sâu danh tiếng là một trong những chỉ huy giỏi nhất miền Nam khi chống Việt Cộng. Sau khi ông tới vùng này, chiến sự giảm bớt, thế là ông được cho là có công đè bẹp giặc.
Sau này người ta mới biết hóa ra ông có thỏa thuận ngầm với Việt Cộng để ra vẻ là ông đã bình định tỉnh này thành công. Câu chuyện thành công đó khiến ông được sự quan tâm của các nhà báo ảnh hưởng như Joseph Alsop và ông trùm chống nổi dậy Robert Thompson.
Chú Thảo của tôi đã từng sống trong ngôi nhà mà nay là bảo tàng ở Bến Tre.
Tôi nhớ một lần, anh trai Pierre và tôi đến thăm chú Thảo. Ông dẫn chúng tôi đi thuyền - lúc ấy chắc tôi khoảng tám tuổi.
Tôi nhớ chú hỏi anh tôi có thích ăn sầu riêng không.
Từ ban công, chú chỉ vào khu rừng.
"Việt Cộng ở đó," ông nói.
Gần 60 năm đã qua. Hôm nay, chúng tôi đi theo một tour của nhân viên bảo tang
Một phòng ở trên dành để trưng bày về ông Phạm Ngọc Thảo. Có bức hình ông Thảo và vợ, Phạm Thị Nhiên, cùng ngôi sao Hollywood Sandra Dee.
Lại có bức hình ông Võ Viết Thanh, người khi còn trẻ định ném lựu đạn để giết ông Thảo.
May cho ông Thảo, lựu đạn không nổ. Ông thả Thanh đi với lý do chỉ là trẻ con nóng tánh.
Ông Thanh không phải là người duy nhất bị ông Thảo lừa. Sau chiến tranh, nhiều nhà báo Mỹ nổi danh như Stanley Karnow và Robert Shaplen ngạc nhiên là họ đã bị viên đại tá miền Nam lừa phỉnh.
Trong phòng có nhiều câu trích dẫn ca ngợi ông Thảo, như của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Người hướng dẫn nói ông Kiệt xem ông Thảo là độc nhất vô nhị trong số điệp viên nhị trùng của miền Bắc, vì ông đã phá hoại chính thể miền Nam, đặc biệt qua hai cuộc đảo chính.
Nghe nói ông Thảo chỉ báo cáo cho Lê Duẩn, tổng bí thư tương lai. Hai người có quan hệ thân thiết trong thời chống Pháp.
Nhân viên bảo tàng nói họ đang xây dựng kho tư liệu về ông Thảo và muốn liên lạc những ai biết ông.
Tôi thấy lạ vì hẳn phải có cả kho tài liệu ở Hà Nội. Ông Thảo tham gia kháng chiến chống Pháp ngay từ 1945 trước khi tham gia tình báo. Với ngần ấy năm làm cho Việt Minh, hẳn phải có nhiều tư liệu trong kho chính phủ.
Một số nhà bình luận tự hỏi vì sao phải mất ngần ấy năm Hà Nội mới công nhận ông Thảo là anh hùng.
Edward Miller từng viết trong sách Misalliance rằng ngay cả bây giờ, người ta vẫn không rõ về nghị trình thực của ông Thảo. Miller ghi nhận rằng Đảng Lao Động Việt Nam chỉ mô tả sơ sài về hoạt động điệp báo của ông Thảo, trái hẳn cách họ viết về các điệp viên cộng sản nổi danh khác.
Một thành viên gia đình thì tin rằng thái độ của ông Thảo với miền Bắc thay đổi theo thời gian, và ông trở nên thiện cảm với ông Diệm. Có những ghi chép nói rằng ông Thảo đã bỏ nhiều giờ nói chuyện với tổng thống, cố gắng cứu ông Diệm và Nhu trong đảo chính 1963. Người trong gia đình này cũng tin rằng âm mưu ám sát Thảo khi còn làm tỉnh trưởng Bến Tre thực ra là do ai đó hay phe nào đó trong đảng cộng sản thực hiện, vì ghen tị hay nghi ngờ rằng ông Thảo không còn trung thành.
Người này nói: "Ông Thảo cho rằng cần đánh Mỹ nhưng không phải là chiếm miền Nam."
Nhưng nhiều năm sau khi ông Thảo chết, miền Bắc lại gọi ông là anh hùng.
Người trong gia đình này lại giải thích: "Giống như bóng đá, khi anh đá giỏi, đội nào cũng muốn anh gia nhập."
Nếu thật sự là như vậy, ông Thảo sẽ không phải là người duy nhất trong hàng ngũ người miền Nam chiến đấu cho miền Bắc và rồi nghi ngờ đồng chí miền Bắc.
Điều khiến ông Thảo trở nên hấp dẫn là việc người ta khó chỉ ra sự trung thành của ông ở đâu. Có vẻ như ông sống cuộc đời nhị trùng, không được bên nào tin tưởng. Đây cũng là số phận của Phạm Xuân Ẩn. Ông Ẩn được phong anh hùng năm 1996, nhưng sau khi chiến tranh kết thúc, mất một năm gửi đi học tuyên truyền về chủ nghĩa Marx-Lenin.
Theo Larry Berman viết trong sách Perfect Spy, ông Ẩn không phải là người hâm mộ hệ thống cộng sản.
Một người anh em của ông Phạm Ngọc Thảo, Gaston, từng là đại sứ Hà Nội ở Đông Đức, cũng chỉ trích chính sách cộng sản sau khi ông rời Việt Nam sang Pháp.
Những người biết ông Thảo, như Phạm Xuân Ẩn và Trương Như Tảng, gọi ông Thảo là người yêu nước chứ không phải dân ý thức hệ. Họ nói mục tiêu của ông là độc lập chứ không phải thanh lọc tư tưởng.
Chính ông Thảo từng nói với nhà báo Anh Denis Bloodworth: "Chín phần mười những ai gia nhập Việt Minh không phải là dân đỏ. Họ là người dân tộc như tôi, hợp tác với cộng sản để kết liễu sự độ hộ của Pháp."
"Đây là những người Việt Nam chân chính, có thể thống nhất đất nước."
"Những người ở phe bên kia không hề muốn thay ông chủ Pháp bằng chủ Nga Xô hay Trung Quốc.
Những người phe bên này cũng không muốn thay chủ Pháp bằng Mỹ."
Dĩ nhiên, ông Thảo nói vậy khi đang đội lốt làm đại tá Nam Việt Nam, nên có thể chúng ta cũng không nên hoàn toàn tin.
Cho đến hôm nay, ông Phạm Ngọc Thảo vẫn còn là hình tượng bí hiểm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét