khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 18 tháng 3, 2018

Nụ Hôn Ghềnh Ráng- Tác giả Bs Nguyễn Trác Hiếu



Tôi quen Bạch Yến khi tôi bắt đầu năm học đệ tam và nàng đệ tứ ở Cường Để.  Mới quen nhau một năm mà chúng tôi đã thương nhau da diếc.  Ngày nào mà không nhìn được bóng dáng nàng ở trường thì tôi thấy nhớ nàng ngay, thấy như phổi mình bị thiếu dưỡng khí để thở.  Lớp nàng cách lớp tôi 2 lớp học.  Giờ ra chơi chúng tôi đứng xa xa nhìn nhau.  Lúc sắp hàng vào lớp, nàng cũng kín đáo quay nhìn qua lớp tôi.  Một bạn thân của tôi, đứng sau tôi, để ý thấy nàng quay nhìn, nói nhỏ với tôi:
       
-  Bạch Yến nhìn mi kìa.  Vui nhé!
       
Tôi làm bộ ngây thơ, vô tội:
       
-  Sao bạn biết người ta nhìn tui?
       
-  Còn nhìn ai nữa.
       
Biết không qua mặt được thằng bạn ranh mảnh, tôi làm thinh bước lên thềm vào lớp mà lòng nghe ấm áp.
 
Tôi tham gia đầy đủ các buổi cắm trại Hướng Đạo vào cuối tuần để ngày giờ qua mau, để thứ hai trở lại lớp được gặp nàng, nhìn nàng.  Buổi sáng nhìn nàng ở trường, buổi chiều tôi xuống biển ngắm nàng bơi.  Tôi chỉ dám bơi lại gần nàng mươi thước để hai đứa cười với nhau bằng mắt.  Bạch Yến bơi giỏi nhưng thân phụ nàng thường bơi kèm các con để đề phòng hiểm nguy như sóng lớn, chân bị chuột rút vì bơi lâu trong nước biển lạnh.
 
Sau nầy, có lần tôi hỏi Bạch Yến:
       
-  Hồi đó mà nếu anh bơi lại gần em, cào vào lưng em thì em phản ứng ra sao?
       
Bạch Yến đáp tỉnh bơ:

-  Đâu có sao!  Em muốn anh bơi lại gần em mà.  Anh mà cào em thì em chụp anh, ôm anh chặt cho anh chìm lỉm, anh uống nước biển chơi.
       
Tôi cười:
       
-  Anh không bơi lại gần em vì anh vẫn ngại cha em nghĩ là mình quá thân mật.  Cha em mà cấm em đi bơi thì chắc anh khóc quá.
       
Bạch Yến cười:
       
-  Cha không cấm em đâu.  Cha chỉ canh chừng em thôi.  Cha em đã biết anh và cũng thích anh tuy không nói ra.  Khi anh và em vừa quen nhau, có lần cha xem cuốn lưu bút của chị Bạch Liên, thấy tấm hình anh, cha kêu mẹ lại nói, "Mẹ nó coi nầy, con ai mà mặt mày sáng sủa ghê".
       
Tôi ngạc nhiên:
       
-  Cha em nói vậy thật sao, cha mẹ em biết anh sao?
       
-  Thật chứ sao không.  Cậu Bùi Mai hay chị Bạch Liên của em có lẽ đã thủ thỉ với cha mẹ em về anh.  Cha mẹ em biết anh đi Hướng Đạo cùng đoàn với Lam Sơn và Vĩnh Phúc, hai em trai của em.  Cha thấy anh bơi, chơi bóng tròn, bóng chuyền dưới biển mà.  Cha thích thể thao và thích con cái cũng vậy.
 
Đêm tôi học bài mà hình bóng cô nữ sinh đệ tứ cứ lảng vảng trước mặt làm tôi có lúc không tập trung được vào bài vở.  Có lần tôi phải mỉm cười nói thầm, "Em về học bài đi, 11 giờ rưỡi khuya anh học xong anh sẽ cho em ngồi ngay trên bàn học anh mà nói chuyện với anh đến sáng nhé".  Tôi không biết Bạch Yến xua đuổi hình ảnh tôi bằng cách nào để tập trung học bài mà trong lớp nàng luôn luôn đứng cao nhất nhì.
 
Thuở ấy, chúng tôi liên lạc nhau qua những cuốn nhật ký.  Chúng tôi tuyệt đối không trò chuyện hay trao đổi thư từ ở trường để tránh bị bạn bè chọc ghẹo hay thầy cô để ý can thiệp vào chuyện riêng tư của chúng tôi.  Tôi có một người chị họ bán tiệm sách của bác tôi, quen với Bạch Yến.  Mỗi lần chị tôi đi giao báo cho thân phụ Bạch Yến thì tôi nhờ chị trao cuốn nhật ký của tôi cho Bạch Yến và nhận cuốn nhật ký của nàng trao lại cho tôi.  Chị tôi rất mến Bạch Yến nên ra sức giữ kín mọi chuyện của hai đứa.  Bạn bè cùng lớp, cùng trường không thân thiết, không hề biết chúng tôi thương nhau.
 
Một đêm cuối năm đệ tam, tôi học bài xong, ngồi nhớ người yêu, tôi đánh bạo viết vào nhật ký, "Cuối tuần nầy anh không về Bình Khê thăm nội anh.  Anh muốn gặp em.  Anh nhớ em nhiều.  Em nhớ anh không?  Nếu nhớ thì gắng gặp anh ở góc đường Võ Tánh-Nguyễn Huệ.  Anh sẽ đưa em đi Ghềnh Ráng chơi và thăm mộ Hàn Mạc Tử."  Gởi tin đi tôi hồi họp chờ phúc đáp của Bạch Yến.  Tôi cứ ngại Bạch Yến nhút nhát từ chối đề nghị của tôi hay lỡ dại xin phép cha mẹ đi chơi với bạn trai mà cha mẹ không bằng lòng thì mọi sự sẽ khó khăn về sau.  Cậu học trò trung học nhút nhát, lần đầu tiên trong đời hẹn gặp bạn gái một nơi ngoài trường học nên không tránh khỏi hồi họp, lo âu.
 
Bạch Yến bằng lòng gặp tôi và đúng hẹn.  Nàng mặc áo dài hoa xinh xắn, cười tươi khi gặp tôi.  Chúng tôi dùng xe đạp đi Ghềnh Ráng.  Ngày đó con đường dọc bờ biển Qui Nhơn còn vắng vẻ và có
nhiều đụn cát, gió biển thổi cát ra ngập đường rất khó lái xe đạp.  Chúng tôi đạp xe song song.  Tôi hỏi Bạch Yến:
       
-  Em có xin phép cha mẹ em đi gặp anh?
       
Bạch Yến cười:
       
-  Em xin mẹ thì chắc mẹ bằng lòng nhưng em sợ cha lắm.  Em xách xe đi đại không hỏi cha, em làm như em đi chơi với hai bạn Trâm Anh và Ẩn của em như thường lệ vậy.
 
Tôi bớt lo và mỉm cười.  Tôi ngụ nhà bác tôi, đi đâu thì đi, về lúc nào thì về miễn là đừng để mọi người chờ cơm là được.
 
Chúng tôi gởi xe đạp dưới chân núi và đi bộ ra Ghềnh Ráng, ngồi trên một tản đá lớn ngắm biển và chuyện trò.  Lúc ở nhà tôi định bụng sẽ hỏi Bạch Yến nhiều câu hỏi lắm về mối tình học trò của chúng tôi nhưng khi gặp nàng, nhìn gần vào đôi mắt long lanh của nàng tôi quên ráo những câu hỏi.  Lần đầu tiên được ngồi bên nhau, chúng tôi thấy lòng tràn ngập niềm vui, câu chuyện không đâu vào đâu.  Nói, hỏi cốt chỉ để nghe giọng nhau, nghe tiếng cười của nhau mà thôi.
 
Gió biển thổi tung vạt áo dài hoa của Bạch Yến lên gối tôi.  Nàng đưa tay kéo lại.  Tôi nhanh nhẹn chụp lấy bàn tay nhỏ nhắn, mềm mại, không cho nàng rút tay về.  Nàng cảm động cúi mặt.  Tôi đánh lảng:
 
-  Ai tặng em chiếc nhẫn mà đẹp vậy?
       
Bạch Yến ngước lên:
       
-  Em mua chứ ai mà tặng.
       
Tôi lì ra, mân mê chiếc nhẫn trên ngón tay búp măng rồi dùng hai bàn tay tôi úm bàn tay mềm mại và mát rượi của Bạch Yến.  Má nàng ửng hồng nhưng nàng không rút tay lại.
 
Những con chim hải âu bay lại gần chúng tôi như muốn chế diễu đôi trai gái lần đầu gặp nhau, tay trong tay.  Quả là giây phút thần tiên.
 
Chúng tôi đi bộ lên mộ Hàn Mạc Tử.  Thời đó, vùng đất chung quanh mộ Hàn Hàn Mạc Tử còn khá rộng và thoáng, chưa có cây cối hay chòi quán xây cất như ngày nay.  Ngôi mộ trông sạch sẽ, đẹp và trang nghiêm, không một dấu sơn phết, chữ viết diêm dúa như ngày nay.  Bạch Yến đứng gần mộ bia HMT cho tôi chụp hình.  Tấm hình nầy vẫn được Bạch Yến giữ kỹ đến ngày hôm nay.  Mỗi lần chúng tôi cùng nhau xem lại hình ảnh cũ, thấy tấm hình đó tôi nhắc, "Nụ Hôn Ghềnh Ráng" để thấy Bạch Yến cười duyên.
 
Gió biển chiều mát rượi.  Mặt trời có mây che trên cao.  Tôi đứng dựa một thân cây cao gần mộ HMT, nhìn ra biển, quay lại nói nhỏ với Bạch Yến:
       
-  Lại gần đây với anh.  Từ đây nhìn xuống thành phố thật đẹp.
 
Như đã thân thiết nhau từ lâu, Bạch Yến bước lại gần tôi. đứng tựa sát vào tôi.  Tôi vòng tay ôm nhẹ vai nàng.  Gió biển thổi tung mái tóc nàng, để lộ vầng trán và đôi má hồng xinh xắn.  Bạch Yến mỉm cười nhìn tôi, không nói, hai mắt long lanh tràn đầy hạnh phúc.  Chúng tôi yên lặng tựa vào nhau một chặp lâu, cảm được hơi ấm của thân thể nhau.  Cả hai đứa nhìn ra biển xanh, sóng bạc và những chiếc ghe đánh cá đậu thành hàng dưới kia, dọc bãi biển.
 
Tôi đoán Bạch Yến cũng đang yên lặng lắng nghe tim mình xao xuyến như tôi hay đang muốn ghi sâu vào tâm khảm những giây phút thần tiên lần đầu gặp gỡ người mình thương mến trong một khung cảnh yên bình, êm ả tuyệt vời của biển trời, mây nước.
 
Bạch Yến quay lại nhìn tôi, tôi thình lình cuối xuống chạm nhẹ môi tôi trên đôi môi hồng của nàng vài giây.  Nàng ngạc nhiên mở lớn mắt nhìn tôi rồi trong một giây khẽ nhắm mắt lại, mỉm cười rộng, môi không hé mở.  Tôi có cảm giác như nàng đang thì thầm:
       
-  Anh chàng nầy bạo há?  Nhưng em không giận anh đâu.
 
Trời về chiều, chúng tôi đưa nhau về.  Từ đó tôi đặt tên cho nụ hôn đầu đời nầy là Nụ Hôn Ghềnh Ráng.  Trong nhật ký gởi cho nàng hàng tuần, tôi thường chấm dứt những lời ghi gởi cho nàng bằng mấy chữ "Gởi em một NHGR".  Một nụ hôn chỉ kéo dài trong hai giây mà vẫn làm chúng tôi ấm lòng mỗi khi nhắc đến.
 
Trong đời sống hằng ngày của chúng tôi, nhiều lúc nàng bận rộn nhưng khi thấy tôi đến gần thủ thỉ, "Anh cần một Nụ Hôn Ghềnh Ráng", nàng cũng ngừng tay, ngẩng mặt cho môi tôi hôn nhanh lên môi nàng hai giây, đúng hai giây, môi không hé mở.  Nàng thường mỉm cười âu yếm như khi đứng tựa vào tôi bao nhiêu năm trước nơi mộ Hàn Mạc Tử trong một chiều lộng gió. 
 
Có lần tôi hỏi đùa:
       
-  Bà ngoại cười gì vậy?
       
Nàng quay lại đập mạnh lên vai tôi:
       
-  Bà ngoại cười ông ngoại bạo quá.  Mới hẹn gặp bà ngoại lần đầu mà đã dám hôn bà ngoại.
       
Tôi đáp:
       
-  Hồi đó ông ngoại nhát quá.  Mai mốt ông ngoại sẽ dạy các cháu ngoại trai của ông ngoại bạo dạn hơn ông ngoại nữa.
       
Nàng mắng yêu:
       
-  Ông ngoại hư vậy mà còn đòi dạy cháu noi gương ông ngoại...
       
Tóc chúng tôi đã bạc nhưng tôi vẫn thấy tim chúng tôi còn son trẻ nhất là khi nhắc lại chuyện tình yêu học trò của 40-50 năm về trước.
 
Năm 1963, tôi đậu Tú tài 2, từ Qui Nhơn đi Sài Gòn học đại học.  Bạch Yến vùi đầu học đệ nhất, ít biên thư cho tôi.  Có lần tôi về Qui Nhơn thăm, tôi trách:
       
-  Sao em ít biên thư cho anh vậy?  Em để anh chết mòn vì nhớ mong em.  Hay là thầy X. vẫn còn tiếp tục trồng cây si với em?
 
Nàng vội vã phân bua:
       
-  Không có đâu, anh đừng nghĩ lầm mà tội nghiệp cho thầy.  Năm nay thầy không dạy lớp em.  Từ hồi biết em có anh, thầy đã cố ý tránh gặp mặt em, tránh gây phiền lụy, dị nghị cho em.  Anh phải cảm ơn thầy mới phải.
       
-  Thật không đấy?  Anh gắng tin em nhưng nếu anh không nhận được thư em đều thì anh sẽ bỏ học bay về Qui Nhơn đấy nhé.
 
Tôi chợt nhớ đến một bạn nam cùng lớp của Bạch Yến rất thích nàng, đã có lần chụp hình nàng trên đường đi học.  Bạch Yến phải dọa lên thưa với hiệu trưởng chàng nầy mới trả lại cả phim lẫn ảnh.  Tôi hỏi Bạch Yến:
       
-  Còn anh chàng Y. ngồi bàn sau em trong lớp, mỗi ngày kéo áo dài em và hôn lên vạt áo mấy chục lần mà em không hay biết, thì sao?
 
Bạch Yến cười giòn:
       
-  Anh khỏi lo, anh chàng chọn ban khác, ngồi khác lớp rồi.  Chắc bây giờ chàng đang hôn một tà áo dài khác rồi.
 
Bạch Yến an ủi tôi bằng những lời lẽ chân thành, tôi cũng yên lòng:
       
-  Anh yên tâm học hành!  Anh biết em chỉ yêu có anh thôi mà.  Không có một hình ảnh thầy hay bạn nào lảng vảng trong tim, trong trí em ngoài anh.  Em vùi đầu vào sách vở để mong thi đậu để vào Sài Gòn với anh.  Em không muốn thi hỏng rồi trong đó anh bị mấy cô gái Sài Gòn bắt mất.
       
Nàng đùa để cho tôi vui.  Xa nhau một năm mà tôi thấy như lâu lắm.
 
Năm 1964, Bạch Yến từ Qui Nhơn vào Nha Trang thi và đậu Tú Tài 2.  Nàng gởi điện tín báo tin mừng cho tôi.  Tôi bay ngay ra Nha Trang.  Nàng được cha mẹ cho phép ở lại Nha Trang một tuần để đi đây đi đó với tôi.  Chúng tôi vui như chưa bao giờ được vui.  Chúng tôi bơi lội, ngụp lặn trong nước biển Nha Trang.  Tôi nâng nàng lên trên những ngọn sóng để nghe tiếng cười giòn của nàng.  Tôi đưa nàng đi chơi đó đây từ Tháp Bà đến Hòn Chồng, Hải Học Viện... và chụp cho nàng nhiều hình kỷ niệm.  Đêm, chúng tôi đi tản bộ trên con đường Nguyễn Huệ dọc bờ biển.  Tôi kể cho nàng nghe chuyện đại học.  Nàng lắng nghe rồi hỏi:
 
-  Sao anh không kể cho em nghe chuyện mấy cô bạn nữ sinh viên đại học của anh.  Nghe nói nhiều cô xinh xắn lắm phải không anh?
 
Nàng hỏi dò.  Tôi hiểu ý mỉm cười:
       
-  Có, có nhiều cô dễ thương nhưng hầu hết các cô xinh xắn vì biết ăn mặc, chưng diện, trang điểm thôi em.
       
-  Dễ thương thì anh có thương cô nào chưa?
       
-  Anh chỉ lo học hành, lo cho tương lai, với lại tim anh đã có em trong đó rồi còn thuơng ai được.
 
Bạch Yến cười:
       
-  Tim anh có tới bốn buồng lận mà.  Nam nhi thường dễ xa mặt cách lòng lắm.
 
Đậu Tú Tài 2 xong Bạch Yến vui như một đứa trẻ được nhiều quà sinh nhật, cười nói nhiều hơn, dạn dĩ hẳn ra.  Má nàng ửng hồng trong nắng chiều Nha Trang làm tôi ngây ngất.  Tuổi 20, nàng xinh xắn, vui tươi, và đầy mơ ước tốt đẹp cho tương lai.  Chính trong những ngày vui nầy ở Nha Trang nàng mới dám ôm chặt tôi, mới dám đáp lại những âu yếm của tôi, mới dám hôn mạnh lên má tôi khi chúng tôi đi dạo trên con đường dọc biển Nha Trang. Một tuần qua mau.  Chúng tôi chia tay nhau với nụ cười tươi, tôi trở lại Sài Gòn, nàng về lại Qui Nhơn, chuẩn bị đi Sài Gòn ghi danh vào trường Dược như nàng mơ ước.
 
Bốn tuần sau, trong khi tôi đang ngồi hớt tóc ở một tiệm hớt tóc trên đường Trần Hoàng Quân ở Chợ Lớn thì Bạch Yến xuất hiện, đứng sau lưng tôi, miệng cười tươi.  Nhìn vào gương thấy nàng, tôi muốn tung chiếc khăn trắng lớn đang choàng trên vai, nhảy ra khỏi ghế ôm chầm lấy nàng nhưng trực nhớ chung quanh có đông người tôi đành ngồi yên.  Bạch Yến ngồi vào một chiếc ghế chờ tôi.
       
-  Sao em không cho anh biết giờ giấc em vào để anh đi đón?
       
-  Anh bận học còn em đã có cậu mợ em đón.  Em chân ướt chân ráo.  Em không muốn cậu mợ em suy tư về anh và em nhiều.  Em sẽ đưa anh đến nhà và giới thiệu anh với cậu mợ em trong ngày rất gần đây. 
 
Vậy là, sau một năm xa cách chúng tôi lại có nhau ở Sài Gòn, bắt đầu cuộc sống đại học.  Những năm đầu Y và Dược Khoa học trình rất là bận bịu và căng thẳng, tuy vậy chúng tôi vẫn thu xếp thì giờ cho nhau, gặp nhau cuối tuần, đi ăn chung ngoài tiệm hay đi xi nê, đi dạo phố, đi thư viện với nhau... Ba má tôi biết chuyện hai đứa thương nhau, đã từ Pleiku về Qui Nhơn thăm hỏi cha mẹ Bạch Yến.  Tình yêu đôi lứa ngày càng khắn khít, đậm đà.   Thời gian đại học khá dài nhưng rồi cũng qua đi.  Chúng tôi làm đám hỏi trước và khi Bạch Yến tốt nghiệp Dược Khoa chúng tôi làm đám cưới.
          
 


 



 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét