khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Hai, 19 tháng 3, 2018

Bánh mì: Câu chuyện di dân dưới lớp bánh giòn tan






Lần tới, nếu mà bạn cắn một góc bánh mì Việt, nghe cái tiếng vỏ bánh kêu rôm rốp, cảm nhận cái vị ngọt ngọt, chua chua của bao nhiêu thứ nhân trộn lẫn vào nhau, hòa quyện trong miệng, bạn nên nhớ rằng: chiếc bánh mì đó không chỉ là một ổ bánh mì thịt đơn thuần.

Anh Nguyen - hiện đang làm việc cho viện bảo tàng Victoria và là một di dân từ khi còn nhỏ, đã chia sẻ rằng, chiếc bánh mì hé lộ câu chuyện truyền cảm hứng mạnh mẽ từ chính những di dân người Việt xa xưa và khả năng kinh doanh khéo léo của họ.

"Ẩm thực thường gắn liền với lịch sử," cô nói, "chính vì vậy mà chúng là một trong những phương tiện truyền đạt văn hóa dễ dàng nhất, cũng như chúng chỉ ra được làm thế nào mà hai nền văn hóa khác nhau đã hòa nhập lại làm một."

Nguyen giải thích rằng bánh mì vốn là sản phẩm của chế độ thực dân châu Âu ở Việt Nam vào vào cuối những năm 1800. Khi đó Pháp đánh chiếm Việt Nam, họ đem cả tình yêu đối với món bánh mì vào, rồi ảnh hưởng đến cả thói quen ăn uống của dân bản địa.

Trong thời kỳ Chiến tranh Thế giới thứ Nhất, kéo theo cả sự phát triển trong việc nhập cảng hàng hóa từ châu Âu sang Việt Nam. "Người Đức đóng vai trò quan trọng trong việc nhập cảng hàng hóa từ châu Âu, đặc biệt là những nguyên liệu để làm bánh mì vào Việt Nam. Chính từ đó mà họ làm cho việc tiếp cận những nguyên liệu này trở nên dễ dàng hơn. Đó cũng chính là lúc mà những tiểu thương ở bản địa thực sự bắt tay vào làm thức ăn Âu, bánh mì là một ví dụ điển hình."

Nhưng mà lúc đó có một chút trục trặc như vầy, "Xứ nhiệt đới có độ ẩm quá cao nên khó để bột bánh nở to lên lắm." Vậy là phiên bản 'bánh mì' baguette được ra đời. Nó giống hệt như baguette của Pháp vậy, nhưng mà người Việt trộn thêm bột gạo vào bánh, làm cho bánh dễ nở hơn và nhẹ hơn hẳn so với loại bánh của Pháp.

Nhưng phải đến những năm 1950s, khi bánh mì thực sự phổ biến, và dần trở thành món ăn nhẹ được nhiều người yêu thích cho đến tận ngày nay. Khi những người dân Việt tị nạn chạy thoát khỏi chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và di chuyển vào miền Nam năm 1954, họ nhận ra khu vực này còn nóng hơn ngoài Bắc. "Bánh mì lúc đó còn nổi tiếng hơn cả món phở Bắc tại khí hậu trong Nam quá nóng."

Để gầy dựng lại cuộc sống tại vùng đất mới ở miền Nam Việt Nam, nhiều di dân đã bắt đầu bán bánh mì ở Sài Gòn "vì nó là món ăn lề đường bán rất lời."

Nguyen giải thích rằng chuyện tương tự đã xảy ra khi người Việt chạy khỏi miền Nam Việt Nam để di dân đến Úc theo dạng tị nạn trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Lúc đó những thợ làm bánh người Việt đã nhanh chóng tạo dựng xưởng bánh của mình ở Úc vào những năm 1980s, tập trung xung quanh những khu nhà trọ mà những người Việt tị nạn đầu tiên đến sinh sống, ví dụ như Cabramatta hay Bankstown ở Sydney và Footscray ở Melbourne.

"Họ vẫn giữ nguyên tinh thần kinh doanh như cái hồi mà họ bị đẩy ra khỏi miền Bắc Việt Nam và buộc phải gầy dựng lại kế sinh nhai cho gia đình. Thế nên một trong những món ăn kiếm nhiều lợi nhuận nhất được sản xuất nhiều ở đây chính là bánh mì. Đó là món ăn Việt đầu tiên được đưa đến đất Úc."

Ha Phun, quản lý của tiệm bánh Hong Ha Bakery ở khu vực Mascot ở Sydney, đã chia sẻ với SBS về gia đình cô. Họ đã lập xưởng bánh này vào năm 1986 sau khi cha của cô vừa di dân sang Úc theo dạng tị nạn.

Cô bảo rằng, cha của cô vốn là một kỹ sư về tàu thủy khi còn ở Việt Nam, ông chẳng có chút kinh nghiệm gì về việc làm bánh khi ông mới đến Úc. "Ban đầu ông làm việc cho một nhà máy, nhưng rồi ông bắt đầu cảm thấy mệt mỏi vì phải làm việc theo những ca làm dài, nên ông muốn làm gì đó khác có thể sử dụng thời gian hiệu quả hơn," Phun chia sẻ, cô đã làm việc tại tiệm bánh gia đình này gần 20 năm qua.

Khoảng thời gian đó, bánh mì vẫn chưa được phổ biến ở Úc, và chỉ có một số tiệm bánh mở bán trên đường. 30 năm sau đó, mọi thứ đã thay đổi theo thời gian. Vô số những tiệm bánh mì Việt Nam mở ra và rất nhiều những cửa hàng thức ăn Việt khác được mở ra theo dạng kinh doanh gia đình.
"80 phần trăm những gì chúng tôi bán trong tiệm là bánh mì. Mọi người thích bánh mì lắm...Tôi thì ăn mỗi ngày luôn. Mình phải ăn thử để kiểm tra xem bánh có ngon không, có đúng chất lượng không. Nhân viên của tôi cũng ăn mỗi ngày luôn."

Viktoria Darabi, chuyên viên tư vấn du lịch văn hóa ẩm thực tại NSW và là thành viên tình nguyện của Taste Food Tour, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của những tiệm bánh Việt này trong cộng đồng người di dân.

"Những doanh nghiệp nhỏ được điều hành bởi những đại gia đình như thế này thực sự mang lại lợi ích kinh tế nhất định," Darabi cho biết, "Chúng ta đều biết là các doanh nghiệp nhỏ này là cái xương sườn của nền kinh tế Úc."

"Những tiệm bán bánh mì này đã góp phần gìn giữ văn hóa ẩm thực truyền thống và lưu truyền kỹ năng làm nghề. Họ tạo ra sự khác biệt và ý thức về sự gắn kết xã hội trong khu vực. Họ còn giúp tạo ra giá trị cao trong nền văn hóa của các di dân, và đóng góp vào chính xã hội Úc của chúng ta."

Phun hiện tại đang đảm nhận vai trò điều hành công việc của gia đình, nhưng cô phải thừa nhận rầng cô không thể biết được nghề làm bánh mì truyền thống này có thực sự được truyền đến đời con của cô hay không. Chúng là thế hệ đầu tiên được sinh ra tại Úc và là công dân Úc.

"Tôi không thể biết chắc rằng con của tôi chúng có yêu nghề và muốn tiếp quản cửa tiệm của gia đình hay không. Sẽ rất tiếc nếu chúng không muốn tiếp quản nghề này," Phun nói. "Chúng tôi đã mở tiệm này từ năm 1986 và trở nên nổi tiếng cho đến ngày hôm nay về món bánh mì của mình, chúng tôi thực sự không muốn thế hệ con cháu sau này mất đi cơ hội được biết loại bánh này có hương vị ra sao."

Nguyen cho biết đây là tình hình chung mà rất nhiều gia đình tị nạn Việt đang kinh doanh xưởng bánh phải đối mặt.

"Thế hệ con, rồi cháu của những di dân này không muốn trở thành thợ làm bánh vì công việc này đòi hỏi việc thức khuya dậy sớm và rất cực," Nguyễn giải thích.

"Việc này cũng không phải ngành nghề đang theo 'trend' như hiện giờ. Nói đúng ra là nó còn đi ngược lại với xu hướng chung của nền kinh tế: bạn phải đối mặt với những khó khăn y như những gì mà ba mẹ   bạn đã từng làm khi mới đến Úc.

"Thế nên ngày nay chúng ta thấy có ít tiệm bánh hơn trước, mặc dù là mấy tiệm phở hay mấy nhà hàng món Việt khác thì càng lúc càng nhiều. Ai cũng muốn mở nhà hàng cả."
Nguyen hi vọng thế hệ thứ nhất và thế hệ thứ hai sẽ dần dần yêu thích trở lại nghề làm bánh và tiếp tục nghề này. Cô dự đoán họ sẽ phát triển ra một dạng mới của nghề làm bánh mì Việt, cùng với cách tiếp cận mới mẻ hơn về nghề làm bánh mì truyền thống này.

Bánh mì có giá trị quá lớn nên thực sự nó không thể nào mất đi hay lẫn vào đâu được. Chi phí để làm ra chúng lại rẻ nên hợp với túi tiền người mua, đó là chưa kể đến hương vị thơm ngon của chúng.
"Bánh mì được xem là một loại thức ăn trưa chứa gần như mọi thứ mà chúng ta cần. Nó vừa nóng giòn, vừa ngon, vừa mang lại cảm giác rất dễ chịu khi ăn, nhất là với cái thời tiết của Úc."

"Vỏ bánh mì giòn ruộm và mỏng nhẹ. Bên trong ổ bánh là những miếng thịt ướp đậm đà, những miếng cà rốt và củ cải trắng tươi ngon. Và mọi người lập tức nhận ra thêm một mùi vị khác nữa, mùi của ngò rí."

"Nó vừa tiện lợi vừa rẻ. Bánh mì là một món ăn mà bất cứ người Úc nào cũng có thể mua được, bất kể là trong túi bạn có nhiều hay ít tiền."



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét