khktmd 2015
Thứ Bảy, 20 tháng 1, 2018
Ngày đầu ở Mỹ - Tác giả Trần Hoài Thư
Cuối cùng, cuộc đình công thất bại. Cả đám người Việt chúng tôi bị đuổi ra khỏi hãng ngay sau khi Lương mang kiến nghị lên gặp văn phòng giám đốc. Tên chủ hãng chỉ liếc qua tờ giấy, rồi nhún vai: “Được. Bọn mày về lại chỗ làm việc. Tao sẽ trả lời ngay sau giờ ăn trưa”. Gương mặt của tên da trắng vẫn lạnh lùng. Chúng tôi trở lại bàn làm việc, chờ đợi. Trên bàn là những dụng cụ lắp ráp nằm vương vãi. Không ai nói chuyện với ai. Chúng tôi rõ ràng đã linh cảm được điềm không tốt. Mới hôm qua, cả bọn hăm hở như một toán quân nắm phần chiến thắng, cười nói huyên thuyên. “Nó bóc lột mình, thì mình phải đoàn kết lại, phải không anh chị em?” “Phải đó. Lương $3.75 một giờ còn thua lương tối thiểu. Phải nói cho nó biết là bọn mình không phải con vật…” “Sức mấy mà nó không nghe lời yêu cầu của mình. Tôi nói cho bà con nghe, nó mà thắp đuốc đi tìm cũng không bao giờ gặp được những người làm việc siêng năng cần mẫn như bọn mình đâu.” Bao nhiêu ý kiến, phát biểu đầy lạc quan, phấn khởi như thể ngày mai, lương sẽ tăng lên $4.00, bây giờ trở thành ảm đạm. Lương, tay đại diện thì im lặng. Vâng, mọi sự đâu có phải dễ dàng như chúng tôi tưởng. Bởi vậy, tại sao lại có nghiệp đoàn, có những người đội tuyết giá, đứng giữa mưa gió để cầm bảng: Đình công. Đâu có phải chỉ ký tên vào bản kiến nghị, rồi đưa lên chủ…Đâu có phải nghĩ rằng, mình là một cõi. Không có mình, hãng sẽ phải đóng cửa ngay lập tức.
Quả vậy, sau giờ ăn trưa, chủ loan báo, nhóm chúng tôi phải ra về tức khắc. Trời ơi, đúng là xứ tư bản, chủ là vua, là chúa. Đoàn kết gây sức mạnh. Cái câu tục ngữ nào coi bộ không đúng trong lúc này.
Cuộc đình công là một trong những bài học mà tôi gặp phải trong những tháng năm đầu tiên ở xứ sở này. Một bài học về những người mất tiếng nói. Muốn chửi nhưng cũng không biết chữ để mà chửi. Muốn kêu cảnh sát cũng sợ phải nói tiếng người. Tôi đã viết một lá thư gửi về thằng bạn thân của tôi ở quê nhà, kể rõ những sự thật khi nó hỏi tôi về ý định của nó muốn qua Mỹ. Nhưng nó vẫn không tin tôi. Nó nghĩ tôi ích kỷ. Được, nó sẽ biết, và chừng ấy nó sẽ đừng hối hận. Nếu nghĩ đến một điều không thể tìm thấy ở quê nhà, không phải là tiền bạc, xe hơi nhà lầu, không phải là những con đường xa lộ thênh thang hay những ngôi nhà chọc trời… Nếu nghĩ đến hai chữ tương lai cho con cháu, đến một cái gì quí báu nhất mà loài người này đã đổ bao nhiêu xương máu để gây dựng, thì hãy nên đi. Bằng không, thì đừng… Tôi khuyên nó như thế. Để nó còn chuẩn bị tinh thần, để khỏi tiếc nuối cái cơ nghiệp đồ sộ mà nó gây dựng, để khỏi bị mang mặc cảm một người trí thức phải trở thành một gã cu li, hốt rác…
Trở về khu slum, bước trên những vỉa hè dơ bẩn, giữa những vách tường chằng chịt chữ viết, tôi nghe lòng trĩu nặng nỗi buồn. Lũ chim bồ câu bay rợp trên những dãy lầu bỏ hoang. Chiếc xe trolley nghiến bánh trên đường sắt, và những tia lửa xẹt từ những sợi dây cable trên cần trục. Đây là một khu mà cả thành phố này ai cũng kinh sợ. Tội ác. Drug. Ngay cả cảnh sát cũng ít lai vãng. Đa số những người tị nạn không thân nhân đều được hội bảo trợ tống về đây, ở trong những apartment với giá tiền thuê rẽ mạt. Và chúng tôi đã biến đổi khu slum thành một khu Việt Nam nho nhỏ. Người này san sẻ với người kia về kinh nghiệm đã học được. Chúng tôi cùng rủ nhau đợi xe bus vào lúc ba giờ sáng để về các nông trại xa để hái táo lê hay cherry, và nhận tiền mặt. Chúng tôi cùng kéo nhau đi điền đơn xin việc tại các hãng xưởng hay làm chân lau chùi vệ sinh sau giờ làm việc. Những người đàn bà thì mách với nhau về nơi nào bán đồ cũ, hay đồ đại hạ giá. Con chúng tôi được gởi đến một ngôi trường mà 99% là học trò Mỹ đen. Không ai cho chúng tôi biết về những chương trình giúp đỡ dân tị nạn, hay chương trình học vấn. Chỉ có chúng tôi, người này biết nói với người khác hay. Chính vì sự san sẻ này mà tôi mới biết tại một ngôi trường đại học cộng đồng của thành phố có một lớp dạy Anh ngữ miễn phí. Và chúng tôi cùng rủ nhau tìm đến để ghi danh.
Ngôi trường nằm bên cạnh City Hall. Buổi sáng, Khanh, Lương, cô Huệ và tôi theo xe điện ngầm đến trường. Bà giáo phụ trách chương trình ra dấu bảo cả bọn vào văn phòng, rồi phát đơn, phát bài để trắc nghiệm. Những câu hỏi trắc nghiệm về văn phạm, toán học v.v…Tất cả đối với tôi đã quá quen, lý do tôi đã học trong những năm trung học và đại học ở quê nhà. Tôi làm xong trước giờ ấn định rất lâu. Bà giáo chấm bài ngay tại chỗ. Bà gọi tôi vào khen ngợi, nói với tôi là mày không cần học lớp ESL, mà học thẳng lớp English 100, có nghĩa là lớp được tính credit Bà còn hỏi tôi về cái ngành học tôi ước muốn. Tôi trả lời tôi không biết. Tôi chỉ muốn học tiếng Anh, để hiểu những gì căn bản nhất mà người bản xứ nói. Bà ta khăng khăng, mày có trình độ mà, bài trắc nghiệm của mày đúng hoàn toàn mà. Mày muốn học ngành điện toán không? Tôi không biết tí ti gì về điện toán nhưng vẫn gật đầu. Xin bà giúp đỡ. Cám ơn bà. Tôi nghĩ công việc chọn nghề là việc của bà. Ai ai cũng phải có một nghề để theo đuổi.
Sau đó bà hướng dẫn tôi lên lớp học. Tôi ngu ngơ như một con nai lạc. Trường quá rộng. Sinh viên qua lại dập dìu. Tôi không dám mong trở thành một phần tử trong thế giới này. Lại nữa, số tuổi quá 40 của tôi quá già để nghĩ đến một sự bắt đầu. Tôi chỉ muốn học để có thể nghe và hiểu, thế thôi. Nhưng bà giáo lại đẩy tôi vào lớp. Trời ơi, mấy chục sinh viên bản xứ quay lại nhìn tôi chăm chú. Ông giáo sư ngồi ở giữa một vòng tròn sinh viên. Tôi kéo ghế chen vào. Ông giáo sư bắt sinh viên giới thiệu về mình. Tôi hoàn toàn không hiểu họ nói gì nữa. Và tôi xấu hổ bỏ lớp. Tôi chạy xuống văn phòng tìm bà giáo cố vấn chương trình. Tôi năn nỉ xin bà xuống lớp thấp nhất. Bà giáo cười. Lần đầu tiên tao mới thấy một người đòi xuống lớp thay vì lên lớp. Mày không biết được học lớp English 100 này là một điều hãnh diện hay sao?
Từ buổi ấy, Lương, Khanh, Huệ và tôi cắp sắch đến trường. Tên học trò trung niên, mang cặp kính, mang theo nỗi buồn của một đứa con xa xứ, đến trường. Ngôn ngữ cứng ngắc trên hai hàm răng. Chử nghĩa mờ nhạt trên đôi mắt yếu. Để buổi chiều cầm tấm giẽ, cái chổi, đẩy máy hút bụi, rồi áp vào khung kính nhìn về phía núi đồi hoàng hôn, để nghĩ đến một con ngựa lạc bầy mà buồn muốn khóc. Từ thưở cha sinh mẹ đẻ đến bây giờ, tôi chưa biết thế nào là vào trong nhà vệ sinh phụ nữ để lục lọi từng miếng băng vệ sinh để bỏ vào thùng rác hay lấy giấy lau sạch bàn cầu. Và những lời đay nghiến, những cái nhìn diều hâu khi con mẹ da trắng đi khám cao ốc. Tôi xin nói thật, không che giấu, không úp mở. Tôi đang mở đôi mắt lớn để nhìn đời. Đời dạy tôi, tôi xin viết lại cho con cháu tôi. Tôi đẩy thùng rác, vừa đẩy vừa nghĩ đến bài học. Tôi ghi từng chữ Anh, chữ Mỹ trên tấm cạt, thỉnh thoảng, lấy ra nhìn, cố gắng nhập tâm. Đó, hỡi thằng bạn phương xa, mày mà biết, mày sẽ không bao giờ qua xứ Mỹ này. Mày mà biết, khi tao gọi điện thoại từ trường về nhà thăm chừng thằng con 6 tuổi ở một mình bất hợp pháp, không nghe tiếng nó trả lời, là cả tim tao cơ chừng muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Học. Học. Không học thì làm gì bây giờ. Những tiếng cười ngạo mạn của một người nào đó, khi mình phát âm sai. Con mẹ chủ nhà không buồn ngẩng đầu nhìn đám người tị nạn khi họ đến than phiền về heat về gaz. Những cái nhún vai khinh bỉ trong xe điện ngầm, xe bus, hay trong hãng. Tôi nói với lòng mình, can đảm lên, như ngày xưa mình từng là một người lính đánh giặc miền Nam.
o0o
Bây giờ, tôi đang trở lại khu xóm cũ, sau hơn 15 năm xa cách. Vẫn những con bồ câu hoang đậu dưới gầm cầu xe lửa. Vẫn những vách tường dày đặc chữ viết bậy. Vẫn những ngôi nhà hoang. Vẫn những sân nhà phủ ngập cỏ dại và rác rến. Vẫn con đường qua xóm, với hàng điện trời mà mỗi khi chiếc xe trolley chạy qua, là tiếng kêu leng keng như một tấu khúc vui trong ngày. Có điều khác chăng là lớp người tiền phong như chúng tôi đã không còn nữa, mà để thay vào đó là những người Miên hay Lào. Vâng, như người Do Thái của một thời, đã bỏ khu này mà đi, rồi đến người Mỹ đen, rồi người tị nạn Việt Nam…Lương là kỹ sư cơ khí. Huệ đã trở thành dược sĩ. Cô Vân đã dọn nhà sang một khu khác, an toàn hơn, và hai đứa con của cô đang học đại học. Anh Phú và tôi có con sắp ra Bác sĩ. Ông Tâm đã qua đời. Bà Căn cũng về với Chúa. Một thế hệ mới đã vươn lên từ sự lao khổ lận đận của thế hệ tiền phong. Không phải đi khai mỏ vàng, hoặc đi tìm đất mới. Nhưng phải tự dìu dắt trên chính một nơi mà mình chẳng bao giờ lựa chọn, để mong con cháu nên người.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét