khktmd 2015
Thứ Bảy, 16 tháng 9, 2017
CHUYỆN ÔNG TRỊNH VĨNH BÌNH VÀ CHUYỆN ÔNG NGUYỄN AN TRUNG - Tác giả Quốc Phong
Trong cơ chế vận hành của một nhà nước pháp quyền, nhiều khi chúng ta ” nói vậy nhưng lại không làm vậy” để rồi nhiều khi ” cái sảy nảy cái ung”. Đến khi chính quyền muốn xử lý khi biết có chuyện không bình thường hoặc buộc phải xử lý để xã hội phát triển v.v… thì khi đó mới lòi ra những bất ổn khó hiểu, thậm chí là hậu quả khôn lường của các nhiệm kỳ cũ để lại. Vì thế, những vị lãnh đạo kế tục đã và sẽ gặp khó. Những câu chuyện vừa cũ, vừa mới dưới đây mà tôi dẫn lại từ các báo chính thống trong nước đã cho thấy chúng ta “đang có điều gì sai sai trong đó” khi cơ quan này, bộ nọ, tỉnh thành kia từng quyết định mà không ai có thể lường nổi lại có ngày nó trở thành hậu quả nặng nề cho hậu thế . Nhưng nếu như có những giải pháp thấu tình đạt lý thì thiệt hại cũng sẽ bớt đi rất nhiều.
Câu chuyện thứ nhất về ông Trịnh Vĩnh Bình :
Theo báo Dân trí.vn đưa thì ông Trịnh Vĩnh Bình, Việt kiều tại Hà Lan ( với tên quen thuộc thường gọi bên Hà Lan là “Bình chả giò”- do ông chế biến thức ăn Việt bên đó ) đang kiện chúng ta về chuyện của hơn hai chục năm trước gây thiệt hại kinh tế cho ông .
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, ông Trịnh Vĩnh Bình sinh năm 1947 tại Sóc Trăng, cùng vợ con và hai em vượt biên sang Hà Lan năm 1976. Từ năm 1981 đến tháng 8/1996, ông về nước 63 lần, mang theo tổng cộng hơn 2,3 triệu USD và gần 100 kg vàng với ý định đầu tư về quê hương . Nhưng vào thời điểm này, pháp luật nước ta lại chưa cho phép Việt kiều mua bán, sở hữu, đứng tên nhà cửa, đất đai. Để thực hiện ý đồ kinh doanh bất động sản nói trên, thứ mà nhà nước vẫn còn cấm người nước ngoài vào Việt Nam trên, ông Bình đã chọn một số người thân để giúp sức, cơ quan điều tra nhận định.
Thành lập Công ty TNHH Tín Thành, Công ty Cổ phần Bình Châu chuyên mua bán nông, thủy hải sản tại Vũng Tàu với 12 cổ đông, song ông Bình bỏ vốn 100%. Doanh nhân này chỉ đạo nhân viên làm giả hộ khẩu cho hàng loạt người thân tại TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu để đứng tên nhà đất mua được và nhận đất trồng rừng trái pháp luật.
Cơ quan an ninh điều tra tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xác định, năm 1992, ông Bình và một số nhân viên đưa hối lộ 510 triệu đồng cho Tạ Quang Luyện (cán bộ Công ty Phát triển nhà tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), Nguyễn Văn Huế (cán bộ Chi nhánh Phát triển kinh tế nông thôn phía Nam) để mẹ và các em vợ được nhận hơn 500 ha đất trồng rừng. “Không đầu tư trồng rừng như cam kết, 400 ha đất bị chính quyền thu hồi nhưng khi bán số đất còn lại ông Bình đã thu được hơn 6 tỷ đồng”.
Cuối năm 1996 khi cùng những người liên quan bị khởi tố về hành vi Vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai; Đưa và nhận hối lộ, ông Bình đã thu gom gần 2,5 triệu m2 đất, 11 căn nhà nằm rải rác từ TP HCM, dọc Quốc lộ 51, Vũng Tàu. Ở những phi vụ mua bán trước đó (khoảng 30.000 m2 đất), Việt kiều Hà Lan thu lãi hơn 10 tỷ đồng.
Tại ngoại hầu toà năm 1998, ông Bình bị tuyên 13 năm tù về hai tội danh. HĐXX huỷ toàn bộ các quyết định giao đất, hợp đồng mua bán đất trái phép.
Trong đơn kháng cáo kêu oan sau đó, ông Bình cho rằng “mang vàng, ngoại tệ về Việt Nam là để đầu tư; việc đầu tư thông qua người thân là hợp pháp”.
Giảm cho ông Bình 2 năm tù do số lượng đất vi phạm ít hơn kết luận của cấp sơ thẩm, song Toà Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM xác định “hành vi mua bán đất đai trái phép của ông Bình không được coi là đầu tư”.
“Hành vi này gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, tích tụ, đầu cơ số lượng đất rất lớn tại các vùng sung yếu… gây ảnh hưởng xấu đến quản lý đất đai ở địa phương; gây thất thoát thuế của nhà nước lên đến 12 tỷ đồng”, bản án nhận định.
Không thi hành bản án đã có hiệu lực, ông Bình bỏ trốn và bị Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ra quyết định truy nã toàn quốc.
Hồi đó tôi cũng đã nghe nói việc cho ông Trịnh Vĩnh Bình được tại ngoại cũng là một cách bật đèn xanh để ông lẳng lặng ra đi chứ không phải tự dưng được như vậy (?!).
Sau khi về Hà Lan, năm 2003, ông Bình với tư cách nhà đầu tư, nhờ tổ hợp luật sư kiện lại Chính phủ Việt Nam đòi bồi thường thiệt hại. Phía ông Bình viện dẫn các quy định của Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký kết với Hà Lan vào năm 1994 làm căn cứ khởi kiện.
Đến năm 2006, ông Bình được Chính phủ miễn chấp hành hình phạt tù trước đó, cho về Việt Nam và xem xét giải quyết trả lại ông một số tài sản hợp pháp. Tuy nhiên, do sai phạm của một số cá nhân tại cơ quan thi hành án ảnh hưởng đến tài sản của ông Bình nên việc này chưa được thực hiện.
Tháng 1/2015, ông Bình tiếp tục đâm đơn kiện lần thứ hai, đòi bồi thường 1,25 tỷ USD. Phiên tòa lần này diễn ra tại Trung tâm trọng tài Quốc tế ICC ở Paris, Pháp từ ngày 21/8/2017.
Tại buổi họp báo chiều 30/8 mới đây , trả lời câu hỏi về quan điểm và phản ứng của Chính phủ trước vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng – cho biết, theo các nguyên tắc về bảo hộ đầu tư, khi có tranh chấp vi phạm thoả thuận với một địa phương nào đó (trong vụ này là Bà Rịa – Vũng Tàu), nhà đầu tư nước ngoài không kiện địa phương mà sẽ kiện Chính phủ.
“Quan điểm của Chính phủ, của Thủ tướng là tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch cả với doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trung tâm trọng tài Quốc tế đang xem xét vụ kiện nên chúng ta cũng phải đợi thôi”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Tôi từng là người tiếp nhận hồ sơ vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình từ một người đưa tới báo Thanh niên lại chính từ sự gợi ý của bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước CHXH CNVN với những bức xúc , trăn trở của nhà lãnh đạo có nhiều năm làm công tác ngoại giao. Bà từng nhắn với tôi để báo cáo lại với Tổng biên tập Nguyễn Công Khế năm đó rằng, nếu báo chí không góp phần cùng làm triệt để vụ này mà cứ để họ kiện nhà nước chúng ta thì thật tổn hại khó lường về uy tín đối với bạn bè quốc tế .
Điều mà bà Nguyễn Thị Bình nói , tôi không thể quên được và báo Thanh niên cũng đã vào cuộc kiên trì ngay từ những ngày đó . Song, cuối cùng thì như mọi người đã thấy. Thật tai hại khi mấy chục năm sau, hậu quả để lại thật đáng buồn chỉ do chúng ta xem nhẹ và không giải quyết triệt để , thấu tình đạt lý …
Chuyện thứ hai rất đáng suy nghĩ dù cũng rất cũ về ông Nguyễn An Trung :
Khoảng cuối năm 1994, báo Thanh niên có loạt bài lên tiếng bảo vệ cho doanh nhân Nguyễn An Trung , Việt kiều Nhật về nước kinh doanh ô tô nhập khẩu tại tp HCM . Ông Trung cho rằng ông đã bị oan trái và kết tội không đúng khi ông nhập 118 chiếc xe tay lái nghịch về Việt Nam là sai phạm và ông bị kết tội ” buôn lậu” là rất nặng nề.
Ban biên tập chúng tôi ngày ấy đã làm Thủ tướng Võ Văn Kiệt bực mình, yêu cầu ra Hà Nội gặp để giải trình vụ việc mà chúng tôi lên tiếng mạnh mẽ. Chủ trì cuộc họp này là một phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cùng ông Dương Đức Quảng, khi đó là Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí của VPCP và chúng tôi, những người trong ban biên tập báo Thanh niên và phóng viên viết loạt bài nói trên.
Đây quả là một trong những vụ án có nhiều tình tiết ly kỳ. Thực ra, ông An Trung với tình yêu đất nước vốn có từ những năm đất nước còn chiến tranh. Ông từng đấu tranh trong nhóm sinh viện Việt Nam bên Nhật đòi hoà bình rất dũng cảm .
Thế nhưng việc ông mong muốn trở về đầu tư tại quê nhà đã biến thành tai hoạ khủng khiếp. Vụ việc khiến ông suýt phải trả giá bằng cả mạng sống…
Năm 1988, Việt Nam ta mới có Luật khuyến khích Đầu tư nước ngoài, ông Nguyễn An Trung nhanh chóng thành lập Công ty Sài Gòn ôtô, tuyển dụng khoảng 400 công nhân. Công ty của ông nhập khẩu các loại xe “secondhand” (xe đã qua sử dụng) như xe buýt, xe tải, xe chở rác, xe hút bùn, xe cần cẩu, xe công trình giá rẻ nhưng là tay lái nghịch rồi đưa về Việt Nam, chuyển đổi thành xe tay lái thuận, bán ra thị trường.
Ông Nguyễn An Trung cũng đã tặng TP. Hồ Chí Minh một số xe buýt chuyển đổi tay lái và có ý định nếu công việc thuận lợi, sẽ có thể trang bị đủ xe buýt cho TP. Hồ Chí Minh dùng với giá cả phải chăng.
Ông Nguyễn An Trung là người An Giang, sang Nhật học về kỹ thuật từ đầu những năm 1960 và đã tốt nghiệp Tiến sĩ kỹ thuật công nghệ bên đó. Ông Nguyễn An Trung tham gia phong trào yêu nước, phản chiến. Vì các hoạt động này, ông đã bị chính quyền Sài Gòn cũ xử vắng mặt, kết án ông 6 năm tù vì tội chống chính quyền.
Năm 1975, ngày thống nhất đất nước, ông Nguyễn An Trung là một trong những Việt kiều đầu tiên được chính quyền mới mời về dự lễ mừng Chiến thắng 30/4. Mặc dù đã ở Nhật hơn 10 năm, ông Nguyễn An Trung vẫn giữ quốc tịch Việt Nam vì quá yêu tổ quốc mình.
Cũng vào năm 1994, Công ty của ông An Trung nhập về Cảng Sài Gòn lô hàng 118 chiếc xe tay lái nghịch. Hàng đã về cảng Sài Gòn được 3 ngày, đang làm thủ tục xin giấy phép nhập khẩu, thì Chính phủ ta có lệnh cấm nhập khẩu xe ôtô tay lái nghịch, do chính Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký. Như vậy hàng về cảng Việt Nam trước khi có lệnh cấm 3 ngày.
Nếu căn cứ trên văn bản của luật pháp thì ông An Trung không hề có tội (luật hay các văn bản luôn được coi là “bất hồi tố”, có nghĩa chỉ có hiệu lực từ lúc ban hành trở về sau chứ không có giá trị trở về trước).
Tiếc rằng Công an thành phố HCM đã cho khởi tố vụ án, bắt tạm giam ông An Trung về tội buôn lậu. Và thật tệ, trong khi toà chưa hề xét xử, họ đã cho thanh lý lô xe ông Trung nhập về,( giá mua bên đó đã hơn 1 triệu đô la) với giá bèo khoảng 5 tỷ đồng, gần như biếu không toàn bộ lô xe này cho một số doanh nghiệp sân sau để trục lợi .
Căn cứ vào giá trị của lô hàng thì Viện Kiểm sát thành phố HCM đã đề nghị mức án “chung thân” với Việt kiều Nguyễn An Trung.
Sau này ông có Trung kể lại rằng : Những ngày nằm trong nhà giam Chí Hoà, ông cảm thấy có những lúc tuyệt vọng. Bởi mục đích của ông chẳng có gì xấu, nhưng khi vấp rào cản của cơ chế hành chính quan liêu, ông đã phải trả một giá quá đắt.
Phiên toà hy hữu nói trên đã cho thấy thông tin đến tai Thủ tướng Võ Văn Kiệt sai đi kinh khủng. Họ báo cáo Thủ tướng rằng 118 xe này nhập về đều là xe con chứ đâu nói đó là xe ép rác, xe hút bùn, xe cần cẩu…
Chi tiết này đã làm tất cả các vị thẩm phán và Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử “ngã ngửa “. Họ đọc hồ sơ vụ án và đều đinh ninh rằng ông Trung đã nhập gần như toàn bộ là ôtô con để trốn thuế và bán kiếm lời ở Việt Nam.
Ông Võ Văn Kiệt từng là Bí thư Thành uỷ Sài gòn nên ông cũng có biết ít nhiều về quá khứ của ông Nguyễn An Trung. Ông An Trung thì nghe đâu cũng có lúc này lúc nọ, không phải ông không biết. Cũng vì thế., lúc ban đầu ông cũng không thật tin ông An Trung đang bị oan. Nhưng khi biết sự thể, cách nhìn vấn đề của ông Kiệt đã thay đổi , khách quan, công tâm khi quyết định bày tỏ chính kiến.
Có lẽ cũng vì thế nên ông đã có ý kiến rất công tâm khi TBT báo Thanh niên chúng tôi trực tiếp trình bày, thuyết phục để ông nghe một cách khách quan nhất . Thế rồi sau đó ông đã có ý kiến ngược lại so với cảm nhận ban đầu vụ việc mà ông nghe cấp dưới báo cáo.
Chúng tôi nể phục ông cũng từ những vụ việc cụ thể đó. Rất công tâm và có thể sẵn sàng thay đổi cách nhìn, không bảo thủ khi đã có thêm thông tin trung thực.
Ngày 28/2/1995, phiên tòa sơ thẩm xét xử ông Nguyễn An Trung đã được mở tại TP. Hồ Chí Minh.Trong suốt hơn 10 tháng ông Trung bị tạm giam, Công ty Sài Gòn ôtô phải đóng cửa, nhưng ông vẫn chỉ đạo công ty trả lương đều cho hơn 400 công nhân, vì ông không muốn cuộc sống của họ bị điêu đứng.
Phiên toà diễn ra thật sự căng thẳng. Phía công tố rất hùng hồn đưa ra các chứng cứ, các văn bản để kết tội Nguyễn An Trung, còn luật sư nổi tiếng khi ấy đã ở tuổi 80 là cụ Nguyễn Thành Vĩnh thì phản bác đầy thuyết phục rằng ông Trung không có tội.
Trước những lập luận hết sức chặt chẽ, Nguyễn An Trung chỉ bị tuyên phạt “Cảnh cáo”, nhưng lô xe của ông lại bị tuyên “tịch thu” mà thực chất họ đã thanh lý như chảo chớp lô xe khiến toà cũng khó xử nếu trong lòng muốn xử thoả đáng hơn.
Dù chỉ bị ” cảnh cáo” nhưng ông An Trung vẫn không chịu. 5 tháng sau, ngày 5/7/1995, phiên tòa phúc thẩm mới được mở. Cuối cùng, chân lý đã thắng. Phiên tòa này đã tuyên ông Trung “vô tội”. Ông Nguyễn An Trung đã đứng dậy bật khóc.
Tôi cảm nhận rằng, dù ông không thu lại được tiền của lô xe bị tịch đầy thu oan trái nhưng ông cũng không kiện tiếp như ông Trịnh Vĩnh Bình vừa rồi bởi ông An Trung có thể cảm thông phần nào với đất nước đang còn nhiều cơ chế chưa thông thoáng và rào cản cho đầu tư.
Tôi thì đoán thêm , cũng có thể ông An Trung đã quá biết chuyện ông Võ Văn Kiệt từng có chỉ đạo vụ này nên ông mới được thoát nạn mà không muốn kiện Chính phủ Việt Nam bởi một con người có nhân cách như ông, từng một thời yêu nước đến cháy bỏng và từng đấu tranh cho hoà bình năm xưa, ông không muốn làm xấu mặt đất nước đã sinh ra ông? Nếu không thì nhiều khả năng đây cũng là một vụ kiện kiểu như ông Trịnh Vĩnh Bình cũng nên.
Điều tôi muốn đề cập mấy câu chuyện này là để nói cũng vẫn là vụ việc đó, nó có thể được hoá giải làm cho nhẹ đi rất nhiều nếu hai bên tìm ra một đáp số chung, cùng biết sẻ chia để hoá giải nó . Nếu không, nó sẽ trở thành chuyện lớn, vô tình làm giảm uy tín cho chế độ chúng ta thì thật là đáng buồn…. Đây chính là một bài học sâu sắc trong chuyện xử thế của người đứng đầu nếu có tầm và có tâm thì sẽ biến chuyện đại sự trở thành vô sự. Ngược lại, nếu tầm kém và tâm thiếu, vô cảm trước trách nhiệm được Đảng , dân trao thì thật tệ hại cho đất nước, chế độ. Và hậu quả là thế hệ kế tục sẽ lĩnh hậu quả khôn lường.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét