Nhiều khi tôi thấy mình thật “không bình thường”!
Nhiều người nghe “không bình thường” liền nghĩ ngay đến “có vấn đề về thần kinh”. Nhiều khi tôi cũng thấy tôi “có vấn đề về thần kinh” lắm, nhưng hôm nay chữ “không bình thường” của tôi không có liên quan gì đến chữ “thần kinh” trong cụm từ “có vấn đề về thần kinh” mà tôi muốn nói nghĩa của từ “không bình thường” ở một nghĩa… bình thường. (Có khi viết tiêu đề xong gặp luôn “vấn đề về thần kinh” hổng chừng, tại vì tôi thấy mình bắt đầu “không bình thường” rồi!)
Google (lại google) nói người bình thường là một người không… khác thường (nghe qua thì thấy khá là huề vốn). Vậy không khác thường là gì? Sau khi tìm hiểu khá cẩn thận thì tôi có thể tạm kết luận không khác thường là không đi ngược với số đông. Ví dụ ở một nơi tất cả mọi người không mặc đồ bỗng nhiên bạn mặc đồ lượn qua lượn lại có thể bị kiện vì tội… khiêu dâm. Tính ra ở nơi tôi sống thì có rất nhiều người “không bình thường”. Tuy đôi khi làm những việc “không bình thường” cũng cảm thấy rất sướng vì cuộc sống sẽ rất tẻ nhạt nếu tất cả mọi người đều giống nhau. Nhưng những sự “không bình thường” tôi sắp nói tới sẽ rất… bình thường đối với nhiều người. Mà như đã nói ở trên, đây là những chuyện số đông không làm nên nó trở nên khác thường. Dĩ nhiên tôi không thể luôn luôn đúng với số đông, nên các cảm nhận của tôi có gì đó “không bình thường” cũng rất… bình thường. Mỗi người đều không thể giống nhau mà.
Ðầu tiên bắt đầu từ giáo dục. Ở Việt Nam, nếu bạn là một người bình thường có cuộc sống bình thường gia đình bình thường bạn bè bình thường mà bạn có trình độ Ðại Học và trên Ðại Học thì bạn là một người “không bình thường”. Theo một thống kê của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư) trên báo Người Lao Ðộng (được cho là có tính chuẩn xác cao) thì ở Việt Nam đến tháng 12/2014 tỷ lệ dân số có trình độ đại học và trên đại học là 7.3%. Và nếu bạn là một người trong 7.3% trên nhưng bạn chưa từng “chạy điểm”, “chạy trường” thì xin chúc mừng bạn. Bạn là người rất “không bình thường”.
Tuy tỷ lệ người có trình độ đại học và trên đại học khá thấp, nhưng những người nắm giữ chức Giáo Sư, Phó Giáo Sư, hay Tiến Sĩ, Thạc Sĩ lại cực kỳ “không bình thường” (Những người này trình độ phải trên đại học). Theo báo Tuổi Trẻ, một đầu báo được xem là có uy tín ở VN hiện nay, Việt Nam chúng ta có hơn 12,000 giáo sư, phó giáo sư, hơn 24,000 tiến sĩ, hơn 100,000 thạc sĩ. Nhưng thật tiếc, theo Bộ trưởng Bộ Giáo Dục- Ðào Tạo Việt Nam, ông Phùng Xuân Nhạ thì “Số giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ của nước ta so với thế giới vẫn còn rất khiêm tốn.” Nếu lời của ông Bộ trưởng đúng thì chúng ta nên “nghiêm túc” rút kinh nghiệm, phấn đấu làm sao cho tất cả 100% sinh viên đại học ở Việt Nam đều phải trở thành giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ hoặc thạc sĩ mới không… khác thường so với thế giới.
Tuy tỷ lệ giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ khá “khiêm tốn” (theo lời Bộ trưởng Bộ Giáo dục) nhưng ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vẫn bất chấp tuyên bố. Bộ Lao động đang xây dựng đề án xuất khẩu lao động có trình độ, được coi là mở ra cơ hội cho hơn 200,000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp đi… xuất khẩu lao động (Bộ Lao Ðộng quả là “không bình thường”!)
Do tỷ lệ giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ khá “khiêm tốn” (theo lời Bộ trưởng Bộ Giáo dục) sau đó lại càng khiêm tốn hơn vì phải đi xuất khẩu lao động nên nước chúng ta có “quyền” có dân trí thấp. Nhưng quả thật “không bình thường”. Mỗi người trong hơn 94 triệu dân Việt Nam đều sẵn sàng bắn bỏ bất cứ ai nói dân trí Việt Nam thấp. Vì cứ mỗi ngày đọc báo, chúng ta lại thấy có vài vụ án mạng. Bên cạnh những lý do bị giết thông thường như giành trả tiền nhậu, vuốt tóc khi mua hủ tiếu, cười khi dạo phố hay do đẹp hơn hung thủ ra thì có rất nhiều người chết vì mắng người khác ngu (thật ra cũng có rất nhiều người chết vì khen người ta khôn, nhưng người ta lại nghĩ ngược lại).
Tuy không phải là một đất nước có dân trí thấp nhưng người dân ở đất nước tôi lại thấy bình thường với cuộc sống mà cả thế giới cho là “không bình thường”. Ví dụ nếu trời mưa to mà ở một thành phố không có con đường nào ngập chính là “không bình thường”. Khi bạn lấy xe từ bãi giữ xe ở một shop quần áo nào đó mà bạn cám ơn bác bảo vệ thì bạn là người “không bình thường”. Khi bạn đi khám bệnh ở bệnh viện công mà gặp một bác sĩ quan tâm, hỏi cặn kẽ bệnh tình, không quát nạt thì ông bác sĩ đó rất “không bình thường”. Khi bạn vào cơ quan hành chính mà không bị “hành là chính” thì quả thật bạn phải là người “không bình thường” hoặc bảo đảm bạn đã có khoảng thời gian rất “không bình thường” ở đó. Mỗi ngày đọc báo Việt Nam mà bạn không thấy tin tức về căn bệnh ung thư (bao gồm tin tức về hoàn cảnh bệnh nhân hoặc những người sắp chết và chết bởi ung thư) thì tờ báo đó quả thật “không bình thường”. Mỗi ngày mở các trang mạng xã hội, không thấy có người bất mãn với chính quyền, chính sách pháp luật đương thời thì chứng tỏ “friend list” của bạn rất “không bình thường. Khi bạn có việc làm ngon không cần phải đút lót thì bạn phải là người “không bình thường”. Bạn sống từ nhỏ đến trưởng thành không bị phản bội, lừa đảo lần nào thì rất “không bình thường”…. Còn cả triệu điều “không bình thường” mà tôi không thể kể hết và điều dân Việt cảm thấy bình thường nhất có lẽ là nỗi sợ. Người ta sợ tất cả mọi thứ, ngay cả những con người ruột thịt. Con người ta nhạy cảm đến nỗi khi có ai đó tốt với bạn, giúp đỡ bạn nhiệt tình bạn cũng sẽ cảm thấy rất “không bình thường”.
Tuy đa số ai cũng suy nghĩ và làm việc như trên, nhưng khổ nỗi tất cả mọi người đều được dạy là phải “không bình thường”. Có nghĩa là mỗi người được/bị dạy là phải cám ơn người đã giúp đỡ mình. Bác sĩ phải ân cần với bệnh nhân. Người làm cơ quan nhà nước phải nhỏ nhẹ với dân. Lên mạng không được nói xấu chính quyền. Phải tin tưởng, thực hiện tất cả những gì đảng và nhà nước đề ra. Ra đường không được lừa đảo người khác. Sống phải thật thà, dũng cảm, trung hậu, đảm đang…
Ðó là những điều “vĩ mô”. Còn trong đời sống hàng ngày, có tỷ cái “không bình thường” khác xảy ra rất bình thường. Là một người… ham ăn, nên cái tôi để ý nhất dĩ nhiên là những chuyện xoay quanh thức ăn. Là một công dân trẻ, được/bị sanh ra và lớn lên dưới nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, là một “con chiên ngoan đạo” của sự bình thường thuộc về số đông công dân của nước nhà. Hàng ngày tôi vẫn đọc báo đảng để cập nhật tin tức về… đồ ăn. Báo nói thịt heo có chất tạo nạc salbutamol tôi liền chuyển qua ăn thịt bò. Báo nói thịt bò có thể hô biến từ thịt heo, thịt trâu tẩm hoá chất, tôi ngay lập tức chuyển qua ăn thịt gà. Báo la lên gà cũ gà chết bị nhuộm hoá chất thành thịt gà mới vàng rụm, tôi hốt hoảng bỏ thịt ăn cá. Một ngày đẹp trời. Báo loan tin cá biển bị nhiễm độc có thể trên 70 năm nữa. Tôi run rẩy chuyển sang ăn cá đồng, thương thay, sau đó báo lại gào cá đồng toàn được nuôi (dĩ nhiên bằng hóa chất). Tôi run rẩy chọn ăn tôm. Báo lại đăng hàng loạt video tôm bị bơm thuốc gây độc, tôi rón rén chuyển qua ăn trứng. Sau đó, bạn biết không, báo lại bảo trứng cũng tiêm thuốc phôi nhiễm. Tôi chạy theo thiên hạ chuyển qua ăn chay. Ôi không, báo lại đăng rau được tưới dầu nhớt, đậu hủ trộn với cao xây nhà, tất cả các loại củ được xịt thuốc trừ sâu, thuốc tăng trưởng, tôi ngậm ngùi cơm trắng qua ngày. Rồi báo lại “hùng dũng sang trọng” gào lên Việt Nam không còn ruộng, gạo mốc được tẩy trắng thành gạo mới… Tôi lại dằn lòng nghĩ chuyển qua ăn bún phở mì. Báo cũng không tha, từ các loại gia vị như muối cũng bẩn, tương mắm gây ung thư thì nay bún mì phở cũng bị “bốc phốt” được người ta tắm trắng như “Ngọc Trinh”, hóa chất nhiều hơn bột. Thấy người ta kháo nhau quay lợi thời “organic food”, ăn trái cây sống qua ngày, tôi cũng “đua đòi”. Trời đất ơi, báo cách mạng lại đăng đàn bảo trái cây cũng tiêm chất bảo quản để tăng tuổi thọ, dú khí đá, thuốc tăng trưởng nhuộm màu cho đẹp… Tôi thấy không xong rồi, kỳ này phải hít không khí, ngồi thiền chờ “viên tịch”. Sau đó lại nghe đồn, kỳ này không phải báo cách mạng nữa mà là báo thế giới bảo không khí Việt Nam cũng đang nhiễm độc… Suy ra, theo báo cách mạng thì thịt người Việt Nam rất độc vì loài độc nào cũng ăn, nếm, hít thở hết rồi, mỗi người chúng ta ai không mang mầm bệnh là chuyện rất “không bình thường”, viển vông như tình hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc vậy!
Vì báo chí là một cơ quan của ban tuyên giáo, là tiếng nói, cầu nối của nhà nước với nhân dân (dĩ nhiên chỉ một chiều), hơn 700 đầu báo cách mạng chỉ có một tổng biên tập là đảng và nhà nước. Nên tin báo là tin đảng và nhà nước. Mà nếu tin theo báo, cương quyết làm một con người xã hội chủ nghĩa không biến chất, không khác thường. Thì tôi, một người tham ăn, cũng không nên ăn bất cứ cái gì ở Việt Nam kể cả “cạp đất mà ăn”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét