khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Ba, 9 tháng 5, 2017

Hòa giải với ai – Hòa hợp cái gì? - Tác giả Phạm Trần




Cuộc chiến đánh phá Việt Nam Cộng Hòa do đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) chủ động đã kết thúc 42 năm, nhưng tại sao dân tộc Việt Nam vẫn còn chia rẽ nghiêm trọng và ước mơ đòan kết tòan dân để xây dựng đất nước hãy còn xa vời?

Tìm câu giải đáp thỏa đáng cho câu hỏi này không khó, vì trách nhiệm hòan tòan thuộc phe thắng trận là đảng CSVN, được Nga-Tầu sử dụng đánh Mỹ thay cho họ ở chiến trường miền Nam.
Nguyên Tổng Bí thư đảng Cộng sản Lê Duẩn đã nhìn nhận như thế dù trên lý thuyết nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa trước 1975 vẫn tuyên truyền chiến tranh trong Nam là cuộc chiến “chống Mỹ cứu nước”.

Câu nói để đời cho đảng CSVN của Lê Duẩn là: “Ta đánh Mỹ là đánh cả cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc, cho các nước xã hội chủ nghĩa và cho cả nhân loại, đánh cho cả bọn xét lại đang đâm vào lưng ta.”

Chưa bao giờ đảng và nhà nước CSVN dám cải chính câu nói này, do Nhà văn Vũ Thư Hiên ghi lại trong Tác phẩm “Đêm Giữa Ban Ngày” do nhà xuất bản Văn Nghệ in và phát hành năm 1997 (trang. 422, phần chú thích).

Cũng thật trớ trêu cho lịch sử, ông Hiên là con trai cụ Vũ Đình Huỳnh, một thời gian dài là bí thư của ông Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng cả hai cha con sau đó bị công an bắt bỏ tù vì nghi tham gia vào phong trào được gọi là “xét lại chống Đảng” (1967-1976). Nhà văn Vũ Thư Hiên bị tù 9 năm từ Hỏa Lò qua các nhà tù Bất Bạt (Sơn Tây) và Tân Lập (Phú Thọ), Phong Quang (Hoàng Liên Sơn). Ông từng bị biệt giam trong xà lim 4 năm rưỡi. Hiện ông sống tị nạn chính trị ở Pháp.

Nhưng không cần phải đợi đến tiết lộ của Nhà văn Vũ Thư Hiên, người Việt Nam nào cũng biết cuộc chiến nồi da xáo thịt dài 20 năm, chuẩn bị từ 1954 để phát động từ 1955, (1955-1975) ở miền Nam, thực chất chỉ là “cuộc chiến đánh thuê” cho Nga-Tầu của Cộng sản miền Bắc (nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) chống miền Nam không Cộng sản của Việt Nam Cộng hòa.

TỔN THẤT ĐỒNG MINH  BẮC-NAM

Nhưng để vuốt mặt cho khỏi xấu hổ, miền Bắc Cộng sản đã lấy cớ “chống Mỹ” để xua quân đánh chiếm miền Nam sau khi miền Nam phải nhờ vào sự yểm trợ của trên nửa triệu quân Mỹ (khỏang  541.933) và quân của các nước đồng minh gồm Nam Hàn, Phi Luật Tân, Thái Lan, Tân Tây Lan và Úc Đại Lợi để tự vệ chống quân xâm lược miền Bắc.

Miền Bắc không có quân đội của khối Cộng sản, do Nga-Tầu điều binh khiển tướng trực tiếp tác chiến bên cạnh quân miền Bắc ở các mặt trận trong Nam hay trên các tuyến xâm nhập đường Mòn Hồ Chí Minh qua Ai Lao, Cao Miên, hay “đường mòn Hồ Chí Minh trên biển” (sử dụng ven biển để xâm nhập vào Nam), nhưng các chuyên viên quân sự và cố vấn Nga-Tầu và các nước chư hầu của Nga trong khối Liên bang Xô Viết cũ đã có mặt ở miền Bắc trong suốt 20 năm  chiến tranh xâm lăng miền Nam.

Theo Bách khoa Tòan (BKTT) thư mở thì đã có “khoảng 6.000 quân nhân Xô Viết tham gia vào Chiến tranh Việt Nam với vai trò cố vấn kỹ thuật và huấn luyện; 16 trong số đó thiệt mạng do bệnh tật hoặc tai nạn.”

Phiá Trung Hoa có 1.446 công binh bị chết (phần lớn do bệnh tật hoặc tai nạn), trong khi Bắc Hàn (Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên) có 14 phi công chết, 2 cố vấn bị thương.

Nhưng nếu hai khối Cộng sản Nga-Tầu không cung cấp lương thực, quần áo và súng đạn cho miền Bắc theo đuổi cuộc nội chiến để gây thảm họa cho nhân dân miền Nam thì ngày nay đã không có hận thù Nam-Bắc và không có chia rẽ dân tộc.

TỔN THẤT MỸ-VNCH VÀ DÂN THƯỜNG

Về tổn thất của Hoa Kỳ, BKTT ghi nhận có 58,209 quân nhân tử thương, 153,303 bị thương và 1,948 vẫn còn ghi là mất tích.

Phía các đồng minh khác của VNCH gồm quân đội Nam Hàn có 5.099 tử trận,11.232 bị thương và 4 mất tích trong chiến đấu. Phi Luật Tân bị 552 tử trận; Thái Lan có 351 chết và 1.358 bị thương; Úc Đại Lợi bị khoảng 500 chết, bao gồm 426 chết trong chiến đấu và 76 chết vì các nguyên nhân khác. Cuối cùng là Tân Tây Lan với 55 lính tử trận và 2 dân thường.

Về tổn thất của 2 phía người Việt Nam trong cuộc chiến, tài liệu của BKTT viết: “Số liệu chính thức về thương vong của phía Việt Nam được chính thức công bố gần đây nhất là:
Theo tài liệu Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975) của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia của nhà nước CSVN thì phiá miền Bắc có:
  • 1,1 triệu quân nhân chết; trong số đó có 300.000 quân nhân mất tích (chưa tìm được xác)
  • 600.000 quân nhân bị thương hoặc bị bệnh.
Tổn thất của Quân lực VNCH được ước tính có 300.000 tử trận hoặc mất tích và 1.170.000 bị thương .

Vể tổn thất của người dân, BKTT ước tính: “Có từ 900.000 đến 4.000.000 dân thường chết: Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (Cộng sản) Việt Nam đưa ra con số này vào ngày 3 tháng 4 năm 1995, hai triệu thường dân tại miền Bắc và hai triệu tại miền Nam đã chết khoảng giữa năm 1954 và 1975. Con số tổn thất dân sự của miền Bắc có thể là hậu quả của các chiến dịch ném bom của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.”

Ngoài số thương vong, BKTT cũng báo cáo còn có: “Hơn 2 triệu thường dân mang thương tật suốt đời; Khoảng 2 triệu người (gồm cả quân nhân) bị phơi nhiễm các loại hóa chất độc hại.”

Với những tổn thất và đổ vỡ như thế thì phe nào trong cuộc chiến phải có bổn phận hàn gắn vết thương dân tộc? Chẳng lẽ lại là phe người miền Nam, nạn nhân của cuộc xâm lăng từ miền Bắc?
Thế nhưng trong 42 năm qua, đảng và nhà nước CSVN đã không biết ăn năn hối lỗi để tạ tội với nhân dân. Ngược lại, họ đã có hành động và ngôn ngữ “bới đống tro tàn tìm máu đổ” để chạy tội và vụ lợi.

TỪ NGHỊ QUYẾT 36 ĐẾN DỐI TRÁ

Tiêu biểu là Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26 tháng 3 năm 2004: “Về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”.

Điều then chốt của NQ 36 là tuyên bố “Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam.”

Từ quan điểm chính trị “vơ vào” này, đảng CSVN đã sử dụng mọi mánh khoé và hậu ý của ngôn từ để mồi chài và đánh lừa người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và nói riêng những người Việt miền Nam đã chạy thoát chế độ hà khắc và kỳ thị Cộng sản chạy ra nước ngoài tìm tự do.

NQ 36 chủ trương: “Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.”

Nhưng thực tế thì khác. Đảng CSVN chỉ muốn người Việt ở nước ngoài, nhất là giới chuyên gia, trí thức và các nhà kinh doanh quay đầu về “hội nhập” vào guồng máy cai trị của nhà nước để giúp mở mang dân trí, ngành nghề, nhất là hai lĩnh vực khoa học và kỹ thuật để giúp Việt Nam phát triển theo đường lối và chính sách cai trị độc tôn và độc quyền của đảng CSVN.

Vì vậy, nhà nước CSVN đã thất bại. Cho đến nay, sau 13 năm thi hành NQ 36, số trí thức về giúp nước chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nguyên do vì đảng đã coi thường trí thức không có đảng tịch, ganh tị và kỳ thị trí thức “kiều bào” và luôn luôn đặt cán bộ đảng học dốt, bằng dổm chỉ huy người có bằng thật và có kiến thức kinh nghiệm chuyên môn vuợt trội hơn.

Ngay đến các du học sinh theo học ở nước ngoài bằng tiền nhà nước Việt Nam cũng rất ít người muốn trở về phục vụ vì ở Việt Nam không có điều kiện và phương tiện cho họ hành nghề và phát triển kiến thức. Hơn nữa, dù có học giỏi và có bằng cao nhưng không là hậu duệ của con ông cháu cha, không quen biết, không nhờ cò hối lộ xin việc thì bằng cấp chỉ là thứ không đáng một đồng xu.
Trong lĩnh vực kinh doanh, con số doanh nhân Việt kiều về nước làm ăn cũng không nhiều và nếu có, chỉ tập trung vào các lĩnh vực có lợi nhuận và kiếm lời nhanh như bất động sản và du lịch.

Lý do không có Việt kiều nào dám bỏ tiền đầu tư vào các dự án kinh tế lớn và bền vững vì nhà nước chỉ muốn bảo vệ các Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để cho các phe phái và lợi ích nhóm có phương tiện ăn chia với nhau và để nuôi đảng.

Hơn nữa, nhà nước CSVN lại gỉa bộ không biết cái gía của tự do và dân chủ mà các trí thức Việt kiều và doanh nhân người Việt đã được hưởng ở nước ngoài nên khi họ về nước làm việc đã lập tức bị những con mắt cú vọ của Công an khu vực dòm ngó theo dõi từng bước đi và lời nói, khiến có người vừa về Việt Nam đã muốn quay gót ra đi ngay.

Tình hình này cũng đã khiến không có mấy người Việt Nam, dù sống lâu năm ở nước ngoài, muốn quay về Việt Nam sống cho hết cuộc đời, dù biết phải đau lòng bỏ lại Việt Nam mồ mả của cha mẹ, anh em và Tổ tiên.

TỪ THÔNG TIN ĐẾN XÂM NHẬP

Về phương diện thông tin, NQ 36 chủ trương: “Đổi mới mạnh mẽ và toàn diện công tác thông tin, tuyên truyền, giúp cho người Việt Nam ở nước ngoài hiểu đúng tình hình đất nước và chính sách của Đảng và Nhà nước. Đầu tư cho các chương trình dành cho người Việt Nam ở nước ngoài của đài phát thanh, truyền hình và Internet; chú trọng đổi mới nội dung, hình thức và kỹ thuật của các chương trình này. Hỗ trợ việc ra báo viết, mở đài phát thanh, truyền hình ở ngoài nước. Xây dựng thư viện trên mạng Internet để phục vụ cho người Việt Nam sống xa Tổ quốc. Hỗ trợ kinh phí vận chuyển và đơn giản hóa thủ tục đối với việc gửi sách báo, văn hóa phẩm ra ngoài phục vụ cộng đồng.”

Nhưng khi thi hành thì Nhà nước đã thất bại ê chề vì con số người Việt Nam ở nước ngoải, dù có coi báo đài trong nước hay các chương trình phát sóng ở nước ngoài cũng không mảy may thay lòng đổi dạ để “thay áo quốc gia bằng áo Cộng sản”.

Lý do vì các cơ quan truyền thông và báo của người Việt tị nạn ở khắp thế giới đã khuynh loát và nhấn sâu xuống bùn đen mọi nguồn thông tin không thật, dối trá và lươn lẹo” của Bộ Thông tin-Truyền thông và báo đài nhà nước.

Người Việt Nam sống ở nước ngoài, cũng như rất đông người Việt ở trong nước ngày nay đã thông minh, sáng suốt và nhạy bén với thông tin nhanh chóng và đúng sự thật của những “nhà báo lề dân” đang can đảm hoạt động chống lại thông tin một chiều và sai sự thật của báo “lề đảng”.

Bằng chứng là các mạng báo điện tử của người Việt không Cộng sản ở nước ngoài đã kết nối thành công và nhanh chóng với các nhà báo tự do, các blocger, các tổ chứcxã hội dân sự và Facebook trong nước để, chỉ trong nháy mắt, đã truyền tải đầy đủ tin tức và hình ảnh sự thật của biến cố trong nước đến người Việt Nam trên thế giới, và ngay cả ở Việt Nam.

Sự lép vế ngày một  rõ ràng của báo chí nhà nước đã đẩy lùi NQ 36 vào sâu trong bóng tối trong cuộc chiến truyền thông giữa nhà nước Việt Nam và người Việt quốc gia ở nước ngoài.

Ngay cả đến công tác xâm nhập cán bộ vào các tổ chức Cộng đồng người Việt Nam, hoặc mồi chài tay sai để vu khống và phá họai hàng ngũ người Việt Nam ở nước ngoài cũng thất bại.

Nếu Ban Tuyên giáo, Bộ Thông tin và Truyền thông và Cục Chính trị quân đội không tin thì cứ hỏi Đại sứ Việt Nam ở Moscow, ông Nguyễn Thanh Sơn, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài xem ông ta đã nếm những thất bại chua cay như thế nào khi còn tại chức và trong các chuyến đi tuyên truyền cho NQ 36 ở Hoa Kỳ và Châu Âu.

AI BUỒN-AI VUI ?

Nhưng trong hàng ngũ đảng CSVN sau 42 năm Sài Gòn bị quân Cộng sản cưỡng chiếm, vẫn  không thiếu những kẻ chỉ biết to mồm khoe chiến thắng để chia rẽ dân tộc và xuyên tạc sự thật.

Điển hình như các cuộc biểu tình đấu tranh tranh đòi đền bù công bằng và đòi đóng cửa Fomosa để bảo vệ môi trường của đồng bào Hà Tĩnh, Nghệ An và Qủang Bình từ đầu năm 2017 đã bị Công an đàn áp và chống phá. Báo đài Hà Tĩnh và báo lề đảng đã xuyên tạc các cuộc tranh đấu hòa bình là phá rối an ninh trật tự và cuộc sống thanh bình của người dân.

Người dân, các Linh mục lãnh đạo biểu tình và Đức cha Nguyễn Thái Hợp, vị chủ chiên của đồng bào Công giáo địa phận Vinh còn bị vu khống và buộc tội nhận sự yểm trợ tài chính và tinh thần của cái mà Công an và báo đài nhà nước gọi là “các thế lực thù địch bên ngoài”.

Rồi các cuộc khiếu kiện đền bù của người dân bị cuỡng chế đất đai, tiêu biểu như vụ Đồng Tâm, cách Hà Nội 40 cây số cũng đã bị đàn áp, bắt tù người tranh đấu vô tội.

Như vậy thì hòa hợp, hòa giải được với ai? Ngay đến đồng bào trong nước mà còn bị kỳ thị, bị cai trị bằng dùi cui và công an đội lốt côn đồ đánh phá, tấn công ở bất cứ đâu và không trừ ngày hay đêm thì làm sao mà những nạn nhân của ngày 30/4/1975 có thể quên được những khổ đau và đọa đầy mà đảng CSVN đã gây ra cho đồng bào miền Nam trong 42 năm qua?

Trong nỗi bất hạnh này là chính sách kỳ thị man rợ của nhà nước CSVN đã áp dụng trong mọi lĩnh vực, kể cả xin việc làm và giáo dục, chống lại con cháu của những người của chế độ VNCH.

Nhưng trong 42 năm qua, liệu có khi nào lãnh đạo đảng và nhà nước CSVN ở Hà Nội biết nếm nỗi đắng cay của những gia đình người miền Nam có hàng trăm ngàn thân nhân bị bắt đi tù lao động cực hình, hay đã bỏ thây trong các trại tập trung được mạo danh là “cải tạo học tập” ?

Hoặc có bao giờ họ thấu được nỗi oan khiên của hàng chục ngàn đồng bào, được thế giới gọi là “thuyền nhân” (boat people) đã chết tức tưởi và ô nhục trên đường vượt biển tìm tự do sau ngày quân Cộng sản miền Bắc vào Sài Gòn, 30/4/1975 ?

Tất cả những hình ảnh bi thảm này của người dân miền Nam vẫn sống động như mới xẩy ra hôm qua.
Và cuối cùng, những người Cộng sản ngày nay, nếu còn sót dòng máu Việt Nam trong cơ thể thì nên bình tĩnh chiêm nghiệm di chúc của Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã để lại cho họ:

“Chiến thắng của chúng ta là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều mất mát. Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng như vậy. Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm nó thêm rỉ máu.” (Phỏng vấn của báo Tổ Quốc, ngày 31/03/2005)

Như vậy thì liệu Lãnh đạo đảng và nhà nước CSVN có nên tự xét mình xem họ đã làm được gì để hàn gắn vết thương dân tộc hay chỉ biết gây ra những chia rẽ mới?




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét