khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2017

Nhạc sĩ Tuấn Khanh phỏng vấn luật sư Võ An Đôn vào ngày cuối năm 2017




Đây không phải là một cuộc phỏng vấn. Bởi một cuộc phỏng vấn thì tôi sẽ phải chọn lựa cách nói, xoay trở cách trình bày cho chỉnh chu.

Nhưng nếu như vậy, thì sẽ không thể mô tả được một tính cách của Đôn. Tính cách đã đem lại cho anh sự thương mến từ rất nhiều người, cũng như sự ghét bỏ từ không ít người.


Tôi giữ nguyên cách xưng hô của Đôn, như một người anh em. Nhưng đó không phải là riêng với mối quan hệ quen biết với tôi, mà hầu hết các cuộc phỏng vấn của VOA, BBC, RFA, SBS... Đôn vẫn luôn xưng hô như vậy: nhũn nhặn và gần gũi.


Đôn có biệt hiệu là "luật sư chăn bò" - một cách gọi mà các đồng nghiệp một thời không kìm nổi sự tức giận đã thốt lên như vậy. Nhưng Đôn đón nhận hình ảnh đó một cách tự nhiên như một phần đời của mình. Trong cuộc nói chuyện với Đôn, tiếng gà kêu, tiếng trẻ con nghêu ngao... vẽ cho tôi một bức tranh về cuộc sống của Đôn. Anh bước ra từ bùn đất quê nhà, và khi phải quay lại, thì anh đón nhận mọi thứ thật an nhiên.


Tôi chọn luật sư Võ An Đôn làm người trò chuyện để khép lại một năm đầy biến động. Một năm mà người làm nghề tìm công lý cho kẻ khác, đã không thể nhìn thấy ngay trên số phận của mình.


Tuấn Khanh: Sau khi bị khai trừ khỏi danh sách luật sư đoàn tỉnh Phú Yên, hiện nay Đôn đã làm gì hồi đáp sự kiện đó?

LS. Võ An Đôn: Dạ, sau khi Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên đã loại em ra khỏi danh sách luật sư đoàn, thì em đã có làm đơn khiếu nại gửi lên Liên đoàn luật sư Việt Nam. Nhưng đến nay thì chưa thấy phản hồi gì anh à.

Tuấn Khanh: Khác với năm 2015, khi Đôn có dấu hiệu bị rút thẻ hành nghề, thì đã có sự can thiệp rất rõ ràng từ Liên đoàn luật sư Việt Nam. Nhưng nay, vì sao mọi thứ lại im lặng khó hiểu như vậy?

LS. Võ An Đôn: Năm 2015, liên ngành tư pháp của Phú Yên gồm công an, Viện kiểm sát, tòa án có ra văn bản kiến nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề hành của em. Lúc đó thông tin được Luật sư đoàn tỉnh Phú Yên cho biết đã khiến báo chí và dư luận phản ứng rất mạnh. Rồi chủ tịch nước là ông
Trương Tấn Sang đã chỉ đạo cho các cơ quan ở tỉnh Phú Yên phải rút lại quyết định đó. Có lẽ vì vậy mà Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã cử 3 người xuống để bảo vệ em.

Nhưng lần này thì khác rồi anh. Theo Luật sư đoàn tỉnh Phú Yên cho biết thì việc khai trừ đã diễn ra rất gấp rút, ngay sau khi em cho biết tin tức liên quan đến Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ở trong tù. Và có tin là Liên đoàn Luật sư Việt Nam chỉ đạo việc khai trừ em, cũng như nhiều cơ quan khác nữa, nên phải làm nhanh gọn. Đó là vì sao lần này diễn biến không giống như lần trước.

Tuấn Khanh: Ngay trước, và sau khi có tin Đôn bị rút thẻ hành nghề, đã có những tin rò rỉ, nhạo báng… từ những luật sư không đồng quan điểm với Đôn. Họ có thông tin trước về một vụ loại bỏ và sử dụng như kiểu tấn công tinh thần một cách hạ cấp. Không khí hả hê về một vụ trừng phạt một thành viên của đoàn luật sư như vậy, có vẻ như rất khác với hoạt động minh xét vì quy chuẩn nghề nghiệp?

LS. Võ An Đôn: Em nghĩ rằng cũng có cơ sở để suy luận như vậy. Bởi việc tước thẻ hành nghề của em là từ sự chỉ đạo của bên trên. Do đó, em tin rằng dù làm đơn và các đồng nghiệp thông cảm cùng làm đơn kiến nghị cũng không ăn thua, vì đã có sự chỉ đạo từ trung ương.

Người ta không muốn em làm luật sư nữa vì em tham gia nhiều vụ án nhạy cảm ở Việt Nam. Những vụ án oan. Những vụ công an dùng nhục hình đánh dân… Tính của em thì khi tham gia, không chịu được thì chỉ có thể nói hết, nói sự thật. Các cơ quan tố tụng thì không muốn vậy nên tìm cách ngăn lại thôi.

Tuấn Khanh: Có hy vọng gì về việc lấy lại quyền hành nghề luật sư không? Lẽ nào có một sự thật khác, ngoài bộ mặt trơ trẽn của nghề luật sư Việt Nam qua câu chuyện này, là Đôn bị tước thẻ bởi vì “khó ưa”?

LS. Võ An Đôn: Em nghĩ là không có hy vọng lấy lại được quyền hành nghề anh à. Mọi thứ như em nói, là đã được chỉ đạo có hệ thống nên chuyện lấy lại quyền hành nghề luật sư là rất mong manh. Mặc dù lý do để tước quyền luật sư của em là họ kết tội em nói xấu chế độ, nói xấu chính quyền… nhưng lại không có chứng minh gì về lời kết tội đó. Nên có cố gắng thì không được gì nữa. Em nghĩ vậy.

Tuấn Khanh: Luật sư thì bị tước thẻ với lý do mơ hồ. Còn tất cả các vụ án về chính trị hay dân quyền, nhân quyền mà các luật sư tham gia trong năm 2017 thì lại hoàn toàn thất bại. Không có một sự bào chữa nào thành công, thậm chí luật sư còn bị khước từ quyền tranh tụng, hay đòi hỏi triệu tập nhân chứng, văn bản phân tích khoa học ngay tại tòa… vậy theo Đôn, 2017 có nên gọi là một năm thất bại của nghề luật sư Việt Nam không?

LS. Võ An Đôn: Dạ, lâu nay các vụ án liên quan đến nhân quyền mà được các luật sư nhận lời tham gia cũng không nhiều, bởi phần lớn người ta sợ Nhà nước gây khó khăn cho công việc làm ăn, hay rồi bị rút thẻ như em. Nhưng thật lòng mà nói, cho đến lúc này thì hầu hết các vụ án liên quan đến nhân quyền thì luật sư chỉ còn đóng vai trò tham gia cho có vậy thôi anh. Bản án thì đã được ấn định trước. Luật sư đang dần trở thành người chỉ còn có vai trò đưa thông tin cho nạn nhân, bị cáo, rồi chuyển lời nhắn đến gia đình…

Vai trò luật sư thiếu sức mạnh đúng của mình. Ngoài chuyện là người xuất hiện chuyện trò, an ủi, động viên những ai đang vướng vào vụ án trong lúc họ sợ hãi hay cô đơn, thì đôi khi luật sư phải nhờ đến dư luận bên ngoài, bằng cách phát đi thông tin cho mọi người quan tâm và ủng hộ. Còn để giảm được án hay bào chữa cho thoát án thì không thể, anh à.

Tuấn Khanh: Nói như vậy, luật sư và tòa án ở Việt Nam hiện ra phần lớn như một loại nghệ thuật trình diễn, ít khi đạt được giá trị công lý?

LS. Võ An Đôn: Dạ đúng vậy anh à. Ở tòa án, hầu hết các bản án đều đã định trước, thỉnh thoảng có chút thay đổi. Đặc biệt án chính trị hay nhân quyền thì vai trò luật sư để góp mặt vậy thôi chứ không ai quan tâm họ nói gì. Trong giới tụi em thì nói đùa là tới để đủ mâm đủ cỗ thôi. Làm nghề luật sư đôi khi chứng kiến những chuyện diễn ra mà không làm gì được nên cũng buồn lắm. Đó là lý do mà em nói rằng nghề luật sư ở Việt Nam chỉ còn sống bằng nghề chạy án thôi là vậy đó.

Tuấn Khanh: “Đủ mâm, đủ cỗ” – tính hình thức tạm bợ đó, có phải đã khiến các phiên xử nhân quyền hay chính trị thường diễn ra rất nhanh, mặc dù còn rất nhiều chứng cứ, nhân chứng hay luận cứ cần phải được tranh tụng trước tòa. Thậm chí mới đây có vụ xét xử 9 với tội người chống chế độ ở Bình Định, rồi kế đến là 15 người mang tội khủng bố ở Sài Gòn, lại chỉ diễn ra chỉ trong 1,2 ngày, nhanh đến ngạc nhiên?

LS. Võ An Đôn: Dạ, thì ai cũng biết án thì do chỉ đạo nên diễn ra nhanh chóng thôi anh. Các mức án thì mỗi lúc càng cao. Em nghĩ Nhà nước đang muốn dùng các mức án này để khiến cho những người muốn đấu tranh không dám hành động nữa. Án cao và xử nhanh, không có cơ hội thay đổi là nhằm cho mọi người khiếp sợ.

Ở Việt Nam thì không có tam quyền phân lập, nên các vụ án sẽ luôn gặp trường hợp thiếu khách quan, thiếu minh bạch. Và nếu không có thay đổi thì mọi thứ sẽ mãi mãi như vậy thôi.

Tuấn Khanh: Trở lại câu chuyện riêng của Đôn, có nhiều người nói lẽ ra Đôn đã có một tương lai tốt đẹp hơn, nếu không phát ngôn làm trái ý nhiều người. Mọi thứ có thể gọi là vạ miệng, Đôn có hối tiếc về những gì mình đã nói không?

LS. Võ An Đôn: Em nghĩ mình không có hối tiếc đâu anh. Vì những gì em nói ra hay không thì dân chúng cũng đã biết từ lâu rồi. Em chỉ khẳng định với tư cách là người chứng kiến thôi.

Khi em nói là luật sư Việt Nam chạy án, thì cũng nhiều đồng nghiệp bực bội, chính quyền thì không ưa. Em biết em nói thì cũng thiệt hại cho mình, nhưng nếu mình không nói thì cũng không ai nói. Em nói cũng chỉ mong cho nghề luật sư rồi sẽ có một lúc nào đó thay đổi và tốt đẹp hơn.

Nói thật để dân chúng không quá hy vọng vào khả năng luật sư trong nền luật pháp hiện nay, rồi tin rằng công lý là có thật, để rồi thất vọng.

Em nói là cũng mô tả hiện trạng và đòi hỏi sự thay đổi, chỉ mong tốt cho những đồng nghiệp cũng trong tâm trạng như mình mà không thể nói được thôi. Em không hối tiếc những gì đã nói ra đâu anh.

Tuấn Khanh: Nhưng cũng có ý kiến nói rằng Đôn cũng cần phải thỏa hiệp để có thể sống dược với nghề. Rất nhiều luật sư đang phải như vậy mà?

LS. Võ An Đôn: Dạ đó là quan điểm cá nhân, chọn lựa để sống yên. Nhưng quan điểm của em thì sống làm nghề luật sư, thì phải lựa chọn nói thật. Bởi luật pháp và công lý là sự thật, thì em cũng muốn được nói thật. Em biết nói thật thì khó nghe nhưng rồi nó sẽ tác động vào việc thay đổi xã hội.
Nếu em không học cách nói thật, thì em cũng như mọi người, thỏa hiệp với sự bất công mà sống thì xã hội này sẽ ra sao? Dạ, em không muốn sống như vậy.

Tuấn Khanh: Nhưng như vậy, Đôn có cảm thấy mình trở nên cô đơn không? Chẳng hạn như lúc nào?

LS. Võ An Đôn: Dạ thiệt tình em thấy buồn lắm vì không còn được làm nghề luật sư nữa để giúp cho mọi người. Nhưng cũng an ủi khi thấy dư luận xã hội vẫn không quên em. Đi ngoài đường, người ta không coi em là người thất thời, mà cũng mời em café, nói chuyện chào hỏi… nên em cũng hạnh phúc lắm anh à.

Tuấn Khanh: Để nói một lời kết thúc năm 2017, hướng về năm mới 2018, Đôn muốn gửi lời gì đến mọi người quan tâm đến câu chuyện của Đôn?

LS. Võ An Đôn: Em cảm ơn lắm, việc mọi người quan tâm đến em, giúp em đi qua những giờ phút khó khăn của đời mình. Trong năm mới, em chỉ mong mọi người hãy dành thêm sự quan tâm, kêu gọi cho sự thay đổi cho luật pháp ngày càng làm đúng công việc phục vụ cho người dân, cho xã hội. Lúc đó thì em cũng như mọi người đều chung một niềm vui, anh à.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét