khktmd 2015
Thứ Bảy, 16 tháng 12, 2017
BOKATOR KHMER, MÔN VÕ HỒI SINH VÀ SÁT THỦ - Tác giả Nguyễn Ước
Dân tộc Khmer hàng ngàn năm trước đã có võ cổ truyền tên là bokator Khmer, với các hình ảnh được chạm trên những bức phù điêu ở đền Angkor Wat. Nó là tiền thân của brodal serey (võ tự do của Khmer). Tới hôm nay, brodal serey hoàn toàn không được thế giới biết đến vì nó đã bị thay thế bằng muay Thai (võ tự do của Thái Lan). Nhiều người Khmer quả quyết rằng chính người Thái đánh cắp nghệ thuật chiến đấu của người Khmer. Họ tin rằng những bức phù điêu trên các bức tường của đền Angkor Vat chứng minh rằng brodal serey là tiền thân của muay Thai.
VÕ ĐỂ GIẾT NGƯỜI
Kim San, đại sư phụ của bokator Khmer, người duy nhất ở Campuchea đã tìm cách phục hồi môn võ thất truyền ấy. Và có lẽ ông đã thành công nhờ mang trong mình một niềm tin mạnh mẽ vào gia tài của dân tộc. Với San, bokator Khmer không là môn võ để biểu diễn hoặc đấu võ đài tuy môn đệ của ông thừa sức chiến thắng nhà vô địch võ tự do Eh Phou Thoung hiện nay. Người ta chỉ tập luyện bokator Khmer với mục đích duy nhất là để giết người.
San giải thích rằng bokator Khmer là võ thuật cổ đại, và dĩ nhiên phải có trước các bản khắc về nó ở Angkor Vat. Vua Jayavaraman VII, người xây lên thành đền ấy, được khắc họa đứng trong tư thế cầm thanh đoản kiếm Khmer. Lý do khiến nhà vua trở thành minh quân và bảo vệ được giang sơn là nhờ am hiểu bokator Khmer. Thời đó không súng ống, chỉ có gươm đao và quyền cước. Và sở dĩ quân lính Khmer có khả năng chiến thắng là nhờ luyện tập bokator.
MỘT MÔN VÕ HOÀN HẢO
Bokator là một môn võ hoàn hảo, chú trọng trên các cú đánh, kéo, gài bẫy, khóa, được sử dụng như những công cụ để tấn công và phòng ngự. Nó dạy võ sinh dùng toàn tân như một vũ khí. Thí dụ nhiều môn võ chỉ dùng đầu để húc, nhưng bokator còn tăng cường thêm nữa bằng cách dùng hàm và bắp thịt vai để làm vũ khí. Sư tử có nanh có nọc, và người bokator cũng dùng nanh nọc của mình để chiến đấu, cho dẫu nó đôi khi chỉ là những đầu nhọn của các đốt lóng tay.
Nếu chỉ thế thôi thì bokator chẳng khác mọi môn võ thuật khác, thế nhưng điểm độc đáo của bokator là nhập nội nhanh như chớp và sát thủ không chút xót thương. Người bokator có thể nhập nội cả trong các tư thế đứng, nằm, ngồi và lẹ làng tung đòn trí mạng vào các chỗ hiểm của địch thủ. Do đó, bokator Khmer không thể trở thành môn thi đấu trên võ đài vì nó có quá nhiều kỹ thuật có tiềm năng giết người.
CHA ĐẺ CỦA MUAY THAI
Qua nhiều thế hệ, người ta đại chúng hóa bokator thành môn võ tự do để thi đấu cho công chúng, có tên là brodal serey. Thế rồi tuy bị đánh cắp cái tên, võ thuật tự do của người Khmer lại rất sống động dưới một cái tên khác của người Thái, và nổi tiếng khắp thế giới, đó là muay Thai.
Bản thân môn bokator Khmer không được sống động rộng rãi như thế. Nó bị mai một dần vì các bậc thầy của nó khi truyền nghề, giấu lại 10% để thủ thân. Qua nhiều thế hệ, gia tài để lại ngày càng hao hụt. Cuối cùng chỉ còn được dạy đôi chút ở các tỉnh xa thủ đô, thậm chí hầu hết người Khmer cũng không biết rằng dân tộc mình từng có một môn võ cổ truyền lẫy lừng là bokator.
THAO THỨC VỀ CỘI NGUỒN
Năm nay 60 tuổi nhưng trông vẻ bề ngoài như chỉ trạc tứ tuần, Kim San là người làm sống lại bokator Khmer bằng tất cả tâm trí và sức lực của mình. San bắt đầu tập bokator theo hình dạng của các loài thú năm lên 13 tuổi. Ngay thuở đó cũng rất ít người biết tới nó. Một người bạn của gia đình dạy cậu về quyền. Một người khác dạy về đánh trường côn. Và có thêm một người nữa dạy về trường kiếm mà người Khmer gọi là dao.
Sau đó, San học thêm nhu đạo, không thủ đạo, đạt đẳng cấp, nhưng rồi lại chuyên về hapkido. Năm 1975, San là một trong ba người Khmer có đệ tam đẳng hapkido ở Nam Vang. Dưới chế độ Pôn Pốt, San bị lùa đi lao động ở thôn quê. Các thầy võ cùng với các vũ công, ca sĩ, nhạc sĩ đều bị chế độ mới tìm giết sạch để thảnh thơi bắt đầu thời đại mới. Sau hai năm sống trong đói khát và giết chóc, đoàn người của San từ 10.000 tới 13.000, chỉ còn lại 500 người chưa chết. San là kẻ sống sót duy nhất trong các bạn đồng môn và võ sinh hapkido.
Vượt thoát sang Thái Lan, San cùng vợ con đi định cư ở Mỹ. Bên cạnh công việc đều đặn, San tiếp tục dạy và tập hapkido cho tới khi lên tới mười đẳng, nhưng trong tâm trí vẫn mang nặng nỗi ám ảnh về bokator. San không đành lòng về việc mình tiếp tay phát triển một môn võ của người nước ngoài trong khi môn võ của dân tộc đang bị thất truyền.
ÐI TÌM LẠI CỔ TRUYỀN
Thế là từ Mỹ, San đem gia đình về lại Nam Vang vào giữa thập niên 1990. Trong khi chờ đợi, San tiếp tục dạy hapkido để mưu sinh và kết giao. Cùng với thời gian, San đi khắp các vùng quê, tìm cho ra những người còn biết bakator Khmer. Chỉ còn lại một số ít ỏi các thầy già không thật sự dạy võ vì bản thân họ từng bị cực kỳ đày ải trong thời vừa qua. San phải thuyết phục họ rằng tổ tiên đã trao họ một tăng phẩm võ thuật quí giá như thế thì họ không có nên “đánh cắp” của các thế hệ tương lai cái gia tài ấy của dân tộc và để họ an tâm, San báo tin mình đã được chính quyền cho phép phục hồi bakator.
Thế là có các tiền bối ứa nước mắt nhận lời. Tới năm 2004, San cùng các cụ tổ chức hội nghị đầu tiên của bokator Khmer tại Phnom Penh. Từ đó đến nay, đã mở cơ sở võ đường bokator tại tám tỉnh, và đang chuẩn bị đại hội tranh vô địch toàn quốc.
QUÁ TRÌNH HỌC VÀ ĐẲNG CẤP
Theo San, người Khmer học bokator rất nhanh vì môn võ cương mãnh ấy nằm trong huyết quản và cá tính quyết liệt họ. San có một đệ tử chỉ mới theo thầy một năm mà đã học được 300 kỹ thuật và có khả năng giúp thầy hướng dẫn các võ sinh khác.
Ðể trình bày sơ qua đòn thế nhập nội và tinh thần sát thủ của bokator, San yêu cầu cậu học trò xuất sắc ấy tấn công mình. Khi học trò tung ra một cú đấm, San phản công bằng cú đánh cùi chỏ vào cổ họng cậu và thét lớn: “Giết”!
Học trò tung cú đấm thứ hai. Lần này San xỉa mũi bàn tay vào cổ họng cậu và thét lớn: “Giết”! Kế đó, học trò tung chân đá, San dùng đầu gối thúc lệch vào bắp vế cậu khiến cậu ngã lăn xuống đất. Học trò tung mình lên, níu lấy thầy và đánh bằng cả hai đầu gối. San kẹp hai cánh tay quay cổ học trò, siết chặt như cây kéo, vận hai cổ tay như nghiền nát cuống họng cậu, và thét lớn: “Giết”!
Ngang đây, San nới tay, xoay đầu học trò lại và huých vai mình vào hàm cậu. San nói, cú này không phải để giết mà là chỉ để làm cho nó bất tỉnh. Sau cùng, San giật gót chân vào ngay háng của học trò, khiến cậu ngã lăn xuống thảm. Và San thét lớn: “Giết”!
ÐẲNG CÂP VÀ HÌNH THÚ
Bokator dùng krama màu (khăn quàng theo truyền thống) để thay cho đai đẳng cấp. Có hai loại khăn: trắng và xanh. Mỗi loại có hình 5 con vật. Krama trắng có các hình thú là vua khỉ, sư tử, voi, tiên nữ apsara và cá sấu. Krama xanh gồm các hình của vịt, cua, ngựa, chim và rồng.
Những hình thú ấy vừa là cấp bậc vừa là loại hình để tập theo. Khi giao chiến, krama cũng có thể trở thành vũ khí, dùng để siết cổ hay tước vũ khí của địch thủ. Và cứ mỗi buổi tập luyện hay trước khi giao đấu thao luyện, võ sinh phải cử hành theo đúng những cử chỉ cổ truyền như ta thường thấy trong muay Thai.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét