Là người Anh trong một mối quan hệ Tây - Việt, đã có vài điều chỉnh mà tôi phải thực hiện nhằm duy trì sự hài hoà giữa hai chúng tôi. Một vài thay đổi khá dễ dàng, một số khác thì không.
Chẳng hạn như việc lì xì vào dịp Tết, khi Giáng Sinh chỉ mới vừa làm tôi sạch túi, luôn khiến tôi khổ sở. Tôi đã không bao giờ hiểu được sao có thể uống rượu cô-nhắc trong một bữa ăn, nhưng lại bị thuyết phục hoàn toàn khi lần đầu thử món trái cây muối. Tôi cảm thấy như mình đã phạm trọng tội khi gửi con cái đến trường học tiếng Việt vào ngày Chủ Nhật, nhưng chỉ vài giờ đồng hồ để được yên tĩnh thì cũng đáng.
Và tiếp theo là chuyện 'không mang giày trong nhà!".
Sinh ra và lớn lên ở Anh, bất cứ khi nào tôi đến thăm nhà ai đó có quy định không-đi-giày-trong-nhà, tôi sẽ cho rằng bố mẹ người ấy là kiểu người cuồng sạch sẽ có chủ đích; bí mật của họ có thể là giữ gìn đồ đạc suốt năm trong miếng phủ nhựa chẳng hạn.
Khi hai mươi tuổi, mỗi khi tới nhà ai yêu cầu tôi phải tháo giày, tôi sẽ có ngay cảm giác căng thẳng hoặc hình thành định kiến phân biệt giai cấp.
Nơi tôi sống không tồn tại những quy định nghiêm khắc đó. Khách đến nhà được tự do mang giày tới lui trong nhà, sau đó cứ việc đá văng giày như tôi đã làm bất cứ khi nào chúng tôi muốn, để việc lê những đôi ủng và những đôi giày thể thao dây nhợ qua hàng loạt các hộ gia đình trở thành bằng chứng sống cho phong cách tự do tự tại. À, những ngày tháng thật bốc đồng! (Mặc dù sự cẩu thả này đôi khi khiến chúng ta nổi điên vì một chiếc Converse bị thất lạc đâu đó).
Sau đó, ở tuổi 32, tôi đã dành vài năm sống và làm việc tại Nhật Bản và như một phần của “nhập gia tuỳ tục”, tôi phải chịu đựng các buổi tắm chung (tắm onsen tập thể) hay đi hát karaoke với các đồng nghiệp, từ đó tôi phải làm quen với một loạt quy tắc giày dép.
Không chỉ tháo giày dép khi về nhà, nơi làm việc hoặc vào nhà hàng, mà còn phải đi đúng loại dép rất phiền phức nữa.
Có lần, trong một buổi tụ tập bắt buộc sau giờ làm, khi tôi lê bước trở lại phòng Izakaya từ phòng tắm, tôi đã được chào đón bởi một biển khuôn mặt nhìn chằm chằm hãi hùng vào chân mình (họ đang ngồi ngay trên sàn nhà, nên chân tôi ngay tầm nhìn của họ), và một cơn kinh hãi tập thể tràn qua khiến ít nhất một trong số các anh bạn dùng bữa với tôi bị mắc nghẹn món tempura.
Hoá ra tôi đã quên thay dép đi trong nhà vệ sinh ra để mang đôi dép dành riêng cho nhà hàng trước khi trở lại phòng. Tôi đã định sẽ mang về luôn nếu không có chiếc huy hiệu Hello Kitty màu hồng đáng sợ đính bên trên.
Ấy thế mà vượt qua được các quy định trong sự nghiệp đổi dép đi trong nhà, sau một thời gian với những nỗ lực Nhật Bản hóa, cuối cùng tôi đã tạo được thói quen cởi giày mỗi khi bước vào căn hộ nào đó, của tôi hoặc của ai khác cũng vậy.
Xem ra đây là một thói quen hợp lý đấy chứ. Tôi đã giữ nó từ đó đến giờ.
Khoa học ủng hộ việc cởi giày trước khi vô nhà
Vì vậy, chẳng sao cả! Dù gót chân có hơi chai đi, khi phải tuân theo quy tắc không mang giày vào nhà trong một gia đình pha trộn hai nền văn hoá Á Âu mà tôi đang đóng vai trò là một ông bố. Nếu nói về xu hướng văn hoá, tôi đoán tôi đã thay đổi. Nhưng nó chẳng khiến tôi buồn phiền chút nào.
Đây dường như cũng là sự lựa chọn lành mạnh. Vài năm trước, các nhà nghiên cứu tại Đại học Houston phát hiện rằng 40% các đôi giày mang vi khuẩn clostridium difficile. Loại vi khuẩn nhỏ bé này có thể gây bệnh viêm đại tràng chứ chẳng đùa. Và nên cởi giày dép trước khi vào nhà chính là khuyến cáo từ nghiên cứu của họ.
Thật không may, đứa con trai sáu tuổi của chúng tôi, vốn rất giỏi tháo giày khi về nhà, nhưng lại không nhớ mang chúng vào lại trước khi ra ngoài, thường chỉ khoảng ba phút sau đó nó mới nhớ ra. Và như vậy, cũng chẳng còn tác dụng gì khi vớ của nó có vẻ như cũng dính đầy vi khuẩn clostridium difficile chẳng khác gì chiếc giày là mấy.
Dẫu vậy, những đứa trẻ này là người Úc gốc Anh-Việt, trong ngôi nhà hai dòng máu Anh-Việt ở Úc này, chúng tôi để giày dép ở cửa ra vào, đó là những gì chúng tôi đang làm.
Tôi chỉ ước mình có thể nói rằng việc phát cáu về chiếc Converse bị thất lạc giờ đây chỉ là chuyện của quá khứ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét