Ước tính hàng năm, trên toàn cầu, chúng ta tiêu tốn hơn 39 triệu Úc kim cho men vi sinh probiotics. Nhưng uống thật nhiều thuốc, hấp thu nhiều bột dinh dưỡng hay ăn nhiều yoghurt có thật sự giúp chúng ta kiểm soát cân nặng, ổn định tâm trạng, hệ tiêu hoá và khống chế các triệu chứng dị ứng? Và nói cho cùng, probiotics thật sự là gì?
Nếu quý vị đang dùng thuốc kháng sinh, hoặc cảm thấy cơ thể mệt mỏi trong một thời gian dài, quý vị có thể sẽ được khuyên nên nạp thêm probiotics cho cơ thể. Probiotics, cùng với các Prebiotic, tức chất xơ hoà tan, có thể bổ sung cho cơ thể từ nhiều loại thực phẩm sử dụng hàng ngày, ví dụ như yoghurt, các thức uống từ sữa lên men, và các món ăn khác như kimchi và trà kombucha. Các dưỡng chất này cũng được điều chế thành thuốc viên, viên nhộng hoặc dạng bột. Tất cả đều hứa hẹn sẽ giúp quý vị cân bằng sức khoẻ đường ruột.
Tuy nhiên, vẫn chưa có nghiên cứu chuyên sâu nào khẳng định lợi ích của vi chất này đối với sức khoẻ người tiêu thụ. Trong khi ngày càng nhiều các nghiên cứu được thực hiện để kiểm định vi khuẩn đường ruột tác động ra sao ở từng phương diện đối với sức khoẻ con người, chúng ta vẫn không biết gì nhiều về hệ sinh thái bên trong cơ thể mình.
Các nghiên cứu trong những năm gần đây đã cho thấy probiotics có thể giúp giảm cao huyết áp, hỗ trợ trẻ em giảm triệu chứng đau dạ dày, tăng cường hệ miễn dịch, giúp tinh thần minh mẫn, hỗ trợ giảm cân, giảm các triệu chứng phụ gây ra khi dùng kháng sinh (như bệnh tiêu chảy), giảm dị ứng, và thậm chí là còn giúp tiêu mụn.
Probiotics và prebiotics là gì?
Theo chia sẻ của Chuyên viên Dinh dưỡng Charlene Grosse với SBS, “Probiotics là những vi sinh vật sống đã được chứng minh là có tác dụng tích cực tới sức khoẻ chủ thể, và chất xơ hoà tan prebiotics là thực phẩm đặc biệt có tác dụng hỗ trợ sự tăng trưởng của các vi khuẩn tốt trong đường ruột.""Trong khi chúng ta thường nghĩ về vi khuẩn theo hướng tiêu cự hoặc có hại cho cơ thể, một số thứ cần được loại trừ khỏi cơ thể, vi khuẩn tốt và các vi sinh vật bổ trợ các bộ phân cơ thể hoạt động nhịp nhàng. Vi sinh vật có trong sản phẩm probiotics cũng tương tự như các vi sinh vật thường sống trong cơ thể chúng ta (có khoảng 100 nghìn tỷ.)”
Theo Bác sĩ Saleyha Ahsan, một trong các dẫn chương trình Trust Me, I’m a Doctor, các probiotics được cho là có cơ chế hoạt động trái ngược với các kháng khuẩn. Vấn đề về probiotics cũng đã bắt đầu được đưa ra thảo luận trong tập mới nhất của chương trình này (phát sóng từ ngày 27/02).
Bà cũng cho biết, “Các probiotics, thay vì tiêu diệt các vi khuẩn có hại, chúng được cho rằng tạo thêm các vi khuẩn có lợi bổ sung cho mạng lưới xơ vi mảnh vốn đã tồn tại sẵn trong đường ruột cơ thể.”
Có phải chúng ta đang phí tiền vô ích cho probiotics?
Các nhà nghiên cứu thuộc tổ chức Tiêu Chuẩn Thực Phẩm của Úc và Tân Tây Lan (FSANZ) đặt nghi vấn là, liệu việc hấp thụ một lượng bổ sung probiotics, hoặc một loại thực phẩm chứa probiotics, có thực sự đem lại lợi ích cho sức khoẻ? Vì suy cho cùng, “trước khi một vi khuẩn trong sản phẩm chứa probiotics nào đó có thể tác động tích cực đến đường ruột chúng ta, chúng sẽ phải tìm cách sống sót trong hành trình gian nan thông qua bể acid chính là dạ dày và tìm được “nơi trú ẩn” trong hệ đường ruột cơ thể”, bà Ahsan giải thích.Nhưng không phải tất cả mọi loại probiotics đều được tạo ra từ cùng một công thức, cũng như không phải mọi cơ thể đều có cùng một phản ứng với probiotics. “Có thể có loại probiotic, ví dụ như Lactobcillus, tác dụng tăng cường sức khoẻ, thì cũng tồn tại một probiotics cùng loại khác có thể vô dụng hoặc có khi lại gây hại đến hệ đường ruột của người dung,” Tiến sĩ Michelle Ball thuộc Đại Học Victoria chia sẻ với SBS.
“Những loại probiotics cơ bản không hẳn là sẽ phù hợp với tất cả, vì lý do gây mất cân bằng nội tiết ở từng người hoàn toàn không ai giống ai. Cách tối ưu nhất là mỗi chúng ta cần hiểu rõ về chính hệ đường ruột của cơ thể và điều này chỉ có thể đạt được bằng cách nhờ tới sự tư vấn của bác sĩ và xét nghiệm mẫu phân chẳng hạn.”
Công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Ball chỉ ra rằng các probiotics hoạt động vô cùng khác biệt giữa nam giới và nữ giới, điều này cũng có nghĩa rằng để hồi phục sức khoẻ cho đường ruột không thể đơn giản là chỉ dùng một loại probiotics được sản xuất để phù hợp với tất cả mọi cơ địa là được
Tiến sĩ Margaret Morris, Giáo sư đồng Trưởng Khoa Dược lý tại Khoa Khoa học Dược Phẩm, Đại học New South Wales, hiện đang nghiên cứu sự liên kết giữa đường ruột và hệ nhận thức. Bà đồng tình với ý kiến rằng cần phải thực hiện thêm nhiều nghiên cứu nữa về probiotics. Những phát kiến của tiến sĩ Morris cũng chỉ ra rằng việc ăn uống thiếu chất sẽ dẫn đến nguy cơ các vi khuẩn xấu xuất hiện trong đường ruột, điều này có thể là nguyên nhân của những thay đổi trong khả năng nhận thức và chúng ta sẽ còn phải mất nhiều thời gian để khám phá những tác dụng của vi sinh vật đường ruột đối với não bộ.
“Những gì chúng ta biết, đó là nếu ăn uống không hợp lý, uống nhiều thức uống chứa cồn, hoặc đang uống kháng sinh, chúng ta có thể gây gián đoạn đối với sự cân bằng giữa vi khuẩn tốt và xấu trong đường ruột. Khi hệ vi khuẩn cân bằng, cơ thể và hệ miễn dịch sẽ khoẻ mạnh. Ngược lại, nếu thiếu sự cân bằng này, nhiều khả năng ta sẽ thấy trí nhớ giảm sút, ngủ không tròn giấc, tâm trạng thất thường và gặp nhiều vấn đề khác về sức khoẻ.”
Một nhân tố khác nhằm bảo đảm vi khuẩn của cơ thể được cân bằng chính là tác dụng của nó đối với cân nặng của cơ thể. Tiến sĩ Margaret đã chia sẻ trong những nghiên cứu gần đây của bà: “Khi một người thừa cân đang cố gắng giảm béo, sự cân bằng trong đường ruột của người này sẽ được thiết lập hướng duy trì tình trạng cân bằng ruột của một người gầy. Và một vài người thừa cân cố gắng bù đắp sự thiếu cân bằng này bằng cách hấp thu nhiều probiotic, nhưng nếu không biết chính xác cơ thể đang thiếu vi khuẩn nào, việc hấp thu này cũng trở nên vô ích mà thôi.”
Thực phẩm thuần tự nhiên là giải pháp tối ưu nhất
Bác sĩ Morris cho biết, "Cấu trúc đường ruột của cơ thể được quy định bởi gen, phong cách sống, bệnh lý và chế độ ăn uống. Dựa trên các thí nghiệm gần đây, có vẻ như trong thời điểm hiện tại, việc ăn uống các thực phẩm giàu prebiotic và giàu chất xơ, cũng như cắt giảm lượng đường, giảm chất béo bão hoà hay chất cồn trong ít nhất 20 tuần liên tiếp là một phương pháp tốt để đạt được độ cân bằng cần thiết cho các vi khuẩn đường ruột. Thí nghiệm cũng cho thấy việc bổ sung dưỡng chất thông qua chế độ ăn uống nhiều thực phẩm có chứa hợp chất flavone sẽ cho kết quả tích cực với tình trạng sức khoẻ.”Chuyên viên Dinh Dưỡng Charlene Grosse cũng cho lời khuyên về việc bổ sung các sản phẩm chứa probiotics và chất flavone trong chế độ ăn uống nhằm cung cấp năng lượng cho vi khuẩn tốt trong hệ đường ruột: “Những thực phẩm này bao gồm hành, tỏi, insulin, bột mì, Atiso Jerusalem, rau diếp xoăn và chuối. Trong trường hợp nếu quý vị muốn bổ sung thêm thực phẩm lên men để tăng hỗ trợ cho vi khuẩn tốt, có thể ăn thêm yoghurt, nấm sữa kefir, trà kombucha, súp miso, dưa cải chua của Đức và món đậu Tempeh của Indonesia.”
Tất cả những thực phẩm được đề cập trên đây, khi được hấp thụ theo cách thông thường, có thể cho tác dụng cao nhất đối với việc hỗ trợ vi khuẩn.
Trong số đầu tiên của chương trình “Trust Me, I’m a Doctor” mùa 6, Bác sĩ Micheal Mosley và Bác sĩ Ahsan đã tiến hành thử nghiệm việc hấp thu một loại thực phẩm bổ trợ, tiêu thụ một loại sữa lên men hay ăn những loại thực phẩm chứa hàm lượng insulin cao sẽ có tác dụng ra sao trong việc hỗ trợ hệ tiêu hoá hoạt động nhịp nhàng; và liệu pháp nào sẽ tốt hơn đây: sử dụng các probiotics thay thế hay các sản phẩm probiotics được sản xuất hàng loạt?
Như tiến sĩ Mosley đã giải thích, ngày nay chúng ta đã quá quen thuộc với các sản phẩm lên men như bia, nhưng trước khi có phát minh tủ lạnh, đây cũng là cách phổ biến để bảo quản thực phẩm. Ngày nay, mọi người có xu hướng thích tự lên men các sản phẩm dung tại nhà, ví như món bắp cải chua của Đức, Kim chi (món rau chua của Hàn Quốc), kefir (một loại sữa lên men), và trà kombucha (trà trái cây lên men).
Thí nghiệm đã chứng minh rằng các thực phẩm lên men tự làm có chứa hàm lượng probiotics cao hơn bất kỳ loại sản phẩm thương mại nào. Lý do là vì các sản phẩm được sản xuất với mục đích thương mại đều phải qua khâu tiệt trùng để đảm bảo an toàn và kéo dài tuổi thọ cho sản phẩm, điều này có thể dẫn đến việc các vi khuẩn tốt bị tiêu diệt, trong khi đó, hiện tượng này hiếm khi xảy ra với các loại sản phẩm tự làm ở nhà.
Tiến sĩ Mosley kết luận “Để hệ đường ruột khoẻ mạnh và hấp thụ được nhiều vi khuẩn tốt, các sản phẩm lên men có thể là cách tối ưu nhất. Các thí nghiệm chúng tôi đã làm cho thấy quý vị sẽ có được những vi khuẩn tốt cần thiết trong các sản phẩm lên men truyền thống.”
Nếu quý vị muốn tạo ra nguồn probiotics riêng cho chính mình, có thể thử làm theo công thức lên men (quy trình lên men và thời gian dự trữ cũng như nhiệt độ là những yếu tố vô cùng quan trọng), cần bảo đảm rằng các công cụ nấu nướng và tay quý vị được rửa sạch trong quá trình chế biến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét