khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Ba, 5 tháng 9, 2017

Bao Dung & Đều Giả - Tác giả Tưởng Năng Tiến




"Khoan dung không chỉ là một phẩm hạnh của cá nhân, mà còn là một tính chất của cộng đồng và trách nhiệm của một quốc gia." (Lê Nguyễn Duy Hậu)


Quan niệm thượng dẫn về “lòng khoan dung” khiến tôi nhớ đến một bài viết ngắn ngủi nhưng rất cảm động của tác giả Xuân Thọ về tình nghĩa thầy trò, và đức bao dung:

Tôi có rất nhiều thầy cô giáo cũ ở CHDC Đức (đều từ 70 đến 80 tuổi), đã về hưu từ ngày nước Đức thống nhất, nhưng vẫn có cuộc sống yên lành... Năm 2006 và năm 2011 tôi có mời một số anh chị em bạn học cũ từ Việt Nam sang Đức chơi, (có thể có người đang đọc bài này). Cả hai lần chúng tôi đều kéo nhau về trường cũ, bỏ tiền ra làm một bữa liên hoan, có cả âm nhạc Việt Nam, mời toàn bộ các thầy cô đến dự. Họ rất mừng và nói:“Các học sinh Đức cũ không ai nhớ đến chúng tôi, nhưng người Việt các anh chị quả là rất ơn nghĩa, 40 năm rồi vẫn nhớ đến chúng tôi”.

Nhờ chúng tôi tổ chức họp mặt họ mới có dịp gặp nhau, vì trường cũ đã giải tán và nội bộ của họ có nhiều vấn đề: mất đoàn kết, thù hận nhau, do chính quá khứ của đảng SED để lại, nên họ không bao giờ chủ động gặp nhau.

Trong số phận của các thầy cô, tôi chỉ xin kể 2 sự việc:

1- Bà Magdalena M. vốn là một bà giáo rất đẹp gái, tóc bạch kim, cao ráo, dáng rất sang, dạy kỹ thuật truyền tin. Sau 40 năm gặp lại bà vẫn như vậy và lái xe BMW mui trần đến dự liên hoan. Trước kia tôi không quan tâm đến cuộc sống của bà, nay thấy bà nổi bật lên giữa các vị giáo già nua thanh đạm. Bà bảo: Lương hưu giáo viên của bà thì tạm đủ, nhưng ông chồng bà là đại tá không quân Quân đội Nhân dân Quốc Gia CHDC Đức. Sau khi thống nhất ông được lương hưu tương đương như ông quan năm Tây Đức nên khá lắm! Bà buồn là ông mới mất và nay bà chỉ còn sống bằng lương hưu của bà và 1 phần lương hưu bà góa của ông (Witwenrente).

Bà M. than phiền với tôi là: So với ông đại tá ở phía Tây Đức thì cái tỷ lệ lương hưu để lại cho bà góa có ít hơn.

Tôi không biết điều bà M. nói đúng hay sai, nhưng tôi an ủi bà: Ngày trước ông nhà chỉ lo mỗi việc là tiêu diệt người ta, sau này người ta trả lương hưu hậu như vậy, lúc ổng qua đời, bà còn được lương bà góa của ông nhà thì chắc là sự bất công không bằng đồng bào tôi ở Sài Gòn đã chịu, họ không những không có lương hưu mà còn phải đi cải tạo, có người chết mất cả xác.
Bà M. không phản đối điều tôi nói và trầm ngâm hẳn. Từ đó đến nay, bà vẫn hay gửi email trao đổi chuyện chính trị với tôi.

2- Ông bà Joseph và Gundela GL. là hai người tôi coi như bố mẹ nuôi. Bọn con trai, mấy thằng Erwin, Peter, Michael vẫn chơi bóng đá với đám thanh niên Việt Nam chúng tôi, con bé Martina suốt ngày quấn quít với các bạn gái Việt. Suốt mấy chục năm xa cách tôi vẫn thư từ cho bà. Đùng một cái, từ năm 1990, sau thống nhất đất nước Đức, tôi mất liên lạc với bà. Tôi dò hỏi các thầy cô cũ thì biết cả hai ông bà từng là mật vụ chìm cho STASI (An Ninh CHDC Đức) nên khi chế độ sụp đổ, mọi việc vỡ lở, ông bà xấu hổ quá, đưa cả gia đình đi xa.

Từ khi sang Đức, tôi đã cất công tìm tung tích của ông bà, vì tôi vẫn nhớ đến tình cảm của họ đối với đám thanh niên Việt chúng tôi khi xưa. Là người Việt Nam, tôi thừa hiểu cái bi kịch “cá chìm” mà hàng triệu người Đông Đức hồi đó phải gánh chịu, dù là nạn nhân hay là thủ phạm. Đối với tôi tình cảm con người là trên hết.

Nhờ có Internet và hệ thống sổ điện thoại điện tử, tôi đã tìm được gia đình ông bà GL. Ông bà có một căn nhà nhỏ trên đảo Usedom, nằm trên biển Baltic, gần Ba-lan. Ông bà rút vào cuộc sống ẩn dật để tránh mọi quan hệ với bạn bè, đồng nghiệp cũ. Câu con cả Erwin làm giám đốc trung tâm điều dưỡng trên đảo và vẫn chăm nom ông bà. Ông bà cảm động lắm và nói là họ đã mất hết bạn bè người Đức, nhưng may mà tôi đã đến với họ.

Điều làm ông bà ân hận nhất là cái “sổ hưu”. Vì là nhân viên mật vụ STASI nên ông bà có quyền cao chức trọng hơn các đồng nghiệp khác trong trường, mặc dù họ có trình độ hơn ông bà. Nhờ vậy ngày nay ông bà lĩnh lương hưu cao hơn họ, những nạn nhân của ông bà.

Xuân Thọ (20.12.2012 Cologne)

Đông và Tây Đức thống nhất năm 1990. Mối liên hệ tình cảm cá nhân của dân chúng hai miền đất nước (có thể) vẫn còn năm điều/ba chuyện bất bình hay “lấn cấn” nhưng ở khía cạnh luật pháp, và trên bình diện quốc gia thì mọi người đều bình đẳng – bất kể họ thuộc bên nào.

Việt Nam thì không thế. Tuy “Nam/Bắc hoà lời ca” sớm hơn nước Đức đến mười lăm năm nhưng chính cách xuyên suốt của chính phủ hiện hành vẫn hoàn toàn nhất quán trong việc phân biệt đối xử giữa kẻ thắng và người thua.

The winner takes all. Kẻ thua thì thua trắng và mất hết, kể cả cái tên gọi như Sài Gòn hay Chính Quyền Miền Nam. Hơn bốn mươi năm sau, dư luận mới thoáng chút “râm ran” khi nghe những nhà sử học của bên thắng cuộc “thống nhất bỏ tên gọi ngụy quyền” cho bên thua cuộc – theo tường trình của phóng viên Lan Hương (RFA) vào hôm 21 tháng 8 năm 2017:

Chúng tôi cũng có dịp trao đổi với PGS.TS Trần Đức Cường, nguyên Viện trưởng Viện sử học, hiện là Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, đồng thời là tổng chủ biên bộ sách Lịch sử Việt Nam này. PGS.TS Trần Đức Cường cho chúng tôi biết lý do các nhà sử học thống nhất bỏ tên gọi ngụy quyền đối với chế độ Việt Nam Cộng Hòa:

Bản chất chính quyền Sài Gòn và quân đội Sài Gòn theo chúng tôi không có gì thay đổi cả. Đấy là một chính quyền được dựng lên từ đô la và vũ khí, thực hiện chiến lược toàn cầu của Mỹ, ngăn chặn chủ nghĩa Cộng Sản lan xuống vùng Đông Nam Á, đồng thời chia cắt đất nước Việt Nam một cách lâu dài, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ. Điều đó không có gì nghi ngờ cả.

Thứ hai, quân đội Sài Gòn thực chất được Mỹ trang bị hoàn toàn và quan trọng hơn là thực hiện mưu đồ của Mỹ. Đó cũng là một đội quân đi đánh thuê. Thực chất các nhà sử học không có một đánh giá nào khác so với thời gian trước đây.

Nhưng về cách gọi, chúng tôi nghĩ rằng trong một văn bản khoa học, mình gọi trung tính vẫn hơn là ngụy quân, ngụy quyền. Bởi vì cách gọi này mang tính biểu cảm, miệt thị cho nên chúng tôi gọi là quân đội Sài Gòn và chính quyền Sài Gòn.

Liên quan đến sự kiện này, bản tin (hôm 28 tháng 8 năm 2017) của trang Tiếng Dân có đoạn như sau:

Bộ sách Lịch Sử Việt Nam: Vũ Như Cẩn!

Bài trên báo Tiền Phong: Bộ sách ‘Lịch sử Việt Nam’ có gì ồn ào? Nhà sử học Dương Trung Quốc, cho biết: “Chỉ là cuốn sách của Viện Sử thôi, có gì mà ồn ào, giời ạ!” Nhưng ông cũng nói về bộ sách mới tái bản: “Có gì mới đâu”.

Nhà nghiên cứu Dương Quốc Đông, Viện Sử học, cho biết, đây là bộ sử tái bản, không có gì mới.

GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, xác nhận:“Bộ sử được viết lâu rồi. Nhiều người chưa đọc tưởng cuốn này trình bày kỹ lắm, không có gì đâu, thoáng tí thôi. Do cách diễn đạt khi họp báo thôi…”.

 Nhà sử học Lê Văn Lan cho biết, bộ sử này có tiếng vang là do thủ thuật tuyên truyền.

Trước đó hai ngày trang Dân Luận  có bài viết của tác giả Nguyễn Thị Bích Ngà, với tựa là “Về bộ sách lịch sử Việt Nam: Vẫn là sử đểu!” Sử đểu cũng như sự bao dung đểu cáng (hay đều giả) chả lừa gạt được ai, đã đành; nó còn đẩy xa thêm tiến trình hoà giải của cả một dân tộc mà nhân tâm vốn đã ly tán từ lâu!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét