khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 27 tháng 8, 2017

Vượt Biên Bằng Bè, rời SG vào ngày 23/9/1975, và cũng là ngày CSVN đổi tiền lần đầu sau ngày 30/4/1975: 500 đồng VNCH đổi lấy 1 đồng VC.









Người ta sống không nổi với Cộng Sản nên phải ra đi bằng mọi giá ! Trong số hàng chục ngàn con thuyền mong manh đi vượt biển , đôi khi có cả tàu sắt , nhưng chắc là không thể ngờ có người dùng bè .
 
Chiếc bè do ông Nguyễn Văn Phong và con … làm tại bến Thanh Đa , Sài Gòn , ra đi vào ngày 23/09/1975 . Bè được đóng bằng 36 thùng phuy xăng loại 200 lít , chia ra làm 2 hàng hàn nối với nhau , phía đầu cắt nhọn để rẽ sóng , bên trên làm giàn và nhà tạm trú . Bè chở 14 người ( trong số đó có một em bé sơ sinh mới 8 tháng ) theo sông Sài Gòn ra biển , may mắn được tàu Nhật vớt ngày 27/09 , cách Vũng Tàu 175 dặm và đưa tới Nhật .
 
Và chúng ta may mắn có được tấm hình quý giá này là do thuỷ thủ Yoshida chụp cảnh những người trên bè đang vẫy cờ SOS . Năm 1954 , đã từng có người dùng bè vượt tuyến từ Bắc vào Nam . 14 người trên bè sau đó đã đi định cư ở Mỹ , phần lớn là San Jose , Cali .
 
Chúng tôi đã có dịp gặp gia đình này ở Nhật Bản và Hoa Kỳ , đã đưa hình chiếc bè lên trang bìa cuốn Boat People phát hành năm 1980 , bằng 4 thứ tiếng là Việt , Anh , Nhật và Pháp , in 10 ngàn cuốn . Trong cuốn này đã vẽ sơ đồ chiếc bè theo bình diện và thiết diện …
 
Bà Mary Nguyễn là một trong số hơn 500 người đã tham dự ngày khánh thành Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân và Việt Nam Cộng Hoà tại San Jose vào cuối tháng 08/2007 . Nhưng bà có tâm sự khác với nhiều Thuyền Nhân Việt Nam .
 
Gia đình bà là gia đình Thuyền Nhân hết sức may mắn . Đã ra đi sớm sủa . Ngày 23/09/1975 . Nếu không kể đợt di tản ồn ào tháng 04/1975 thì sau 5 tháng ở lại với Việt Cộng , gia đình ông Nguyễn Văn Phong đã ra đi tiên phong dẫn đầu cho cả trăm ngàn người vượt biên sau này . Nhưng có điều đặc biệt là gia đình trọn vẹn 14 người đã không đi bằng thuyền . Hoàn toàn chỉ là một người làm ăn buôn bán . Không phải Quân Nhân Công Chức . Không phải đánh cá hay Hải Quân . Ông có nhà ở khu Thanh Đa bên bờ sông Sài Gòn . Gia đình bị Việt Cộng giải phóng gần 2 tháng thì ông Phong tính chuyện phải ra đi . Không muốn đám con trai phải hy sinh bên Cam Bốt . Ông là người đầu tiên và cũng là người duy nhất đóng bè vượt biển . Gia đình cho tiền an ninh khu vực và nói là đóng bè đi làm ăn nghề cá . Người ta phải về quê làm kinh tế mới , thì ông ra biển làm nghề cá . Cùng với đàn con trai , ông già 51 tuổi ghép 36 thùng phuy hàn lại thành 2 ống dài mỗi bên 18 thùng . Ông chế bè đi biển .
 
Hai ống song song nối ngang bằng đai sắt và thanh gỗ . Phía trên là 1 nhà sàn nhỏ làm chỗ tạm trú cho 14 người . Ông Thuyền Trưởng Chủ Tàu , vợ con và bạn của các con . Trong số nầy có em bé gái mới sanh được 8 tháng . Thằng bé 4 tuổi và 1 đứa con trong bụng cô em gái . Phía sau bè có gắn 2 máy Yamaha . Một cái 7 mã lực và 1 cái 10 mã lực . Trên bè chứa thực phẩm và nước uống dự trữ cho 2 tuần lễ . Với địa bàn và ống nhòm mua Chợ Trời , một bản đồ Việt Nam loại treo tường và cờ SOS . Chiếc bè đóng trong 3 tháng cùng vị Thuyền Trưởng bất đắc dĩ và hết sức liều lĩnh ra đi ngày 23/09/1975 tại cửa Nhà Bè Vũng Tàu . Chuyến đi này , về sau ai nghe chuyện cũng nói là điên . Nhưng vào thời kỳ đó chưa có phong trào vượt biển rầm rộ , chưa có hải tặc , chưa có trại tỵ nạn . Sau cùng , như một phép lạ , vượt biển thành công và bây giờ bà Mary Nguyễn đứng bên cạnh con tàu tại Viện Bảo Tàng mà nhớ lại chiếc bè đã đưa gia đình bà đến bến tự do đúng 32 năm về trước . Năm 1975 bè của ông Phong ra đi vào 23/09 . Chỉ 4 ngày sau tại hải phận quốc tế bè Tự Do được tàu chở dầu của Nhật Bản vớt trên đường đi Mã lai.
 
Tên tàu là Shokomaru . Gia đình tỵ nạn 14 người gồm cả em bé 8 tháng lên tàu dầu Nhật Bản vào ngày 27/09/1975 cách bờ biển phía Đông Vũng tàu 125 dặm .
 
Vào ngày đẹp trời cuối tháng 09 cách đây 32 năm , chiếc bè 3 thước 6 chiều ngang và 17 thước chiều dài đã không còn chạy được nữa . Máy hư , hết dầu , nước cạn . Nếu không được cứu thì gia đình đi trên bè này chắc chắn sẽ chết hết . Cho dù có còn chạy được nhưng chỉ 1 trận bão nhỏ là bè tan ngay . Cả gia đình bây giờ đều làm ăn , học hành tốt đẹp ngay tại San Jose . Riêng ông Thuyền Trưởng 51 tuổi vào năm 1975 đã liều lĩnh đóng bè vượt biên , đem cả gia đình vào chốn hiểm nghèo , ông đã đi vào đường chết để tìm ra lối sống . Ông Phong mất năm 2004 tại San Jose hưởng thọ 84 tuổi .
 
Bà Mary kể lại rằng hôm chúng tôi ra đi đúng vào dịp Cộng Sản đổi tiền lần đầu . Có lẽ vì thế nên an ninh lỏng lẻo . Gia đình có 2 vợ chồng 8 người con , 7 trai , 1 gái , cháu gái nhỏ nhất lúc đó có 8 tháng . Năm nay cháu đã 32 tuổi rồi . Các cháu đã lập gia đình . Gia đình chúng tôi là đại gia đình . Trên 30 con cháu đều sống quanh vùng San Jose . Được tàu Nhật vớt qua Đông Kinh ở 9 tháng rồi theo bà con qua Mỹ . Ông nhà tôi lớn tuổi lại bị đau nên không đi làm . Còn tôi , lời bà Mary cho biết đã đi làm trên 20 năm . Bây giờ về hưu và chỉ làm công tác thiện nguyện .
 
Bà cho biết gia đình hạnh phúc may mắn là nhờ ở đức tin và cầu nguyện . Nhân dịp khánh thành Bảo Tàng Viện Thuyền Nhân tại San Jose bà Mary trao tặng tấm hình chiếc bè độc đáo lênh đênh trên biển . Hình này do 1 thuỷ thủ trên tàu chở dầu chụp được trước khi cứu cả gia đình .
 
Gia đình ông Phong về hải cảng Tokyo , báo chí Nhật Bản và Thế Giới có loan tin . Đài VOA và BBC đều có bài phóng sự về biến cố đặc biệt của gia đình tìm tự do bằng bè phuy xăng . Câu chuyện này đã bay về Việt Nam như phép lạ . Sau cùng , chuyện đóng bè tìm tự do đã góp phần vào lịch sử của Thuyền Nhân và câu chuyện này lại thêm ý nghĩa ghi lại vào đúng thời điểm 32 năm trước .
 
Kể lại câu chuyện này với quý vị đồng hương nhằm mục đích gì ? Trước hết đây là câu chuyện của chuyến đi vào tháng 09/1975 và bây giờ là tháng 09/2007 . Đó là tháng kỷ niệm của gia đình ông Nguyễn văn Phong , 32 năm về trước .
 
Thêm vào đó , tin tức VOA và BBC về chuyến vượt biên bằng bè tự chế được tàu Nhật vớt loan truyền trên Thái Bình Dương bay về Việt Nam chính là câu chuyện mở đường cho Thuyền Nhân vượt biên sau này . Ai cũng nói rằng bè thùng phuy mà còn đi được tại sao mình lại không đi .
 
Gặp lúc Việt Cộng ra tay sắt máu , đánh tư sản , đổi tiền , tập trung tù cải tạo . Tin tức chiếc bè bằng thùng xăng đến bến tự do đã đem nhiều hy vọng cho người dân miền Nam .
 
Hình ảnh chiếc bè với 14 Thuyền Nhân lên tàu dầu Nhật Bản rồi được thả trôi tự do trên Thái Bình Dương đã nằm trong ống kính máy hình của 1 thuỷ thủ . Ngày nay tấm hình bất hủ này vẫn còn được treo tại Nhật Bản và tại Viện Bảo Tàng Thuyền Nhân ở San Jose .
 
Câu chuyện đến đây có thể coi như chấm dứt . Tuy nhiên vì đã qua 30 năm dài , cuộc sống tại Hoa kỳ không còn gì để giấu diếm nên câu chuyện phụ đề sau đây xin được ghi thêm .
 
Số là khi chúng tôi có hỏi về gia đình , bà Mary hồn nhiên cho biết đầu đuôi gồm cả câu chuyện tình rất riêng tư . Đây mới thực là chuyện đời của người dân tỵ nạn . « Ông à , lời bà Mary kể lại , khi lấy nhà tôi , tôi chỉ là 1 cô bé xinh đẹp chưa đến 18 tuổi , mồ côi mẹ , chỉ còn ông già . Cha tôi gửi con vào học nội trú trường đạo . Cuối tuần tôi ra nhà bà con chơi . Bà con làm tài xế cho ông chủ nhà thầu . Ông nầy lớn tuổi nhưng chưa lấy vợ . Ông theo đuổi tôi . Vì ham vui muốn sống ngoài khuôn viên trường đạo , tôi chịu lấy ông . Cách biệt 17 tuổi . Ông già tôi không chịu nhưng cũng đành . Chồng không cho tôi đi học , không cho đi làm . Mãi sau này tôi mới đi làm Thư ký cho hãng Thuốc tây . Chúng tôi sinh ra toàn con trai . Có 1 cô bạn gái cùng làm hãng Thuốc Tây về ở chung nhà . Bạn gái của tôi lâu ngày thành bạn gái của ông luôn . Tôi có 7 con trai . Cô sanh được đứa con gái . Vì tôi không có con gái nên thương cháu như con . Từ nhỏ đến lớn nó cứ tưởng tôi là mẹ ruột . Đến khi vượt biên tất cả đi 1 lượt . Con của tôi và con của cô vợ nhỏ cũng khai là con của tôi hết . Tôi có 7 đứa con trai đã lớn , thêm một trai một gái của Dì nó . Thành ra tôi là bà mẹ 9 con . Lúc ra đi « cô em bạn gái » của gia đình đã có bầu nhưng không ai hay . Qua đến Nhật cô sinh thêm đứa con gái . Khi đến Hoa Kỳ thì vì tương lai và hoàn cảnh , Dì của các cháu ra riêng lập gia đình . Hai dòng con của chúng tôi rất thương yêu nhau như một nhà .
 
Ông nhà tôi ở Việt Nam là 1 tay đẹp trai , đào hoa , bay bướm . Xem chừng ông còn nhiều mối tình và có con cái riêng mà tôi không biết hết .
 
Qua đến nước Mỹ là ông hết thời vận . Ở Việt Nam ông làm ăn xoay xở đủ chuyện . Chuyện đóng bè là phát minh lớn lao cuối cùng của ông . Nhờ Trời mà sống sót . Chính Thuyền Trưởng Nhật Bản nói rằng ông nhìn đám nhỏ biết rằng trận bão sắp đến là bè này phải tan tành ngay . Vì vậy mà ông mới vớt bè của chúng tôi . Chúng tôi còn thực phẩm và còn dầu , máy tàu còn chạy được nhưng ông bảo là phải khai hết nước , hết dầu , máy hư . Như vậy ông mới có quyền vớt chúng tôi .
 
Ông nhà tôi ở Việt Nam coi như chính thức có 2 vợ , vợ lớn vợ nhỏ nhưng chúng tôi khai ở Nhật là chị em . Tất cả các con là con tôi hết .
 
Khi sang nước Mỹ , đến miền Đông quá lạnh , chúng tôi phải dọn về Cali hưởng trợ cấp . Đất Mỹ không phải là Thế Giới làm ăn của nhà tôi . Ông bị bệnh lại thêm tuổi già . Chỉ có tôi bắt đầu đi làm thợ ráp điện tử . Có ông worker Việt Nam làm sở xã hội quá tốt nói rằng bà có quá nhiều con , đi làm lương assemlly làm sao nuôi được ông chồng đau ốm với một đàn con . Rồi ông chỉ cho tôi khai sao cho hợp lệ mà có đủ tiền sống .
 
Nhưng tình cảnh này cũng qua thời gian ngắn , sau cùng các cháu tốt nghiệp đi làm thì không còn phải khai tới khai lui nữa . Hơn 30 năm , các cháu đều có gia đình . Con tôi và con của Dì nó đều thành đạt . Đại gia đình của chúng tôi đều đi làm đóng góp lại cho nước Mỹ . Ông nhà tôi yên nghỉ năm 2004 hưởng thọ 84 tuổi . Các con ông rất hiền lành và đức hạnh . Khi tôi đi đến Viện Bảo Tàng , nhìn thấy thùng phuy trên con tầu lại nhớ đến chiếc bè ông nhà tôi nối kết 38 thùng phuy . Không biết ngày nay những thùng phuy đó trôi giạt đi đâu ? !
 
Chuyện gia đình tôi 32 năm trước từ lúc bước chân đến đất Nhật và rồi vào đất Hoa Kỳ vì hoàn cảnh có lúc phải khai không đúng sự thật . Vợ chồng lại không nói là vợ chồng . Không phải con lại nhận là con . Tôi rất áy náy . Dù là quyền lợi cũng chẳng được là bao nhưng vẫn là nói dối .
 
Nay nói ra là được giải toả 1 lần , tôi rất sung sướng . Ông nhà tôi quê Vĩnh Long , quê tôi ở Bình Long . Dì của các cháu tôi coi như em gái . Em gái của tôi lại thành bạn gái của nhà tôi . Con gái của Dì , tôi thương như con tôi . Chồng tôi còn sống hay mất đi chúng tôi vẫn coi nhau như chị em . Ba mươi năm trước có lúc dì không chịu vượt biên , tôi phải hết sức kéo đi vì thực tình thương đứa con gái 8 tháng . Tôi không muốn bỏ cháu ở lại . Bây giờ cháu tốt nghiệp đại học về điều dưỡng tại Hoa Kỳ . Nước Nhật đã cứu chúng tôi sống . Nước Mỹ đã nuôi chúng tôi trên 30 năm và ở trên Trời , Chúa vẫn ở mãi cùng Người .
 
 
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét