khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Ba, 29 tháng 8, 2017

TÍNH CÔNG BẰNG CỦA GIÁO DỤC "NGỤY" - Tác giả Cao Thoại Châu




Năm học mới đã sang ngày thứ ba và sau 3 ngày đưa đón hai đứa cháu không thể không có những suy nghĩ vụn vặt về một nơi nói thật là hy vọng khá lung lay mà lẽ ra nó phải là nơi có nhiều hy vọng nhất trong xã hội của hàng triệu gia đình trông ngóng.

Hồi đi học, tôi có may mắn rất lớn được là học trò của các vị Thầy Doãn Quốc Sĩ, Vũ Khắc Khoan, Nguyên Sa…đều là những nhà văn nổi tiếng và tài năng uyên bác.

Hôm nay nghĩ về Thầy Sĩ, thầy Việt văn. Giản dị trong trang phục, Thầy rất có sức thuyết phục trong lời giảng và tác phong chân thật không đóng kịch. Nếu tôi nhớ không lầm thì lúc dạy tôi Thầy đã xuất bản tiểu thuyết “Dòng sông định mệnh” được đón nhận trân trọng, chưa kể những truyện ngắn của thầy rải rác trên các báo. Ít năm sau, khi nối gót Thầy trong nghề dạy học tôi cứ mơ ước và cố gắng trở thành một giáo viên mang nhiều “chất Doãn Quốc Sĩ”|!

Cho đến một lần qua phà Vàm Cống về nhiệm sở ở Châu Đốc, tôi gặp lại Thầy mình trên phà về nhiệm sở Hà Tiên! Suy nghĩ của tôi giây phút ấy là: Tại sao người ta “dám” đưa một vị giáo sư tài ba nổi tiếng như vậy về một nơi xa xôi như thế? Thì ra, giáo dục thời ấy có sự CÔNG BẰNG, KHÔNG THIÊN VỊ VỚI BẤT CỨ AI. Nếu là bây giờ, hẳn nhiên Thầy đã không phải đi dạy xa như thế! Công bằng là cái thiện!

Nền Giáo dục hiện nay thiếu nhiều thứ, trong đó có công bằng! Tuyển sinh đầu vào sư phạm tai tiếng về chất lượng quá thấp thì làm sao có được đội ngũ Thấy cô giáo tài năng đủ đứng lớp? Đã có hệ thống trường chuyên ngành sư phạm nhưng thật không công bằng khi lại còn có khoa sư phạm ở các trường ngoài ngành! Bất công này làm cho số giáo viên ra trường vừa lạm phát và vừa yếu kém! Nhưng tại sao cứ khập khiễng như vậy? Tôi nghĩ, tuyển vào nhiều, cung vượt cầu là có mục đích tạo nguồn thu nuôi đội ngũ nhân viên tại các trường ấy! Bắt trò “nuôi” thầy để khi ra trường thành cử nhân thất nghiệp, đó là bất công mang tính xấu hổ!

Là người trong ngành, tôi thấy rõ một bất công khác : kiểu đào tạo chuyên tu, tại chức! Mỗi năm học 2 tháng và sau 4 năm thì…cử nhân trong khi sinh viên sư phạm phải học 48 tháng tức gần 5 năm! Xã hội phải trả lương cho cử nhân rỗng tuếch để dạy con cái họ, đó là đại bất công!

Còn nhiều bất công khác nữa mà nó tác động bất lợi trực tiếp đến nhiều thế hệ, nhưng sáng nay chỉ nói có vậy. Công bằng là điều thiện. Chấm & Hết nảy nòi./.

 ---------------

Cao Thoại Châu


LỜI TỰ THÚ BÌNH YÊN

Ngày đi qua đêm lại nối theo ngày
Cây lá vẫn mọc lên từ đất
Tôi tạm trú trong một ngừơi nào khác
Bao nhiêu điều không thuộc về tôi

Là những thứ không nơi cất giấu
Giọt mưa tan bong bóng giữa sân trường
Gió xa về đứng chật hành lang
E vẫn thiếu một cánh cho bướm đậu

Nhận của đời bản sao thời khoá biểu
Tôi đi lần từng bước tới hôm nay
Nghe lao xao cát đá dưới chân giày
Viên phấn ngắn để hồn tôi vẫn thiếu

Và không đủ người nghe thơ Đồ Chiểu
Bằng tấm lòng của Lục Vân Tiên
Sông Tiền Đường nước vẫn xanh trong
Mưa rắc bụi đời không dư nước mắt

Để ngày ngày tôi- theo- tôi vào lớp
Con bướm vàng tìm chỗ khác rong chơi
Hoa vẫn để lòng hoa khoe với đất
Và bình yên đâu đó ở bên ngoài




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét