khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2017

Làm sao để "giữ lửa" cho tiếng Việt tại hải ngoại?



Ngôn ngữ được xem là nền tảng văn hoá của một dân tộc. Được xem là một trong những ngôn ngữ có độ tiếp thu trung bình khó trong bảng xếp hạng thế giới, việc gìn giữ tiếng Việt với những ai đang xa quê hương dường như là trọng trách chẳng mấy dễ dàng.

Khi tiếng Việt chỉ xếp thứ 2

Sau nhiều năm sống ở quê nhà, nói tiếng Việt hàng ngày như điều tất yếu, sang đến xứ người, vật lộn với một ngôn ngữ mới để mưu sinh và hoà nhập, tiếng Việt bị đẩy xuống hàng thứ hai sau tiếng bản xứ (thông thường là tiếng Anh).

Thịnh Lê sang Mỹ định cư năm 2004, thời gian đầu ngày ngày luyện tiếng Anh để chuẩn bị đi học khiến anh có cảm giác hai thứ tiếng Anh Việt nhập nhoà đan xen, riêng tiếng Việt bị phân tán dần, anh thật sự hoang mình liệu tiếng Việt trong mình sẽ bị bào mòn và ngày nào đó mất hẳn. Tuy vậy, may mắn là khi thông thạo tiếng Anh, thói quen giữ gìn ngôn ngữ mẹ đẻ trở lại, và anh không gặp vấn đề gì quá lớn trong việc sử dụng tiếng Việt trong gia đình.

Từ năm 2011 đến 2013, anh tự nguyện một tuần một buổi dạy tiếng Việt tại nhà thờ của người Việt Dallas (Texas) hỗ trợ các em thiếu nhi sinh trưởng tại Mỹ có cơ hội biết đến ngôn ngữ gốc. Anh cũng cho biết, để duy trì thói quen sử dụng tiếng Việt, bố mẹ đã có những quy định khá nghiêm ngặt là không được nói tiếng Anh ở nhà .

Tuy vậy, ở nơi quyền tự do cá nhân được tuyệt đối coi trọng và được pháp luật bảo hộ, các quy định của phụ huynh dần mang tính khuyến khích hơn áp đặt. Và đó cũng là lúc ý thức của con trẻ đối với tiếng mẹ đẻ mang tính quyết định. Vì vậy, giải thích với con cái tầm quan trọng của việc gìn giữ tiếng Việt, cũng như biến việc biết 2 thứ tiếng trở thành thế mạnh cá nhân sau này khi xin việc là điều các bậc phụ huynh nên làm.

Tạo môi trường sử dụng tiếng Việt

Ông David Ngo, di cư sang Úc từ năm 1989, hiện đang là chuyên viên thuế vụ Liên Bang đã tham gia rất nhiều các dự án cộng đồng, đặc biệt là mảng tư vấn thuế cho người Việt, với mong muốn giúp sức gầy dựng cộng đồng người Việt bền vững tại Úc Châu, và với ông, việc gìn giữ tiếng Việt giờ đây không chỉ là dạy con biết đọc biết viết mà hơn cả là tạo ra cho các em môi trường sử dụng tiếng Việt và hình thành thói quen sử dụng lâu dài.

Dù bố mẹ có khuyến khích con em sử dụng tiếng Việt trong gia đình, nhu cầu nói tiếng Việt sẽ mất đi một khi các em thiếu môi trường giao tiếp hay không có nhu cầu sử dụng. Có thể cho các em tham gia chương trình sinh hoạt hướng đạo Việt Nam, vừa trau dồi tiếng mẹ đẻ vừa học thêm các kỹ năng sống thiết yếu, hay các trại huấn tôn giáo phù hợp như Hội Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam, Hội Phật Tử Việt, v.v. Ngoài ra, việc trao đổi sách báo hoặc tư liệu truyền thông tiếng Việt là nguồn cung tốt giúp các em trau dồi vốn từ vựng và ngấm sâu văn hoá truyền thống.

Một ý kiến riêng tư khác là ngay cả với các gia đình con cái đã trưởng thành, việc giữ kết nối trong cộng đồng người Việt cũng là điều nên làm, vì bố mẹ sẽ có cơ hội giới thiệu các con trong độ tuổi phù hợp với nhau, khi đó, nếu các bạn trẻ có cơ hội gặp gỡ tìm hiểu, tiến tới hôn nhân với người cùng nói chung một ngôn ngữ, khả năng tiếng Việt được xem trọng và được truyền tới những thế hệ sau cũng cao hơn.

Cả cộng đồng là trường dạy tiếng Việt cho con em

Khi nhu cầu tự phát được bồi đắp bởi đam mê, chị Nguyễn Thị Thanh Hà, nghiên cứu sinh chuyên ngành kinh tế tại New Zealand, với châm ngôn “người Việt thạo tiếng Việt” cùng trải nghiệm bản thân tự lực dạy hai con tiếng Việt trong những năm đầu đời, cùng mong muốn giúp con em các gia đình Việt Nam sinh sống tại New Zealand biết tiếng Việt, chị đã sáng lập chương trình VietKidsNZ năm 2014.

Sau thời gian khảo sát, nghiên cứu, xây dựng chương trình giảng dạy, đến nay, tổ chức của chị được biết đến rộng rãi với hai chương trình chính là VietKidsNZ dành cho các bé từ 2 tuổi trở lên tập trung vào nghe nói, giao tiếp tiếng Việt, các kĩ năng mềm và hoat động tìm hiểu văn hoá qua các trải nghiệm trực tiếp, và VietRead&Write - chương trình dạy đọc và viết tiếng Việt cho bé từ 5 tuổi trở lên được thiết kế chuyên biệt cho các trẻ em sinh sống ở nước ngoài nói chung và tại NZ nói riêng.

Với sự hỗ trợ nhiệt tình của một số chuyên gia giáo dục như chị Minh Hoa, chị Diệu Linh ở Việt Nam, các cộng tác viên tại New Zealand như chị Khiếu Trang, Nghiêm Nhung, Hoàng Hà, và các bạn du học sinh Việt Nam tại New Zealand, chị Hà dự định sẽ phát triển mô hình này lớn mạnh hơn thông qua nhiều hoạt động trực tuyến như học từ xa, xây dựng thư viện trực tuyến để ngay cả các gia đình không thể đưa con trực tiếp tới lớp vẫn có thể theo dõi hướng dẫn con học tiếng Việt tại nhà.

Vậy là, bằng cách này hay cách khác, những thanh âm khi vang lên giữa đám đông có thể đánh động tấm lòng đồng hương, là nguồn cội cho cả một nền văn hoá, vẫn đang được mỗi người Việt các nơi duy trì theo cách riêng, trong gia đình, trong hàng xóm, trong rộng khắp cộng đồng. Ngày nào tiếng Việt còn vang lên, ngày đó chất Việt sẽ vẫn còn chảy tràn trong mỗi người chúng ta.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét