Trong đám đông vẫn nhận ra nhau
Người Việt ra xứ người làm ăn sinh sống thường dễ bị nhầm lẫn với các sắc dân Châu Á khác. Tuy vậy, bản sắc Việt Nam vẫn phần nào thể hiện qua phong cách bề ngoài.Vợ chồng anh Trần Vĩnh Cường học tập và sinh sống tại Tokyo (Nhật Bản) đã hơn 13 năm, nếu vô tình chạm mặt người Việt trên tuyến tàu điện ngầm, nhất là những người mới sang, anh chị vẫn nhận ra.
Phục sức người Việt ưa thích sắc màu tươi sáng do ảnh hưởng từ vùng nhiệt đới, giày thể thao và quần jean rộng nhiều túi thoải mái trong khi dân Nhật chuộng kiểu quần ôm và xu hướng phối màu đơn sắc giản dị.
Trong khi đó, chị Phan Ý Yên, nhà văn trẻ có thời gian dài sống tại Pháp, cho biết một trong những cách nhận ra người Việt ở Paris Quận 13 là nhờ vào ánh nhìn chăm chú dành cho đồng hương ngang qua, hệt như kiểu tín hiệu rất riêng chào nhau giữa đám đông.
Hay như thói quen các sinh viên Việt Nam là luôn đeo túi hoặc balo rất lớn đựng đủ đồ dùng cho cả một ngày.
Những tấm lưng nhỏ, những bờ vai thon khoác lên những chiếc túi to lỉnh kỉnh sách vở đồ đạc hộp cơm trưa phần nào làm nên chân dung người Việt cần cù giữa Paris hay Lyon.
Có không một hình dung Việt cho thế hệ sau?
Với chị Anna Hạnh Nguyễn, giảng viên Piano tại Sydney, việc duy trì cho các con giữ nếp Việt trong phong cách khá khó khăn. Ví như mái tóc dài đen mượt của người con gái Việt cũng chỉ mang tính khuyến khích khi các con tới tuổi muốn tạo phong cách riêng.Những xu hướng thời trang, tác động từ bạn bè, truyền thông sẽ chi phối nhiều và lúc này, chị dành nhiều thời gian để chuyện trò và cho con xem những thước phim về người Việt để con có thêm sự cân nhắc khi quyết định.
Tuy vậy, như đa số những người Việt khác khi được hỏi đến, chị cho rằng chính hành vi ứng xử mới thật sự làm nên khí chất của người Việt hơn là bộ áo khoác vội hay mái tóc nhuộm đủ màu sặc sỡ.
Phóng khoáng nhưng không mất gốc
Thích nghi với môi trường mới là khả năng sinh tồn, và để hoà nhập và theo kịp guồng quay của xã hội thứ hai, không lựa chọn nào khác là phải chấp nhận thấm vào người thêm một nền văn hoá.Tuy vậy, nhiều người Việt đã và đang ngầm đặt ra cho bản thân những quy ước riêng nhằm luôn nhắc nhớ về cội nguồn.
Chị Thảo Nguyên, chuyên viên điện toán ở Nhật Bản chia sẻ, nơi chị sống nổi tiếng về việc tuân thủ quy tắc giao tiếp đến mức khắt khe: muốn đến thăm ai phải báo trước tối thiểu 3,4 ngày, không thể ngẫu hứng.
Trong khi ấy, với văn hoá coi trọng kết nối cộng đồng, thói quen ghé thăm hàng xóm bạn bè của người Việt luôn được trân trọng và vì vậy không quá câu nệ hình thức.
Việc hoà trộn giữa hai nền văn hoá tạo ra cho người Việt sự hoàn thiện, một mặt vẫn giữ cho mình tính ân cần đồng thời tôn trọng thời gian chuẩn bị cho chủ nhân. Không ít người Nhật tâm sự rằng họ khá bất ngờ khi quan sát tình thân được thắt chặt qua nếp thăm hỏi thường xuyên của cộng đồng người Việt những nơi họ ghé qua.
Ở Pháp, một nhóm bạn vào nhà hàng thường chia hoá đơn trả riêng. Việc chia phần chính xác từng xu nhỏ thể hiện tinh thần minh bạch độc lập.
Trong khi đó, việc thết đãi nhau có thể xem là nét văn hoá khiến người khác nhận ra người Việt thông qua cách... vui vẻ giành nhau trả tiền bữa ăn. Sự xuề xoà có thể là nguồn gốc cho vài rắc rối, nhưng ở góc nhìn tích cực, đây là nét cởi mở phóng khoáng trong văn hoá Việt.
Người bạn Pháp của tôi khi công tác tại lãnh sự quán ở Việt Nam từng tâm sự vui, nếu chiếc bàn nào trong nhà hàng anh dùng bữa tự dưng rộn ràng hẳn lúc phục vụ đem hoá đơn ra vì... các nhân vật xung quanh bàn đang vui vẻ chìa tay đoạt lấy tờ hoá đơn, đó hẳn là người Việt!
Một tấm áo dài khoác lên vào ngày đầu xuân, những mái tóc đen thơm mùi bồ kết, một bàn tay ân cần luôn chìa ra khi người khác cần, hoặc những viếng thăm thân tình... đâu sẽ là cách mà chúng ta giữ cho bàn sắc của Việt luôn nồng đượm và trở thành dấu hiệu để vui mừng khi nhận ra nhau?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét