khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2017

Lm. NGUYỄN VĂN VINH, NGƯỜI QUẢN LÝ TRUNG TÍN - Bs. Nguyễn Tiến Cảnh







Bài suy niệm này chúng tôi dựa vào Tin Mừng Luca (Lc 16:1-13) nói về người quản lý bất trung để trình bày về một người quản lý đương đại của thế kỷ 20 không phải là bất trung, nhưng rất trung tín là cha chính Tổng Đại Diện giáo phận Hanoi Gioan Lasan Nguyễn văn Vinh.

DỤ NGÔN NGƯỜI QUẢN LÝ BẤT TRUNG

Bài đọc Kinh Thánh hôm nay nói về cách dùng của cải vật chất như là một yếu tố chính trong đời sống đức tin. Ba kiểu nói trong bài Tin Mừng hôm nay cho thấy cái tương phản giữa sự giàu có mau qua ở trần thế và giầu có vĩnh viễn trên trời. 

Câu chuyện dụ ngôn này (Lc 16: 1-8a) phải được hiểu theo phong tục Palestine . Người quản lý là người đại diện chủ để kinh doanh buôn bán sinh lời cho chủ. Nhưng người quản lý này đã tỏ ra bất trung vì đã phung phí, ăn cắp tài sản của chủ (1). 

Ông chủ phê phán người quản lý là bất nhân vì đã giả mạo giấy giao kèo giữa con nợ và chủ nợ bằng cách biểu con nợ ghi số nợ ít hơn thực sự để dành số tiền bớt đi đó cho mình hoặc để lấy lòng con nợ hầu có chỗ nương tựa khi cần vì anh ta biết mình sắp bị chủ cho nghỉ việc (3). 

Phần hai của bài Tin Mừng (Lc 16: 8b-13) là lời Chúa Giesu kết luận câu chuyện. Kết luận một (c.8b-9) khuyên chúng ta phải biết khôn khéo kiểu con cái thế gian làm giầu bất chính như trong dụ ngôn người quản lý bất trung khi nghĩ về những giờ phút cuối cùng của thời đại. Danh từ Giàu sang hay tiền của bất chính là nghĩa chữ Mammon tiếng Hy Lạp lấy từ tiếng Do Thái hay tiếng Aramaic, tiếng Chúa Giesu nói, có nghĩa là “điều mà người ta tin tưởng vào”. Như vậy sự giàu sang mà con người thường tin tưởng phải hiểu là của phi nghĩa.  Kết luận hai (c.10-12) khuyên phải nhất mực trung thành với địa vị và trách nhiệm của mình. Kết luận ba (c.13) là một kết luận chung cho biết con người không thể làm tôi hai chủ được, tức vừa phụng sự Thiên Chúa vừa phục vụ tiền của. Phục vụ tiền của là đối nghịch với giáo huấn của Chúa Giesu, đấng khuyên chúng ta phải hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa là Cha của các môn đệ chúa Kito (Lc 12: 22-39). Từ Mammon cũng ám chỉ một ngẫu than
 
Ý NGHĨA THỰC CỦA DỤ NGÔN
 
Ý nghĩa chính của dụ ngôn thì không rõ ràng cho lắm. Hình như có ý thúc dục các môn đệ phải có quyết định về nước trời khi gặp cơn nguy biến, bắt chước hành động của người quản lý khi phải đối đầu với những bất trắc trong cuộc sống. Con cái ma quỉ thì khôn ngoan hơn con cái sự sáng. Chúa Giesu khuyên các môn đệ phải biết dùng của cải thế gian chia sẻ với mọi người, nhất là nhưng người nghèo khổ và cần thiết. Nói tổng quát là dùng của cải theo như ước muốn của Thiên Chúa. Đây là bài học: Là thương gia thì phải khôn khéo để bảo đảm cho những lợi tức (mau qua) của mình. Là người theo Chúa Giesu thì phải biết khôn ngoan để bảo đảm cho những lợi tức (vĩnh cửu) nơi Thiên Chúa. Là Kito hữu, chúng ta là những người quản lý của cải / tài năng mà Thiên Chúa ban cho chúng ta; chúng ta không phải là chủ nhân của nó, mà chỉ là người giữ của cho Chúa. Trên nước trời, phần thưởng sẽ được trao cho những ai trung thành với trách nhiệm và những việc Chúa trao phó ở trần thế.
 
CÁCH QUẢN LÝ CỦA CHA CHÍNH GIOAN LASAN NGUYỄN VĂN VINH (1912-1971) 
 
Cha chính Nguyễn văn Vinh là một quản lý rất trung thành với những tặng vật Chúa ban cho ngài qua những mầu nhiệm của Chúa. Ngài sinh ngày 2-10-1912 tại làng Ngọc Lũ, huyện Bình Lục tỉnh Ha Nam trong một gia đình đạo gốc rất ngoan đạo được mọi người trong làng kính nể. Ngay từ  thuở thiếu thời ngài đã rất thông minh và có khiếu âm nhạc nên đã được cha xứ hồi đó là cố Hương, người Pháp tên Depaulis để ý muốn cho ngài đi tu làm linh mục. Cố Hương đã đem ngài lên Hanoi học trường Puginier của các thầy dòng. Năm 1928 thầy nhập tiểu chủng viện Hoàng Nguyên, Hà Tây. Thầy Vinh học rất xuất sắc nên năm 1930 thầy được đưa sang Pháp du học. Sau khi đậu tú tài toàn phần văn chương cổ điển, năm 1935 thấy Vinh nhập học Đại Chủng Viên Xuân Bich (St Sulpice), Paris . Ngày 20-6-1940 thầy thụ phong linh mục ở Limoges .
    
Lúc đó thế chiến thứ hai bùng nổ, cha Vinh không về nước được. Phải ở lại Pháp nên cha ghi danh học  đại học. Cha học văn chương và triết học tại đại học Sorbonne, Paris , đồng thời học âm nhạc tại nhạc viện quốc gia Paris . Ngài học sáng tác, hòa âm và đàn piano, violin. Gặp thời buổi khó khăn lại chiến tranh cha phải vừa đi làm kiếm sống vừa đi học. Cha đã tốt nghiệp cử nhân giáo khoa văn chương và triết học ở Sorbonne. Cha đã tham dự kỳ thi violin toàn quốc Pháp và đoạt hạng nhì. Người ta kể chuyện, đáng lẽ cha đoạt giải quán quân hạng nhất nhưng vì thể diện quốc gia cha bị xếp hạng nhì để lại hạng nhất cho một cô đầm. Sau đó cha Vinh gia nhập dòng khổ tu Biển Đức / Benedict tại đan viện Ste Marie.
 
    
Vóc dáng vừa phải, mặt mũi sinh sắn, nước da trắng, đôi mắt sáng ngời, tính tình vui vẻ, hòa đồng với mọi người nhưng biểu lộ một tâm hồn cương trực và tư cách đứng đắn, luôn luôn được đồng nghiệp nể trọng, mọi người kính mến.
 
    
Năm 1947 cha Vinh về nước giúp địa phận, chú tâm xây dựng Giáo Hội Công Giáo Việt Nam phát triển. Lúc đó Đức Cha Thịnh / Francois Chaize là giám mục Hanoi bổ nhiệm cha làm chánh xứ Nhà Thờ Lớn Hanoi. Ngài xin phép lập tu hội dòng Biển Đức Việt Nam , nhưng vì nhu cầu của giáo phận cần cha nên việc lập dòng không thành.
 
CHA VINH VÀ THIÊN TÀI ÂM NHẠC
 
    
Có thiên bẩm về âm nhạc lại được huấn luyện có bài bản một cách chính thống tại kinh thành ánh sáng nên hồi đó Hanoi không có ai bằng cha Vinh về luật sáng tác nhạc và hòa âm. Nhiều nhạc sĩ nổi tiếng của Hanoi lúc đó tìm đến cha để học hỏi, nhất là các vị trong nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh như nhạc sĩ Hùng Lân, Duy Tân, Nguyễn khắc Xuyên v.v.  Cha dạy về hòa âm cho nhiều nhạc sĩ lúc bấy giờ. Cha Vinh là một trong những nhạc sĩ tiên phong của nền thánh nhạc Việt Nam và là một nhạc sĩ toàn tài. Ngài chơi vĩ cầm và dương cầm tuyệt hảo. Ngài là người đầu tiên chơi vĩ cầm ở Hanoi mà lại là tay cừ khôi.
 
    
Có thiên tài lại được huấn luyện có bài bản nên các tác phẩm âm nhạc của ngài đa số là hòa âm trường ca, đều là những sáng tác để đời như:
    
-Đội ơn Chúa -Hallelujah chorus (Hallelujah!) -Kinh Lạy Cha (Lạy cha chúng tôi) -Mở đường Phúc thật (Hóa công ngắm cảnh) –Tôn vinh Thiên Chúa ba ngôi -Nguyện xin Chúa Cả- Ôi Giave -Ở dưới vực sâu (Thân lạy Giavi) –Đức Mẹ vô nhiễm –Thánh Tâm chúa Giesu -Tâm tôi ca một khúc ca -Chí làm trai (vở kịch Rebatissons notre maison) -Hè về (hòa âm cùng với Hùng Lân) -Jam albae sunt ad messem (lời cha Đinh Lưu Nhân) -Lời cầu xin (Lời cha Nguyễn Ngà) -Đức Mẹ Fatima (Lời cha Đỗ thiên Bình) -Lúa chín đầy đồng (Lời cha Đinh lưu Nhân) -Mừng Á Thánh Dũng Lạc (Lời cha Trần đình Nam) -Nữ Vương các thánh tử đạo. Ngài cũng phổ nhạc các ca vịnh 8, 16, 23, 41, 115. Ngoài ra ngài còn viết những bài ca sinh hoạt như -Sao Mai -Đời người, phổ nhạc bài -Bước tới Đèo Ngang của bà Huyện Thanh Quan v.v….
 
    
 Cha Vinh đã trình bày bản hợp tấu ‘Ở Dưới Vực Sâu’ trong cuộc đón tiếp phái đoàn Việt Nam do ông Hồ chí Minh dẫn đầu sang Pháp dự hội nghị Fontainebleau năm 1946.
 
    
Sau 1954 hàng tuần Cha Vinh sang dạy nhạc bên Đai Chủng Viện Thánh Gioan của địa phận. Cha lập ban hát hợp ca Nhà Thờ Lớn, tổ chức và chỉ huy dàn đồng ca trong nhiều cuộc rước lễ và rước kiệu lớn như cuôc Cung Nghinh Thánh Thể từ nhà thờ Hàm Long về nhà thờ Lớn rất thành công, từ trước chưa bao giờ có.
 
 
TINH THẦN QUỐC GIA DÂN TỘC CỦA CHA VINH
 
    
Cha chính Vinh, tuy du học Pháp từ hồi còn niên thiếu, lại ròng rã 17 năm trời nhưng tinh thần yêu nước độc lập quốc gia của cha rất mạnh, không nệ Pháp như nhiều người khác. Khi làm chánh xứ nhà thờ lớn Hanoi, năm 1951 con trai đại tướng De Lattre de Tassigni là đại úy Bernard tử trận. Trong thánh lễ an táng cầu hồn cho Bernard, theo nghi thức, cha Vinh xếp ghế ngồi của Thủ Tướng Việt Nam cao hơn của tướng De Lattre. Nhưng vì quen thói thực dân, De Lattre đòi ngồi trên cung thánh và thủ tướng VN Trần văn Hữu phải ngồi dưới lòng nhà thờ. Vì tự ái dân tộc, danh dự quốc gia, cha Vinh nhất định không chịu. Câu chuyện trở thành gây cấn. Tướng De Lattre vời cha Vinh tới dinh, tức giận đập bàn đe dọa. Cha Vinh cũng đập bàn đáp trả, quyết không nhượng bộ, nhưng thủ tướng ngại khó nên tự nguyện rút lui. Sau đó để tránh căng thẳng phiền phức, Đức Cha Trịnh như Khuê thuyên chuyển cha Vinh về làm giáo sư Tiểu Chủng Viện Pio XII, phụ trách Anh Văn, Pháp Văn, Triết học và Âm nhạc, đồng thời dạy triết tại Chu văn An và đại học văn khoa. Ngài khiêm tốn vâng lời đức cha.
 
 
NĂM 1954 CHA VINH XIN Ở LẠI MIỀN BẮC SỐNG VỚI CỘNG SẢN
 
    
Năm 1954 hiệp định Geneve chia đôi đất nước, Đức Cha Khuê cử cha Vinh và cha Nhân đưa chủng sinh TCV Pio XII đi Nam, nhưng cả hai cha đều xin ở lại sống chết với giáo phận dù biết hoàn cảnh đầy khó khăn nguy hiểm trước mặt. Thế rồi Đức Cha bổ nhiệm cha Vinh làm cha chính tổng đại diện giáo phận Hanoi kiêm hiệu trưởng trường trung học Dũng lạc.  Cha Nhân làm chính xứ nhà thờ tỉnh Nam Định kiêm quản hạt[1].  
 
    
Hoàn cảnh / không khí Giáo Hội miền Bắc lúc đó bắt đầu ngột ngạt, mọi sinh hoạt có vẻ khó khăn mặc dù bề ngoài chưa tỏ lộ rõ ràng, vì chế độ còn đang o bế dụ dỗ dân chúng nhất là giáo dân ở lại đừng đi Nam. Cha Vinh đoán trước được tình trạng Giáo Hội nên sau khi Hải Phòng đóng cửa, việc di chuyển Bắc Nam chính thức chấm hết, cha tổ chức lớp học giáo lý cho mọi người. Lúc đó lại có các cha trẻ du học ngoại quốc vừa mới về, rất năng động, thông minh và đạo đức cộng tác. Cha Nguyễn ngọc Oánh, du học Mỹ, cha Nguyễn văn Thông du học Bỉ và Pháp, cha Phạm hân Quynh du học Pháp[2]. Lúc đầu lớp học được tổ chức thành từng nhóm ngay tại phòng khách tòa Giám Mục, sau vì số người tham dự quá đông lớp học lan ra cả lối đi và rồi cả ngoài sân. Việc học giáo lý rất hiệu quả, người khô khan trở nên đạo đức, ảnh hưởng lan tới cả giới sinh viên và giáo sư đại học, nhiều người xin trở lại đạo. Vì sợ ảnh hưởng, chính quyền cấm không cho hoạt động nữa với lý do mất an ninh.
 
    
Chính phủ lúc đó lại ra chỉ thị đeo ảnh Hồ chí Minh thay Thánh Giá trong các lớp học. Vì cha Vinh là hiệu trưởng trung học Dũng Lạc, cha không đọc thông cáo, cũng không bỏ Thánh Giá nên năm 1957 trường bị đóng cửa. Cũng thời gian đó cha Vinh được đại học y khoa Hanoi mời dạy tiếng Latin. Nhưng Chu ân Lai đến Hanoi và một hôm vào thăm trường đại học thấy bóng dáng áo thâm chùng linh mục bèn nói với phái đoàn: Giờ này mà còn có linh mục dạy đại học quốc gia à? Sau đó trường không mời cha dạy nữa. Thực ra vụ trường Dũng Lạc, nếu cha Vinh có bỏ Thánh giá xuống treo hình ông Hồ lên thì rồi trước sau trường cũng bị đóng cửa và tịch thu như mọi cơ sở giáo duc, xã hội bác ái khác của Giáo Hội.
 
 
CHA VINH BIẾT VIỆC CHA LÀM
 
    
Năm 1957, muốn tỏ cho dân chúng và thế giới thấy là Công Giáo vẫn được tự do hành đạo và tổ chức lễ hội. Dịp lễ Giáng Sinh, nhà nước tự động cho người đến trang hoàng chăng đèn kết hoa bên ngoài nhà thờ. Sau lễ họ đến nhà xứ yêu cầu thanh toán mọi chi phí kể cả tiền công rất nặng. Năm sau 1958 cũng vậy, trước lễ Noel, họ kéo một lực lượng hùng hậu có xe ô tô chở vật liệu tự tiện bắt thang lên tháp nhà thờ trang hoàng như năm ngoái. Cha xứ lúc đó là cha Trinh văn Căn không đồng ý, yêu cầu họ ngưng, nhưng họ vẫn tiếp tục ý định. Để phản đối cha Căn cho kéo chuông nhà thờ, giáo dân kéo đến đầy sân nhà thờ ủng hộ cha xứ, hai bên lời qua tiếng lại. Cha Căn gọi cha chính Vinh ra can thiệp. Sau một hồi tranh luận không kết quả, cha Vinh kéo những người đang leo thang xuống rồi ngài leo lên đưa hai tay lên cao, bàn tay nắm lại, hai cườm tay đặt lên nhau làm dấu hiệu còng tay số 8 và nói “Tự do thế này à!” Cuộc tranh luận kéo dài suốt buổi sáng. Việc trang tri không thành.
 
    
Hôm sau cha Căn, cha Vinh và một số giáo dân bị cơ quan an ninh phỏng vấn rồi đem ra tòa. Kết quả tòa tuyên án: Cha Trịnh văn Căn, chánh xứ nhà thờ Lớn trách nhiệm tổ chức lễ Noel năm đó 12 tháng tù treo. Cha chính Vinh 18 tháng tù giam với tội danh vô cớ tập họp dân chúng trái phép, phá rối trị an, vu khống xuyên tạc chế độ và gây chia rẽ trong nhân dân! Sau đó cha Vinh bị giam ở hỏa lò, sau bị chuyển đi nhiều trại giam khác nhau như Chợ Ngọc, Yên Bái, cuối cùng là Cổng Trời, nơi dành riêng cho các tử tội, ai đến đó chỉ có chết mà thôi.
 
   
Khi ở trại giam Yên Bái, cha được ở chung với nhiều loại tù nhân có nhiều giáo dân, chủng sinh, tu sĩ và linh mục. Họ xin cha giải tội và rồi cha bị kỷ luật, biệt giam, chân bị cùm xà lim ngày đêm cả tháng trời. Mấy tháng sau được ra, cha lại ban phép giải tội thì cán bộ hỏi ngài:
  
 -Tại sao bị cùm, biệt giam như vậy mà anh vẫn phạm qui?

Ngài đáp:
  
-Cấm là việc của các ông, giải tội là việc của tôi. Còn sống ngày nào tôi phải thi hành bổn phận của tôi.
 
    
Lòng trung thành quả càm của cha đối với Chúa và Giáo Hội thật là sắt son, biểu hiện qua cả lời nói và việc làm. Nếu ai đã từng nghe hoặc hát bài “Ở dưới vực xâu hay Thân lạy Giave” sẽ thấy dòng nhạc hùng tráng quyện vào lời của Cha thì biết sự cương quyết và trung thành của cha đối với Chúa thế nào!
“…Dù gươm chém hay đầu rơi,
      Lòng vàng đá không hề phai.
      Dù gươm chém. hay đầu rơi…..
 
CHA CHÍNH VINH VÀ NHỮNG BẠN TÙ
 
    
Tù cộng sản thì đói là đương nhiên, đói, đói, lúc nào cũng đói. Hàng ngày mỗi bữa ăn chỉ một bát cơm hẩm độn sắn (khoai mì) với vài lá cải già muối…Một lần cha nhận được gói quà do cha quản lý nhà chung Hanoi, cha Cương gửi qua đường bưu điện, trong đó có ít thức ăn, lương khô và vài đồ dùng cá nhân, ngài đem chia sẻ cho anh em trong nhóm, cả Công Giáo lẫn không Công Giáo, ăn chung. Anh em tù hình sự gọi ngài là “Bố”.
 
    
Dù ở trong tù rất khắc nghiệt, cha vẫn can đảm bảo vệ người bị áp bức. Có lần một tù nhân bị đánh, ngài lên tiếng bênh vực, liền bị cán bộ xông đến giơ tay đánh, ngài đưa tay lên gạt thì lập tức anh này ngã khụy xuống. Từ đó trong trại đồn cha Vinh có võ, mọi người đểu nể vì.
 
 
CHÔN XÁC KẺ CHẾT
 
 
    
Cha Vinh không chỉ thương mến người sống mà ngay cả người chết cha cũng hết lòng. Cha xung phong làm việc tẩm liệm và chôn cất các tù nhân qua đời. Chôn xác kẻ chết là một trong 8 mối phúc thật Chúa dạy. Dưới đây là một phần bài viết của Phùng Quán về cha Vinh lúc ở trại Cộng Trời:
 
    
Mặc dầu là một Phật tử, xin mời các hiền huynh và quý bạn đọc bài viết nói về Cha Chính Gioan Lasan Nguyễn Văn Vinh là một chứng nhân của thời đại, một linh mục Công Giáo Việt Nam can trường, hậu thế kính tôn và ghi ân ngài.
  


"… Anh ta vào trại trước mình khá lâu, bị trừng phạt vì tội gì, mình không rõ. Người thì bảo anh ta phạm tội hình sự, người lại bảo mắc tội chính trị. Nhưng cả hai tội mình đều thấy khó tin. Anh ta không có dáng dấp của kẻ cướp bóc, sát nhân, và cũng không có phong độ của người làm chính trị. Bộ dạng anh ta ngu ngơ, dở dại dở khùng. Mình có cảm giác anh ta là một khúc củi rều, do một trận lũ cuốn từ một xó rừng nào về, trôi ngang qua trại, bị vướng vào hàng rào của trại rồi mắc kẹt luôn ở đó. Nhìn anh ta, rất khó đoán tuổi, có thể ba mươi, mà cũng có thể năm mươi. Gương mặt anh ta gầy choắt, rúm ró, tàn tạ, như một cái bị cói rách, lăn lóc ở các đống rác. Người anh ta cao lòng khòng, tay chân thẳng đuồn đuỗn, đen cháy, chỉ toàn da, gân với xương.


 Trên người, tứ thời một mớ giẻ rách thay cho quần áo. Lúc đầu mình cứ tưởng anh ta bị câm vì suốt ngày ít khi thấy anh ta mở miệng dù là chỉ để nhếch mép cười. Thật ra anh ta chỉ là người quá ít lời. Gặp ai trong trại, cả cán bộ quản giáo lẫn phạm nhân, anh ta đều cúi chào cung kính, nhưng không chuyện trò với bất cứ ai. Nhưng không hiểu sao, ở con người anh ta có một cái gì đó làm mình đặc biệt chú ý, cứ muốn làm quen… Nhiều lần mình định bắt chuyện, nhưng anh ta nhìn
mình với ánh mắt rất lạ, rồi lảng tránh sau khi đã cúi chào cung kính.
 

Hầu như tất cả các trại viên, kể cả những tay hung dữ nhất, cũng đều thương anh ta. Những trại viên được gia đình tiếp tế người để dành cho anh ta viên kẹo, miếng bánh, người cho điếu thuốc.

Ở trại, anh ta có một đặc quyền không ai tranh được, và cũng không ai muốn tranh. Đó là khâm liệm tù chết. Mỗi lần có tù chết, giám thị trại đều cho gọi "thằng khùng" (tên họ đặt cho anh ta) và giao cho việc khâm liệm. Với bất cứ trại viên chết nào, kể cả những trại viên đã từng đánh đập anh ta, anh ta đều khâm liệm chu đáo giống nhau. Anh ta nấu nước lá rừng, tắm rửa cho người chết, kỳ cọ ghét trên cái cơ thể lạnh ngắt cứng queo, với hai bàn tay của người mẹ tắm rửa cho đứa con nhỏ.

Lúc tắm rửa, kỳ cọ, miệng anh ta cứ mấp máy nói cái gì đó không ai nghe rõ. Anh ta rút trong túi áo một mẩu lược gãy, chải tóc cho người chết, nếu người chết có tóc. Anh ta chọn bộ áo quần lành lặn nhất của người tù, mặc vào rồi nhẹ nhàng nâng xác đặt vào áo quan được đóng bằng gỗ tạp sơ sài.
 

Anh ta cuộn những bộ áo quần khác thành cái gói vuông vắn, đặt làm gối cho người chết. Nếu người tù không có áo xống gì, anh ta đẽo gọt một khúc cây làm gối. Khi đã hoàn tất những việc trên, anh ta quỳ xuống bên áo quan, cúi hôn lên trán người tù chết và bật khóc.
 

Anh ta khóc đau đớn và thống thiết đến nỗi mọi người đều có cảm giác người nằm trong áo quan là anh em máu mủ ruột thịt của anh ta. Với bất cứ người tù nào anh ta cũng khóc như vậy. Một lần giám thị trại gọi anh ta lên:

- Thằng tù chết ấy là cái gì với mày mà mày khóc như cha chết vậy?
 

Anh ta chấp tay khúm núm thưa:

- Thưa cán bộ, tôi khóc vờ ấy mà. Người chết mà không có tiếng khóc tống tiễn thì vong hồn cứ lẩn quẩn trong trại. Có thể nó tìm cách làm hại cán bộ. Lúc hắn còn sống, cán bộ có thể trừng trị hắn, nhưng đây là vong hồn hắn, cán bộ muốn xích cổ, cũng không xích được.
 

Thằng khùng nói có lý. Giám thị trại để mặc cho nó muốn khóc bao nhiêu thì khóc.

Nhưng mình không tin là anh ta khóc vờ. Lúc khóc, cả gương mặt vàng úa, nhăn nhúm của anh ta chan hòa nước mắt. Cả thân hình gầy guộc của anh ta run rẩy. Mình có cảm giác cả cái mớ giẻ rách khoác trên người anh ta cũng khóc… Trong tiếng khóc và nước mắt của anh ta chan chứa một niềm thương xót khôn tả. Nghe anh ta khóc, cả những trại viên khét tiếng lỳ lợm, chai sạn, "đầu chày, đít thớt, mặt bù loong" cũng phải rơm rớm nước mắt. Chỉ có nỗi đau đớn chân thật mới có khả năng xuyên thẳng vào trái tim người. Mình thường nghĩ ngợi rất nhiều về anh ta. Con người này là ai vậy? Một thằng khùng hay người có mối từ tâm lớn lao của bậc đại hiền?.............
 
 
TRẠI CỔNG TRỜI
 
    
Cũng cần nói qua về trại Cổng Trời. Trại tù Cổng Trời thuộc tỉnh Hà Giang liền với biên giới Việt Trung, nằm trong thung lũng giữa 2 ngọn núi, rừng cây âm u đầy ám khí, mây trời bao phủ hầu như quanh năm, không người ở chỉ có tù cải tạo và cán bộ coi tù. Ở đây khí hậu thất thường ban đêm và mùa Đông nhiệt độ thường dưới O. Địa thế đã hiểm trở, kỷ luật của trại là kỷ luật hành hạ tù nhân cho chết. Là một địa ngục trần gian. Khi nhập trại, trưởng trại tù tuyên bố cho tất cả tù nhân biết: Các anh vào đây là để chết, không có ngày về. Ăn uống khắc khổ, hình phạt độc hiểm, xà lim, cùm với mục đích hành xác cho chết. Ai vào phòng kiên giam là nhà xác thì chắc chắn chết. Nôi qui lại rất nghiêm ngặt: “Đây là nhà tù -giám thị trại nói- không phải nhà thờ. Vậy cấm cầu kinh, cấm lần tràng hạt, cấm làm dấu thánh giá. Ban đêm không được ngồi (vì sợ ngồi để đọc kinh). Do đó cửa sổ luôn luôn mở, mây bay gió thổi qua cửa sổ mang theo cái lạnh chết người (theo Kiều duy Vĩnh, người tù trại Cổng Trời). Chúng ta thử nghe một tuyên bố của giám thị trại: “Hôm nay, tôi Nguyễn quang Sáng, chánh giám thị mới của trại, thông báo để các anh rõ: Trại Cổng Trời, công trường 25A Hanoi này là một trại đặc biệt. Trại đã xàng lọc cẩn thận lũ các anh, bọn đầu trâu chán khỉ, bọn phản động chống phá cách mạng một cách điên cuồng. Ở các trại dưới các anh không chịu cải tạo, lại còn ra sức truyền đạo và kích động người khác. Chúng tôi đây, chúng tôi cũng được chọn lọc, những phần tử ưu tú nhất, dầy dạn nhất, kinh nghiệm nhất để lên đây trừng trị, trấn áp lũ các anh. Tôi thay mặt ban giám thị báo cho các anh biết: Ban Giám Thị trai trực tiếp được Bộ chính trị và Ủy ban thường vụ quốc hội trao cho quyền hành đặc biệt là trừng trị thẳng tay những kẻ nào còn dám chống lại đảng và nhà nước. Cụ thể, tôi nhấn mạnh, là tôi sẽ cho đi ngủ với dun (nguyên văn) những kẻ nào không chịu cải tạo và cố tình chống đối. Hôm nay tôi xuống đây để hỏi anh Đỗ bá Lung (một thầy giảng xứ Ngọc Đồng, Hưng Yên)….
 
    
Sau vài câu hỏi, thầy Lung vẫn không chịu bỏ đạo, không theo nội qui cấm đọc kinh làm dấu thánh giá…Thầy Đỗ bá Lung được dẫn đi dưới hàng lưỡi lê để vào hầm đá lạnh thấu xương ngày đêm, không quần áo, lại bị xiềng cùm cả tay lẫn chân để chết. Thầy Đỗ bá Lung biết anh đi đâu và sẽ thế nào? Thầy quay lại nói nhỏ nhẹ với mọi người: “Thôi chào các bác, các anh ở lại. Tôi đi.”(Theo Kiều duy Vĩnh-Cổng Trời Cắn Tỷ)
 
    
Cha Vinh vì trung thành với bổn phận quyết giữ niềm tin vào Chúa Kito của một linh mục nên cũng chịu rất nhiều cực hình. Có lần một cán bộ cao cấp ở Hanoi lên trại Cổng Trời gặp cha Vinh và nói: “Đảng và chính phủ muốn tha anh về, nhưng với điều kiện phải cộng tác với linh mục Nguyễn thế Vịnh (Chủ tich ủy ban liên lạc Công Giáo tức Ủy ban những người Công Giáo yêu nước, sau này ở miền Nam là Ủy ban Công Giáo và dân tộc). Nếu đồng ý, anh có thể về Hanoi ngay bây giờ với tôi.”   Cha Vinh khẳng khái đáp: “Ông Vịnh có đường lối của ông Vịnh. Tôi có đường lối của tôi.”
 
    
Vì không thuyết phục được ngài nên bản án 18 tháng tù giam biến thánh 12 năm tù kiên giam, xà lim, biệt giam và án tử không qua một thủ tục pháp lý hay án lệnh nào.
 
              
CÁI CHẾT CỦA CHA CHÍNH VINH
 
    
Cha chính Vinh chết năm 1971 chắc cũng tương tự như thầy giảng Đỗ bá Lung, không ai được biết. Sau 30-4-1075 Đức Cha Khuê hỏi chính phủ “Cha Vinh của tôi đâu rồi?” thì họ trả lời ít bữa nữa ông Vinh sẽ về. Nhưng chờ mãi không thấy. Cuối cùng nhà nước thông báo cho Đức Cha và cha quản lý nhà chung là cha Nguyễn tùng Cương ông Vinh chết rồi, và không được làm lễ áo đỏ cho ông.” Hài cốt của ngài sau đó đã được mang về quê, để trong nhà thờ xứ Ngọc Lũ cho giáo dân tôn kính như một vị thánh tử vì đạo. Nghe nói ngài đã được Hội các cha Thừa Sai Paris (MEP) đề nghị phong thánh.
 
    
Trong suốt cuộc đời ở mọi tình huống, cha chính Gioan Lasa Nguyễn văn Vinh luôn luôn trung kiên với ơn gọi, làm tròn trách nhiệm của mình. Ngài mạnh mẽ rao giảng Tin Mừng, làm chứng cho đức tin, tin tưởng nơi Thiên Chúa và Giáo Hội.
 
    
Cha chính Vinh là một chứng nhân của thời đai, một linh mục Công Giáo Việt Nam tài giỏi đạo đức, can trường, thương người, yêu đất nước quê hương Viet Nam, hậu thế tôn kính và ghi ơn ngài. Ngài chính là hạt giống chết thối đi để làm nảy nở nhiều gấp bội những cây to bóng mát cho Giáo Hội Việt Nam . Ngài là gương sáng cho tất cả chúng ta, giáo dân và giáo sĩ noi theo.
 
    
Xin cha chính Vinh cầu bầu Thiên Chúa và Mẹ Maria cho Giáo Hội Việt Nam được tư do thờ kinh Chúa, trợ giúp cho mọi người nhất là những ai bị áp bức và khó nghèo.
 
Bài suy niệm này chúng tôi dựa vào Tin Mừng Luca (Lc 16:1-13) nói về người quản lý bất trung để trình bày về một người quản lý đương đại của thế kỷ 20 không phải là bất trung, nhưng rất trung tín là cha chính Tổng Đại Diện giáo phận Hanoi Gioan Lasan Nguyễn văn Vinh.
 
 
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét