khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Tư, 3 tháng 5, 2017

Đối Diện Với Lm Chân Tín - Tác giả Bạch Diện Thư Sinh



Bắt sinh viên hay bắt sinh viên Việt Cộng

Năm 2009, lên youtube.com hoặc google.com, người ta có thể nghe được Lm. Chân Tín trả lời những câu hỏi phỏng vấn của ông Vũ Sinh Hiên về các hoạt động xưa nay của linh mục, nhân ngày cử hành kỉ niệm 60 năm linh mục và 90 tuổi đời của ông tại trụ sở Dòng Chúa Cứu Thế ở Mai Thôn.
Dịp năm mới vừa qua, mạng Nữ Vương Công Lý lại tung ra loạt bài phỏng vấn linh mục Chân Tín về hiện tình Đất nước, Giáo hội và những dư luận xung quanh cuộc đời hành hiệp của ông. Nội dung chính một số bài trả lời phỏng vấn lần này, không khác mấy so với loạt bài phỏng vấn của ông Vũ Sinh Hiên hồi 2009.

Trước 30.4.1975, chúng tôi trực tiếp tham gia công tác ‘ổn định Đại học’, đương nhiên chúng tôi rất chú ý câu trả lời của Lm. Chân Tín có liên quan tới công tác ổn định Đại học xưa kia của chúng tôi. Chúng tôi nhận thấy linh mục chưa nói đúng sự thật; nhất là linh mục vẫn hãnh diện về thành tích của báo Đối Diện, do ông làm Chủ nhiệm, đã bênh vực và thông tin không công cho các hoạt động chống phá VNCH của Thành đoàn Cộng sản. (Thành Đoàn tức Thành Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam hay Thành Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng, nay là Thành Đoàn Thanh niên Cộng sản Thành phố SG, có nhiệm vụ vận động thanh niên nội thành và ngoại ô Sài Gòn – Gia Định).

Tây có câu: Bạn của bạn ta là bạn ta. Vậy cũng có thể nói: Kẻ thù của kẻ thù ta là bạn ta không? Ít ra, cũng có thể là đồng chí giai đoạn, đồng chí ‘chiến thuật’vì tất cả chúng ta hiện đang có cùng một đối thủ là bọn cầm quyền bất xứng tại Hà Nội.


Cuộc chiến Quốc - Cộng qua lâu rồi, hiện nay đang diễn ra cuộc chiến mới giữa một bên là đảng CSVN độc tài, toàn trị với bên kia là đa số đồng bào VN khát mong Độc lập -Tự do - Hạnh phúc thật sự. Quan sát thấy, vài năm sau 30.4.1975, Lm. Chân Tín và cố Gs. Nguyễn Ngọc Lan đột nhiên xoay chiều. Hai ông đã mạnh dạn bênh vực công lí, phê phán những sai trái của đảng CSVN. Tức là hai ông trở thành đồng chí trong cuộc chiến đấu hiện nay của đa số đồng bào Việt Nam. 

Vì cái thế “liên minh” này, chính ra tạm thời không nên khơi lại chuyện cũ, để tất cả cùng nhau củng cố lực lượng và chiến đấu trong cuộc chiến mới, giành tự do, công lí, bảo vệ bờ cõi. Vả lại, về một số hoạt động cũ của hai ông Lm. Chân Tín và cố Gs.Nguyễn Ngọc Lan, chúng tôi đã có dịp trang trải trong bài Về Nhân Vật Nguyễn Ngọc Lan (motgoctroi.com / Mục Lịch sử cận đại).

Thế nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng đừng, khi trả lời phỏng vấn, vẫn giọng điệu cũ, Lm. Chân Tín kết án chính quyền VNCH bắt bớ sinh viên và những nhà tranh đấu. Ông bảo hành động như thế là ông thi hành “sứ mệnh ngôn sứ” mà ông “đã lãnh nhận”. Do đó, bất đắc dĩ chúng tôi phải nhắc lại chuyện xưa, mục đích là để chứng minh: chính quyền VNCH chỉ bắt một số những tên cán bộ Việt Cộng cốt cán thuộc Thành đoàn Cộng sản trong Đại học, chứ không dại để đi bắt “đa số sinh viên” thuần túy làm gì. Cũng xin hạn chế chỉ bàn bạc chuyện “bắt bớ sinh viên”, không bàn về những câu trả lời phỏng vấn khác của Lm. Chân Tín. (Nhân thể, chúng tôi sẽ cống hiến độc giả thêm một bài nữa về cái gọi là Ủy Ban Vận động Cải thiện Chế độ Lao Tù miền Nam Việt Nam (UBVĐCTCĐLTMNVN) mà hồi đó Lm. Chân Tín giữ vai trò lãnh đạo, vì Ủy ban này ra đời sau đợt tranh đấu đòi thả bọn sinh viên Việt Cộng vào năm 1970).

Trước hết, xin điểm qua phần trả lời câu hỏi 4 của Lm. Chân Tín trên mạng Nữ Vương Công Lý.

Câu hỏi 4.

Nhiều người cho rằng: trước đây linh mục Chân tín đã có thời “thân cộng sản”, điều này có đúng không và có phải vì có thời kỳ đó mà cha đã có nhiều kinh nghiệm với cộng sản hay không? Nếu có thể xin cha nói về vấn đề này?

Linh mục Chân Tín trả lời :

Trước 1975, tôi và một số linh mục cùng một số giáo dân trí thức đã chống chế độ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vì đã bắt bớ sinh viên và những người hoạt động chính trị. Các sinh viên và những người này bị bắt và bị tra tấn. Chúng tôi, 8 linh mục đã điều tra cẩn thận, nên đã lên tiếng yêu cầu trả tự do cho họ. Cuộc đối đầu giữa sinh viên và chế độ Nguyễn Văn Thiệu kéo dài và tờ báo Đối Diện của tôi đã bênh vực các sinh viên ấy. Cộng sản lợi dụng cuộc đấu tranh đó và nghĩ là chúng tôi về phe họ. Nhiều người trong chế độ cộng hòa cũng nghĩ như vậy. Tôi quan niệm rằng có bất công dù ở chế độ nào thì tôi cũng lên tiếng vì đó là sứ mạng ngôn sứ tôi đã lãnh nhận. Sau khi cộng sản chiếm Miền Nam, tôi tiếp tục đấu tranh chống chế độ cộng sản. Dù bị cộng sản kết án 3 năm quản chế tại Cần Giờ, tôi vẫn tiếp tục chống cộng sản cho tới nay.


Dù sao, tôi rất thông cảm với những người, đặc biệt là những anh em, những công chức của chế độ Việt Nam cộng hòa đã bị cộng sản hành hạ, bắt bớ, tù đầy. Tôi mong anh em hiểu rằng tôi không bao giờ theo cộng sản.

● “Trước 1975, tôi và một số linh mục cùng một số giáo dân trí thức đã chống chế độ Nguyễn Văn Thiệu vì đã bắt bớ sinh viên và những người hoạt động chính trị”.

Bắt “sinh viên” hay bắt “sinh viên Việt Cộng”? Cho tới nay, Lm. Chân Tín vẫn cố tình đánh lừa dư luận bằng cách nói thiếu 2 chữ quan trọng: chính ra linh mục phải nói “…vì đã bắt bớ sinh viên Việt Cộng…” thay vì chỉ là “bắt bớ sinh viên”. Thực tình, mới nghe qua câu trả lời của Lm. Chân Tín trên đây, người ta dễ có ý nghĩ ông chống như thế là đúng, là tốt quá. Ông đáng được tưởng thưởng giải nhân quyền! Nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Trong chiến tranh nhằm nhuộm đỏ miền Nam, CSBV đã mở nhiều mặt trận, cài người vào các cơ quan nhà nước và mọi tổ chức ngoài xã hội. Trong trường học, nhất là Đại học cũng có Việt Cộng và những thành phần thân Cộng. Họ đã biến học đường thành một mặt trận do Thành đoàn Cộng sản lãnh đạo với tổ chức quy mô gồm 2 hệ thống bí mật và công khai (Xin đọc bài Sơ Lược Tổ Chức Cộng Sản Trong Giới Sinh Viên Học Sinh SàiGòn Trước 1975 của Bạch Diện Thư Sinh trên motgoctroi.com). Cho nên đương nhiên cơ quan hữu trách VNCH có nhiệm vụ phát hiện và vô hiệu hóa hoạt động của Cộng sản trong học đường, nhất là trong Đại học.


Vào thời điểm 1970, nếu nhiều người ở Miền Nam chưa biết các sinh viên bị chính quyền VNCH bắt có phải là Việt Cộng hay không thì còn tạm hiểu được, nhưng mà Lm. Chân Tín cũng như các lực lượng có trách nhiệm gìn giữ an ninh đều biết họ là ai. Chính Lm. Chân Tín khi trả lời phỏng vấn cũng đã xác nhận hồi đó linh mục đã biết họ là những kẻ đứng “sau lưng” những cuộc biểu tình chống chính phủ. Thế mà Lm. Chân Tín và báo Đối Diện của ông vẫn ủng hộ những cuộc biểu tình ấy. Và cho tới bây giờ, Lm. Chân Tín vẫn luận điệu cũ, cáo buộc chính quyền VNCH đã bắt “sinh viên”.

Sau 30.4.1975, mọi người thấy những tên sinh viên Việt Cộng ở “sau lưng” (không kể những tên đã kịp lặn sâu hoặc chạy thoát vào mật khu) mà Lm. Chân Tín đã tranh đấu đòi thả ra, hầu như tất cả đã trở về và nắm giữ các chức vụ quan trọng. 
Họ chính là Lê Quang Vịnh, Phan Trọng Danh, Phan Chánh Tâm, Phạm Chánh Trực, Dương Văn Đầy, Trầm Khiêm, Lê Công Giàu, Huỳnh Tấn Mẫm, Võ Như Lanh, Tôn Thất Lập, Trần Văn Long, Nguyễn Chơn Trung, Cao Thị Quế Hương, Võ Thị Bạch Tuyết, Trần Thị Lan, Hạ Đình Nguyên, Trần Thị Huệ, Lê Văn Nuôi, Trịnh Đình Ban, Vũ Quang Hùng, v.v….

Chính quyền VNCH đã bắt đúng đối tượng, nghĩa là chỉ bắt những kẻ “sau lưng” như cách nói của Lm. Chân Tín mà thôi. Không có chính quyền nào, vô cớ, lại đi bắt đám đông sinh viên đi biểu tình như Lm. Chân Tín đắc ý nêu ra để tự đánh bóng. Thông thường, khi dẹp một cuộc biểu tình, nếu nhất thời phải hốt một số đông quá hung hăng về cơ quan, thì sau đó nhà chức trách cũng nhanh chóng gạn lọc và thả ngay đa số những thành phần không có vấn đề.

Khi trả lời cuộc phỏng vấn, Lm. Chân tín cũng tỏ ra rất hãnh diện về thành tích báo Đối Diện của ông. Linh mục cho biết, từ số Đối Diện số 11, có Lm. Nguyễn Ngọc Lan về cộng tác. Từ đó, Đối Diện trở thành tờ báo duy nhất “tường thuật” đầy đủ các vụ xuống đường của sinh viên, đang khi tất cả các tờ báo khác chỉ “đưa tin". Thời điểm mà Lm. Chân Tín đang đề cập là thời điểm nổ ra vụ án “Thành đoàn giải phóng”, còn gọi là “Vụ án 10.3.1970” hay là “Vụ án Sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm”.

Gọi là “Vụ án Sinh viên Huỳnh Tấn Mẫm” vì Mẫm được coi “là lãnh tụ, là ngọn cờ tập hợp nhiều giới vào một mặt trận chung…”, “là một biểu tượng trung tâm của phong trào đấu tranh công khai giữa lòng đô thị”. Gọi là “Vụ án 10.3.1970” vì đó là ngày sinh viên Việt Cộng Huỳnh Tấn Mẫm bị bắt lại tại Đại học xá Minh Mạng cùng đợt với một số sinh viên Việt Cộng khác.
Lúc đó, Mẫm là Chủ tịch Tổng hội SVSG, được Thành đoàn Cộng sản đánh giá là “lãnh tụ, là ngọn cờ tập hợp nhiều giới vào một mặt trận chung…”, “là một biểu tượng trung tâm của phong trào đấu tranh công khai giữa lòng đô thị”, cho nên Thành đoàn Cộng sản đã ra lệnh phải lợi dụng dịp Mẫm bị bắt và ra tòa lần này, cùng với 20 tên sinh viên là cán bộ Thành đoàn Cộng sản khác, để thổi bùng lên một cao trào đấu tranh mới.

Đúng vậy, đợt đấu tranh này nổ ra hết sức sôi nổi, kéo dài hơn một tháng rưỡi, lôi kéo nhiều giới:

Trên mặt trận chính trường, có các tai to mặt lớn nhào vô ăn có như:


Các luật sư danh tiếng: Vũ Văn Mẫu, Vũ Văn Huyền, Bùi Chánh Thời, Bùi Tường Chiểu, Nguyễn Long...

Các Dân biểu thân Cộng, hoặc thiên tả: Hồ Ngọc Nhuận, Phan Xuân Huy, Ngô Công Đức, Hồ Văn Minh, Hồ Ngọc Cứ, Kiều Mộng Thu, Nguyễn Văn Binh…

Các giáo sư: Lý Chánh Trung, Châu Tâm Luân, Trần Thị Tỵ, Nguyễn Văn Trung, Trần Tuấn Nhậm…

Các báo: Đối Diện, Tin Sáng, Tia Sáng, Đại Dân Tộc, Đuốc Nhà Nam, Dân Chủ Mới…

Tranh đấu hăng hái nhất là 2 ông Gs. Lý Chánh Trung và Lm. Nguyễn Ngọc Lan.

Đang khi đó, ngoài đường phố diễn ra mặt trận sôi sục khác giữa nhân viên công lực và một số thành phần. Qúy độc giả thử tưởng tượng xem thành phố Sài Gòn, trong những ngày này, rối loạn như thế nào theo sự mô tả của Gs. Lý Chánh Trung: “Suốt tuần qua, trung tâm thành phố Sàigon đã biến thành một bãi chiến trường nho nhỏ để cho mấy ông Triệu tử Long nho nhỏ mặc sức tung hoành: Đông hốt sinh viên, Tây đập phế binh, Nam phá tuyệt thực, Bắc chận biểu tình…Kết quả thiệt là ngoạn mục: Khói lựu đạn cay mịt mù trước Dinh Độc Lập, hàng rào kẽm gai chằng chịt trên các nẻo đường, như những tràng hoa tang tóc nền dân chủ”. (Lý Chánh Trung. Những Ngày Buồn Nôn. đối diện, 1971. Bài 6 Khóc Đi Con viết ngày 13.4.1970. Trang 40).


“SVHS đã cạo đầu, đã tuyệt thực trong nhà trường, trên vỉa hè, trước Quốc hội, đã bãi khóa có hạn định và vô hạn định, và trích máu viết huyết lệ thơ, đã họp Đại hội trong Đại học và ngoài công viên, đã biểu tình ngồi, biểu tình đi, biểu tình đứng, biểu tình chạy…và đã hưởng cả ngàn trái lựu đạn cay do Hoa kỳ viện trợ. Các vị lãnh đạo tinh thần đã lên tiếng, các giới đồng bào đã lên tiếng, cho đến cái Hội đồng tôn giáo hiền lành cũng đã lên tiếng. các Đại học và Trung học miền Trung, miền Tây đã tích cực tham gia cuộc tranh đấu của SVHS Sàigon. Cho tới cái tỉnh Vĩnh Bình xa xôi nhỏ bé của tôi mà cũng gửi lên được bản kiến nghị của 31 giáo chức” (Lý Chánh Trung. Những Ngày Buồn Nôn. Bài 7 Chánh Nghĩa Đã Thắng Một Phần viết ngày 20.4.1970. Trang 49)

Xin nhấn mạnh điều này: thành phần sinh viên học sinh thuần túy tham dự vào những cuộc tranh đấu chống phá này rất ít. Khối đa số sinh viên thầm lặng có khuynh hướng quốc gia chỉ lo học hành, không thích Cộng sản, nhưng rất thụ động. Họ rất ít quan tâm tới những cuộc tranh đấu, phá phách ngoài đường phố. Trong dĩ vãng, chỉ những cuộc xuống đường mang màu sắc đấu tranh vì tôn giáo, vì văn hóa hoặc vì đồng bào Việt Nam bị tàn sát bên Campuchia, mới có nhiều sinh viên, học sinh thứ thiệt tham gia…


Thí dụ: Vụ sinh viên, học sinh xuống đường đi dự đám tang nhà văn Nhất Linh để chống Tổng thống Ngô Đình Diệm (1963). Có thể coi vụ này là do động lực văn hóa vì Nhất Linh là thủ lãnh của Tự Lực Văn Đoàn. Rồi tiếp tục xuống đường chống Tổng Thống Ngô Đình Diệm, lấy lí do Tổng thống “đàn áp Phật giáo” (1963).

Thời tướng Nguyễn Khánh nắm quyền, sinh viên học sinh xuống đường chống Hiến chương Vũng Tầu (Tháng 8.1964). Thời gian đầu mới nắm quyền, Tướng Khánh bị tố là “Cần lao ngóc đầu dậy!”.
Đến khi Cụ Trần Văn Hương làm Thủ tướng (04.11.1964), sinh viên, học sinh lại xuống đường vì “Ông già gân” không chịu để mấy thầy làm áp lực. Cụ Hương từng phát biểu: “ Bọn đầu trọc làm trò khỉ. Tôi không thể để cho bọn con nít làm loạn!”….

Có một thời, nhiều người ở miền Nam sợ tôn giáo của mình bị “đàn áp ?” còn hơn là sợ Cộng sản. Nhưng vừa khi phong trào Phật giáo nổi lên, lãnh đạo Cộng sản đã mau mắn chớp lấy thời cơ. Họ ra lệnh cho các cấp thừa hành trà trộn vào phong trào để lái đi theo mục tiêu của họ. Tình hình này gây nên biết bao gian nan và tai tiếng cho các lực lượng hữu trách của VNCH. Sách Trui Rèn Trong Lửa Đỏ của Thành đoàn Cộng sản viết: “Khu ủy ‘coi Phật xuống đường’. Ban cán sự thanh niên sinh viên học sinh, Đoàn ủy sinh viên lãnh đạo lực lượng của mình ‘tấp vô với Phật xuống đường’. Lực lượng của các cánh các ngành cũng ‘tấp vô’! Một thời cơ trong cơn bão táp loạn xạ…Những đảng viên, đoàn viên, nòng cốt, cảm tình cách mạng của Ban Cán sự thanh niên ‘tấp vô’ mang màu áo Phật tử giáo dục, hướng dẫn quần chúng, tranh thủ phát triển nhanh thực lực cách mạng khắp trường học, khu xóm. Thực lực càng phát triển càng ‘tấp vô’ tranh thủ, lôi kéo, hướng dẫn từng nhóm, từng bộ phận của phong trào theo mục tiêu đấu tranh của cách mạng” (
Hoàng Hà. Bài Theo Dấu Chân Một Cuộc Hành Trình. Trui Rèn Trong Lửa Đỏ. NXB Trẻ, 2005.Tái bản 1. Trang 481).


Cuối cùng là vụ sinh viên xuống đường phản đối chính quyền Lonnol vì đồng bào Việt Nam bị thảm sát hàng loạt bên Campuchia (4.1970). Khởi đầu, có nhiều sinh viên thuần túy tham gia, nhưng khi các sinh viên Việt Cộng hô hào chiếm đóng và “cố thủ” trong Tòa Đại sứ Campuchia ở đường Lê Văn Duyệt, thì khối sinh viên thuần túy không tham gia nữa.

Trên thực tế, đa số các sinh viên, học sinh xuống đường hồi 1970 mà Gs.Lý Chánh Trung nói đến trên đây đều là các Đoàn viên (Đoàn thanh niên cách mạng HCM) hoặc Hội viên (Hội liên hiệp thanh niên, sinh viên, học sinh giải phóng), các “quần chúng tốt”, các cảm tình viên, các sư nữ thuộc Tịnh xá Ngọc Phương của Ni sư Huỳnh Liên, các thanh niên, sinh viên trú ngụ bất hợp pháp tại Cư xá sinh viên Minh Mạng (do Chủ tịch Ban Đại diện sinh viên cư xá là Huỳnh Tấn Mẫm chứa chấp, để huy động họ vào các cuộc tranh đấu chống chính phủ), các tay du thủ du thực được thuê mướn, các “ba, má” phong trào và một số khá đông những tay vô công rỗi nghề, cứ thấy đông vui là tò mò, hiếu kì nhào vô tham gia! Nhìn qua các thành phần này, thấy ngay họ đều là sinh viên học sinh Việt Cộng hoặc thân Cộng; ngoài ra là các thành phần ngoài Đại học và du đãng. Cuộc biểu tình nào cũng y chang là những người này. Với thành phần như thế, làm gì có chuyện họ “vì lương tâm trí thức mà xuống đường tranh đấu cho nhân quyền” như những lời đối đáp của ông Vũ Sinh Hiên và Lm. Chân Tín trong cuộc phỏng vấn.


Không phải vì các cơ quan có trách nhiệm thiếu bằng chứng để kết tội các sinh viên Việt Cộng, không phải vì những cuộc tranh đấu xuống đường phá rối trị an, mà vì áp lực nặng nề của quốc tế, của phong trào phản chiến bên Âu Mĩ gây ảnh hưởng sâu sắc tới chính trường Mĩ, khiến cho chính quyền VNCH bất đắc dĩ phải chấp nhận giải pháp thoa dịu dư luận. Nhà văn Đào Hiếu, xưa là sinh viên Việt Cộng, bạn chiến đấu của Huỳnh Tấn Mẫm, đã nhìn nhận trong cuốn tự truyện Lạc Đường của ông ta như sau: “ Vụ Huỳnh Tấn Mẫm kết thúc sau những cuộc xuống đường, tuyệt thực… của đồng bào các giới: học sinh, sinh viên, công nhân, đồng bào Phật tử… Chính quyền Thiệu biết rõ mười mươi một số học sinh sinh viên (trong đó có Huỳnh Tấn Mẫm) là đảng viên cộng sản nhưng họ vẫn phải trả tự do cho những người bị bắt. (Đào Hiếu. Lạc Đường. Chương 4 Trận Đánh Không Báo Trước” (daohieu.com).

Đúng vậy, ngày 20.4.70, Tòa án Quân sự Mặt trận Vùng 3 đã thả 10 tên. Trong đó có Cao Thị Quế Hương, Đỗ Hữu Bút, Võ Ba, Trương Hồng Liên…. Ngày 13.6.70, thả thêm 6 tên nữa. Trong số đó có các đảng viên Huỳnh Tấn Mẫm, Dương Văn Đầy, Trầm Khiêm… Khiêm và Đầy là Đoàn ủy Sinh viên thuộc Thành Đoàn. Chỉ giữ lại 6 tên: Nguyễn Ngọc Phưong (Bí thư Đoàn ủy sinh viên), Nguyễn Tấn Tài, Nguyễn Thanh Công, Lê Văn Hoa, Nguyễn Văn Sơn (sẽ thả khi trao đổi tù binh 1973), Nguyễn Văn Hoàng. Thành đoàn CS đánh giá vụ này là một thắng lợi lớn, vì đã tạo ra được sự bất ổn liên tục ngay tại Thủ đô Sài Gòn và gây xúc động trong nước, nhất là dư luận quốc tế.


Thắng lợi của Thành đoàn Cộng sản lần này, phần lớn, là nhờ vào một nhóm phần tử được VNCH ưu đãi ở Thủ đô, trong đó tạp chí Đối Diện của Lm.Chân Tín đóng góp “công lao” rất lớn! Có thể nói không sai: nhóm này ăn cơm quốc gia thờ ma Cộng sản!

Sau đó, hàng chục tổ chức đấu tranh khác lần lượt xuất hiện, trong đó có: 

Ủy ban Vận động Cải thiện Chế độ Lao tù do Lm. Chân Tín làm Chủ tịch.

Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống do Ls. Ngô Bá Thành làm Chủ tịch.

Lực lượng Quốc gia tiến bộ. Ls. Trần Ngọc Liễng làm Chủ tịch…

● “Cộng sản lợi dụng cuộc đấu tranh đó”

Về điểm này, Lm. Chân Tín nói đúng. Cộng sản vốn qủy quyệt, đã lợi dụng được sự ngây thơ, háo danh, hiếu động của mấy ông.


Người quốc gia có một điểm yếu là quá tôn trông mấy ông mặc áo thầy tu. Khổ nỗi, có một số ông thầy tu thích dây dưa vào chuyện chính trị đầy xảo quyệt, gian ác, cho nên bị lợi dụng một cách dễ dàng. Các ông ấy học mãi mà không thuộc những bài học lớn về Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Giải phóng miền Nam, Mặt trận tổ quốc… Để chiếm miền Nam, CSBV còn mở ra nhiều mặt trận nhỏ hơn và đủ loại phong trào, đủ loại ủy ban: Mặt trận văn hóa, mặt trận Đại học, mặt trận tôn giáo (điển hình là cuộc ‘Biến Động Miền Trung’)…, Phong trào Đòi quyền sống, Hát cho đồng bào tôi nghe, Ủy ban Vận động Cải thiện chế độ lao tù, ….

Thực tế phũ phàng là, khi thắng lợi rồi, CSBV thẳng tay dẹp hết những màn tuồng ấy, kể cả Mặt trận Giải phóng miền Nam, không thương tiếc!

Xin lấy vài thí dụ:

Trương Như Tảng được bên Quốc gia trọng dụng mà vẫn bỏ đi theo Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGPMN), được ban cho chức Bộ trưởng Tư pháp “dỏm”. Vừa sau 30.4.1975, ngồi coi ‘diễu binh’, Trương Như Tảng hỏi: “Sao những sư đoàn của MTGPMN đâu rồi?’. Đại tướng CSBV Văn Tiến Dũng cười mỉa mai và trả lời: ‘Quân đội đã thống nhất rồi”! (Trần Viết Đại Hưng. Ngây Thơ Chính Trị. (vn.360plus.yahoo.com). Cuối cùng, năm 1985, Trương Như Tảng phải đào thoát sang Pháp. Ở đó, ông ta viết hồi ký A Vietcong Memoir kể chuyện đời tan nát!

Bs.Dương Quỳnh Hoa cũng bỏ Sài Gòn vào bưng, được chân Bộ trưởng Y tế. Cũng sớm vỡ mộng. Cuối thập niên 70, bà ta than với Nguyễn Hữu Thọ: “Anh và tôi chỉ đóng vai trò bù nhìn và chỉ là món đồ trang sức rẻ tiền cho chế độ. Chúng ta không thể phục vụ cho một chế độ thiếu dân chủ và không luật lệ. Vì vậy tôi thông báo cho anh biết là tôi sẽ trả lại thẻ Đảng và không nhận bất cứ nhiệm vụ nào trong chính phủ cả”. (Ts. Mai Thanh Truyết. Cuộc đời và cái chết rất buồn của Bs. Dương Quỳnh Hoa. Bộ trưởng Y tế và thương binh xã hội của Chính phủ CMLT. Tintuchangngay.info)

Gs. Lý Chánh Trung hưởng bao nhiêu bổng lộc Quốc gia cũng cúc cung tận tụy làm công cụ cho Việt Cộng. Sau khi thắng lợi, Cộng sản cho ông một lô chức tước, nhưng tất cả đều hữu danh vô thực: Phó Hội trí thức yêu nước Thành phố, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN Thành phố, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN.

Rồi cái gì phải tới đã tới: Đến năm1989, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh viết thư nói thẳng thừng với Gs. Lý Chánh Trung rằng trước đây ông là ‘đồng chí’ nay ông “làm cản trở sự nghiệp xây dựng đất nước của ta”. Bị gõ đầu, Gs. Lý Chánh Trung đành phải nhìn nhận: “Quả là bây giờ có sự đổi mới rồi, chứ nếu không, thì mình bị “ lấy mất cái đầu đi rồi” đấy! (Đoàn Thanh Liêm. Nỗi Khó Xử của Gs. Lý Chánh trung. baotoquoc.com).

Gs. Nguyễn Văn Lục, rất quen biết Gs. Lý Chánh Trung, kể về ông giáo sư họ Lý như sau: “Ông có mấy đứa con trai đều là đảng viên, vào bộ đội và sau đó đi học sĩ quan lên đến Đại úy. Bữa đó có ông Lê Đức Anh từ Hà Nội vào nói chuyện với các cấp sĩ quan từ cấp đại úy trở lên. Chẳng biết thế nào, ông Lê Đức Anh có nhận xét về giới trí thức miền Nam, trong đó hài tên ông ra và nói: Lý Chánh Trung chỉ là một tên trí thức chống Cộng ranh ma. Con ông ngồi dưới nó tức khí vì chửi ba nó. Trong một phút nóng giận, bốc đồng nó đã chửi lại: Đù má mày Lê Đức Anh, mày nói bậy. Nói xong, thằng nhỏ bỏ đi ra ngoài cái một. Sau đó nó đã không bị tù tội gì cả. Nghe xong câu chuyện vui này chúng tôi đều cười hả hê. Và ông quay qua tôi nói đùa: nhớ về đừng viết báo nhé. Thật ra thì câu chuyện này được lan truyền ra ngoài đến ai cũng biết. Vì thế, câu chuyện này bạn đọc cứ coi như là câu chuyện cũ mèm làm quà bên lề cho những ai chưa biết”. (Nguyễn Văn Lục. Về Những Người Tôi Đã Biết II. DCVOnline.net).

Một trong số những trí thức miền Nam chống đối hàng đầu lúc đó là Lm. Thanh Lãng, Trưởng Ban Văn chương Việt Nam tại Văn khoa Đại học Sài Gòn. Ông viết báo chống chính quyền; với tư cách Chủ tịch Văn bút Việt Nam, ông đòi chính quyền thả tên nhà văn Việt Cộng Vũ Hạnh; ông nổi bật trong “Ngày kí giả đi ăn mày”; ông hung hăng trong vụ đuổi Đức Khâm Henri Lemaitre và vụ chống Đức Giám mục Nguyễn Văn Thuận về làm Tổng Giám Mục phó Sài Gòn.

Nhưng đến cuối đời, Lm. Thanh Lãng đã thành khẩn sám hối, làm cho tất cả mọi người thiện tâm phải mủi lòng và cầu cho linh hồn ông được nghỉ yên muôn đời!

Gs. Nguyễn Văn Lục, em Gs. Nguyễn Văn Trung, trong bài Tổng Giám mục Nguyễn Văn Thuận Nguyên Nhân 13 Năm Lưu Đầy Khổ Nhục, đã công bố một phần bản di chúc13 trang của Lm. Thanh Lãng trao cho Gs. Nguyễn Văn trung, nguyên văn như sau: “Tôi xin công khai sám hối với Chúa và Hội thánh Toàn cầu và Việt Nam. Lạy Chúa xin tha thứ cho con mọi lầm lẫn và ban cho con lòng tin, lòng trông cậy và ơn tha thứ.

Tôi xin công khai sám hối xin lỗi Đức cha Nguyễn Văn Thuận, xin Chúa giữ gìn và trả công cho Đức cha.

Tôi xin công khai sám hối xin lỗi tất cả và tình anh em linh mục mà tôi vô tình hay cố ý, làm mất lòng.

Tôi xin công khai và xin lỗi toàn thể dân Chúa mà tôi hối tiếc là chưa được phục vụ trong Mục vụ.
Tôi xin mọi người tha tội cho tôi để Hội Thánh và Chúa tha tội cho tôi”.

Ngày 28-11-1988, Đinh Xuân Nguyên, Thanh Lãng” (DCVOnline.net).

Lm. Thanh Lãng qua đời ngày 17.12.1988.

Và còn nhiều tên tuổi khác cũng đã trắng mắt ra, như: Gs. Châu Tâm Luân, Ni sư Huỳnh Liên và các đệ tử hệ phái tịnh xá Ngọc Phương của bà (xin xem bài Còn Giới Hạn Nào Cho Sự Sa Đọa của tác giả Lê Tùng Châu trên Việt Báo 27.3.2006, đính kèm nguyên văn Đơn Khiếu Nại về việc chính quyền Tỉnh Lâm Đồng vừa cướp đất chùa vừa có những lời lẽ hết sức vô giáo dục đối với các ni sư. Lá đơn kí tên Ni sư Tràng Liên và Ni sư Ngoạt Liên ngày 01.01.2005), v.v….Riêng Gs. Nguyễn Ngọc Lan, chúng tôi đã viết một bài về ông, nhan đề Về Nhân Vật Nguyễn Ngọc Lan (motgoctroi.com).

Trong hồi ký Đêm Giữa Ban Ngày, tác giả Vũ Thư Hiên không ngần ngại phát biểu: “Trẻ con miền Bắc cũng biết Mặt trận Giải phóng là do miền Bắc dựng nên” (trang 469). Thế mà có khá nhiều trí thức miền Nam đã bị lừa gạt nhục nhã, thê thảm!


● “Tôi quan niệm rằng có bất công dù ở chế độ nào thì tôi cũng lên tiếng vì đó là sứ mệnh ngôn sứ tôi đã lãnh nhận”.

Lm. Chân Tín nói hay và lí tưởng lắm. Bây giờ nghe ông nói như vậy, người ta tưởng ông sẵn sàng thi hành ‘sứ mệnh ngôn sứ’ bất kể thời nào, bất kể đâu. Nhưng trên thực tế, hồi đó, ông chỉ nhìn cuộc chiến Việt Nam bằng một con mắt, nghĩa là ông đui mất một con mắt. Báo Đối Diện của ông khuếch đại những “cái dằm” sai trái của VNCH để tố cáo, đang khi đó lại không nhìn thấy vô số những “cái xà” tội lỗi lớn lao của Cộng sản. Vậy mà dám nói “dù ở chế độ nào thì tôi cũng lên tiếng”.

Báo Đối Diện của Lm. Chân Tín chẳng những không nói gì tới những tội ác do Cộng sản gây ra ở cả hai miền Nam Bắc, mà còn công khai phổ biến những bài viết đề cao Cộng sản, cổ vũ sách lược “giài phóng” miền Nam của Cộng sản. Chẳng hạn như các bài: Bài Học Cách Mạng Của Lênin (Đối Diện, 12.1970); Diễn Tiến Cuộc Xây Dựng và Phát Triển Chính Sách Thực Dân Mới Của Mỹ Tại Việt Nam (Đối Diện, 8.1971); Lm.Trương Bá Cần viết bài ‘25 Năm Xây Dựng Xã Hội Chủ Nghĩa Ở Miền Bắc’, đăng 3 kì vào năm 1971; Khái Niệm Về Chủ Nghĩa Thực Dân Mới (Đối diện, 6.1972); Diễn Tiến và Ý Nghĩa Của Cách Mạng Tháng Tám (Đối Diện, 8.1972); Miền Bắc Có Gì Lạ (Đối Diện, 2.1974)….

Ngoài thành phần cơ hữu như các linh mục thiên tả Nguyễn Ngọc Lan, Trương Bá Cần, Trần Tam Tỉnh, Nguyễn Nghị, Nguyễn Viết Khai…, báo Đối Diện của Lm. Chân Tín còn phổ biến bài vở của nhóm thân Cộng miền Trung như: Ngô Kha, Bửu Chỉ, Trần Phá Nhạc, Thái Ngọc San, Tiêu Dao Bảo Cự, Lê Gành…

Trong khi trả lời phỏng vấn, Lm. Chân Tín còn nói ông đã cùng Lm. Nguyễn Huy Lịch (Dòng Đa Minh, chi Lyon) điều tra và biết đích xác bọn sinh viên Việt Cộng bị tra tấn cho nên ông và báo Đối Diện phải tranh đấu bảo vệ họ. Lm. Chân Tín lại toan lấy thúng úp voi chăng. Linh mục sinh sống và hưởng mọi quyền công dân ở miền Nam, mà miền Nam đang bị Cộng sản Bắc Việt tấn chiếm, đương nhiên miền Nam phải chiến đấu tự vệ. Quyền tự vệ là quyền thiêng liêng. Không ai nói đi xâm lăng, đi ăn cướp là quyền thiêng liêng bao giờ cả. Chính ra linh mục phải hiểu rõ hơn ai hết rằng CSBV là kẻ gây nên cuộc chiến thì là kẻ vi phạm nhân quyền đầu tiên và nặng tội nhất. Và trong cuộc chiến lâu dài này, Cộng quân đã phạm không biết bao nhiêu tội và đã giết hại hàng trăm hàng ngàn dân lành bằng cách chém đầu, cắt cổ (Đồng khởi Bến Tre 1958), chôn sống (Mậu Thân Huế 1968), Đại lộ Kinh hoàng Quảng Trị 1972, pháo kích bừa bãi, thậm chí pháo kích cả vào các trường tiểu học giết chết hàng chục học sinh nhỏ dại (Trường Tiểu học Cai Lậy và Song Phú)…

Công bình mà nói, tra tấn để ép cung là trái với luật pháp văn minh, nhưng vì VNCH đang phải chiến đấu tự vệ chống CSBV, thiết tưởng Lm. Chân Tín cần đặt vấn nạn này trong bối cảnh toàn cục cuộc chiến khốc liệt mà cân đo đong đếm, thì mới thấy linh mục nên bênh vực ai và tố cáo ai. Bởi vì nếu có vài mươi tên sinh viên Việt Cộng bị tra tấn thật sự đi chăng nữa cũng còn kém xa gấp ngàn lần so với những tội ác giết dân lành của Việt Cộng. Và nếu nói cần phải đấu tranh bảo vệ nhân quyền cho sinh viên thì Lm. Chân Tín và báo Đối Diện phải tố cáo nhiều nhất và trước tiên các tội ác của bọn sinh viên Việt Cộng vì chúng đã giết thầy giết bạn một cách tàn ác, ngay tại trường học hoặc giữa thanh thiên bạch nhật, ở Sài Gòn cũng như hồi Tết Mậu Thân ở Huế 1968 (Mời đọc bài Bọn Sinh Viên Việt Cộng Giết Thầy Giết Bạn của Bạch Diện Thư Sinh. Motgoctroi.com. Mục Lịch sử Cận đại).
Trên thực tế, báo của Lm. Chân Tín đã một chiều đả kích VNCH là kẻ tự vệ, đang khi bênh vực, bao biện cho Cộng sản là kẻ gây chiến, là kẻ phạm muôn vàn tội ác. Thử hỏi, như thế công bình, công lí ở đâu? Chưa có công bình, công lí thì làm gì có nhân đạo, nhân quyền?

Đấy là chưa nói tới bọn Cộng sản là thầy phù thủy chuyên thay trắng đổi đen, không nói có, có nói không. Mắt thường và ống kính của các kí giả nhìn thấy cảnh những tên sinh viên Việt Cộng dìu nhau ra tòa, dáng điệu thiểu não mà đã vội kết luận là chúng bị đối xử tàn ác. Có thể chỉ đúng một phần, còn nhiều phần là chúng bảo nhau diễn kịch để gây xúc động cho dư luận.

Trong bài 20 Năm Giới Trẻ Miền Nam, Gs. Nguyễn Văn Lục nêu lên một câu hỏi chua chát: “ Những người cộng sản thứ thiệt như Huỳnh Tấn Mẫm thì được mọi người tìm cách đòi thả tự do. Lý Chánh Trung và những người khác xuống đường, tuyệt thực đòi trả tự do cho Mẫm? Sao không thấy một ai trong cái đám đó sau 1975, đòi trả tự do cho Thi sĩ Vũ Hoàng Chương?” (Nguyễn Văn Lục. 20 Năm Giới Trẻ miền Nam Việt Nam. Motgoctroi.com).

Để mô tả cung cách hành xử của Lm. Chân Tín cụ thể hơn, xin thử đặt Lm. Chân Tín làm một thành viên trong gia đình của ông Nam. Mọi người trong nhà ông Nam đang sống bình an, vui vẻ. Bỗng có một ngày, người anh em sinh đôi của ông Nam là ông Bắc cầm đầu lũ con cháu ngổ ngáo, hùng hổ xông vào nhà ông Nam để cướp của, giết người và đòi chiếm luôn nhà của ông Nam. Ông Bắc bảo làm thế là để “giải phóng” cho nhà ông Nam khỏi bị “Mĩ ngụy kềm kẹp”! Người nhà ông Nam đương nhiên phải chiến đấu tự vệ. Lm. Chân Tín là người nhà ông Nam, chẳng những không cùng người nhả chống trả, không tố cáo kẻ cướp và kêu gọi hàng xóm tiếp tay giúp đỡ cho gia đình mình; ngược lại, linh mục còn la lối om xòm và một chiều tố cáo ngược lại nạn nhân là chính người nhà mình! Chuyện có vẻ ngược đời, nhưng đó đúng là lối hành xử của Lm. Chân Tín hồi trước 1975. Lối hành xử như thế mà gọi là hòa bình công lí sao? Có giáo thuyết đáng kính nào truyền dậy “sứ mạng ngôn sứ” lạ lùng như vậy bao giờ không? Đó chỉ có thể là hành động nối giáo cho giặc mà thôi.

● “Sau khi Cộng Sản chiếm miền Nam, tôi tiếp tục đấu tranh, chống chế độ Cộng Sản”

Trước 1975, Lm. Chân Tín làm Chủ nhiệm báo Đối Diện tiếp tay cho Cộng Sản, chống chính phủ VNCH, tức lúc đó ông không chống Cộng sản, sao nói là “tiếp tục đấu tranh, chống chế độ Cộng sản”? Và sau khi Cộng sản chiếm được miền Nam rồi, trong thời gian khoảng 2 năm, Lm. Chân Tín và cố Gs. Nguyễn Ngọc Lan cùng đám đệ tử của hai ông, vẫn còn ve vãn chúng. Đến khi CS đá các ông ra rìa, chỉ dùng “nhóm 4 anh em chúng tôi Minh-Cần-Từ-Bích” thôi (đó là 4 linh mục Huỳnh Công Minh, Trương Bá Cần, Phan Khắc Từ, Vương Đình Bích). Chỉ khi đó, ông và Gs. Nguyễn Ngọc Lan mới bắt đầu quay ra chống Cộng sản. Gs. Nguyễn Văn Trung, cựu Khoa trưởng Văn khoa Đại học Sàigòn, không xa lạ gì với giới trí thức Sàigòn trước 1975, đã nhận xét về Lm.Chân Tín như sau: “Linh mục Chân Tín khi làm chủ nhiệm báo Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp chống Cộng rõ rệt, nhưng khi làm tạp chí Đối Diện thay đổi lòng chuyển sang CHỐNG CHỐNG CỘNG …Bây giờ linh mục lại chống Cộng”! (Nguyễn Văn Trung. Đôi điều trao đổi với nhà văn Mai Kim Ngọc. Văn Học số 124, Tháng 8, 1996. Trang 67).

● “Dù sao, tôi rất thông cảm với những người, đặc biệt là những anh em, những công chức của chế độ Việt Nam Cộng hòa đã bị Cộng sản hành hạ, bắt bớ, tù đày. Tôi mong anh em hiểu rằng tôi không bao giờ theo Cộng sản”.

Chúng tôi, quân cán chánh VNCH, không muốn nhận sự ‘thông cảm’ của Lm. Chân Tín. Chúng tôi chiến đấu vì tự do cho Miền Nam. Bảo vệ miền Nam là bổn phận của chúng tôi. Biết bao chiến sĩ và đồng bào miền Nam đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ miền Nam. Đến khi “nước mất thì nhà tan”, thì “khốn cho kẻ bại trận!”, thì bị sát hại, bị bắt bớ, bị tù đày.. . Nhiều người thoát thân, suốt đời còn lại, mang mặc cảm tội lỗi với chiến sĩ, đồng bào. Đến nỗi, có vị tướng lãnh cảm thấy mình không xứng đáng được phủ Quốc kì VNCH lên quan tài khi nằm xuống: “Mai tôi chết Cờ Vàng xin đừng phủ, Xác thân này đâu chết cho quê hương...” (Hai câu đầu trong bài thơ Mai Tôi Chết Cờ Vàng Xin Đừng Phủ của Tướng Lê Quang Lưỡng, Cựu tư lệnh Sư đoàn Nhảy Dù kiệt xuất. OCGroupForum@yahoogroups.com). Sau 30.4.1975, hết chiến tranh rồi, thế mà hàng trăm ngàn quân cán chính VNCH vẫn bị tù đầy không xét xử và vô thời hạn, thì đâu rồi Lm. Chân Tín, Chủ tịch của Ủy ban Vận động Cải thiện Chế độ Lao tù miền Nam Việt Nam? Trước 1975, Lm. Chân Tín tích cực tranh đấu cho tù nhân Việt Cộng; sau 30.4.1975, ông chỉ “thông cảm” với “những anh em, những công chức của chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã bị Cộng sản hành hạ, bắt bớ, tù đày” mà thôi!

Cái mà chúng tôi muốn không phải là sự “thông cảm” của Lm. Chân Tín mà là một lời xin lỗi nước Việt Nam Cộng Hòa của ông. Bởi vì ngày xưa, đang khi hàng trăm xe tăng, đại bác cùng mấy trăm ngàn bộ đội CSBV tràn vào dầy xéo miền Nam tự do, gây nên cảnh núi xương, sông máu thì Lm. Chân Tín cùng mấy ông tu sĩ, trí thức và bọn Việt Cộng nằm vùng, bọn thân Cộng, bọn khuynh tả lại chắp tay nguyện cầu cho chim bồ câu trắng xuất hiện; các ông chống và bôi lọ chính phủ và cuộc chiến đấu tự vệ của quân dân VNCH; các ông đòi hoà bình tức khắc; các ông lên án và tố cáo chính phủ VNCH bắt bớ, đàn áp sinh viên…

Có thể đúng, Lm. Chân Tín không bao giờ là Cộng sản, nhưng nói ông “không bao giờ theo Cộng sản” thì không đúng . Giá như Lm. Chân Tín là Việt Cộng thì dễ cho chúng tôi phân rõ bạn thù, phân rõ chiến tuyến. Trong trường hợp đó, linh mục là đối thủ của chúng tôi và cõ lẽ không đáng khinh. Phiền một nỗi, linh mục lại nằm trong số những kẻ ăn cơm quốc gia thờ ma Cộng sản, trở thành kẻ nội thù, kẻ nối giáo cho giặc, kẻ theo đóm ăn tàn. Thế mới nguy hiểm và đáng khinh.

Sau 30.4.1975, Lm. Chân Tín được đưa vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc Thành phố HCM (Sai Gòn). Và để màn tuồng bầu cử Quốc hội Cộng sản “thêm phần vui vẻ”, Lm. Chân Tín được Mặt trận tổ quốc cho ra tranh cử đại biểu Quốc hội CS khóa 6, đơn vị Quận Tân Bình. Có lẽ theo tính toán của Cộng sản trong thời điểm ấy, tiêu chuẩn chỉ có 1 linh mục Công giáo tại Sài Gòn được làm đại biểu Quốc hội. Trên thực tế, Cộng sản đã chấm định Lm. Huỳnh Công Minh làm đại biểu khóa này rồi thì đương nhiên Lm. Chân Tín phải thất cử.

Rồi đến lượt báo Đứng Dậy (tức Đồng Dao, ĐD, Đối Diện) bị đình bản, sau khi ra số cuối cùng 114 vào Tháng 12.1978, vì lí do “đã hoàn thành nhiệm vụ”!

Từ đó, Lm. Chân Tín vỡ lẽ ra. Ông và đàn em thân thiết của ông là Gs. Nguyễn Ngọc Lan quay ra chống Cộng! Gs. Nguyễn Ngọc Lan viết 3 tập Nhật Ký: Nhật Ký 1988, Nhật Ký 1989-90, Nhật Ký 1990-91, đều do Tin Nhà, Paris, xuất bản. Ngày 05.8.1990, Gs. Nguyễn Ngọc Lan bị Công an tới xét nhà và đọc lệnh quản thúc ông 3 năm tại gia.

Mùa Chay Tháng 4.1990, Lm. Chân Tín giảng 3 bài Sám hối. Chỉ hơn một tháng sau, ngày 16.5.1990, ông bị xử phạt 3 năm phát vãng ra xã Cần Thạnh, Cần Giờ, vì các lí do: chống CNXH, chia rẽ nội bộ tôn giáo, phá hoại đoàn kết đạo đời, gửi tài liệu ra nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân.

Ngày 12.5.1993, Lm. Chân Tín được thả về vô điều kiện.

Tuy được thả về, giọng điệu của Lm. Chân Tín càng ngày càng cay cú hơn. Ngày 28-1-1996, Lm. Chân Tín trả lời phỏng vấn đài VNCR, ông nói:’’ Chúng tôi ngồi yên nhìn cái ngu dốt và cái sa lầy của một chế độ đang trên đà tan rã’’.

Như bát nước đầy, Cộng sản không kể gì tới công lao của Lm. Chân Tín và Gs. Nguyễn Ngọc Lan trước đây nữa, họ ra quyết định thanh toán hai ông (từ chết đến bị thương). Ngày 04.5.1998, trên đường đi dự đám tang cựu đảng viên gộc đã phản tỉnh Nguyễn Văn Trấn bằng xe gắn máy, Lm. Chân Tín và Gs. Nguyễn Ngọc Lan đã bị mưu sát bằng cách cho người kè theo xe và đạp 2 ông té giữa đường. Lm. Chân Tín chỉ bị xây xước nhẹ, nhưng Gs. Nguyễn Ngọc Lan bị thương nặng. May mắn, cả hai thoát chết.

Quan sát những hành động lúc sau này của cặp Lm. Chân Tín – Gs. Nguyễn Ngọc Lan, tuy không thấy hai ông nói ra lời xin lỗi nước VNCH mà hai ông đã hung hăng đánh phá, nhưng chúng tôi “lạc quan” tin là có lẽ hai ông đã “phản tỉnh” cho nên đã viết như sau trong phần cuối bài Về Nhân Vật Nguyễn Ngọc Lan (motgoctroi.com. Mục Lịch sử cận đại): “Mùa chay 4/1990, tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, đường Kỳ Đồng, Lm. Chân Tín đã giảng 3 Bài Giảng Sám Hối: Sám Hối Cá Nhân, Sám Hối Trong Lòng Giáo Hội, Sám Hối Trong Lòng Dân Tộc.

Mở đầu bài giảng Sám Hối Cá Nhân, Lm. Chân Tín nói ngay: “Nói đến sám hối là tôi nghĩ đến tôi trước nhất”. Nói thế, nhưng ông không chính thức nói lời sám hối về những hoạt động có lợi cho Cộng Sản của ông trước đây. Ông không đủ can đảm nói lời xin lỗi nước VNCH và đồng bào miền Nam yêu tự do. Song ông đã dán tiếp nói lên tâm tình sám hối của ông bằng cách diễn giảng quan niệm sám hối “không phải đấm ngực khóc lóc…không phải chỉ có ân hận…”, nhưng “sám hối là đổi mới sau khi đã ân hận”. Có lẽ ông đã kín đáo ám chỉ bây giờ lời nói, hành động của ông đã khác trước, tức là ông đã đổi mới, chứng tỏ ông đã sám hối chăng? Lm.Chân Tín lặp lại quan niệm sám hối này trong bài giảng Sám Hối Trong Lòng Dân Tộc: “Chúng ta thấy Liên Xô và các nước Đông Âu đã ân hận, đã sám hối bằng cách đổi mới (Nguyễn Văn Trấn. Viết Cho Mẹ và Cho Quốc Hội. Tph. HCM. Trang 406)”.

Tiếc thay, chúng tôi đã lầm. Trong Bài giảng Sám hối thứ nhất, Lm. Chân Tín có nói: “Nói đến sám hối là tôi nghĩ đến tôi trước nhất”, nhưng ông không cho biết đích xác ông định sám hối “tội lỗi” gì, “tội lỗi” đối với ai. Sau này người ta mới biết rõ một điều là ông không hề sám hối việc ông đã góp phần “làm sụp đổ miền nam”. Bởi vì, ngày 28.01.1996, khi đài VNCR hỏi Lm. Chân Tín rằng: “…linh mục có phải sám hối không, vì….những hoạt động của linh mục trước 75 có ảnh hưởng đến thành công của cộng sản trong việc làm sụp đổ miền Nam?”. Lm. Chân Tín trả lời: “...tôi cũng sám hối. Nhưng không vì đã hoạt động bảo vệ quyền con người trong chế độ cũ. Chính chế độ cũ vi phạm nhân quyền, nên cộng sản mới lợi dụng những vi phạm ấy, lôi kéo dân chúng theo họ…!” (Tin Nhà số 23. Trang 18-21).

Mọi người thấy rõ, thời chiến, tuyệt đại đa số dân miền Nam sợ Cộng sản. Cộng sản tới đâu, dân chúng lập tức chạy thục mạng về phía Quốc gia. Chỉ một số rất ít trí thức, tu sĩ thành thị khuynh tả, thân Cộng và một số ít dân quê bị Cộng sản tuyên truyền dụ dỗ là đi theo họ. Nhưng sau khi Cộng sản chiếm trọn miền Nam một ít lâu, hầu hết những người này đã hối hận, nhưng không còn kịp nữa. Không còn kịp nữa, nhưng ít ra, họ đã hối hận: Có người dám nói lời xin lỗi; có người tự thú là đã ngây thơ; có kẻ vượt biên; có kẻ lặng lẽ rút lui khỏi giang hồ... Một mình Lm. Chân Tín vẫn hiên ngang với thành tích “bảo vệ nhân quyền trong chế độ cũ”!

KẾT

Hãy thôi không tản mạn chuyện chính trị của cuộc chiến Quốc - Cộng nữa, chẳng hạn như chuyện đâu là bạn, đâu là thù; đâu là kẻ gây chiến và đâu là kẻ chiến đấu tự vệ.

Hãy thôi không nói chuyện đạo đức chung chung của con người, tức cái đạo “nhơn giả nhân dã” (“nhơn từ ấy là đạo làm người vậy”). “Nhơn” (viết chữ nhân thêm 2 gạch ngang. Thiên Nhân Địa. Tam tài.) là cái gốc của nhân quyền, của tự do, bình đẳng…

Vì Lm. Chân Tín là một linh mục, cho nên xin thử học hỏi Đạo Yêu Thương của Đức Kitô với cụ đại lão linh mục Chân Tín: Chúa là Tình Yêu. Chúng ta đều là con Chúa, nên là anh chị em với nhau. Anh chị em phải yêu nhau vì đều là con một Cha. Thưa, có đúng như vậy không cơ?

Đạo lí của lòng tốt muốn bảo vệ quyền con người bắt nguồn từ tình yêu thương cao cả ấy. Tình yêu thương ví như nước, ở đâu có chỗ trũng thì chảy vào, trũng nhiều thì chảy vào nhiều. Vậy mà, thời chiến, có biết bao nhiêu nạn nhân Cộng sản, sao Lm. Chân Tín và báo Đối Diện không đoái hoài mà lại chỉ tranh đấu bảo vệ cho một nhóm nhỏ sinh viên Việt Cộng? Đó chắc không phải là dấu hiệu của Tình yêu thương chân chính. Những hoạt động của linh mục không mang tính thánh thiện, cao cả, vô tư mà là thứ tình yêu thương mạo nhận, giả tạo, nhằm phục vụ mưu đồ chính trị phe phái, tranh bá đồ vương, chứ không phải là đang “thi hành sứ mạng ngôn sứ” gì cả.

Nếu so sánh hai cụ linh mục Dòng Chúa Cứu Thế: Chân Tín và Trần Hữu Thanh, người ta thấy cả hai đều giống nhau ở một điểm là cùng tranh đấu chống chính quyền VNCH. Lm. Chân Tín tranh đấu nhân quyền dỏm, thiên vị, gian dối, làm cho VNCH suy yếu. Lm. Trần Hữu Thanh chống chính quyền tham nhũng. Coi như ông làm việc tốt. Khổ nỗi, tuy ông chống đúng nhưng lại quá sai thời điểm. Tới thời điểm VNCH sức cùng lực kiệt, đang đứng bên bờ vực tử sinh, thì Lm. Trần Hữu Thanh khởi xướng phong trào chống tham nhũng. Hành động của Lm. Trần Hữu Thanh như một cú đạp mạnh, làm cho VNCH mau chóng rớt xuống hố. Sao ông không chống sơm sớm một chút?
Sau khi Cộng sản chiếm trọn miền Nam, Lm.Chân Tín không bị tù, tức ông có công với chế độ. Lm. Trần Hữu Thanh, chắc có dính líu với bàn tay lông lá, cho nên Cộng sản bắt ông đi tù 4 năm và 9 năm quản chế ở miền Bắc. Khi được tự do, Lm. Trần Hữu Thanh không về sống ở miền Nam. Ông sống lặng lẽ, âm thầm làm việc mục vụ và giúp cải thiện đời sống cho nông dân nghèo ở thôn Trần Nội, Hải Phòng, đồng thời góp sức gây dựng lại Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà, Hà Nội. Ông yên lặng thì thiên hạ cũng để cho ông yên, ít ai đả động chuyện ông chống tham nhũng vào giờ thứ hai mươi lăm ngày xưa nữa. Lm. Trần Hữu Thanh qua đời năm 2007, dân chúng tiễn đưa ông như tiễn đưa một mục tử nhân hậu, một vị tu hành tận tụy hi sinh vì dân nghèo, bất kể lương giáo.

Như đã nói trên đây, sau 30.4.1975 khoảng 2 năm, Lm. Chân Tín đã vỡ lẽ ra, ông quay ra chống Cộng. Nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông đấu tranh cho nhân quyền, cho tự do, dân chủ, và vì sự toàn vẹn lãnh thổ.

Ở trong nước, hiện nay, biết bao nhiêu người bất mãn chế độ, nhưng vì Cộng sản sẵn sàng dùng bạo lực, bất chấp luật lệ, cho nên chỉ có một số ít nhà ái quốc anh hùng, quyết hi sinh tất cả, mới dám lên tiếng (mới chỉ là lên tiếng) mà thôi. Trong số đó, có Lm. Chân Tín.

Ước mong cụ linh mục, hiện chưa đủ can đảm nói lời xin lỗi nước VNCH, thì hãy tiếp tục dùng khả năng, kinh nghiệm, tiếng tăm và cả tuổi đại thọ của bậc nhân tiên qúy hóa của cụ để tranh đấu cho chính nghĩa Quốc gia dân tộc. Coi như cụ đang “đái tội lập công”.

Lịch sử bao giờ cũng có đủ thời gian! Không như người Cộng sản chủ trương “giết lầm còn hơn tha lầm”, người Quốc gia chân chính có đủ sáng suốt, sẽ xét đoán phân minh công tội đối với các nhân vật đã dính líu tới trang sử đau thương thời cận đại của nước nhà.

Miễn là, xin cụ linh mục hãy yên lặng. Đừng tiếp tục “chống Mĩ Thiệu” và tố cáo chính quyền VNCH bắt bớ “sinh viên” nữa. Hãy khép khoảng thời gian tranh đấu năm 1970 sôi nổi của cụ và của báo Đối Diện lại. Làm thế, có lẽ công luận cũng sẽ đối xử tương tự với các hoạt động tai hại của cụ trong quá khứ.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét