Trước năm 75, đã có những cuốn sách viết về DA. Sau này thêm nữa, nhiều những trang web công phu còn tổng hợp được nhiều tác phẩm của anh. Nhiều nhận định của các nhà văn, nhà phê bình tiếng Việt hay tiếng nước ngoài cũng đánh giá về văn nghiệp của DA, mà "hai đời văn trong một đời người" đã lưu lại tên tuổi. Tôi không đủ chữ nghĩa để thêm nữa, thực là như thế, trên vai tôi còn có nhiều đại thụ, và chính anh DA cũng là một đại thụ phủ bóng trên tôi. Mọi người nhắc tới tôi như một cặp đôi sóng tên nhau trên báo TN một thời. Thế thôi. Một thời sau lại khác, khi bỏ xứ mà đi, anh có nhiều bạn hơn, nhiều rượu và nhiều tiếng chửi thề hơn, nhiều ê chề vả nhiều trăn trở dằn vặt hơn. Khi thì ở Pháp, lúc qua Mỹ, nơi nào anh cũng cặm cụi như một thợ, phải viết, phải tuôn trào. Sách của anh in ở nhiều nơi, cả những ấn bản Anh và Pháp ngữ. Nhưng hình như cũng chỉ bọt bèo thôi, là phận bạc của người cầm bút. Còn hơn thế, phận bạc của người cầm bút khi đã lạc mất độc giả. Một tác giả từng có 10 ngàn ấn bản cho một lần in còn đòi thương lượng, đến khi chỉ mong in ra 5 trăm, còn phải trông đợi vào buổi ra mắt sách. Buồn này biết gửi về đâu, một thời đã trôi, một thế hệ đã qua rồi . Tôi nhận ra nỗi buồn này khi nhà văn cũng là nhà xuất bản VT Hiền hỏi anh: Những cuốn sách sắp tới anh định in với NXB nào. Anh đáp: Tuổi Ngọc.
Vỡ Lòng Ca Dao, Về Với Ca Dao, Ca Dao Quyện Lấy Miếng Ngon Dân Tộc, Những Đứa Trẻ Con Mỹ Hẩm Hiu, là tên của những cuốn sách anh DA viết bằng tay trái khi ở Pháp và ra mắt phát hành tại Mỹ, năm 1995. Sau đó không thấy tác giả "DA và Tôi" nhắc tới tên sách nào nữa. Dĩ nhiên cái tên TN chỉ còn mơ hồ, đã rơi hẳn về quá khứ. Logo của NXB Tuổi Ngọc là một bông Hướng Dương 12 cánh, là ấp ủ của anh em chúng tôi, chỉ đóng "mác" cho sách mình và những cây viết TN.( Lần cuối cùng, hàng ngàn ấn bản cuốn Bé Yêu với khổ nhỏ của DA khi in xong đã rơi vào những ngày cuối của tháng 4 năm 75 và không bao giờ phát hành). Cũng vắn số như TN, bông hướng dương ấy sớm héo rũ khi không còn thấy ánh mặt trời nữa.
Khi viết những dòng này tôi nghĩ tới có ai sẽ share nó hoặc trích đăng ở đâu đó. Không chính thức để ghi nhận hay bình luận về một con người hay sự kiện nào trong quá khứ. Nó không bao giờ là tài liệu. Xin coi đây chỉ là những tâm tình, những xúc cảm của một người về một thời, chia sẻ với những độc giả của TN mà tưởng đã thất lạc nhau mãi mãi, nay còn tìm lại. Một thời TN, một thời của chúng ta.
Cho đến bây giờ, khi những bữa ăn không thiếu gì rượu thịt, khi tuổi đời đã không còn đủ… răng đề ăn nữa, nhưng miếng ngon bao giờ cũng thuộc về quá khứ. Mà quá khứ thì không bao giờ thiếu vắng những người thân yêu được. Câu chuyện của tôi đây : Một buổi sáng anh DA kéo tôi vào quán nằm bám ngay sát tòa soạn (khi ấy tòa soạn trên đường PNL). Đúng nghĩa quán cóc, vì nó chỉ ghệ mái vào vách tường sát hẻm. Còn cóc hơn khi tô phở chỉ có 5 đồng. Cái tô nhỏ lại vơi, lều phều vài cọng vài miếng. Lùa vớt chỉ vài gắp chưa kịp tráng bao tử đã hết. Nhưng nước lèo chưa hết. Còn cơm nguội không bác Bảy? Tưởng đùa, nhưng bác chủ quán vui vẻ bươi ra hai chén cơm thiệt, cơ chừng vét nồi của tối qua, nó cũng vơi như hai tô phở. Trời ơi ! Các bạn đừng cười. Ngon như chưa bao giờ ngon thế. Và quý bả cũng đừng tìm hiểu sao cơm nguội chan nước phở lại tuyệt vời đến thế. Cứ ….LIKE đi rồi biết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét