khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2017

Khủng Hoảng Di Dân - Tác giả Nguyễn Xuân Nghĩa



Đây là vấn đề văn hóa, bản sắc và an ninh quốc gia

* Kẻ xóa người xây, còn bọn ngây ngây biểu tình! *

Tuần qua, Tổng thống Donald Trump ban hành ba sắc lệnh hành pháp (executive orders) nhằm giải quyết hai hồ sơ là di dân lậu và nạn dân vào Mỹ và gây tranh luận tại Hoa Kỳ và trên toàn cầu. Trước khi tranh luận, hay phản ứng, có lẽ người ta cần hiểu rõ hơn về sự thật, là điều hơi khó cho nhiều nhà báo!

Sắc lệnh thứ nhất là không cho ngân sách liên bang tài trợ các thị xã đã lập khu tạm trú cho di dân bất hợp pháp (sanctuary city) hoặc từ chối trục xuất di dân nhập lậu đã có tiền án. Nhiều chính quyền địa phương trong tay đảng Dân Chủ lấy quyết định phi pháp ấy vì lý do chính trị, hốt phiếu thiểu số di dân, nhân danh lý tưởng nhân đạo. Chính quyền Liên bang khó can thiệp vào từng quyết định của địa phương, nhưng vẫn có thể sử dụng biện pháp ngân sách chống lại hành vi nổi loạn và không tôn trọng luật pháp liên bang.

Sắc lệnh thứ hai cho biết ý định xây dựng một bức tường ngăn di dân từ lãnh thổ Mexico (Mễ Tây Cơ) xâm nhập bất hợp pháp vào lãnh thổ Hoa Kỳ: ông Trump thực hiện những gì đã hứa khi tranh cử trong khi nhiều người không để ý rằng biên giới Mỹ-Mễ dài khoảng 3.150 cây số đã có nhiều hàng rào nhưng chưa kín – chỉ được hơn 900 cây số - và thiếu nhân lực kiểm soát.

Sắc lệnh thứ ba mới quan trọng, và rắc rối, vì gồm ba phần. Thứ nhất là cấm mọi nạn dân đến từ Syria; thứ hai, tạm ngưng tiếp nhận mọi nạn dân trong 120 ngày; thứ ba là tạm cấm trong 90 ngày mọi công dân từ bảy nước là Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen, dưới diện nạn dân hay không. Lý do là để tăng cường thủ tục thanh lọc cho kỹ càng hơn.

Nội dung của ba sắc lệnh bao trùm lên nhiều vấn đề nhưng có mâu thuẫn hay luộm thuộm trong việc áp dụng. Một tai nạn điện toán trên mạng lưới thông tin của hàng không Delta càng gây thêm hỗn loạn trong ngày đầu tiên. Phản ứng chống đối của dư luận gây ra hỗn loạn chính trị nên người ta nói đến nạn khủng hoảng di dân của Hoa Kỳ. Nếu có cơ hội tìm hiểu và theo dõi tình trạng hỗn loạn của nhiều nước Âu Châu từ hai năm qua trước làn sóng di dân và nạn dân từ Trung Đông thì người ta đã có thể bình tĩnh hơn.

Nhưng truyền thông Hoa Kỳ không chú ý đến những gì xảy ra ở nơi khác, và truyền thông Việt Nam nhiều khi chỉ là dịch bản, đôi khi sai mà không biết, của những gì truyền thông Hoa Kỳ loan tải. Nếu bình tĩnh hơn, chúng ta có thể thấy ra một vụ khủng hoảng khác của Hoa Kỳ, với những hậu quả sâu xa hơn.

Trong mục tiêu trình bày lại bối cảnh của các vấn đề phức tạp, bài này sẽ tập trung vào chuyện khủng hoảng đó chứ không nói về loại phản ứng ngoài da của nhiều người có đầy nhiệt tình.

***

Người Việt chúng ta từng là nạn dân, là dân tỵ nạn chính trị, rồi di dân, và ngay trong hiện tại, không thiếu gì người có thể đợi dăm ba năm, thậm chí 15 năm, để được nhập cư hợp pháp vào Mỹ. Hoa Kỳ có chánh sách thanh lọc di dân áp dụng chung dưới các chính quyền Dân Chủ hay Cộng Hòa, nhưng không chủ trương “chống di dân từ Việt Nam”. Những vụ ngư phủ của ta bị hành hung bức hiếp mầy chục năm về trước chỉ là những ngoại lệ ngắn ngủi không thuộc diện chánh sách.

Ngày nay, Chính quyền Donald Trump chỉ chú trọng tới hai vấn đề được ông coi là ưu tiên giữa nhiều hồ sơ khác, là 1/ di dân gốc Hồi giáo và 2/ dân nhập cư bất hợp pháp từ Mexico.

Về bối cảnh, Hoa Kỳ là quốc gia thành hình từ di dân, và trong lịch sử từ thời lập quốc, cứ một hai thế hệ lại có mâu thuẫn giữa thành phần di dân định cư từ lâu với thành phần mới nhập cư sau này. Dân Mỹ gốc Anh trở thành “quý tộc” từ thời lập quốc thì nghi ngờ dân Scots-Irish tới sau như bọn tứ chiếng giang hồ, bên trong có nhiều kẻ bất hảo. Sau đấy, cả hai thành phần gốc “Bắc Âu” đó đều e ngại làn sóng Trung Âu đến từ Đức, Nga, hay từ Đông Âu bên trong có dân Do Thái, người gốc Balkan, rồi làn sóng Nam Âu còn nghèo hơn nữa, điển hình là dân Ý theo Công giáo. Làn sóng di dân gốc Ý và Do Thái lên tới cao trào trong 40 năm từ 1880 tới 1920, và mâu thẫn cũng có xảy ra: mỗi thế hệ cũ lại thấy nghi kỵ lớp người mới. Nhưng rồi mới cũ gì cũng đều hội nhập vào dòng chính, nhiều khi chỉ cười cợt nhau như dân Ba Lan hay say rượu, Do Thái thì keo bẩn, dân Ý là tổ sư “mafia”, v.v….

Nếu có cơ hội tìm hiểu thì “khủng hoảng di dân” đã xảy ra một cách thường trực trong lịch sử Hoa Kỳ, được các chính trị gia và truyền thông báo chí từng thời khuếch đại như tin động trời. Thành thử, chữ khủng hoảng rất ăn khách cho truyền thông có khi là chữ bị lạm dụng nhất!

Có hai trường hợp đáng chú ý ở đây là di dân gốc Á, đến từ hai nước nghèo và đông dân nhất mà cũng thành công nhất tại Hoa Kỳ. Đó là Ấn Độ và Trung Quốc.

Trường hợp di dân gốc Ấn là một thành tựu chói lọi của Hoa Kỳ mà ít ai nhắc tới. Người Ấn vào Mỹ mà không gây phản ứng nghi ngờ hoặc chống đối, dù màu da khác hẳn dân Mỹ lập quốc đa số da trắng, và họ thành công mạnh nhất về kinh tế. Trong các thành phần sắc tộc, dân Mỹ gốc Ấn chỉ có bốn triệu (bằng dân số gốc… Phi Luật Tân) nhưng là sắc dân giàu hơn mọi sắc dân khác, kể cả người da trắng.

Ngày nay, người Mỹ-Ấn có mặt trong đại học ở các vị trí cao nhất, đã đoạt nhiều giải Nobel; trên doanh trường thì họ ngồi ở cấp chỉ huy, nam như nữ. Chính trường đã có Thống đốc, Nghị sĩ gốc Ấn. Đại sứ tại Liên Hiệp Quốc hiện nay là bà Nikki Haley nguyên là Thống đốc South Carolina. Vậy mà có ai nói đến cộng đồng gốc Ấn? Họ thành công mà không ồn ào!

Qua đến chuyện kia thì có dân số gần năm triệu (chưa kể chừng 190 ngàn người gốc Đài Loan, theo thống kê của US Census Bureau), người Mỹ gốc Hoa là trường hợp còn đáng chú ý hơn nữa.

Nhập cư từ giữa thế kỷ 19, người Hoa là lực lượng lao động được tuyển mộ để xây dựng đường hỏa xa tại miền Viễn Tây và đã có lúc “đọ sức” với thợ thuyền gốc Irish, đến từ Ái Nhĩ Lan. Tại Hoa Kỳ, người Hoa bị bóc lột, khinh thường mà còn không có quyền nhập tịch, nhiều người Mỹ quên hẳn đạo luật Chinese Exclusion Act năm 1882! Rồi trăm năm sau, kể từ quãng 1970, người gốc Hoa mới bắt kịp dân Ấn: dù chưa giàu bằng dân Mỹ gốc Ấn, dân Mỹ gốc Hoa cũng là một thiểu số thành công tại Hoa Kỳ.

Dù kín đáo thành công như dân gốc Ấn hoặc đã từng bị ngược đãi như người gốc Hoa, hai cộng đồng thiểu số này không hề bị kỳ thị. Nếu dân Mỹ có tinh thần kỳ thị chủng tộc, từ đám da trắng cực đoan chẳng hạn, thì hai cộng đồng da màu đó phải bị chiếu cố trước tiên! Chuyện ấy không xảy ra. Các cộng đồng da màu khác, như Phi, Việt, Miên, Lào cũng vậy.

Nếu Donald Trump muốn khai thác phản ứng kỳ thị của một thiểu số da trắng, như ông đang bị xuyên tạc, thì tại sao cộng đồng di dân gốc Á lại lọt ra khỏi tầm nhắm? Cho nên, vấn đề không thể là tinh thần kỳ thị di dân của những người ủng hộ Donald Trump, hoặc là quốc sách của Tổng thống thứ 45.

Thế thì tại sao lại có sự quan tâm về dân Hồi giáo hay người gốc Mễ? Câu trả lời thật ra cũng đơn giản.

Từ năm 2001, sau vụ khủng bố 9-11, Hoa Kỳ là quốc gia lâm chiến với làn sóng Hồi giáo cực đoan trong một thế giới có hơn một tỷ 300 triệu theo đạo Hồi.

Trong thời chiến, tâm lý quần chúng thường có ác cảm với người dân xuất phát từ các nước đối thủ. Dân gốc Đức từng bị nghi ngờ như vậy trong Thế chiến I và Thế chiến II. Không chỉ tâm lý quần chúng, chánh sách công quyền cũng thế. Trong Thế chiến II, Chính quyền Franklin Roosevelt của đảng Dân Chủ không chỉ nghi ngại mà còn ra lệnh tập trung các công dân Mỹ gốc Nhật vì sợ họ là nội tuyến hoặc phá hoại hậu phương. Thời Chiến Tranh Lạnh, người Mỹ gốc Nga hay gốc Đông Âu từ khu vực Xô viết cũng bị cơ quan FBI nghi ngờ theo dõi.

Việc nghi ngờ và canh chừng đối thủ trong thời chiến là điều thường tình. Khi nghi ngờ thì nên canh chửng di dân xuất thân từ các quốc gia đang khai chiến với Hoa Kỳ.

Sau 15 năm chiến tranh với một số lực lượng Hồi giáo, dân Mỹ có thể nghi ngờ và chính quyền có bổn phận canh chừng. Chính quyền Barack Obama đã có quyết định canh chừng đó khi nêu danh bảy nước Hồi giáo vào diện “đáng quan tâm”, countries of concern, để thanh lọc di dân. Đấy là bảy nước trong sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump. Tại sao khi đó truyền thông dòng chính không đả kích Obama tội kỳ thị Hồi giáo mà ngày nay người ta nhao nhao chửi ông Trump?

Chuyện dân Mễ còn phức tạp hơn.

Chiến tranh Mỹ-Mễ đã bùng nổ nhưng kết thúc từ lâu. Người Mỹ không nghi ngờ dân Mễ vì cuộc chiến đó dù dân số gốc Mễ đã lên quá 32 triệu trong số 50 triệu thuộc diện “Hispanic hay Latino”. Ngày nay, chuyện dân Mễ đang gây tranh luận chỉ vì hiện tượng di dân nhập lậu, và vì nỗ lực hợp pháp hóa cư dân bất hợp pháp trong khi di dân vào ngả chính thức thì phải đợi nhiều năm.

Quốc hội Hoa Kỳ đã có đạo luật quy định thể thức đón nhận di dân chính thức, nhưng khi giới dân cử trong cơ chế lập pháp đó lại lấy những quyết định trái ngược để xử lý khoảng năm triệu người Mễ đã đột nhập phi pháp bằng cách bảo vệ họ và xuyên tạc những ai không đồng ý thì vì nhân nhượng ta cũng phải nói đến tội đạo đức giả. Yếu tố kinh tế, là lợi ích của dân lao động bất hợp pháp, là điều còn có thể bàn cãi, nhưng không thể là lý do xé luật được. Khi bộ máy công quyền còn uyên áo dùng chữ như “di dân không có giấy tờ” (undocumented immigrants) để tránh nói đến “di dân bất hợp pháp” (illegal immigrants) thì người Mỹ bình thường cũng có thể nổi đóa.

Phản ứng nổi đóa này không là phát minh của Donald Trump.

Ngược lại, nhiều người nổi đóa chống lại Donald Trump vì bầt cứ lý do gì – nhiều lắm – thì lại có cơ hội nói nhảm về chuyện di dân. Một số khá giả trong thành phần này thì chỉ biết tới di dân nhập lậu khi thuê người làm trong nhà mà chẳng biết rằng họ sống trong cõi ảo và có khi ủng hộ việc hợp pháp hóa thành phần phi pháp vì lý do kinh tế - cho đỡ tiền thuê gia nhân.

Gian hay ngoan thì tùy quan điểm!

Nhưng xã hội Mỹ có nhiều người nổi đóa và ủng hộ ông Trump không vì họ là tỷ phú giàu có mà chỉ là đám trung lưu thấp. Công việc làm và lợi tức của họ bị hoạn nạn từ lâu mà chẳng ai biết hoặc khỏi cần biết, nhưng khi “thành phần quý tộc” và ưu tú của nước Mỹ đùng đùng bảo vệ đám di dân nhập lậu vì lý do nhân đạo hay lý cớ kinh tế, có gia nhân và công nhân rẻ tiền, thì họ càng nghi ngờ các chính khách “phải đạo” đã lo cho di dân hơn là công dân.

Mà vấn đề không chỉ có vậy.

An ninh của nước Mỹ bị đe dọa với di dân hay nạn dân Hồi giáo, bản sắc của Hoa Kỳ cũng vậy, với di dân nhập lậu. Kỷ cương quốc gia là gì khi biên cương được mở rộng cho những người không tôn trọng hay hãnh diện là công dân Hoa Kỳ? Vì vậy, sâu xa hơn chuyện an ninh còn có vấn đề văn hóá. Hoa Kỳ có còn là một quốc gia có bản sắc văn hóa riêng không khi nhận cả di dân bất hợp pháp trong khi những người xin vào theo thủ tục chính thức thì đợi ở ngoài?

Hoa Kỳ đang có chiến tranh với nhiều người theo đạo Hồi và quyết định hạn chế để thanh lọc mới chỉ nhắm vào bảy quốc gia trong số hơn 40 nước có đa số dân chúng theo Hồi giáo. Từ đó mà nói nước Mỹ hay chính quyền Trump có chánh sách kỳ thì Hồi giáo, người ta đã nhảy quá xa.

Hoa Kỳ cũng chỉ nêu vấn đề về di dân nhập lậu từ miền Nam và đang có chánh sách di dân thực tiễn hơn, qua ngả chính thức. Chính quyền Trump bị kẹt ở giữa hai sự phẫn nộ. Nguyên do phẫn nộ nào là chính đáng khi nước Mỹ dưới thời George W. Bush đã muốn cải tổ chánh sách di dân, từ hơn 10 năm trước, mà chưa xong?

Ai là người phá hoại nhu cầu cải cách đó?




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét