khktmd 2015
Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2017
Mưa ở Berkeley ....- Tác giả Nguyễn Xuân Hoàng
Tháng Chạp, những ngày cuối năm, bão rớt ở Vùng Vịnh. Trời xám xịt. Lạnh. Mưa bắt đầu rơi khi tôi bước vào quán cà phê trên đường Telegraph. Cái tháp đồng hồ của đại học Berkeley sau lưng giống như ngọn hải đăng là cột mốc giúp tôi định hướng ngõ vào lớp học trong những lần đầu khi tôi mới đến thành phố này .
Quán khá đông. Có hai tầng, cấu trúc thật kỳ lạ. Mặt bằng phía trước thấp, chật; phía sau cao như một sân khấu, hẹp và ngang bè, là một thứ sân khấu khuất. Tôi mua ly cà phê, bơm một chút half & half, cầm theo gói đường equal màu xanh bước đến chiếc bàn duy nhất còn trống trong góc. Tôi đặt ly cà phê xuống, cởi áo khoác móc lên thành ghế. Sau đó bước lên "sân khấu" đi tìm phòng vệ sinh. Có ba cánh cửa không biết cửa nào mở vào toilet. Một thanh niên, có dáng vẻ sinh viên đang làm bài hay viết cái gì đó, nhìn tôi hỏi có phải ông cần restroom không. Tôi gật đầu. Anh bảo phải xuống quầy hỏi mượn chìa khóa.
Cánh cửa sắt màu đen có lưới đó là phòng vệ sinh.
Tôi lấy chìa khóa trở lại "sân khấu". Người sinh viên vẫn ngồi chăm chú với trang giấy trên mặt bàn. Phòng vệ sinh sáng và sạch, nếu ta đừng chú ý đến những chữ viết đủ màu sắc chằng chịt trên vách. Những câu văn thô tục lẫn giữa những dòng chữ như một bài thơ. Một thứ graffiti trên đường phố nhưng dồn lại trong ba bức vách của một nhà vệ sinh khá sạch. Tôi có cảm tưởng những dòng chữ này dùng để trang trí chứ không phải là phá hoại.
Có một câu chữ lớn tôi đọc được:
so long my friend, don't say goodbye....
và sau đó còn mấy dòng nữa chữ nhỏ, rất khó đọc.
Tôi tự hỏi nếu là trang trí tại sao người chủ quán buộc khách phải có chìa khóa mới vào được? Cũng có thể là không có phòng dành riêng cho nam và nữ thành ra cái chìa khóa là tiện nhất. Tôi thấy mình thắc mắc vô duyên. Tiểu xong, tôi vẫn chưa muốn bước ra ngay. Tôi cũng muốn viết một câu gì đó, bằng tiếng Việt để cho người đến sau biết rằng ở đây không chỉ có bọn Mỹ chủ nhà chơi trò chữ nghĩa lăng nhăng. Tôi tiếc là không có trong tay cây bút lông loại to. Tôi mang chìa khóa trả lại quầy tính tiền. Trở lại bàn nơi tôi để ly cà phê và cái áo choàng, tôi ngạc nhiên thấy đã có người ngồi ở đó. Một người đàn ông và một người đàn bà Á châu. Tóc tai cả hai đều ướt. Thấy tôi ngơ ngác nửa muốn ngồi xuống nửa cứ đứng trơ ra, người đàn ông đứng dậy đưa tay bắt tay tôi.
"Xin lỗi! Xin lỗi!" Ông ta nói tiếng Việt.
"Tôi thật tình không hiểu. Thế này là thế nào? Mà sao ông biết tôi là Việt Nam?"
"Tôi thấy trên bàn có cuốn báo tiếng Việt này."
"À" Tôi nhớ ra sáng nay tôi có mang theo một tờ báo Việt ngữ. Tờ báo địa phương ở San Jose ra mỗi thứ Sáu.
"Tôi thành thật xin lỗi ông, quán chật hết, không còn một bàn trống," anh ta tiếp "ông cho chúng tôi ngồi cùng bàn nhé! Ngoài trời mưa dữ lắm, mà lạnh nữa!"
Và anh quay sang người phụ nữ - từ lúc tôi trở lại bàn của mình không nghe chị nói một lời - đặt tay lên vai chị:
"Cô Mía, bạn tôi. Còn tôi, ông cứ gọi là Huy."
"Chào ông Huy. Xin chào cô Mía." Tôi hơi lúng túng.
Chị đưa tay bắt tay tôi, hơi mỉm cười. Chị có mái tóc khá dài đen mướt, mắt một mí, sáng, má lúm đồng tiền, cằm chẻ. Chị không hẳn là một phụ nữ đẹp, nhưng chị có một nụ cười thật tươi trên khuôn mặt bướng bỉnh, mạnh mẽ và quyến rũ.
"Tên tôi không phải là Mía, anh Huy đùa đấy. Tôi tên là Mia." Chị đánh vần: " Em mờ, I, MI, A. MIA . Đọc là MIA, Như Missing In Action vậy. Còn ông?"
Tôi nói tên tôi và tôi kéo ghế ngồi xuống. Người đàn ông cầm tay chị, những ngón tay dài, xanh xao. Anh nhìn chị dịu dàng và che chở trái với khuôn mặt lạnh, khắc khổ đầy lo âu của anh. Tóc anh cứng, không chải, những giọt nước mưa không làm tóc anh nằm xuống mà còn đứng sững dậy. Anh mặc chiếc áo màu kaki nhạt, khoác bên ngoài chiếc áo jacket màu xanh sẫm. Bỗng nhiên như sực nhớ điều gì, người đàn ông đứng lên:
"Xin lỗi, tôi phải lấy nước chứ. Em uống gì?" Anh hỏi cô Mía, và không chờ cô trả lời, anh quay sang tôi "Ông dùng gì thêm không?"
"Cám ơn, tôi đã có cà phê."
"Anh gọi cho em một ly hot cider đi. Trời lạnh quá!" và chị nói với tôi: "Cà phê ông đã nguội."
"Cô có cái tên thật đặc biệt. Tôi chưa bao giờ nghe một cái tên như thế ở Việt Nam."
"Đó là lý do anh Huy gọi tôi là Mía?"
"Vậy tôi gọi cô là Mía có được không?"
"Không. Ông tha lỗi. Mía là tên gọi riêng của Huy và tôi ."
Chị nói bình thản. Tôi ngượng chín.
"Cô là người ở đây?" Tôi hỏi cho có chuyện.
"Không. Tôi không ở đây. Tôi ở San Fran."
"Cô ở San Fran sao? " Tôi hỏi lại.
"Dạ phải. Ở San Fran thì sao?" Chị hỏi ngược, giọng ngạc nhiên.
"Không. Tôi chỉ hỏi vậy thôi. Là vì tôi nghe nói đời sống ở San Fran đắt đỏ đường sá chật chội nhà cửa cao quá. Đến đó chơi thì được, chứ ở thì không. Nhiều bạn tôi nói như vậy?"
"Không hẳn là như vậy đâu. Người ta vẫn sống ở San Fran được đấy chứ!"
"Cô đến Mỹ năm nào?"
"Cũng hơn 15 năm. Trước tôi ở dưới Los. Gần 12 năm. Tôi tìm được việc trên này mới vài năm nay."
"Tôi cũng đến Mỹ cùng thời gian với cô, đã ở dưới Los một thời gian gần bằng thời gian của cô. Sao tôi chưa bao giờ gặp cô. Cô thấy trên này và dưới Los có gì khác nhau?"
"Ông muốn nói khác cái gì? Con người? Sinh hoạt? Xã hội? Văn hóa? Cộng đồng người Việt mình?"
"Tôi muốn nói chung chung. Cô thấy trên này dễ chịu không?"
"Ở đâu rồi cũng quen đó. Dưới Los tôi có nhiều bạn bè hơn. Sống trên này hơn ba năm rồi nhưng tôi ít giao du thành ra nhiều lúc buồn không biết đi đâu. Vả lại công việc tôi cũng khá bận rộn thành ra không nhiều bạn quen cũng là điều hay."
"Vậy chắc là cô vẫn thường đi Los phải không?"
"Thỉnh thoảng thôi. Bởi vì càng ngày tôi càng thấy cái vùng đất này có nhiều điều hay mà dưới kia không có."
"Điều hay?"
"Cider nóng của em đây!" Huy đặt hai ly nước xuống mặt bàn.
"Cám ơn anh." Mía kéo người đàn ông về phía mình, hôn lên những ngón tay anh, sau đó chị ấp hai bàn tay vào ly nước như muốn lấy hơi ấm.. Chị uống từng ngụm nhỏ. Mắt chị không rời Huy. Và chị nói chậm rải: "Huy là một điều hay của tôi." Chị lại nắm bàn tay người đàn ông, tiếp: "Và cũng là điều suy nghĩ của tôi. Nếu không gặp Huy có lẽ tôi đã bỏ xứ này về lại dưới kia từ lâu rồi."
"Vậy sao?" Tôi nhìn người phụ nữ, rồi nhìn người đàn ông. Tôi muốn biết cái gì đã gắn họ lại với nhau. Cả hai đều không còn trẻ. Mặc dù, rõ ràng là chị trẻ hơn anh rất nhiều. Trên khuôn mặt mỗi người tôi đọc thấy một nỗi khắc khoải. Những nếp nhăn ơ? đuôi mắt của chị, những vết hằn trên trán của anh. Dù vậy tôi thấy trong sự chăm sóc của cả hai toát ra một đam mê, một thứ tình yêu cuồng tín.
"Xin lỗi ông, thế ông làm gì ở đây?"
"Tôi hả? Tôi không phải dân ở đây." Tôi không muốn nói việc làm của tôi. "Tôi ở San Jose. Tôi lên đây có chút việc."
"Anh Huy?" Chị quay sang người đàn ông. "Chân em lạnh quá!" Chị đặt cả hai chân lên đùi anh.
Người đàn ông cúi xuống. Anh bóp bóp chân chị, vụng về kéo từng ngón, khuôn mặt ánh lên một vẻ say mê kỳ lạ. Đột nhiên tôi nhìn thấy chiếc vớ màu xanh sẫm của chị tuột ra rơi xuống, và Huy nâng bàn chân trần của chị lên hà hơi giữa những kẻ chân, và tôi có cảm tưởng như anh cắn ngón chân út và hôn cổ chân của chị.
"Huy! Trời ơi!" Chị kêu giọng thảng thốt.
"Có gì đâu!" Tôi nói. "Cô đã thấy đỡ lạnh chưa?"
"Đỡ lắm rồi. Cám ơn ông." Và chị nói với người đàn ông. " Anh bóp mạnh chân em, mạnh nữa đi!" Chị chồm người qua mặt bàn hôn người đàn ông. Họ hôn nhau say đắm tưởng như trái đất này chỉ có hai người. Tôi nghĩ tình yêu của họ chắc phải là mãnh liệt lắm mới khiến họ không nhìn thấy trời đất gì chung quanh. Những người khách trong quán vẫn đọc sách, báo, vẫn viết, vẫn cười nói, chuyện trò quanh ly cà phê. Người chủ quán đang nghe điện thoại, đứng bên cạnh anh ta, sau quầy là một thanh niên chải tóc ngược kiểu mồng gà, hai cánh tay xâm hình chằng chịt, cạnh bàn chúng tôi là hai cô gái tóc vàng châu đầu vào một trang sách cười khúc khích.
Một người khách vừa bước vào, đứng giữa cửa, đang xếp dù rủ nước bám trên vải...Ông ta lớ ngớ nhìn quanh phòng. Mưa đã giữ khách lại. Vẫn không còn một bàn nào trống.
Tôi thấy mình thừa thải.
Bên ngoài, chiều đã xuống. Mùa này ngày ngắn đêm dài. Và trời đang mưa..
Tôi hớp thêm một ngụm cà phê, đứng dậy.
"Chào cô Mía, chào ông. Có lẽ tôi phải về."
"Về? Ông về đâu?" Người đàn ông hỏi.
"Về Milpitas."
"Mưa lớn lắm. Sao ông không ngồi thêm một chút. Trời này lái xe nguy hiểm!" Cô Mía nói. "Chúng tôi cũng sắp chia tay rồi."
"Chia tay? Thế hai người không cùng về chung à?" Tôi ngạc nhiên.
"Không, tôi phải trở lại San Fran. Huy thì về Palo Alto. Tại sao ông nghĩ là chúng tôi phải về chung?" Cô Mía nói.
"Tôi tưởng vậy thôi."
"Chắc ông nghĩ rằng khi người ta yêu nhau là phải ơ? chung dưới một mái nhà? Chúng tôi mỗi người đều có một nơi để trở về."
Chị nói với một giọng đều và buồn. Có vẻ như chị cũng không muốn tin vào điều mình nói nữa. Tôi không nghĩ là chị đang nói với tôi.
Sau cùng, người đàn ông lên tiếng:
"Ông lái xe hay đi BART?* Tôi có thể đưa ông về."
"Cám ơn." Tôi nói. "Thường thì tôi đi BART. Hôm nay tôi lái xe."
Tôi mặc áo khoác, cầm tờ báo, quyết định.
"Xin chào!" Tôi đưa tay về phía người đàn bà. Cô Mía bắt tay tôi và nói: "so long my friend, don?t say goodbye...."
Tôi nghe tiếng chị nói như hát. "So long my friend, don't say goodbye...." Đúng là câu tôi vừa đọc thấy lúc nãy. Tôi lớ ngớ nhìn chị, và tôi bắt gặp nụ cười của người đàn ông:
"Tôi biết tại sao ông lúng túng! Ông đọc được câu đó trong phòng vệ sinh phải không?"
"Phải. Sao ông biết?"
"Tại vì tôi cũng đã đọc được câu đó."
"Bộ ông và cô đây quen thuộc cái quán này lắm sao?"
"Chúng tôi vẫn thường hẹn nhau ở đây. Cái bàn này gần như dành cho chúng tôi. Nói đùa đấy, tôi làm sao đủ tiền mua cái bàn này."
"Nhưng tôi nhớ không lầm, sau cái câu cô Mía vừa đọc còn mấy câu nữa mà. Chẳng lẽ ông cũng thuộc?"
"Không, tôi thì không. Nhưng cô Mía thuộc đấy. Mía, em đọc cho ông bạn chúng ta nghe bài này đi. Bài gì mà em bảo là của ban Ataris đó!"
"Đó là một ca khúc của bọn trẻ ở đây có tên là Hello and Goodbye. Ông có muốn nghe tôi đọc không?"
"........"
"So long my friend, don't say goodbye..
just give me one last kiss beneath this gloving sky
we'll go walking through the park
and hang out in the rain.... "
Người đàn ông ôm hôn cô, vội vã như sợ cô biến mất:
"Đừng anh!" Mía nói. "Đã đến giờ rồi, em phải về thôi." Chị đứng dậy, choàng tay qua vai anh, kéo đầu anh xuống, hôn anh và thì thầm trong tai anh, rồi chị cầm bàn tay người đàn ông lên hôn và ngậm trong miệng rất lâu một ngón tay của anh. Người đàn ông nói:
"Còn sớm mà!. Mía có biết là anh cần em đến chừng nào không?"
Anh rút bàn tay ra, ôm siết người đàn bà.
"Còn mấy hôm nữa là Tết rồi. Từ giờ tới đó, em sẽ không gặp anh được đâu!" Chị lấy hai tay đập đập lên ngực anh. Tôi thấy mắt chị có ngấn nước. Và chị quày quả bước ra cửa.
Không nhìn anh. Không nhìn bất cứ ai.
Tôi biết chắc là ngoài trời vẫn còn mưa.
Và cơn mưa dai dẳng đó cũng đã chạy theo tôi suốt dọc đường về.
Quán tên gì tôi không nhớ, nhưng cà phê khá ngon, ít nhất là ngon hơn thứ cà phê Starbucks mà nhiều người hiện nay ưa thích.
Tôi không gặp lại cô Mía và người đàn ông tên Huy một lần nào nữa. Tôi biết là họ yêu nhau - yêu một cách cuồng nhiệt như thể cả hai đang ở tuổi mười tám đôi mươi - nhưng tôi cũng cảm thấy hình như có một điều gì đó chen giữa hai làn môi của họ, mơ hồ không trọn vẹn.
Tôi muốn viết về họ. Về nhân vật Huy, mà tôi tưởng tượng là một người qua Mỹ gần 25 năm nay, thành công trong kinh doanh, nhưng vẫn chưa tìm ra được điều mình muốn tìm. Và người phụ nữ tên Mía, trẻ tuổi hơn, mặc dù đến xứ sở này muộn hơn, đã học hành thành đạt hơn, và cũng đã có được một chỗ đứng trong xã hội, nhưng trong tay chị vẫn là sự trống vắng thiếu hụt. Tôi nghĩ cả hai đều có đời sống riêng, những lo toan riêng, những liên hệ riêng. Và giờ đây như hai hạt bụi bay giữa đất trời, họ chạm vào nhau. Rất tình cờ. Và họ khám phá ra là họ cần nhau. Mỗi người vừa tìm thấy sự lấp đầy trong lỗ hổng của người kia. Nhưng cái cách họ hôn nhau, và cả cái cách chia tay của họ như có điều chi vướng mắc. Làm sao tìm cho ra cái đầu mối ấy nằm ở đằng sau cánh cửa tình yêu say đắm của họ. May ra....
Những dòng chữ trên thật ra chỉ là cách kể lại một câu chuyện trong một chiều mưa ở thành phố Berkeley. Và hình ảnh buồn rầu của khuôn mặt người đàn ông khi anh ôm người phụ nữ trong tay, khi bóp bóp bàn chân cô, khi cúi hôn những ngón chân khẳng khiu xanh xao của cô giữa một quán cà phê đông người, và cảnh chia tay kỳ lạ của họ cứ bám theo tôi mãi về tận nhà.
Liệu người đọc có tin được một tình yêu cuồng nhiệt như thế giữa hai người đã không còn tuổi trẻ? Liệu cái cảnh người đàn ông cúi xuống hôn chân người đàn bà giữa một quán cà phê đông người có thuyết phục được người đọc? Liệu tôi có cường điệu quá đáng trong hư cấu của một cuốn tiểu thuyết sẽ viết không? .........
Tôi vẫn nghĩ đôi khi hư cấu không bắt kịp hiện thực. Hiện thực có lúc còn vượt quá cả sức tưởng tượng của con người nữa là đằng khác...
Trời mù đặc. Trắng đục. Tôi là một tay lái xe tồi. Có lúc tôi nghĩ là chắc gì mình an toàn trở về thành phố. Mưa lớn, có lúc tôi muốn tấp vào Oakland trốn mưa. Nhưng đó chỉ là ý nghĩ. Tôi cứ tiếp tục ngó về phía trước. Ánh đèn của những chiếc xe chạy ngược chiếu rõ những giọt mưa lấp lánh. Tôi nghĩ đến một cuốn truyện sẽ viết như lời hứa với bạn tôi. Ít nhất cũng là cuốn thứ ba trong bộ ba Người Đi Trên Mây mà tôi đã nợ với độc giả của mình, và cụ thể là nợ một nhà xuất bản. Cái máy computer thật lợi hại. Cái nút delete đã xóa mất của tôi trên trăm trang sách viết dở dang. Tôi không đủ can đảm viết lại những dòng chữ đã viết. Và bỗng nhiên khuôn mặt đắm đuối của cô Mía khi áp vào ngực người đàn ông tên Huy hiện ra trong trí nhớ tôi, Tình yêu cuồng tín của họ theo tôi đến tận nhà.
Milpitas. Thành phố ấy có gì để tôi lưu luyến. Tôi đã ở với nó hơn ba năm trời. Năm đầu cay đắng. Năm thứ hai ngọt ngào. Nhưng năm thứ ba là sự buồn bã. Và năm thứ tư trước mắt tôi như cánh đồng không mông quạnh dưới chân một ngọn núi ở một vùng quê Khánh Hòa, Nha Trang khi tuổi tôi vừa mới lên năm. Xa gia đình. Bơ vơ. Lạc loài. Sợ hãi. Không biết đâu là nơi nương tựa. Tôi là một đứa bé mồ côi.
Năm đó là năm đầu tiên của cuộc chiến tranh Việt Nam.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét