khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016

TRƯỜNG HỢP NHẠC SĨ TRỊNH CÔNG SƠN- Tác giả Nguyễn Mâu là một cựu đại-tá, Trưởng Ngành Cảnh-Sát Đặc-Biệt của Tổng-Nha (sau này là Bộ Tư-Lệnh) Cảnh-Sát Quốc-Gia.



Chúng tôi xin phép anh linh Trịnh Công Sơn được gọi anh bằng anh như thuở nào. Chúng tôi nói thẳng ở đây rằng giữa chúng tôi không có tình thâm giao nhưng rất hiểu nhau và kính trọng nhau. Thật dễ hiểu: làm sao là bạn thân được khi một người là nhân viên công an rình rập dòm ngó anh và anh lại là một nghệ sĩ có tâm hồn đang đau nhức với cái đau nhức của dân tộc và sáng tác vì cái đau nhức ấy.

Một hôm vào cuối năm 1969, một đơn vị cảnh sát theo lệnh của một thượng cấp không tiện nêu danh đã bắt anh Trịnh Công Sơn và giải giao về Ngành Đặc Biệt  (tại Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia, Saigon). Chúng tôi gọi Trung Tâm Thẩm Vấn đưa anh ấy lên gặp chúng tôi. Anh chị em D6  (Trung Tâm Thẩm Vấn Trung Ương) ngạc nhiên không ít vì nội vụ chẳng có gì đáng để bận tâm trưởng ngành.


Anh Sơn ngồi đối diện với chúng tôi bên kia bàn viết. Chúng tôi mời anh tách trà và xin lỗi vì trà đã nguội. Anh ấy nhìn chúng tôi như dè dặt không hiểu chúng tôi sẽ giở trò gian ác hay tiểu xảo gì chăng. Tôi vội phân minh:

- Anh chớ nghĩ ngợi. Chúng tôi chẳng có ý định ranh mãnh gì hết.


Chúng tôi thêm:

- Anh viết nhạc phản chiến.


Anh ta vẫn ngồi yên, mặt như bọc sáp không một nét thay đổi nào cho ta đọc được cảm tưởng hay ý nghĩ của anh ấy.


Không phải để trấn an nhưng để cho anh ấy biết một sự thật khá hiển nhiên nhưng có thể anh ấy không nghĩ đến và cũng để đo đạt tinh thần thân Cộng của anh ta, tôi chậm rãi mở lời:

- Anh biết đó nhân dân miền Nam, những người quốc gia, chính phủ quốc gia không hiếu chiến; tất cả cũng biết rõ chiến tranh tàn phá quê hương xứ sở; tất cả mọi người không ai thích chiến tranh. Chúng tôi không sợ nhạc phản chiến và các phong trào phản chiến.


Anh Sơn ngước nhìn tôi, khẽ nhếch môi như muốn nói điều gì nhưng lại im lặng.


Chúng tôi nói tiếp:


- Nhân dân miền Nam không hiếu chiến. Chính quyền miền Nam không gồm những đồ tể chuyên nghiệp. Chúng tôi không sợ nhạc phản chiến của anh. Chính Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản là những kẻ sợ nhạc phản chiến của anh. Chính họ lo âu nhân dân miền Bắc vùng dậy phản chiến vì đã quá cơ cực lầm than. Đó là theo những tài liệu tối mật đối với họ mà thích thú đối với chúng ta. Chúng tôi đã tịch thu tài liệu này trong một cuộc hành quân.

Anh Sơn như muốn nhân dịp phân bua:

- Như vậy, tôi sẽ được đi về.


Chúng tôi lập tức có nhận định rằng anh Sơn yêu nhạc nhưng không thích chính trị. Anh ấy dùng chữ “được đi về” thay vì trả tự do. Đa số cán bộ Cộng Sản ở mọi cấp bị bắt và được chúng tôi tiếp xúc trên đầu môi họ lúc nào cũng “tự do, độc lập, hoà bình, tranh đấu” rất công thức như bị nhồi sọ.

Chúng tôi nói thêm:

- Các không ảnh chụp từ một cao độ cho thấy ở phía Bắc vĩ tuyến 17 chỉ có đàn bà trên đồng ruộng và không thấy bóng đàn ông. Các cán binh Cộng Sản từ Bắc vào Nam hồi chánh hay bị bắt đều cho biết tang tóc kinh hoàng phủ trùm đất Bắc và thật khó gặp được một nam thanh niên 17 tuổi từ Bắc Quảng Trị cho đến tận Lạng Sơn, Cao Bằng. Kinh hãi vì chiến tranh là nhân dân miền Bắc. Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản sợ nhạc phản chiến tác động lòng bộ đội và nhân dân rồi phản loạn sẽ xảy ra.

Anh Sơn đổi hẳn thái độ. Anh ấy không còn im lặng và lầm lì nữa mà nói chuyện rất cởi mở:


- Tôi chẳng phản chiến và cũng chẳng hiếu chiến. Tôi sáng tác để nói lên một thực trạng đau thương của quê hương. Và duy chỉ có thế; không chính trị; không thiên hữu hay thiên tả.
Chúng tôi tỏ ra chăm chú nghe để khuyến khích anh nói. Chúng tôi nghĩ có thể chăng đây dịp để hiểu biết một tâm hồn nghệ sĩ vốn được xem như khó hiểu đối với nhiều nhân vật trong hàng sĩ phu quốc gia có trách nhiệm vẫn hay nói chuyện với nhau “tại sao Trịnh Công Sơn hắn thế này lúc này và thế khác lúc khác, v.v...”

Anh ấy tiếp tục:

- Có người bảo tôi rằng tôi đã có những lời nhạc làm tổn thương Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam như “đại bác đêm đêm dội về thành phố”. Đạn rót vào thành phố không thể là đạn của quân đội Việt Nam Cộng Hoà mà chỉ là đạn của Giải Phóng đã gây nhiều tang thương và đổ nát.

Chúng tôi biết anh ấy nói không phải để lấy điểm hay kể công. Chúng tôi cũng biết rằng nếu hỏi anh ai đã chỉ trích anh làm hại cho Mặt Trận Giải Phóng anh sẽ không nói và chỉ làm cho anh trở thành câm lặng. Để dò phản ứng, chúng tôi hỏi thẳng:


- Anh có hoạt động cho trí vận Cộng Sản? Cho Hội Văn Nghệ Sĩ Yêu Nước Cộng Sản? Anh viết nhạc phản chiến theo chỉ thị của Cộng Sản? Có hay không?

- Không.

Anh ấy trả lời gọn ghẽ.


Chúng tôi lật hẳn con bài tẩy:

- Có thể anh đã nói đúng. Chúng tôi không tìm thấy được một bằng chứng nào về việc anh hoạt động hay tham gia một tổ chức Cộng Sản.

Có thể vì quá ngạc nhiên, anh trố mắt nhìn chúng tôi như muốn thôi miên chúng tôi hay đang bị chúng tôi thôi miên.


Chúng tôi đẩy sát anh vào chân tường:

- Anh nghĩ sao nếu nhạc phản chiến của anh và giọng hát trầm ấm tuyệt vời của cô Khánh Ly được một tuần dương hạm phát thanh thẳng vào Bắc Việt bằng ăng ten định hướng  (directional antenna) và dọc đường mòn Hồ Chí Minh bằng phi cơ trên cao độ. Ban Tuyên Huấn Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản sợ nhạc phản chiến của anh, cụ thể bản Gia Tài Của Mẹ với lời than oán “Hai mươi năm nội chiến từng ngày... gia tài của mẹ để lại cho con là nước Việt buồn... gia tài của mẹ... một rửng xương khô... gia tài của mẹ một núi đầy mồ...” 


Anh Sơn không trả lời thẳng câu hỏi nhưng nét mặt sáng rỡ, niềm vui không giấu giếm, mắt long lanh hàm chứa sự thích thú và hài lòng đến cùng độ. Chúng tôi không nghĩ rằng anh vui mừng vì có tinh thần chống Cộng cao độ. Chúng tôi cũng không nghĩ rằng anh giả vờ vui để tỏ ý chống Cộng trước một viên chức thuộc ngành công an. Anh đã vui vì tâm tư và ý tưởng đối với quê hương tang tóc, về một cuộc chiến tương tàn cần phải chấm dứt đã được gửi gấm đi xa, qua làn sóng điện đến với những người có trách nhiệm.

Nhìn nét mặt của anh, chúng tôi chắc chắn đã hiểu anh hơn bao giờ và lòng không tránh khỏi xúc động. Để cho niềm vui của anh trở thành một chút gì cho anh nhớ và ghi lòng, chúng tôi cho anh biết thêm rằng việc phát thanh dường như đã đuợc thực hiện từ hơn năm qua.


Anh tâm sự dạn dĩ hơn:


- Tôi không kêu gọi họ buông súng hay mang súng trở về như Bộ Chiêu Hồi nhưng tôi đã làm việc ấy một cách tế nhị và rất thâm trầm như bài Lại Gần Với Nhau với lời nhạc  “...đừng bỏ tôi... đừng bỏ tôi... đi hai mươi năm qua... còn gì cho anh... còn gì cho tôi... không còn gì... không còn gì... còn lại chiến tranh... hai mươi năm chinh chiến mẹ ngủ không yên...” Và còn nhiều nữa, tôi đã nói thẳng với họ hãy vượt mọi trấn áp, từ bỏ rừng núi... mà trở về cùng với dân tộc đang chịu quá nhiều đoạ đày thống khổ như bài Nối Vòng Tay Lớn với câu kết luận  “Vượt thác cheo leo... hay ta vượt đèo... từ quê nghèo lên phố lớn... nắm tay nối liền biển xanh sông gấm... nối vòng tay lớn...” Tôi đã nói chuyện với họ như bằng hữu, như anh em chứ không phải như ông Bộ Trưởng Chiêu Hồi. Phương cách của tôi theo tôi nghĩ có thể thích hợp và được họ vui vẻ chấp nhận và lãnh hội hơn. Tôi thương yêu và kính trọng họ thật, với tình người thật, với tinh thần ruột thịt thật và muốn trải với họ chút tâm sự thật. Tôi có thể bị công an, bị chính ông kết tội nhưng đó là sự thật tôi không giấu giếm. Cũng bằng cách này, tôi đã gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh cho những giới chức chỉ đạo chiến tranh của bên này và cả bên kia.

Nhưng, vẫn chữ “nhưng” quái ác, chính Cộng Sản tháng 4, 1975 khi vào Sài Gòn lại phát thanh, phổ biến cả bằng tranh với chim bồ câu hoà bình bản Nối Vòng Tay Lớn cùng với các bản nhạc khác của họ. Điều này trái với ý kiến của anh Sơn được trình bày tự trên. Khó hiểu? Phải chăng họ muốn nương dựa vào ảnh hưởng của Trịnh Công Sơn trong lòng dân miền Nam để phát huy nhạc nặng căm hờn và tanh tưởi xương máu của họ. Dù sao, bản Nối Vòng Tay Lớn đã có ý khác khi anh Sơn vừa sáng tác hơn bảy năm trước và được họ muốn hiểu trệch đi hơn bảy năm sau. Đây chỉ là vấn đề diễn dịch và ý nghĩa thay đổi theo cảnh huống và thời gian. Hơn nữa, bọn chạy hiệu Ba Mươi Tháng Tư, đeo băng đỏ, lại hò hét phát thanh nhạc Trịnh Công Sơn mà họ tưởng được Cộng Sản những người chủ mới thích thú.


Chúng tôi ít nhiều cảm khái và tin rằng anh Sơn vô tư trong chính trị, với lập trường không thiên vị, không theo những người quốc gia triệt để mà cũng chẳng theo bọn Cộng Sản. Qua những lời tâm sự, có thể anh đã phải tránh qua, né lại, lúc chường, lúc trốn, dù là bạn nhưng vẫn phải đối phó với Hoàng Phủ Ngọc Tường và vài người khác vốn là cơ sở trí vận Cộng Sản. Thi hành thiên chức của một nghệ sĩ, anh đã dùng lời ca và ý nhạc nói lên tình trạng quê hương rách nát, dân chúng lầm than, máu và xác người khắp nơi khắp chốn và sinh mệnh người rụng ngã mỗi ngày. Qua tài liệu, chúng tôi được biết do phản ứng tất yếu, dân chúng miền Bắc quá khốn khổ vì bọn đồ tể hiếu chiến Cộng Sản đã tiếp nhận nhạc Trịnh Công Sơn với tất cả thích thú và đam mê. Quả như thế, sau 1975, chúng tôi có dịp đọc Văn Cao viết về Trịnh Công Sơn  “bởi Sơn đã hát về quê hương đất nước bằng cả tấm lòng của một đứa con biết vui tận cùng những niềm vui và đau tận cùng những nỗi đau của tố quốc mẹ hiền... Tôi muốn nhắc đến ở đây một kỷ niệm không thể quên ở nhà một người bạn trẻ. “Đêm ấy, lần đầu tiên, tôi nghe Trịnh Công Sơn. Những bạn trẻ hát cho tôi nghe gần như suốt đêm hàng loạt ca khúc Trịnh Công Sơn   (không biết họ học ở đâu)   hát say sưa đến nỗi đứt cả dây của cây đàn ghi ta duy nhất có trong nhà.” Chúng ta hẳn ai cũng biết Văn Cao không bao giờ là đảng viên Cộng Sản mà còn là một nghệ sĩ hữu công với những sáng tác quí giá để đời nhưng bị Cộng Sản đày đoạ thiếu ăn thiếu mặc, cho đến ngày qua đời cũng hẩm hiu.


Trong lúc toàn thể quân chính Việt Nam Cộng Hoà dốc toàn lực trong chiến tranh chống xâm lăng Cộng Sản, nhạc phản chiến hẳn nhiên bị lên án và Trịnh Công Sơn được nhìn như kẻ thân Cộng. Cộng Sản lại cổ võ hoà bình để che giấu dã tâm xâm lăng hiếu chiến. Không ít, số người nghĩ rằng Cộng Sản cổ võ hoà bình mà Trịnh Công Sơn lại phản chiến đúng anh ấy thân Cộng nếu không là Cộng Sản chính tông. Lối buộc tội này tuy quá đơn giản nhưng lại rất thông thường.

Đã thế, sau tháng Tư năm 1975, Trịnh Công Sơn lại chịu ngón đòn thù độc ác của Trần Bạch Đằng, chính Uỷ Ban Quân Quản Sài Gòn Chợ Lớn, quyền uy nhất thống lúc bấy giờ. Trong lúc vài trăm nghìn người vừa chạy ra khỏi nước vẫn ngóng trông về quê mẹ theo dõi mọi diễn tiến, ông Đằng lại phong cho anh Sơn chức Thiếu Tá quân đội nhân dân  (Cộng Sản) làm như anh ấy đã là tay chân hữu công của họ từ bao giờ. Anh Sơn còn bị phải mang trên áo quân hàm thiếu tá Cộng Sản. Với thành kiến sẵn có, đồng bào hải ngoại lại ghét bỏ và chê bai anh ấy bằng những thậm từ mà chúng tôi, với tất cả lương tâm, phải giải toả. Âu đây cũng là một trách nhiệm tinh thần đối với anh ấy đã nằm xuống cũng như đối với các văn nghệ sĩ chân chính khác.

Mãi đến tháng 5 năm 2004, trên Nguồn số 2 và những số kế tiếp, Giáo Sư Nguyễn Thanh Ty đã viết rất trung thực và rất chi tiết về anh Sơn vì chẳng những là đồng khoá sư phạm, đồng liêu trong ngành giáo dục, cùng nhà trọ trong 5 năm liền và rút gọn là bạn vong niên không cùng sở đắc nhưng rất hiểu biết nhau. Tác giả Về Một Quãng Đời của Trịnh Công Sơn không hề biết anh ấy “có hay không là Cộng Sản hay thiên Cộng hoặc đi giữa... suốt những năm sống chung với Sơn, tôi không thấy Sơn có một hành động cụ thể nào khả dĩ gọi là có vẻ Việt Cộng...” Cũng trong loạt bài này, đoạn cuối “Giã Từ”, Giáo Sư Ty không nói rõ nhưng chúng ta thấy rất hiển nhiên là Trịnh Công Sơn bị “bảo vệ” bao vây gìn giữ chặt chẽ, bạn thân và bà con không đến gần thăm viếng được. Một câu hỏi nghiêm chỉnh và xác đáng: Là nhân vật quan yếu như thế nào để anh Sơn có “bảo vệ”??? Phải chăng anh Sơn đang chịu tù lỏng gọi là quản thúc, một biện pháp công an không còn là khó hiểu và đã trở thành khá phổ thông. Có thể, bề ngoài, trước mắt dân chúng anh ấy vẫn được Cộng Sản biệt đãi. Một cách công bằng, chúng tôi ghi nhận, cũng trong loạt bài này, Giáo Sư Ty đã nêu lên nghi vấn  “trừ khoảng năm 1965, Sơn nhận được rất nhiều thư của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường và tiếp theo là những cuộc tiếp xúc bí mật tại một trang trại ở Phi Nôm gần Tùng Nghĩa, Đà Lạt.” Những cuộc tiếp xúc như thế nào không hề được chứng minh nhưng dù sao cũng đã xảy ra từ hơn bốn năm trước (1965-1969).


Chúng tôi xin trở lại với buổi gặp gỡ anh Sơn tại văn phòng Ngành Đặc Biệt. Chúng tôi có thể xác định rằng anh Trịnh Công Sơn không tha thiết với chính trị, không tham muốn quyền chức. Anh ấy viết nhạc với tất cả tim và óc nhưng không đi tìm cho mình một chỗ đứng hay vị trí bản thân trong văn học sử, bộ môn nhạc. Anh ấy viết vì thiên chức nhằm truyền cảm, nhằm diêu phô những dòng tư tưởng đang đỏ rực hay đốt cháy tâm hồn của chính anh. Có thể, chúng tôi đã nhầm và đã huyền thoại hoá cuộc đời và sinh hoạt tư tưởng của anh ấy chăng?


Cuộc đàm luận chính sự đã là quá dài đối với anh ấy. Để đổi không khí, chúng tôi quay qua nói chuyện về các chủ đề văn nghệ, các xu hướng văn nghệ có tính thời đại và các văn nghệ sĩ tiêu biểu.


Chúng tôi điện thoại cho Thiếu Tướng  (Trần Văn) Hai, tư lệnh để lãnh hội ý kiến và quyết định. Chúng tôi hỏi D6 các dữ kiện pháp lý có thể nêu ra trước toà án.


Chúng tôi vui vẻ đùa với anh rằng “anh sẽ được đi về nhà” đúng như lời anh nói, ý anh muốn lúc bắt đầu nói chuyện. Anh ấy cười nửa miệng và quên cám ơn theo công thức và sáo ngữ.

 
Chúng tôi ngỏ ý muốn gặp anh dăm ba tuần một lần để thăm viếng, nói chuyện, uống trà hay nhậu. Anh đã đến mỗi lần hẹn. Chúng tôi gặp nhau không bí mật nhưng kín đáo.
 
Chúng tôi gặp nhau như hai người bạn dù có sự chênh lệch tuổi tác. Chúng tôi thường nghe anh ấy nói chuyện về xu thế văn học nghệ thuật. Chúng tôi không xem anh ấy như một cộng sự viên tình báo mà là người em khó tính cần được chiều đãi. Linh diệu vẫn mãi mãi là phương châm trong các hoạt động tình báo. Linh động để đạt diệu ứng: anh chị em trong Ngành Đặc Biệt chưa dễ đã ai quên. Chúng tôi đã tiếp xúc với Trịnh Công Sơn vì nghiệp vụ. Chúng tôi đã quí mến anh ấy vì sự nghiệp văn học  (bộ môn nhạc) do anh ấy để lại cho đời. Chẳng kém Phạm Duy, anh ấy đã có hơn 150 tác phẩm với tình tự dân tộc thâm thuý, với tình yêu đôi lứa gắn liền với đồng lúa chín với mẹ già, không chút lãng mạn, nếu chúng ta hiểu từ lãng mạn một cách thông thường như một thành ngữ bình dân. Cho đến hôm nay, ở Mỹ hay các nơi khác trên thế giới, nhạc Trịnh Công Sơn vẫn được ái mộ. Chúng ta với quốc gia chủ nghĩa dù cực đoan đến thế nào vẫn không hiếu chiến, vẫn không muốn thấy khăn tang trên đầu trẻ thơ. Nhan nhản ở miền Bắc, trong chế độ Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa và cũng nhan nhản ở miền Nam trong chế độ Việt Nam Cộng Hoà không thiếu giống ký sinh trùng phát triển trong chiến tranh, tạo dựng gia tài kếch xù nhờ chiến tranh và lừng lững ôm gọn nào bổng nào lộc, tiền rừng bạc biển do chiến tranh. Không có chiến tranh, họ chỉ là một lũ chuột hay bọn vô tài giương mắt ếch nhìn đời. Và chỉ bọn họ mù loà không nhìn thấy tất cả tang tóc đau thương chưa từng có từ thời lập quốc Hồng Bàng: hàng triệu gia đình mất ngưòi thân yêu, hàng triệu trẻ con mồ côi, hàng triệu thiếu phụ goá bụa, hàng triệu kẻ cụt tay chân, bò lê hay bò lết giữa phố chợ, làng mạc ruộng vườn thành tro thành khói. Chống chiến tranh là đúng, là không sai miễn là không dưới danh nghĩa và chỉ đạo của phong trào “hoà bình” xảo trá Cộng Sản.

Trịnh Công Sơn sinh năm 1939 đã nằm xuống ở tuổi ngoài 62 dường như vào năm 2001.


Chúng tôi nghe và chưa phối kiểm được rằng trước khi trút hơi thở cuối cùng, anh ấy đã tỏ ý từ chối không muốn được chôn cất trong Nghĩa Trang Liệt Sĩ của Cộng Sản. Nếu Cộng Sản chủ xướng cho anh một đám tang phù hoa, điều đó chẳng làm chúng ta ngạc nhiên. Tiểu xảo vẫn là sở trường của họ.


Viết đến đây, chúng tôi được nói chuyện qua điện thoại với Giáo Sư Nhan T H... vừa đến Mỹ định cư ở quận Cam theo diện bảo lãnh. Giáo Sư H. cho biết chính giáo sư bị Cọng Sản trù vì niệm Phật trong giờ học tập sinh hoạt và chính Trịnh Công Sơn cũng bị kiểm thảo gay gằt và “trù’ nặng vì những ca khúc sáng tác sau 1975 ví dụ như bài “Những Con Mắt Trần Gian với lời hát  “Những con mắt tình nhân nuôi ta biết nồng nàn. Những con mắt thù hận cho ta đời lặng câm. Những mắt biếc cỏ non xanh cây trái địa đàng. Những con mắt bạc tình cháy tan ngày thần tiên. Ngày ra đi với gió ta nghe tình đổi mùa. Rừng đông rơi chiếc lá, ta cười với âm u. Trên quê hương còn lại ta đi qua nửa đời, chưa thấy được ngày vui...” Cộng Sản đã nặng lời với anh Sơn rằng cách mạng vô sản thành công, tất cả đều huy hoàng tại sao Trịnh Công Sơn lại bảo “nửa đời chưa thấy ngày vui... ai bạc tình để cháy tan ngày thần tiên... để ta cười với âm u... cho ta đời lặng câm.”

Dù sao, không ít người được hả dạ khi bằng hữu/thân nhân của anh ấy đã thực hiện được một ngôi mộ khang trang cho một tài năng đã đoạn tuyệt ra đi. Một ánh sao băng sáng rực nhưng vừa chợt tắt.

Anh ấy đã ra đi nhưng bao vấn nạn còn để lại. Chúng tôi đã thực lòng viết ra đây về anh ấy, nhân danh một cựu nhân viên tình báo đã từng bới xới tìm hết tì vết của anh để truy tố. Anh ấy đã nằm xuống và trở thành vô hiệu hoá toà án, công tố, bị can, biện hộ. Tất cả nay trong quyền xét đoán vì văn học sử của mỗi độc giả.


Chúng tôi giang tay và cúi đầu thật thấp cầu nguyện chỉ mong linh hồn anh tìm được sự an nghỉ chốn vĩnh hằng.

(Trích từ cuốn N.D.B. NGÀNH ĐẶC BIỆT [The Special Branch] của Nguyễn Mâu, xuất bản tại San Jose, năm 2007, trang 215-33)
 


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét