khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 20 tháng 3, 2016

Nắm tay nhau đi lên từ tan tác - Tác giả Nguyệt Quỳnh



“Ôi tiếc thương bao mùa lúa vun trồng
Một Mùa Thu nước lũ
Trở thành bùn nước mênh mông…”
(Đồng Lầy – Nguyễn Chí Thiện)


Mỗi người Việt Nam yêu quê hương, hành động hay tiếc nhớ quê hương bằng cái cách của riêng mình; nhưng đa số, dù khác biệt chính kiến, vẫn tha thiết yêu và nhớ cái nếp nghĩ, nếp sống của dân mình. Ngày nay, nếp sống, nếp văn hóa ấy cứ ngỡ như chỉ còn là hình bóng. Gọi là hình bóng vì nó không còn thật nữa rồi; cho dù, nhiều người hôm nay, chân bước đi, bàn chân bám trên đất, mũi thở không khí, tai nghe tiếng xôn xao hàng xóm gọi nhau, quơ tay là ôm được cả nắng, cả gió nhưng tất cả không còn là Việt Nam, không còn là quê hương. Thử hỏi có ai không tiếc nhớ!?

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc luôn tự hào về con người và tự hào về lòng ái quốc. Điều này được nhìn thấy qua thơ văn của các văn nhân thi sĩ qua nhiều thời đại. Qua thơ văn, qua niềm tin đối với dân với lính của những vị vua tài, tướng giỏi như Trần Nhân Tông, Phạm Ngũ Lão… qua suy tư của những thiếu nữ bản lĩnh, những chàng trai kiệt xuất như Bùi Thị Xuân, Nguyễn Huệ, … Người VN quý trọng nhau qua nhân cách, qua cách sống, cách hành xử vì dân tộc vì tha nhân. Người VN đặt trách nhiệm đối với tổ quốc lên trên tất cả, có thể nói người VN yêu quý sinh mệnh của tổ quốc hơn sinh mệnh của chính mình.

Trên đời này, có người nào yêu con bằng mẹ, nhưng hàng hàng lớp lớp những bà mẹ Việt Nam sẵn sàng đẩy con ra chiến trường. Người VN yêu quý sự sống nhưng quý trọng những giá trị tốt đẹp nên vững chãi, tỉnh táo, mỉm cười cả với cái chết như Lương Ngọc Quyến, Phó Đức Chính, Nguyễn Hữu Huân… Tiếc thay, cái mảnh đất địa linh nhân kiệt, mảnh đất nuôi dưỡng linh hồn con người đó đang càng ngày càng tàn tạ, băng hoại. Những cơ cấu xã hội bất công, nhũng lạm đã đẩy đa số dân chúng lâm vào tình trạng mất nhà, mất đất, vĩnh viễn nghèo khổ, đất nước tụt hậu… Đến nỗi theo các chỉ số thống kê mới nhất năm 2016, Việt Nam ngày nay đã chính thức thua cả Lào và Campuchia về nhiều mặt!

Mỗi người Việt Nam khi nhìn thấy đất nước tụt hậu chắc chắn đều mang trong lòng mình một nỗi đau. Nhất là sau cuộc chiến huynh đệ tương tàn suốt 30 năm, máu xương của bạn bè, của lớp lớp thanh niên miền Bắc đổ xuống chỉ để xây dựng nên một chính thể ngoại lai, độc tài, bè phái. Chúng ta đã chiến thắng chiến tranh nhưng vô ích, vì cùng lúc đó những hy vọng về một đất nước độc lập, ấm no, hạnh phúc đã tan thành mây khói. Bước đi từ những hy sinh, những hùng vĩ máu xương, cả một thế hệ oai hùng chợt thấy mình bỗng biến thành những kẻ nô lệ, sợ hãi phục tùng cho một tầng lớp cướp công cách mạng, ăn trên ngồi trốc; nô lệ, phục tùng cho cái guồng máy do chính mình nỗ lực tạo nên.

Tôi muốn mượn câu nói của người anh em, người lính miền nam Võ Hoàng. Nhà văn Võ Hoàng nói rằng: “chúng ta mất hết chỉ còn nhau”. Chính trong cái giai đoạn tăm tối nhất của miền Nam – khi bạn bè tù đày, thân mình lưu vong, quê hương điêu linh – Võ Hoàng nói điều đó. Còn nhau ở đây là còn những giá trị tốt đẹp mà mình cùng chia chung; mà còn nhau là còn nhiều lắm… Miền nam mất, nhưng lý tưởng và những hy sinh của đồng đội đâu có mất, và Võ Hoàng biết rằng ra đi không phải là lối thoát, người lính trong anh không cho phép anh bỏ cuộc. Tình cảnh chúng ta đâu có khác gì với Võ Hoàng. Những ước vọng thiêng liêng, những hy sinh cao quý của đồng đội vẫn còn nguyên đó; nó còn nguyên như màu đỏ hồng của tấm bia biên giới; nó còn nguyên trong ký ức của Lê Hữu Thảo, Nguyễn Văn Lanh…những người lính Gạc Ma. Chúng ta làm sao có thể bỏ cuộc?

Chỉ sau chiến tranh khá lâu, nhiều người miền Bắc mới nhận ra rằng Việt Nam không có những tên lính đánh thuê. Người lính miền nam hay người lính miền bắc cũng mãi mãi là người lính của quê hương. Ngụy Văn Thà hay Trần Văn Phương đều ngã xuống để bảo vệ biển đảo của mình. Dù có khác nhau về chính kiến thì chúng ta cũng là mỗi người VN, và mỗi chúng ta tạo nên dân tộc này. Lẽ ra chúng ta phải là một người lính của Nghệ An. Khi Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc, chỉ trong vòng 10 ngày đã thu nhận hàng vạn quân; nhiều trí thức miền Bắc đã đầu quân dưới trướng Quang Trung không phân biệt ông là người đàng trong, xuất thân cơ hàn. Lẽ ra chúng ta phải có cái nhìn vượt qua mọi khác biệt; cái đẹp, cái lý tưởng của một nền dân chủ là ở sự khác nhau. Lẽ ra chúng ta phải đứng trên và cười vào mặt những luận điệu chia rẽ, cười vào mặt những kẻ đâm sau lưng anh em mình trong bóng tối. Càng có nhiều các tổ chức chính trị khác nhau, càng có nhiều những tổ chức XHDS, đất nước càng có nhiều cơ hội vươn lên. Chỉ một đảng chính trị duy nhất đất nước mới lầm than.

Nghĩ được như Võ Hoàng, chúng ta thật sự còn nhiều lắm, bởi chúng ta có nhau. Chúng ta có những nhân cách như Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh; chúng ta có Ts Nguyễn Đình Cống; chúng ta có LS Nguyễn văn Đài, Trần Huỳnh Duy Thức, Hồ Đức Hòa, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng… chúng ta còn có những phụ nữ có tâm, có lòng như dân oan Cấn Thị Thêu, Hồ thị Bích Khương… và tôi tin rằng chúng ta có cả những cán bộ thầm lặng trong chính quyền đang âm thầm đóng góp phần mình cho đất nước.

Đâu cần phải nói đến những mỹ từ to tát như phụng sự xã hội hay đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền…Chỉ cần làm những việc đơn giản trong tầm tay như nhiều người dân hôm nay đang làm – ra ứng cử đại biểu quốc hội, thực hiện chính những điều đảng ghi trên giấy trắng mực đen; chịu đựng những bôi nhọ cá nhân, phiền hà với phường khóm như các anh, chị: Nguyễn Công Vượng, Lê Văn Luân, Đặng Bích Phượng, Võ An Đôn… bởi vì trên tất cả những khó khăn, phiền toái, lăng mạ đó, chúng ta biết rõ một điều chúng ta có nhau.

Dân tộc VN đâu chỉ tự hào khi tên lính Mông Cổ cuối cùng rời biên giới; chúng ta còn tự hào vì hai chữ Sát Thát mình thích trên tay nhau; chúng ta còn tự hào về câu nói qua điện đài của người lính trong trận chiến tranh biên giới “quân Trung Quốc đang tràn ngập, chúng tôi hết đạn rồi, xin vĩnh biệt”;…

Quê hương sẽ không mãi là cánh đồng lầy trong những câu thơ của Nguyễn Chí Thiện. Quê hương sẽ luôn có những ngày nắng đẹp và cả những ngày mưa dầm, giông bão; và chúng ta tự hào vì mình vẫn còn có nhau. Vì mình đang nắm tay nhau đi lên từ những tan tác này.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét