Tình Bidong có list là dông’
… mà sao chẳng thấy ai dông. Lại còn nhiều người trở về.
Trong khoảng đời tạm trên đảo, dường như cái gì cũng tạm, kể cả tình yêu. Vì vậy chăng mà Bidong “mang tiếng” như thế? Đến hơn phần tư thế kỷ sau, từ ngày trại tỵ nạn này đóng cửa, người ta vẫn còn nhắc đến câu nói bạc bẽo đó…
Trong chuyến Về Bến Tự Do vừa rồi, lần thứ 24 do Văn khố Thuyền nhân VN (VKTNVN) tổ chức thăm viếng và trùng tu các trại tỵ nạn cũ ở vùng Đông Nam Á trong vòng 10 năm qua, chúng tôi không những không ‘dông’ mà còn tình nguyện về lại, cùng hưởng “thú đau thương” với phương tiện công cộng muôn vẻ ở Malaysia: từ đáp máy bay, lên xe bus, xuống xe van, nhảy lên phà, đổi qua ghe và cuối cùng phóc lên “xe chở heo” (mọi người thân ái đặt tên những chiếc tractor chở chúng tôi di chuyển trên đảo resort Redang như vậy, đành nhận thôi, cãi chi cho… phí sức!). Hay cái là, không ai nói “tôi đi Bidong” mà “tôi về Bidong”. Ngôn ngữ đến tuyệt thế thôi!
Cuối tháng Ba 2016, 30 cựu Thuyền Nhân khắp nơi dắt díu nhau về thăm chốn tạm dung được ghi nhận là lớn nhất trong suốt cuộc đào thoát tìm sống vĩ đại nhất của lịch sử VN. Không nói khoác đâu, cứ tìm đọc “10 biến cố bi thảm nhất của Thế kỷ 20” (Ten most tragic events in the 20th century) ắt gặp ngay chữ “Boat People”. Khổ nỗi, quãng đường gần 2 giờ đồng hồ trong mùa biển động từ bến phà Marang (sau đó còn phải chuyển phà và hành lý thêm lần nữa) để ra đảo Redang nội chiều hôm đó, khiến mọi người trong đoàn dù chưa thấy lại Bidong mà đã “dậy sóng trong lòng”. Nhưng, đó mới chỉ là “Khổ, tập 1”.
Trong chuyến VBTD Bidong lần này, có không ít cựu Thuyền Nhân lần đầu trở về sau bao nhiêu năm xa cách. Vậy mà điều làm chúng tôi vừa ngạc nhiên vừa xúc động nhất là tất cả đều đồng lòng góp mỗi người một bàn tay ngay vừa khi đặt chân lên chiếc cầu Jetty kỷ niệm, mặc dầu ngày nay nó hoàn toàn khác với những hình ảnh thân thương trong ký ức khi họ rời đảo.
Những đợt sóng nhồi không chút thương tình cho các tấm thân vốn quen thuộc với đời sống thành phố, cùng với việc di chuyển từ Bidong về Redang mỗi ngày (Khổ, tập 2 – và còn nhiều tập nữa!) không những không làm các thành viên trong đoàn chùng lòng mà còn khiến mọi người càng tập trung và mau mắn, có lẽ vì ai cũng hiểu rằng lần này mình không có nhiều thời gian trên đảo.
Vừa kịp thích ứng với “lịch hành quân” dồn dập, thức dậy từ tờ mờ sáng để kịp rời Redang sang Bidong trước khi sóng lớn, mọi người còn được ‘mừng mừng tủi tủi’ hội ngộ cái nắng khô hanh khét tiếng miền biển đảo Mã Lai này. Chả thế, chỉ sau ba ngày trân mình trên Bidong, chúng tôi bèn… nhận bà con với lũ “mực ba nắng”.
Tìm về dấu xưa…
Ý thơ trong bài “Thăng Long Thành hoài cổ” chập chờn hiện đến trong chuyến đi, dù “dấu xưa, nền cũ” trong lòng những người trở về Bidong khác hẳn khung cảnh của tác giả lúc Bà rời cố đô lên đường vào kinh làm quan hơn 200 năm trước. Giống nhau chăng là một mối cảm hoài về một “cuộc hí trường”!
Không những chỉ đối với cựu Thuyền Nhân Bidong mà bất kỳ ai đến thăm nơi đây cũng không khỏi bùi ngùi khi biết được hòn đảo nhỏ bé này – lọt thỏm giữa những hòn đảo du lịch nổi tiếng gần kề như Perhentian, Lang Tengah hay Redang – lại từng là chốn tạm dung cho xấp xỉ 250,000 người Việt tỵ nạn vài thập niên trước.
Đối với những ai từng nhận Bidong làm quê hương thứ nhì thì dường như lại có ít nhiều xa lạ, ngỡ ngàng so với hồi ức… Ngày trở về, trải dài trước mắt là cầu Jetty khang trang, vững chãi liền kề với hàng gạch sót lại của Kho Tiếp liệu Cao ủy, một bên (từng) là Bệnh viện Sick Bay nhìn ra xác con tàu sắt nay chỉ còn trơ sườn, nằm gác đầu lên mấy gốc thùy dương tóc xõa rì rào.
Gần như toàn bộ khu B đã khuất lấp sau rừng cây cao lớn, văn phòng Cao Ủy ngày nay chỉ còn là một bãi cát trắng phủ từng cụm rau muống biển xanh mướt. Thấp thoáng sau hàng dừa khu A ngày nào là dãy nhà nguyện mới dựng cùng trại cá của Đại học Thủy sản Terengganu. Bên kia đảo, dọc theo bãi biển khu C là một khu nhà nuôi san hô của một gia đình ngư dân địa phương.
Hàng cây trứng cá dọc đường lên Đồi Tôn Giáo lẫn trong từng bụi cây lớn, các bậc đá dẫn lên Nhà thờ nay chỉ còn sót lại Cung Thánh buồn bã nhìn ra những bụi cỏ lau mọc cao ngang ngực.
Vậy mà, mặc những hoài niệm ùa về, không ai bảo ai, mỗi người một việc bắt tay ngay trong Ngày 1 vào công tác chính của chuyến đi: trùng tu các di tích trên Bidong trong cuộc chạy đua với thời gian ít ỏi trên đảo.
Chúng tôi quyết tâm thay tấm áo mới cho Bidong!
Từng nhóm nhỏ phụ nhau chuyển vật liệu sơn sửa, máy bơm nước, ống nước và thang lên khu đồi Tôn Giáo. ‘‘Vô đội hình kiến!’’ – Đồng loạt ngoảnh đầu về phía tiếng nói dõng dạc tự tin ấy, mọi người không ai có thể ngờ rằng nó phát ra từ Thi sĩ Lâm Hảo Khôi (Sydney, Australia). Nhà thơ của chúng tôi không phải là người thích nói, nhưng quả thật khi đã làm thơ và ra lệnh thì mọi người cũng… khó đỡ.
Trong khi tìm nguồn nước gần nhất lắp máy bơm để rửa Cánh Buồm Tự Do và toàn bộ các kiến trúc trên Đồi Tôn Giáo, một thành viên đã nghĩ ra cách dẫn ống nước từ Đồi Tôn Giáo xuống thẳng tượng Ông Già Bidong, và đặt máy bơm cao áp ở đó (thay vì nối dây xuống nhà máy nước dưới chân đồi Tôn Giáo) để lực nước đẩy được mạnh hơn. Điều đó có nghĩa là phải chuyển máy bơm xuống dốc sau đó luồn ống nước qua bụi gai mà nhiều người mới nghe đã thấy… ớn. Ý tưởng táo bạo này mang lại kết quả mỹ mãn khi mọi người nghe tiếng máy nổ reo vui lúc mặt trời vừa đứng bóng.
Trong khi nhóm đàn ông đánh vật với các đường ống và cái máy bơm nước cứng đầu thì “Hội Phụ nữ Bidong” phụ trách sơn các tượng Phật trên Chùa Từ Bi cùng các tấm Bia Tưởng Niệm dọc theo đường lên Đồi Tôn Giáo. Người pha sơn, người kẻ chữ, người lo việc dọn dẹp và cúng bái. Có những sự quan tâm, cả những tiếng cười pha lẫn những giọt mồ hôi trong nguyện ước sửa sang ngôi nhà cho Đồng Bào không may mắn nằm lại – những điều mà trước hết đã mang chúng tôi đến với nhau, sau hết kết nối chúng tôi lại với nhau, vượt lên trên hết những mỏi mệt hoặc thiếu thốn tiện nghi ở đảo.
Bước lên nền cũ…
Tạm xong công việc ở đồi Tôn Giáo, chúng tôi dù chẳng ai nói với ai nhưng biết rằng mỗi người đều ngoái tìm thăm một nền gạch đá ngổn ngang nằm lặng lẽ cạnh Cung Thánh. Đó là câu chuyện buồn khó phai của một thập kỷ. Mười năm trước cũng tại nơi này, tấm Bia Tưởng niệm Thuyền Nhân và Tri ân Liên Hiệp Quốc cùng Chính phủ Mã Lai tại Pulau Bidong do VKTNVN thiết lập chưa đầy năm đã bị phá hủy tận nền vì áp lực ngoại giao từ Hà Nội.
Có lẽ, thật sự đã tồn tại những vết thù còn chai đá hơn cả hoa cương cốt thép, có sức nghiền nát cả ba thập kỷ cưu mang và lòng cảm tạ giản dị mà chân thành giữa người với người…
Ngày cuối ở đảo, chúng tôi lên viếng Nghĩa Trang khu G. Nghĩa trang nằm trên vị trí cao nhất của Bidong, chính vì thế rất hoang lạnh, khó đi nên qua năm tháng, nó cũng dần lu mờ trong trí nhớ của nhiều người.
Ngày trở về, đường lên khu G vẫn âm u dưới tầng tầng lớp lớp cây rừng và vẫn buồn như lần cuối ghé thăm, chỉ mới hồi tháng Tám năm ngoái. Ngoài mục đích thăm viếng và cầu nguyện, chúng tôi còn có ý định đánh dấu lại số mộ tại khu này và cập nhật số liệu cho những nhóm muốn thăm viếng trong tương lai.
May mắn thay, chúng tôi tình cờ tìm lại được những di vật của người Việt tỵ nạn rải rác khắp nơi rất xa khu Nghĩa Trang chính quanh bồn chứa nước, như tube kem đánh răng Hynos, đôi dép sa-bô, vỏ hũ chao hay chai rượu. Linh tính nói rằng có điều gì đó còn nằm lại dưới lớp lá rừng phủ dày này. Quả thật, lần theo những hòn đá xếp thành hình vòng tròn, chúng tôi đã tìm và đánh dấu được thêm 41 mộ mới, và tin rằng có thể sẽ còn hơn nữa nếu chúng tôi có thêm thời gian tìm kiếm.
Những điểm tụ hội
Nói hai chuyến VBTD 23 (Koh Kra, Thái Lan) & 24 (Bidong, Mã Lai) là nơi tụ hội những sự trùng hợp ngẫu nhiên và “phát kiến” có lẽ không phải quá lời. Một điểm trùng hợp thú vị giữa hai chuyến đi: chữ ‘Koh Kra’ có nghĩa là ‘đảo Rùa’, trong khi ‘Pulau Bidong’ mặc dù nghĩa là ‘đảo Rắn’ nhưng hình dạng nhìn từ trên cao lại hệt như một chú rùa bụ bẫm và hiền lành.Dù đã có lần nhắc đến, nhưng có lẽ càng nhìn lại, chúng tôi càng nhận ra nhiều điểm bất ngờ “gom nhặt đầy” trong những mẩu chuyện “Khổ, toàn tập” và trong những con số trùng hợp đến kỳ diệu.
Chuyến VBTD 23 đã phải mất gần 3 năm mới thực hiện được sau 3 chuyến tiền trạm đầy vất vả, mà chuyến đầu tiên năm 2013 ghe cá đã đưa 3 người dò đường tiến đến sát bờ Koh Kra nhưng do sóng quá lớn đã không thể cập bờ. Lần này đến với Koh Kra, chúng tôi lại một lần nữa ngạc nhiên khi thấy rằng Koh Kra thực chất là một cụm 3 đảo: Koh Kra Yai, Koh Kra Klang và Koh Kra Lek chứ không phải là một hòn đảo như mọi người vẫn biết đến.
Nếu VBTD 23 đã mang 36 thành viên về lại Koh Kra sau 36 năm, thì VBTD 24 mang 30 thành viên tiếp tục công việc trùng tu ở Bidong trong 3 ngày và kết thúc vào ngày cuối cùng của tháng 3. Trong suốt cuộc hành trình về Biển Đông lần này, chúng tôi nhận được sự đồng hành của 3 cơ quan truyền thông Việt ngữ lớn tại hải ngoại: SBS Radio Australia, SBTN và Hồn Việt TV – USA.
Điểm tụ hội cuối của chuyến đò lịch sử lần này nằm ở những ngày cuối, và có lẽ vì thế nên sẽ được viết ở đoạn cuối này, vì nó lại là những con số - điều mà có lẽ chính tác giả cũng sẽ khá bất ngờ khi đọc được – nhà thơ Lâm Hảo Khôi:
“Đêm Bidong đêm ba mươi năm
Sinh tử nổi chìm trên ngọn sóng
Mồ nối mồ đắp theo biển động
Mùa chim đi tìm hơi gió đông”…
(Đêm ngủ trên cầu Jetty)
Ba ngày dốc sức với rất nhiều nụ cười, giọt mồ hôi và hơn cả là những lời cầu nguyện thành tâm, trời Mã Lai không đổ một hạt mưa, Cánh Buồm Tự Do vươn mình đón gió trong kiêu hãnh, hướng mặt ra Biển Đông với những ước vọng của biết bao thế hệ Thuyền Nhân xưa đã đến rồi ở lại, rời đi rồi trở về.
Cung Thánh và đài Mẹ Fatima, ghe Tỵ Nạn trên đồi Tôn Giáo, các tượng Phật, các bảng Ghi Ơn, cùng toàn bộ mộ bia trên Nghĩa Trang khu F đã được sơn mới. Tại Nghĩa Trang khu A, cỏ cũng được làm sạch và chúng tôi cũng trồng lại hàng cột đã đổ.
Khoảnh khắc tạm chia tay với Bidong, chúng tôi đứng ngắm 4 câu thơ Nôm trên Cánh Buồm Tự Do trong trời chiều, dường như (lại) một hạnh duyên khác nhắc nhớ đến tâm tình hoài quốc từ hơn 200 năm trước của một nữ sĩ trong niềm tưởng nhớ một quê hương đã xa...
Chúng tôi mạn phép mượn những giao cảm đó, gói thành hành trang tình người để mở ra những ngày tháng Tư đọng đầy cảm xúc…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét