khktmd 2015
Thứ Hai, 14 tháng 11, 2016
Tiến Sĩ Quá Nhiều Nhưng Các Lò Ấp Tiến Sĩ Vẫn Sản Xuất Vượt Chỉ Tiêu - Tác giả Cô Tư(Saigon)
Việt Nam có quá nhiều tiến sĩ... và rất nhiều tiến sĩ dỏm. Đó là lời than thở nghe được ở mọi nơi.
Theo thống kê của Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN), cả nước có 24.300 tiến sĩ (TS) và 101.000 thạc sĩ. So với năm 1996 đội ngũ này tăng trung bình 11,6%/năm, trong đó TS tăng 7%/năm, thạc sĩ tăng 14%/năm.
Một thống kê từ năm 2014 trên báo VietnamNet ghi rằng theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ GD-ĐT, tính đến năm 2013 có 633 tiến sĩ là giảng viên các trường cao đẳng, 8.519 tiến sĩ là giảng viên các trường đại học.
Trong khi đó, Việt Nam có khoảng 24.300 tiến sĩ. Vậy 15.000 tiến sĩ đang làm việc ở những đâu?
Bản tin VietnamNet nói:
“Nếu tính từ hàm Thứ trưởng trở lên, số người có trình độ tiến sĩ ở Việt Nam cao gấp 5 lần Nhật Bản. Đó là tiết lộ của TS Nguyễn Khắc Hùng, nguyên Chuyên viên Đối ngoại, Học viện Hành chính Quốc gia khi nói về sự kiện 8 chủ tịch Tỉnh bị Thủ tướng yêu cầu kiểm điểm do báo cáo sai thiệt hại do thiên tai năm 2012.”
Bản tin cũng ghi lời PGS-TS Phạm Bích San, Phó tổng thư ký Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), cho biết: “Số giáo sư, tiến sĩ chúng ta nhiều nhất Đông Nam Á nhưng không có trường ĐH Việt Nam nào được đứng trong bảng xếp hạng 500 trường ĐH hàng đầu thế giới".
Báo Dân Trí tuần này nêu câu hỏi: Chất lượng đào tạo tiến sĩ Việt Nam thấp: Nguyên nhân do đâu?
Bản tin nói rằng thực tế hiện nay, chất lượng luận án tiến sĩ ở các cơ sở đào tạo không đồng đều, "vàng thau lẫn lộn", nhiều luận án ít giá trị thực tế, không có tính khoa học, như một báo cáo tổng kết...nhưng nghiên cứu sinh vẫn được cấp bằng tiến sĩ ảnh hưởng tới chất lượng tiến sĩ Việt Nam hiện nay. Nguyên nhân do đâu?
Dân Trí ghi lời Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, hiện nay, trong điều kiện cơ sở vật chất, đầu tư còn hạn chế, các cơ sở đào tạo đào tạo tiến sĩ đã cố gắng đào tạo tiến sĩ đây là điều đáng trân trọng. Tuy nhiên, đa số các cơ sở đào tạo chấp hành tốt quy chế, lấy chất lượng đào tạo làm đầu thì có nơi chạy theo số lượng, quản lý lỏng lẻo, dễ dãi trong thực hiện quy chế khiến chất lượng giảm, dư luận xã hội không đồng tình.
Nguyên nhân chính đầu tiên thuộc về người học. Động cơ và mục tiêu không phù hợp. Đầo tạo tiến sĩ là đào tạo nhà nghiên cứu, phát triển, sản sinh tri thức mới chứ không phải đào tạo kỹ năng để hành nghề. Khung trình độ quốc gia vừa được Thủ tướng ban hành nói rõ điều này.
Thứ 2 là người hướng dẫn. Hướng dẫn nghiền NCS, không có công trình khoa học, không có đề tài, hạn chế ngoại ngữ giao tiếp, hạn chế hợp tác quốc tế...
Thứ 3, là cơ sở đào tạo không chấp hành nghiêm quy chế đào tạo tiến sĩ, dễ dãi, du di, thành lập hội đồng bảo vệ thiếu khách quan.
Thứ 4, là các quy định hiện hành về mở ngành, quy trình đào tạo, quy định về kinh phí đào tạo... không còn phù hợp khiến cho cơ sở đào tạo không huy động được nguồn lực cho đào tạo tiến sĩ.
Báo Tuổi Trẻ nêu câu hỏi: 15 triệu đồng/năm sao có tiến sĩ giỏi?
Báo Tuổi Trẻ ghi lời GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - trưởng ban đào tạo ĐHQG Hà Nội - cho biết tại ĐH này hiện quy định mức kinh phí 18 triệu đồng/năm với một nghiên cứu sinh, đây là mức đã nhỉnh hơn so với mức quy định chung của nhiều cơ sở đào tạo khác là 15 triệu đồng.
Phát biểu thẳng thắn tại tọa đàm, GS.TSKH Trần Văn Nhung - tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước - cho rằng mức 18 triệu đồng vẫn quá rẻ, không nước nào có thể làm được với mức kinh phí này.
Và sẽ thật ảo tưởng nếu đòi hỏi việc đào tạo tiến sĩ ở VN bằng mức kinh phí này lại có thể cho sản phẩm ngang bằng các nước tiên tiến như Mỹ vốn có mức đầu tư lên đến hàng chục nghìn USD/nghiên cứu sinh/năm.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, kinh phí đào tạo trung bình dành cho một nghiên cứu sinh trên thế giới là 15.000 USD/năm, thậm chí có nước mức đầu tư này còn lên đến 50.000 - 60.000 USD/năm.
Thực ra, muốn văn bằng Tiến sĩ có thực chất, chỉ cần yêu cầu các Tiến sĩ phải có bài viết trên báo quốc tế, phải công bố luận án Tiếng Anh kèm bản dịch tiếng Việt trước khi trình lên trường và Bộ...
Yêu cầu công quyền khi tuyển dụng công chức là phải thi viết,. thi nói bằng cả tiếng Anh...
Bực cả mình khi thấy Tiến sĩ khắp nơi mà viết 1 câu tiếng Anh rất là dỏm.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét