Đầu thế kỷ 20, trong khi các sĩ phu và thủ lĩnh yêu nước đang miệt mài tranh đấu kháng Pháp bằng con đường đấu tranh bạo động vũ trang thì chí sĩ Phan Châu Trinh đã rẽ sang một hướng đi hoàn toàn mới.
Hơn một trăm năm sau nhìn lại, càng thấy những nội dung của phong trào Duy Tân lúc bấy giờ với chủ trương “Khai Dân Trí – Chấn Dân Khí – Hâu Dân Sinh” của Phan chí sĩ vẫn còn hoàn toàn mới. Có lẽ ông là người duy nhất lúc bấy giờ nhận ra nguyên nhân mất nước và ách nô lệ tròng vào cổ dân tộc chính là sự lạc hậu về dân trí của đất nước so với thế giới bên ngoài. “Ông nói chính sự tăm tối và ngu dốt, sự lạc hậu quá xa so với thế giới hiện đại là nguyên nhân khiến Việt Nam mất nước. Ông khẳng định căn bệnh chết người của dân tộc là căn bệnh về văn hóa, ngu dốt và lạc hậu về văn hóa. Và để chữa trị một căn bệnh về văn hóa thì chỉ có một phương thuốc duy nhất, đó là Giáo dục.” (Trích từ diễn văn bài phát biểu của ông Nguyên Ngọc tại lễ khai giảng khóa học 2015 - 2019 trường đại học Phan Châu Trinh – Hội An)
Nhưng sau đó, người Pháp và chính phủ Nam Triều đã nhanh chóng dập tắt phong trào Duy Tân, xem phong trào cải cách bất bạo động đó cũng nguy hiểm chẳng kém gì các phong trào khởi nghĩa vũ trang lúc bấy giờ. Những điều kiện khắc nghiệt của lịch sử và định kiến cực đoan của con người đã khiến chương trình cải cách lớn lao đó không được thực hiện. Những tư tưởng về Nhân Quyền và Dân Quyền mà ông muốn truyền bá cho nhân dân khiến cho những người cầm quyền lo lắng. Bánh xe lịch sử đã đưa vận mệnh dân tộc rẽ sang một hướng khác. Trong một thời gian dài, những sử gia của chế độ đã không ngừng phê phán “chủ nghĩa cải lương” của Phan Châu Trinh. Ngày nay, dù người ta có cố tình tô hồng những thành tích nhỏ nhoi đã đạt được, dù người ta cố vẽ ra hình ảnh một đất nước đang trên đà phát triển thì căn bệnh trầm kha về văn hóa – dân trí mà Phan Châu Trinh đã chẩn đoán được và đã muốn lên phác đồ điều trị cho dân tộc hơn một trăm năm trước về cơ bản vẫn còn nguyên. Chính vì căn bệnh kéo dài và điều trị không đúng cách đó đã làm cho Việt Nam vẫn dậm chân trong vòng lạc hậu, và đang tụt dần về cuối bảng xếp hạng ngay cả trong khối ASEAN.
Phan Châu Trinh không chỉ là một nhà cách mạng xã hội. Ông còn là một nhà giáo dục với tinh thần Khai Phóng. Trong bối cảnh nền giáo dục Việt Nam đang khủng hoảng triền miên bởi những ràng buộc cứng ngắt và bảo thủ của ý thức hệ lỗi thời, tinh thần Khai Phóng chính là điều mà nền giáo dục Việt nam đang rất cần nhằm đào tạo những con người tự do biết đóng góp cho xã hội – nhân quần chứ không phải là những người máy ngoan ngoãn được lập trình bằng những kiến thức giáo điều.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét