Chúng tôi đã trăn trở nhiều trước và sau khi viết bài này. Khi bài đến tay độc giả chắc chắn người viết sẽ không tránh được những điều tiếng thị phi.
Vài suy nghĩ quanh Bản Thông Báo của TGM Bùi Văn Đọc về tình trạng cá chết bất thường tại miền Trung Việt Nam
Từ trường hợp TGM/TGP Sài Gòn Phaolô Bùi Văn Đọc, suy tư về nội dung bài tham luận của GM Vincent Nguyễn Văn Long, Phụ Tá TGP Melbourne, Úc Châu và các Chức Sắc Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Mỹ với chủ đề “Vai trò Tôn Giáo trước hiện tình Đất Nước” trong buổi gặp gỡ đồng hương ở Tiểu Sài Gòn, miền nam California Hoa Kỳ tối Thứ Năm 28-4-2016, thời gian tưởng niệm 41 năm ghi dấu ngày Quốc hận.
“Thần trí Chúa ngự trên tôi. Ngài xức dầu tấn phong cho tôi. Ngài sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó, giải thoát cho kẻ bị giam cầm, mở mắt cho người mù, đem tự do cho kẻ bị áp bức….” (Luca 4:18).
Đấy là giáo lý Yêu Thương, là con đường cứu rỗi của Chúa Giêsu Kitô, là lộ trình dẫn Giáo Hội đi vào kỷ nguyên Tân Ước. Và đấy cũng là tư tưởng dẫn đạo cho mục tiêu và sứ vụ hàng đầu của Hội Thánh Thiên Chúa giáo hoàn vũ trong cuộc lữ hành trần thế.
Trần tình
Chúng tôi đã trăn trở nhiều trước và sau khi viết bài này. Khi bài đến tay độc giả chắc chắn người viết sẽ không tránh được những điều tiếng thị phi. Không phải đâu xa mà ngay trong lòng Giáo Hội. Giữa tín hữu với nhau. Và giữa các Đấng Bậc Làm Thày với tác giả bài viết.
Đấy là điều chúng tôi đã tiên liệu.
Tám mươi tư tuổi đời. Sáu mươi năm dạy học, cầm bút. Bốn mươi mốt năm vướng vào những chuyện nhức nhối liên quan tới thân mệnh giáo hội và quê hương kể từ ngày giã từ đất mẹ sống lưu vong. Ngó lại phía sau, chưa bao giờ tôi cảm thấy thao thức, trăn trở như lúc này. Nhưng cùng một lúc tôi lại thấy lòng mình thật bình an. Thoáng chốc tôi chợt ngộ ra những khúc mắc, trăn trở nếu có lúc này, xuất phát từ ý thức tự nguyện về trách nhiệm lương tâm của người tín hữu, bao gồm tư cách người công dân.
Niềm an bình tôi có được hôm nay đã được ấp ủ, nuôi dưỡng, nảy mầm trong những năm dài suy tư để viết, để nói về con người, tư duy, hành động của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, cố HY Nguyễn Văn Thuận, cố TGM Nguyễn Kim Điền, cố Giám Mục Lê Đắc Trọng… cố LM Chân Tín/Vũ Khởi Phụng, cố giáo sư Nguyễn Ngọc Lan… và những vị còn tại thế như các LM Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Hữu Giải, Phan Văn Lợi, Nguyễn Hữu Lễ, Nguyễn Ngọc Tỉnh, Đỗ Xuân Quế, Nguyễn Văn Khải, Nguyễn Ngọc Nam Phong, Đinh Hữu Thoại, Lê Ngọc Thanh, Phạm Trung Thành, Đặng Hữu Nam, Phạm Minh Triệu…, nguyên TGM Ngô Quang Kiệt, GM vừa hồi hưu Hoàng Đức Oanh, GM Nguyễn Văn Long…
Chính nhân thân, tư duy, hành động và tư cách mục tử của những mẫu gương lớn này đã đem lại cho tôi niềm bình an và lòng can đảm để viết và mạnh dạn công bố bài viết này.
Riêng với những vị cảm thấy bị thương tổn vì nội dung bài viết, chúng tôi chỉ biết cúi đầu xin tha thứ. Cổ nhân có câu “Điểu chi tương tử, kỳ minh giả ai. Nhân chi tương tử, kỳ ngôn giả thiện” – Con chim sắp chết, tiếng kêu ai oán. Con người sắp từ giã thế gian, lời nói ngay lành. Chúng tôi xác tín: những gì viết trong những tháng ngày cuối đời, không cường điệu cũng không để tranh danh đoạt lợi này, là những lời chân thật phát xuất tự đáy lòng yêu thương con ngưòi, yêu thương cuộc sống và thiết tha với sự tồn vong của giáo hội và quê hương.
Trân trọng.
Bối cảnh sự việc
Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc vừa công bố một bản Thông Báo “về tình trạng cá chết bất thường tại miền Trung Việt Nam”. Ngoài tư cách Tổng Giám Mục Sài Gòn, Bản Thông Báo còn nhân danh Hội Đồng Giám Mục Việt Nam kèm theo huy hiệu và triện son của vị Chủ Tịch.
Thông báo của HĐ Giám mục Việt Nam, 30/4/2016, Sài Gòn. Nguồn: HĐGMVN
Văn kiện được đưa lên mạng lúc 20 giờ 53 phút tối 30-4-2016.
Có mấy sự kiện đáng chú ý về thời điểm này.
- Trước hết, 30-4-2016 ghi dấu 41 năm chế độ cộng sản vô thần miền Bắc huy động binh đội hung hãn vượt vĩ tuyến 17 xâm lăng miền Nam, lùa cả triệu Quân-Dân-Cán-Chính Việt Nam Cộng Hòa vào tù, đẩy cả triệu lương dân liều chết vượt biên, vượt biển tìm tự do. Từ đấy, đất nước, dân tộc đắm chìm trong đau thương, tan tác!
- Thảm trạng “cá chết bất thường tại miền Trung Việt Nam” nổ ra từ ngày 6 tháng 4, tính tới ngày 30-4 là 24 ngày, ba tuần ba ngày chẵn. Liệu có quá muộn cho sự lên tiếng không thể thiếu từ một cơ cấu tối cao của một giáo hội vốn rất nhạy bén trước một thảm nạn kinh hoàng tác hại đến sinh mạng con người. Huống chi nó lại xảy ra cho đất nước, đồng bào, đồng đạo ruột thịt chính mình!
- Một sự trùng hợp hy hữu khiến công luận chú ý là giới lãnh đạo chóp bu của Hà Nội cũng hoàn toàn im lặng trong mấy tuần đầu khi từng bày cá chết phơi trắng, sình thối dọc theo ven biển(1), vang lên những tiếng kêu gào thảm thiết của cả triệu ngư dân khốn cùng thuộc bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Tri, Thừa Thiên, Huế!
- Thời điểm hôm Thứ Bảy 30-4 cũng là những giờ khắc cuối cùng các tổ chức dân sự và đông đảo nhân sĩ trí thức trong nước đang khan tiếng kêu gọi đồng bào cả nước xuống đường biểu tình bất bạo động để bày tỏ tâm trạng đau đớn, phẫn uất trước sự lộng hành của tổ hợp Formosa do người Tàu [Đài Loan] làm chủ và thái độ thờ ơ, vô cảm của Hà Nội.
- Bản Thông Báo vỏn vẹn chưa đầy một trang giấy với trên dưới 300 chữ, được coi là ngắn nếu so với những văn kiện tương tự. Nhưng ngắn hay dài không quan trọng. Điều quan trọng là trong đó chứa đựng những gì, có xứng tầm với tiếng nói của một cơ cấu đầu não trong Hội Thánh Chúa Kitô, Đấng khai nguyên Tân Ước, luôn đồng hành với những nỗi bất hạnh của con người qua mọi thời đại, trong mọi cảnh vực đời sống?
“Vì thế, trong lúc này, xin quý cha và anh chị em giáo dân khi diễn tả những lo lắng và bức xúc của mình, tránh những hành động quá khích, dẫn tới xung đột, ảnh hướng tới sản xuất, giao thông, vi phạm pháp luật.”
Vài suy tư vụn
Phải đặt vào bối cảnh đất nước hiện nay, với phản ứng của các giới đồng bào, qua hình ảnh hàng ngàn thanh thiếu niên nam nữ, ông già, bà cả với biểu ngữ dương cao nô nức đổ ra đường phố Hà Nội, Sài Gòn, các tỉnh thị khắp nước hôm 1 tháng 5 và những ngày cuối tháng 4, cuồng nhiệt nhưng trật tự, cương quyết nhưng vẫn ôn hòa, người ta mới thấy và mới cảm đến tận cùng tâm trạng xót xa đau đớn của người tín hữu Thiên Chúa Giáo khi đọc những lời lẽ vô trách nhiệm trên đây của người cầm đầu Tổng Giáo Phận lớn nhất nước và cũng là chủ tịch HĐGMVN!
Nó mang hơi hướng những thông tư, chỉ thị của chế độ Hà Nội qua hệ thống an ninh, khủng bố của một nhà nước “hèn với giặc, ác với dân”, chuyên dùng sắt máu với những ma thuật tuyên truyền bịp bợm để đè đầu cưỡi cổ 90 triệu đồng bào! Thử hỏi, ai, thế lực nào trước nay từng phát khởi “những hành động quá khích, dẫn tới xung đột”, những xung đột đẫm máu người dân vô tội không có một tấc sắt trong tay, trong số có đàn bà con nít và cả những giáo dân, những tu sĩ, linh mục?!-
Khi cao giọng cảnh giác chuyện “xung đột, ảnh hưởng tới sản xuất, giao thông, vi phạm pháp luật”, không hiểu TGM Bùi Văn Đọc có dịp ngừng lại một giây để suy nghĩ về tình trạng kinh tế kiệt quệ dưới chế độ CHXH chủ nghĩa hiện nay ra sao mà đến chiếc đinh ốc cũng còn phải nhờ vào nhập cảng! Chưa hết. Ngài còn mang cái gọi là “luật pháp”, một thứ “luật rừng rú” từng vu oan giáng họa cho những người yêu nước của chế độ để hù dọa linh mục, tu sĩ, giáo dân của ngài! Không rõ khi chứng kiến 3000 đồng bào, đa số giới trẻ, trí thức, trong số có những tu sĩ, linh mục Thiên Chúa giáo tuần hành quanh nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn hôm Chúa Nhật 1-5, ngài chủ tịch có động tâm hối tiếc là nếu không có bản Thông Báo của ngài thì số người tham gia cuộc biểu tình ôn hòa để bày tỏ tình liên đới với các ngư phủ 4 tỉnh miền Trung sẽ có thể đông đảo hơn nhiều?
Dư luận người Thiên Chúa giáo trong và ngoài nước thắc mắc: bản Thông Báo trên có phản ánh quan điểm chung của các Giám Mục trong HĐGMVN không? Riêng cá nhân người viết những giòng này luôn kiên vững một lòng tin là dù không tránh được những “con sâu”, đa số những Mục Tử trong GHVN dù đang phải nín thở qua sông, sống nhẫn nhục dưới chế độ cộng sản vô thần lâu nay, vẫn trung thành với sứ vụ của mình. Và như thế có phần chắc: cho dẫu có được tham khảo với các GM cách nào chăng nữa thì bản Thông Báo vẫn chỉ là sản phẩm riêng của người từng phát ngôn một câu để đời trong bài giảng tại đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành Rôma cách đây 7 năm (ngày 23-6-2009):
“Nếu có ai không thích cộng sản, cũng không nên yêu cầu chúng tôi khích bác họ.”
Hẳn những tín hữu CGVN chưa quên rằng cũng trong bài giảng kể trên, GM Bùi Văn Đọc đã trắng trợn cắt xén Kinh Thánh Cựu Ước để biện minh cho thái độ im lặng khó hiểu của chính ông và một số những người đồng hội đồng thuyền với ông. Sau sự kiện này, LM Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh thuộc Dòng Thánh Phanxicô khó khăn ở Sài Gòn đã viết bài “Cứ phải nói dù không biết nói”. Bài viết này từng được loan truyền rộng rãi trên các mạng lưới truyền thông Thiên Chúa giáo trong và ngoài nước thời gian ấy, kể cả mạng ViệtCatholic. (Nguyệt san DĐGD ở nam California, HK đã đăng tải trên số 96 phát hành tháng 11-2009).
Sau đây là một đoạn trích trong bài viết của LM Tỉnh:
“Đức cha Đọc nói: ‘Nếu có ai không thích cộng sản, người ấy không nên yêu cầu chúng tôi khích bác họ.’ Chắc không có ai yêu cầu các giám mục ‘khích bác’ cộng sản đâu, vì làm như thế là thiếu khôn ngoan và chẳng ích lợi gì. Nhưng sống trong một xã hội gian dối, bất công, phi nhân, thì thinh lặng là gì nếu không phải là đồng loã?
“Nhưng có lẽ điều quan trọng đáng nói nhất trong bài giảng của đức cha Đọc là việc ngài lấy Lời Chúa làm điểm tựa.
“Trong một bối cảnh hết sức đặc biệt… đức cha Đọc có vẻ không phải minh định cho bằng giãi bày nỗi niềm của mình, và cũng là của anh em giám mục của mình. Để làm việc đó, ngài dựa vào lời Chúa trong đoạn sách Giê-rê-mi-a đọc trong thánh lễ hôm ấy. Trong đoạn sách này, qua cuộc đối thoại giữa ngôn sứ với Thiên Chúa, ngôn sứ Giê-rê-mi-a kể lại câu chuyện ông được Thiên Chúa kêu gọi đi làm ngôn sứ, đi truyền đạt lời Chúa cho anh em. ‘Lạy Đức Chúa, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói !” (Gr 1,6)… đức cha Đọc còn đi xa hơn khi trích dẫn đoạn tiếp theo, là lời Chúa nói với ngôn sứ: “Ta sai ngươi đi đâu, ngươi cứ đi, Ta truyền cho ngươi nói gì, ngươi cứ nói’ (Gr 1,7). Trích dẫn câu này để biện minh cho sự thinh lặng của mình thì đã là chuyện lạ rồi. Càng lạ hơn nếu ta đọc tiếp lời của Chúa trong đoạn sách Giê-rê-mi-a, nhưng đức cha Đọc đã bỏ không trích dẫn: ‘Đừng sợ chúng, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi, – sấm ngôn của Đức Chúa. Rồi Đức Chúa giơ tay chạm vào miệng tôi và phán: Coi, hôm nay ta đặt ngươi đứng đầu các dân các nước, để nhổ, để lật, để huỷ, để phá, để xây, để trồng’ (Gr 1,7-10). Như thế có nghĩa là Chúa không chấp nhận lý do Giê-rê-mi-a đưa ra nhằm từ chối sứ mạng được giao: ‘quá trẻ, không biết ăn nói.’ Đổi lại Chúa hứa với Giê-rê-mi-a: ‘Có Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi.’ Lời hứa của Chúa, vỏn vẹn chỉ có vậy. Thế nhưng nếu ta hiểu, nếu ta tin Thiên Chúa là Đấng nào, thì lời hứa đó là quá đủ. Và ngay sau đó là một sứ mạng khủng khiếp ngôn sứ phải chu toàn: ‘đứng đầu các dân các nước để nhổ, để lật, để huỷ, để phá, để xây, để trồng.’ “Như vậy, câu chuyện Giê-rê-mi-a được Chúa gọi đi làm ngôn sứ không đơn thuần chỉ có việc Giê-rê-mi-a e dè, ngần ngại, không dám nhận trách nhiệm với lý do ‘Lạy Chúa, con đây còn quá trẻ, không biết ăn nói’ để đức cha Đọc làm điểm tựa cho bài giảng, và từ đó biện minh cho thái độ thinh lặng của các giám mục…”
Chưa hết, sau ngày từ một giáo phận nhỏ được bổ nhiệm thay thế HY Phạm Minh Mẫn ở Sài Gòn, TGM Bùi Văn Đọc cũng đã có những hành vi, lời nói khiến giáo dân quy kết là thỏa hiệp, là tiếp tay với chế độ vô thần cộng sản. Cụ thể, đi theo vết chân người tiền nhiệm, ông luôn tỏ thái độ sẵn sàng hợp tác với kẻ có quyền, kể cả những chuyện không liên hệ gì tới trách nhiệm Giáo Hội. Cách đây chưa lâu, ông ký tên chung ngang hàng với một viên chức cao cấp trong guồng máy nhà nước CS kêu gọi giáo dân TGP hợp tác với chế độ trong việc điều hành hệ thống giao thông. Một chuyện không giống ai. Đấy là chưa kể những hệ lụy của sự hợp tác này khi nhớ tới những hành vi mờ ám, hối lộ khách đi đường của tập đoàn cán bộ kiểm soát giao thông nhà nước lâu nay. Ngoài ra, ông còn làm ngơ trước sự kiện bạo quyền mưu toan tranh cướp đất đại cùa các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm nằm trong phạm vi TGP Sài Gòn.
Còn nhớ sau Hội Nghị thường niên HĐGMVN năm trước, phái viên Gia Minh của đài Á Châu Tự Do đã có một cuộc phỏng vấn ngài với tư cách Chủ tịch HĐGMVN về nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề Nhà Dòng Thủ Thiêm hiện đang phải đối diện với thủ đoạn tranh cướp đất đai, tài sản do nhà cầm quyền Hà Nội chu mưu.
Sau một số những vấn đề được nêu ra trước đó TGM Đọc cho rằng phải từ từ không thể vội được, phái viên Gia Minh hỏi tiếp: “Thế còn những “điểm nóng” thì sao, thưa Đức Tổng?” Nửa đùa nửa thật, ông giả lả lên tiếng.
“Điềm nóng thì không nên đụng tới. Đụng tới làm gì? Mình muốn sống, quan hệ cho tốt để làm việc, phục vụ chứ. Nóng nảy không lợi ích gì hết…”
Không thỏa mãn với cách trả lời lạ kỳ như thế, người phỏng vấn nói huỵnh toẹt suy nghĩ của anh:
“Chúng tôi dùng từ ‘nóng’ để chỉ những nơi mà người ta yêu cầu di dời nhưng thực sự chưa cần, thí dụ như bên Thủ Thiêm chẳng hạn? (ám chỉ chuyện Nhà Dòng Thủ Thiệm bị đuổi đất). Nhưng đáng tiếc là lại phải nhận thêm một câu trả lời trống không, vô nghĩa của người cầm đầu TGP Sài Gòn kiệm chủ tịch HĐGMVN: “Hiện thời vẫn chưa, còn đang nằm đó.”
Hy vọng có được câu trả lời cụ thể, tích cực hơn của người thay mặt HĐGMVN trước viễn cảnh một Hội Dòng lớn của Giáo Hội lâm cảnh bơ vơ, Gia Minh hỏi tiếp: “Trước tình trạng ấy, Hội đồng Giám mục có ý kiến gì không thưa Đức Cha?”
Và đây là tinh thần trách nhiệm của vị chủ chăn TGP Sài Gòn qua câu trả lời:
“Cái đó thuộc về địa phương, mỗi giáo phận, cái đó thuộc quyền mỗi địa phương.”
Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm nằm trong địa hạt Quận II chỉ cách tòa TGM Sài Gòn mấy cây số. Như vậy trú sở, tài sản hội dòng này thuộc địa phương nào?
Một câu hỏi nhức nhối khác vẩn lên: không hiểu những vấn đề thiết thân tới quyền lợi Giáo Hội và mang tính nội bộ như thế có liên hệ gì tới chuyện “yêu cầu khích bác họ” mà ông phải né tránh câu trả lời?
Từ những kinh nghiệm cay đắng trong quá khứ ấy, hẳn mọi người đã hiểu được chân diện TGM Bừi Văn Đọc là ai? Ông đang đứng ở vị trí nào giữa lằn ranh Đời/Đạo? Trả lời những câu hỏi này, người ta sẽ hiểu căn nguyên sâu xa nào xui khiến một Giám Mục lại có thể cắt xén cả Lời Chúa để biện minh cho sự im lặng khó hiểu của bản thân cũng như những đồng sự về những vấn nạn liên quan tới con người, tới Hội Thánh mà lương tâm mục tử với tư cách Ngôn Sứ bắt buộc phải lên tiếng.
Nó cũng mở toang cánh cửa đóng kín để mọi người nhìn thấy lý do tại sao trước thảm nạn cá chết hàng loạt tại bốn tình miền Trung mà ngài chủ tịch HĐGM lại lên tiếng quá trễ(2) với một nội dung bị dư luận quy kết là củng cố cho quan điểm nhà nước!
Cạnh kẻ leo tường, không thiếu mục tử bước vào chuồng chiên bằng cửa chính
Rất may cho tiền đồ Giáo hội Thien Chúa giáo VN là trong quá khứ cũng như hiện tại, bên cạnh vài hiện tượng “sói đội lốt chiên” vẫn không thiếu những mục tử nhân lành, những chủ chiên đích truyền bước vào tòa nhà Giáo Hội bằng cửa lớn, luôn can đảm chèo chống con thuyền Hội Thánh vượt qua mọi gian nan thử thách trước những mưu gian Satan, Ác Quỷ.
Điển hình những vị đã được Chúa gọi về như các HY Trịnh Như Khuê, Trịnh Văn Căn, Phạm Đình Tụng, Nguyễn Văn Thuận, các Giám Mục Lê Hữu Từ, Phạm Ngọc Chi, Nguyễn Quang Tuyến, Nguyễn Minh Nhật, Lê Đắc Trọng, TGM Nguyễn Kim Điền v.v… và những khuôn mặt hiện nay như nguyên TGM Ngô Quang Kiệt đang ẩn tu trong Dòng Châu Sơn, GM hồi hưu Hoàng Đức Oanh, GM Nguyễn Văn Long, Úc Châu.
Nói tới người mục tử hiện là GM Phụ Tá TGP Melbourne, Úc Châu, người ta chưa quên những tiếng nói khảng khái của ông trong những năm gần đây vào những dịp Lễ, Tết, Tháng Tư Đen hướng về quê hương thống khổ. Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả, nội dung diễn từ mới nhất trong cuộc trao đổi với Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam về chủ đề “Vai Trò Tôn Giáo Trước Hiện Tình Đất Nước” tổ chức tại Little Sài Gòn, nam California, HK tối Thứ Năm 28-4-2016 nhân dịp tưởng niệm 41 năm ngày chế độ Việt Nam Cộng Hòa bị CS miền Bắc xâm lăng, được coi là tiêu biểu cho suy tư của người mục tử này về sứ mạng cao cả của người tín hữu Thiên Chúa giáo, mà trước và trên hết là của những Đấng Bậc Làm Thày trong Hội Thánh, đối với thân mệnh con người.
Đề cập quan niệm sai lầm, và cũng nằm trong chủ trương thâm độc của cộng sản- cho rằng đã là người có niềm tin tôn giáo thì không được dính bén vào chính trị, vị Giám Mục thuộc Dòng Phanxicô nêu lên câu hỏi rốt ráo: Chúa Giêsu quan niệm thế nào về chính trị khi Ngài khởi đầu sứ mạng cứu thế qua lời tiên tri Isaiah:
“Thần trí Chúa ngự trên tôi. Ngài xức dầu tấn phong cho tôi. Ngài sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó, giải thoát cho kẻ bị giam cầm, mở mắt cho người mù, đem tự do cho kẻ bị áp bức….” (Luca 4:18)(3)
Trong một đoạn khác, ông nói thêm:
“Tiên tri Isaiah đã định nghĩa cho chúng ta thế nào là giữ đạo, đó là “phá vỡ xiềng xích của bọn ác nhân, cất đi gánh nặng của kẻ lầm than, giải thoát cho kẻ bị áp bức và phá tan mọi gông xiềng” (Isaiah 58:6). Đức Kitô đi đến đâu cũng quan tâm đến người cùng khốn trong xã hội. Ngài đứng về phía những người nghèo hèn, bị áp bức, bắt bớ, thiệt thòi và bất công. Ngài lên án những người dùng quyền lực, địa vị và ảnh hưởng của mình để làm tổn thương, triệt hạ người khác và khuynh đảo xã hội.”
Với quan niệm không dời đổi là “Phúc Âm và đời sống không thể tách lìa nhau; tôn giáo và chính trị không thể không liên hệ với nhau. Vai trò ngôn sứ của Giáo hội đòi buộc người tín hữu ở mỗi bậc và mỗi hoàn cảnh phải tranh đấu cho một xã hội phản ảnh Vương Quốc của Thiên Chúa”, GM Nguyễn Văn Long nói tiếp:
“Truyền thống công lý xã hội trong Kinh Thánh là bằng chứng hùng hồn về sự nhập thể của các giá trị siêu nhiên vào đời sống tự nhiên của con người. Ơn cứu độ không chỉ có nghĩa là một sự giải thoát của linh hồn và đời sống vĩnh hằng trên Thiên Quốc mà là sự giải thoát con người toàn diện. Ngay trên cõi đời này và ngay trong xã hội này, con người được mời gọi để sống cuộc sống sung mãn với Thiên Chúa và tha nhân. Do đó, sống đức tin và sống thánh thiện không chỉ có một chiều dọc, tức là thờ phượng kính mến Chúa. Sống đức tin và sống thánh thiện không thể tách lìa khỏi tiến trình công lý hóa xã hội và phong phú hóa đời sống con người.”
Trích đoạn sau đây trong bài tham luận trước HĐ Liên Tôn Việt Nam và 700 đồng hương buổi tối Thứ Năm 28-4-16 có thể được coi là lời tuyên tín của GM Phụ Tá TGP Melbourne:
“Như thế, không ai, kể cả những người tu hành như tôi, có thể dửng dưng với những vấn nạn xã hội do sự lãnh đạo hay thể chế chính trị gây ra. Chúng ta không thể sống đạo, tức là tìm những điều hay lẽ phải, mà lại không quan tâm tới sự dữ và sự bất công đang tràn lan trên quê hương. Chúng ta không thể yêu Thiên Chúa mà lại không để ý tới tiếng kêu than của dân oan. Trước khi làm người Công Giáo, trước khi làm giám mục, tôi là người Việt Nam; tôi chịu ơn những anh hùng hào kiệt đã hy sinh cho tiền đồ dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử. Tôi chịu ơn những chíên sỹ Việt Nam Cộng Hòa đã bảo vệ tự do cho tôi. Tôi chịu ơn những thuyền nhân đã không may mắn như tôi, nhưng cũng chính vì những cái chết thương tâm của họ mà thế giới tự do đã đón nhận những người tỵ nạn cộng sản còn sống sót như tôi. Tôi không thể không trăn trở với hiện tình đất nước; tôi không thể nhắm mắt làm ngơ với hệ thống chính trị lỗi thời là chế độ cộng sản đang làm cho đất nước băng hoại. Trên huy hiệu giám mục của tôi có lá cờ VNCH trải ngang như làn sóng trên nền xanh đại dương. Tôi không thể bỏ quên qúa khứ và căn tính tỵ nạn của mình. Tôi không ngần ngại khẳng định lập trường của mình là: không bao giờ tách lìa lý tưởng một Việt Nam phi cộng sản và một Việt Nam nhân bản ra khỏi sứ mạng giám mục của tôi.”
Từ lời tuyên tín công khai trên đây, người mục tử đến từ Úc châu xa xôi còn chia sẻ với quý chức sắc trong HĐ Liên Tôn Việt Nam và đồng hương của ông thuộc mọi tôn giáo ở Hoa Kỳ về lòng kính ngưỡng đối với các cố Giám Mục Lê Hữu Từ, Lê Đắc Trọng, nhất là Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Nói tới vị GH gốc Ba Lan, người viết nhớ tới vài trích dẫn lời dạy của ngài để củng cố cho quan điểm người tín hữu Thiên Chúa giáo phải tham gia chính trị trong bài tham luận của chúng tôi buổi tối 28-4-16.
Trong đoạn 42 trang 100/101 Tông Huấn “Người Tín Hữu Giáo Dân” công bố năm 1988, bản dịch của cố LM Trần Văn Hoài, Thánh Giáo Hoàng khẳng định:
“Để đem tinh thần Kitô vào trật tự trần thế, nghĩa là ‘đem đạo vào đời’ theo ý nghĩa là phục vụ con người và xã hội, các tín hữu giáo dân tuyệt đối không thể từ chối tham gia vào chính trị, nghĩa là các hoạt động nhiều sắc thái như kinh tế, xã hội, lập pháp, hành chánh, văn hóa, có mục tiêu cổ võ công ích…”
Nhắc lại những lời chê trách khía cạnh tiêu cực của chính trị, cũng nơi trang 101 Tông Huấn, ngài viết tiếp:
“Tất cả những lời lẽ khinh khi này không cách nào bào chữa được cho người Thiên Chúa giáo trốn tránh chính trị hay nghi ngờ việc chung…”
Đôi lời trước khi kết thúc
Chứng từ của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, của các cố GM Lê Đắc Trọng, Nguyễn Kim Điền, còn nhiều và bài tham luận của vị GM Phụ Tá TGP Melbourne cũng còn dài, nhưng xét thấy bài viết này đến đây cũng tạm đủ để gửi tới những ai cần đọc. Trước khi kết thúc, chúng tôi xin chuyển tới quý độc giả giấc mơ của người mục tử đến từ Úc Châu, Giám Mục Vincent Nguyễn Văn Long:
“Giấc mơ đó là gì thưa quý vị và đồng bào?
Đó là ngày khải hoàn của công lý, của sự thật, của nhân bản, của những giá trị Chân-Thiện-Mỹ trên quê hương.
Đó là ngày chiến thắng của ánh sáng trên tối tăm, sự lành trên sự dữ, chí nhân trên cường bạo và đại nghĩa trên hung tàn.
Đó là ngày cánh chung của chế độ Cộng Sản và ngày quang phục của một Việt Nam thực sự độc lập, dân chủ và vững mạnh trước những thử thách mới. Bao lâu còn bị cai trị bởi chế độ cộng sản, quê hương chúng ta sẽ mãi mãi còn bị băng hoại và bế tắc.”
(1) Tin từ trong nước hôm 03-5 cho hay: Cho đến chiều nay (03-5) nhiều loại cá biển trôi dạt vào bờ ở cửa biển Thuận An và phá Tam Giang (Thừa Thiê- Huế) trong tình trạng lờ đờ. Trong khi đó cá nuôi của người dân ở khu vực này lần đầu tiên bị chết hàng loạt. Chi cục Thú y tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tiến hành thu gom được 1,1 tấn cá nuôi của 23 hộ dân thôn Hải Tiến, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang để đưa đi tiêu hủy sau khi bị chết.
Đây là những loại cá do người dân nuôi ở cạnh cửa biển Thuận An phía bờ Nam, trong đó hộ bị nặng nhất có trên 3 tạ cá chết, cá nặng từ 0,3-1,2 kg. Đây là lần đầu tiên xuất hiện tình trạng cá nuôi chết tại địa phương này. Ông Trương Viết Phương, một hộ dân có gần 1 tạ cá vẩu bị chết, cho biết: “Vào sáng sớm, sau khi thủy triều lên thì cá tôi xuất hiện tình trạng nổi lờ đờ như thiếu ô xy, vài giờ sau thì chết chìm xuống đáy lồng”.
Trong khi đó, phía bờ Bắc cửa Thuận An thuộc thôn 2 xã Hải Dương, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên – Huế) tình trạng nhiều loài cá biển trong trạng thái lờ đờ, ào ạt dạt vào bờ và phá Tam Giang cũng xuất hiện khá nhiều vào cùng thời điểm. Hiện tượng cá vẩu, cá chẽm nuôi cạnh cửa Thuận An của người dân Hải Dương cũng bắt đầu chết. Ông Nguyễn Châm, một hộ nuôi cá tại đây, cho biết vào buổi sáng 3-5 thì cá vẫn ăn bình thường, ít lâu sau xuất hiện tình trạng nổi lờ đờ và chết. Cùng ngày, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, ông Trần Duy Tuyến, Bí thư Thị ủy Hương Trà cùng nhiều cơ quan chức năng đã về xã Hải Dương kiểm tra tình hình. Ông Tuyến cho biết trước đây tại xã Hải Dương tình trạng cá biển chết chỉ rải rác, cá nuôi không bị, nhưng đến thời điểm này lại ảnh hưởng rất nặng nề, trong đó có khoảng 70 kg cá biển trong tình trạng lờ đờ được chính quyền địa phương thu gom, tiêu hủy. “Hiện tượng này xuất hiện sau khi thủy triều lên. Nhiều lồng cá nuôi cũng bị như vậy, một số đã bị chết nhưng chưa thể thống kê chính xác số lượng”
(2) Dư luận người TCG trong và ngoài nước cũng thắc mắc: cho đến hôm nay UB/Công Lý & Hòa Bình cạnh HĐGMVN vẫn chưa có tiếng nói chính thức về thảm nạn này. Được biết cho đến ngày 27-4, sau khi Hànội bát buộc phải lên tiêng thì Ban CL&HB đơn vị Giáo Phận Vinh mới có văn thư cáo giác. Cuối văn thư chỉ ghi trống không: Ban Công Lý & Hòa Bình Giáo Phận Vimh, không có danh tính người trách nhiệm, Bà con giáo dân hỏi nhau: không rõ GM Phaolô Nguyễn Thái Hợp, GM Vinh kiêm Chủ tịch UB/CL&HB toàn quốc đang ở đâu?
(3) Đoạn Tin Mừng này gợi nhớ tới Chương XVIII viết về Học Thuyết Xã Hội Công Giáo, phần 4 trong tác phẩm biên khảo Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Vĩ Nhân Thờ Đại do tủ sách Tiếng Quê Hương tái bản năm 2006. Sau khi trích đoạn Tin Mừng trên, chúng tôi viết tiếp:
“Đấy là giáo lý Yêu Thương, là con đường cứu rỗi của Chúa Giêsu Kitô. Và đấy cũng là tư tưởng dẫn đạo cho mục tiêu và sứ vụ hàng đầu của Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ trong cuộc lữ hành trần thế. Theo trình thuật của Thánh Luca thì sau khi chịu phép rửa, trải qua 40 ngày chay tịnh trên rừng, vượt thắng cơn cám dỗ của ma quỷ, Chúa Giêsu đến Nazareth, vào hội đường đọc Sách Thánh. Trước sự hiện diện của đám đông dân chúng, Người mở sách ngôn sứ Isaia và gặp đoạn Tin Mừng kể trên.
Sau khi đọc xong, Chúa Giêsu gấp sách lại, nghiêm trang nhìn mọi người và nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.”
Tròn 20 thế kỷ, cho dẫu đã trải qua nhiều thăng trầm thử thách trong khi bước theo chân Chúa Kitô, Giáo Hội Công Giáo vẫn minh nhiên tự nhận là Giáo Hội của người nghèo, người bị cô thế, bị áp bức, bị bách hại, tù đày. Và trong kho tàng giáo huấn, vốn bám rễ sâu xa trong Kinh Thánh và Phúc Âm, Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ luôn qui chiếu mọi lời giảng dạy vào những hành vi, cử chỉ, lời nói và những nẻo đường của Ngôi Hai Thiên Chúa, kể từ giây phút khởi đầu cuộc sống công khai cho tới khi chấp nhận khổ hình thập giá để hoàn thành chương trình cứu độ.
Đối chiếu lời Kinh Thánh trong sách ngôn sứ Isaia trên đây với hình ảnh ngày chung thẩm khi Chúa Kitô tái lâm, ta thấy thời gian, không gian và cảnh ngộ tuy khác, nhưng nội dung vẫn chỉ là một.
Động cơ duy nhất khiến Thiên Chúa Cha sai Con Một của Ngài xuống thế chính là vì Yêu Thương thế gian, muốn mở đường cứu rỗi thế gian. Và trong ngày cánh chung, để phân biệt hầu thưởng phạt người lành, kẻ dữ, Thiên Chúa cũng đã không dựa vào tiêu chuẩn nào khác hơn là Tình Thương, là mức độ ban phát tình thương đến những kẻ bất hạnh, khốn cùng: bệnh hoạn, tù đày, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu vắng tình người.
Chính từ đấy, Giáo Hội đã nhận ra sứ mạng phục vụ Con Người cùng những thiện ích của con người chính là nẻo đường dẫn về cùng Thiên Chúa Cha… ”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét