khktmd 2015
Chủ Nhật, 8 tháng 5, 2016
Sợ ông Trump - Tác giả Lê Phan
Ở khắp các nơi ngày nay người ta chỉ nghe có hai điều về Hoa Kỳ. Điều đầu tiên là Hoa Kỳ không còn là một siêu cường như trước nữa; và điều thứ nhì là cả thế giới sẽ để mọi chuyện quan trọng sang một bên cho đến khi họ thấy kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Nay còn thêm một đề tài thứ ba nữa còn cấp bách hơn: Một ông Donald Trump làm tổng thống sẽ là cơn ác mộng mà họ sợ không muốn trải qua.
Dĩ nhiên điều gọi là sự suy thoái của Hoa Kỳ đã toàn là nói quá. Hoa Kỳ vẫn là cường quốc duy nhất trên địa cầu này: quốc gia duy nhất có khả năng can thiệp ở bất cứ nơi nào. Hoa Kỳ đứng trên tột đỉnh của một hệ thống đồng minh đáng kính nể. Điều có thay đổi trong khoảng một thập niên gần đây là có một số điều cản đường - một bên thì là sự thay đổi thăng bằng quyền lực quốc tế và một bên là tâm lý chính trị đối nội ngày càng không muốn can thiệp vào thế giới bên ngoài.
Tuy vậy, hiện vẫn không có ai có thể đọ sức với Hoa Kỳ. Và sẽ còn nhiều thập niên nữa, và có thể là không bao giờ, trước khi Trung Cộng có thể có được tầm tay quân sự và sức mạnh kỹ thuật của Hoa Kỳ. Washington vẫn còn là người bảo vệ không thể thiếu được của trật tự toàn cầu. Thành ra, vâng, chỉ có người Mỹ mới có quyền quyết định ai họ muốn đưa vào Tòa Bạch Ốc, nhưng lựa chọn của họ sẽ là một chuyện vô cùng quan trọng cho tất cả mọi người.
Và chuyện đó còn quan trọng hơn nữa khi nay ông Trump đã trở thành người hầu như chắc chắn là ứng cử viên được đảng Cộng Hòa chọn. Đã có quá nhiều giấy mực, lời nói và hình ảnh được đưa ra về sự chiến thắng của ông trong các cuộc bầu sơ bộ: nào là về làm sao mà đảng Grand Old Party của cố Tổng Thống Abraham Lincoln vĩ đại đã trở thành tác giả của sự phá hủy của chính mình; về cách nào mà một nhà thầu khoán địa ốc kiêm tài tử truyền hình reality television đã nắm bắt được sự gia tăng tức giận và lo lắng của những người Mỹ đã thấy tiêu chuẩn sinh sống của mình suy thoái, vị thế xã hội sụt giảm và tương lai mù mịt mà theo họ là do toàn cầu hóa gây nên. Và ông Trump cũng đã thành công nhờ sự đóng góp của các cơ quan truyền thông coi ông như là món mồi ngon để lôi cuốn khán giả bất kể trách nhiệm của truyền thông.
Chuyện cũng đúng là các chính trị gia cả tả lẫn hữu trên toàn thế giới dân chủ đang chơi cùng một điệu nhạc. Bà Marine Le Pen, lãnh tụ của đảng National Front ở Pháp cũng rêu rao cùng một luận điệu bài Hồi Giáo, cũng như đảng cực hữu Alternative fur Deutschland của Đức. Ở Anh Quốc, phe ủng hộ Brexist đang dựa trên sự thù nghịch của dân chúng với giới cầm quyền để tìm cách tách rời quốc gia này ra khỏi lục địa của nó.
Nhưng người ta bảo chính trị thường rồi thì cũng thích ứng với hoàn cảnh. Cái điều hấp dẫn là nay có thể nói là, ờ thì mọi sự rồi cũng không quá tệ như vậy. Các ứng viên thường phải chiều lòng những tầng lớp căn bản ủng hộ họ trong các cuộc bầu sơ bộ rồi họ sẽ trở lại khu trung tâm để được lòng đa số. Khổ một nỗi, ứng cử viên Donald Trump sẽ không như vậy. Người hầu như chắc chắn là ứng cử viên của đảng Cộng hòa không phải là một người bảo thủ và càng không phải là một người Cộng Hòa. Nghị trình của ông pha trộn chủ nghĩa kinh tế mỵ dân cánh tả cộng với một chủ nghĩa quốc gia cực đoan đặc biệt xấu xí và đáng sợ của cánh hữu. Điều mà chúng ta được nghe bảo là chính sách ngoại giao của ông ta chỉ có thể được diễn tả là một chủ thuyết cô lập gây hấn, cũng không khác Bắc Hàn bao nhiêu. Đắp tường để chặn Mexico và cấm người Hồi Giáo vào Hoa Kỳ - đây không phải là những chính sách mà có thể dễ dàng sửa đổi hay là bỏ quên đi.
Nhưng người ta bảo nhau, nhất là những người thuộc cánh cựu trào trong đảng Cộng Hòa lý luận, ông ta không thể nào thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 này. Ông ta đã gây sự và gây thù hận với 70% phụ nữ và cũng gây thù oán với một tỉ lệ cao hơn nữa người Mỹ gốc La Tinh và một người Mỹ gốc Phi Châu. Sự không hài lòng với cá nhân ông đã lên quá cao. Thành ra tính toán căn bản cho thấy ông ta không thể thắng được. Điều làm cho bên nhóm cầm quyền của đảng Cộng Hòa lo ngại là ông Trump sẽ đem luôn đảng của mình đi theo thất bại như ông. Bên Dân Chủ hiện đã có triển vọng đáng kể chiếm lấy đa số ở thượng viện. Ông Trump có thể để cho đảng Cộng Hòa mất luôn Hạ Viện.
Quả đúng là những người Cộng hòa có thể chọn ông làm ứng cử viên, nhưng là chuyện khác nếu người Hoa Kỳ đưa ông vào Tòa Bạch Ốc. Nhưng cũng đừng quên bài học của các cuộc bầu sơ bộ, khi các đối thủ của ông đã thường xuyên coi nhẹ ông Trump.
Điều cũng đáng ngạc nhiên là những người Cộng Hòa - những người bị ông Trump làm cho hoang mang nhất - có vẻ chắc chắn hơn là các đối thủ Dân Chủ của họ, tin là ông sẽ tự hủy trên con đường đi đến bầu cử. Bà Hillary Clinton sẽ là một tổng thống rất đầy đủ khả năng. Nhưng bên Dân Chủ biết là điều đó không làm cho bà thành một ứng cử viên tốt. Bà không có cái tài hấp dẫn quần chúng của ông Bill Clinton, một cái tài ông Trump có rất nhiều.
Và cũng vậy chính sách ngoại giao của ông Trump. Các khẩu hiệu dán trên các xe hơi đã nói rõ, tất cả là để làm cho Hoa Kỳ vĩ đại trở lại. Sẽ không có chuyện rón rén tiến đến vấn đề nữa. Những kẻ thù, đặc biệt ISIS, sẽ không biết cái gì đã tấn công vào họ. Không tiên đoán trước được, theo sách của ông Trump, là một sức mạnh. Đa phần tuy vậy ông chỉ kết chặt chủ nghĩa quốc gia quá khích vào với chủ nghĩa cô lập cố hữu.
Ông ta muốn các đồng minh Hoa Kỳ ở Âu Châu và Á Châu phải chi tiền hay là chứng kiến Hoa Kỳ rút quân đội về nhà. Ông rất thản nhiên nếu các quốc gia như Nhật Bản hay Nam Hàn phản ứng trước sự bất ổn của vùng Đông Á bằng cách xây dựng khả năng vũ khí hạt nhân cho riêng mình. Bởi khi không còn “cảnh sát quốc tế” nữa thì ai phải lo lấy thân. Ông thán phục Tổng Thống Vladimir Putin của Nga, bởi cũng như ông Putin, ông sẵn sàng bất chấp luật lệ có sẵn để đạt mục tiêu riêng. Những thỏa thuận mậu dịch được coi như là gây thiệt hại cho công ăn việc làm và doanh nghiệp Hoa Kỳ, tức là hầu hết các thỏa thuận mậu dịch, cần phải được xé tan và hàng loạt những thuế nhập cảng đánh vào hàng Trung Cộng.
Kết nối hết cả những điều này và điều ông Trump đang đề nghị, trên thực tế, là phá hủy hết các cấu trúc toàn cầu mà nhiều đời tổng thống Cộng Hòa và Dân Chủ đã dày công xây dựng sau Đệ Nhị Thế Chiến. Giả định căn bản nằm sau lý luận của ông Trump là Hòa Bình Hoa Kỳ- Pax Americana là một công việc hoàn toàn bất vụ lợi, một trật tự thế giới mà một nước Mỹ hào khoáng rộng rãi đã trao tặng cho một thế giới vô ơn.
Thực tế khó nuốt dĩ nhiên là những luật lệ và định chế này đã nằm vùng trong các quyền lợi của Hoa Kỳ trong hệ thống quốc tế. Sự phồn vinh và an ninh của Hoa Kỳ không thể tách rời ra khỏi vai trò lãnh đạo của họ trong quyền lực toàn cầu. Đó là lý do tại sao Trung Cộng và các quốc gia đang lên khác đòi có một tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc quản trị hệ thống toàn cầu này. Hủy bỏ hết tất cả chúng đi để cuốn gói về nhà sẽ giúp làm giảm thiểu rất nhiều uy quyền của Hoa Kỳ.
Người Việt chúng ta đã có một bài học rất đắt về việc khi Hoa Kỳ rút lui. Sự thiển cận của một số vị dân cử Hoa Kỳ, cùng với sự thúc đẩy của báo chí vốn đã thổi phồng cái xấu về miền Nam và đề cao cái tốt của miền Bắc khiến Việt Nam Cộng Hòa mất chính nghĩa ở Hoa Kỳ, kết hợp lại đã khiến quân đội chúng ta không có súng đạn để chiến đấu và đất nước của chúng ta tiêu tan. Cái bài học đó cho đến ngày nay vẫn còn được một số lãnh tụ Á Châu nhắc lại và bảo là liệu có tin được ở Hoa Kỳ không. Sự rút lui của Hoa Kỳ không những không mang lại “vĩ đại” cho Hoa Kỳ, mà ngược lại nó sẽ làm Hoa Kỳ mất hết những vĩ đại đang có.
Quyết định dĩ nhiên nằm trong tay người Mỹ, nhưng một lựa chọn ông Trump sẽ thật là tồi tệ cho tất cả mọi người. Một thành phố không có cảnh sát sẽ thành rừng hoang. Một thế giới không có cảnh sát cũng vậy.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét