khktmd 2015
Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2016
Chống Tẫu Nẫu Ruột - Tác giả Nguyễn Xuân Nghĩa
Nhiều người Việt ta ở trong nước thì ngẩn ngơ: “khách không ở, lòng em cô độc quá”, câu thơ người xưa diễn tả tâm trạng người nay, sau khi chàng tuổi trẻ lên chuyên cơ bay về phía mặt trời mọc để nói chuyện với con cháu Thái Dương Thần Nữ….
Nhưng, tỉnh dậy đi chứ! Hãy tìm hiểu nỗi niềm Obama.
Không mê muội ngóng trông chuyến thăm viếng của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama mà chịu khó nhìn vào toàn cảnh, ta có thể thấy ra ba bốn sự lạ.
Tháng Tư đen, cá chết trắng bờ duyên hải miền Trung, Tổng trưởng Quốc phòng Ashton Carter của Hoa Kỳ bay qua Ấn Độ ký kết hiệp ước tiếp liệu quân sự và gián tiếp cho thấy vành đai bao vây Trung Cộng. Sau đó, cũng chính ông Carter lại nhắc tới lời mời của Chính quyền Obama hướng về Bắc Kinh: dù các đấng con trời có ngang tàng uy hiếp khu vực Đông Nam Á, Hoa Kỳ vẫn mời Trung Cộng tham dự cuộc thao dượt quân sự RIMPAC được tổ chức hai năm một lần với các quốc gia trên vành cung Á Châu Thái Bình Dương kể từ năm 1971. Trong tháng tới, các đơn vị của Tầu sẽ lần đầu tiên xuất hiện bên cạnh các đồng minh của Mỹ, để tập dượt việc cứu lấy dân gian trên vành cung. Nghĩa là làm sao?
Nghĩa là Hoa Kỳ không căng vành cung nhắm vào Trung Cộng!
Nếu nhớ lại sự thể ấy, những ai cho rằng việc Tổng thống Mỹ vừa đặt chân tới Hà Nội đã vội loan báo quyết định gỡ bỏ lệnh cấm vận võ khí sát thương là biến cố lịch sử thì nên… đi tìm bác sĩ tâm thần.
Ông Obama có thể làm chuyện ấy ngay tại Hoa Kỳ mà khỏi cần nẩy mông vì đấy chỉ là hành động ngoại giao không hơn không kém. Thực tế thì Hà Nội chưa thể toàn quyền đi chợ mua về những gì có giá trị nhất cho việc phòng vệ chống Tầu - nếu như họ thật tình muốn vậy như nhiều người còn cầu khẩn. Khác với dân Việt, lãnh đạo Hà Nội chưa muốn thoát Tầu và không thể toàn quyền mua súng vì từng món hàng hay dịch vụ dạm hỏi sẽ được Hoa Kỳ cứu xét cặn kẽ, dưới ống kính hiển vi của Quốc hội – nhân quyền vẫn là tiêu chuẩn cài sẵn ở nhà.
Và với Hoa Kỳ, an ninh cũng là “mối quan ngại sâu sắc” - chữ người Hà Nội – về động thái của bầy cóc nhái Ba Đình. Obama không chỉ học nhẩm thơ ta, từ Lý Thường Kiệt tới Nguyễn Du, để biểu dương sự am hiểu văn hóa Việt Nam cho người Hà Nội. Ông cũng biết thành ngữ “nối dáo cho giặc”!
Bây giờ, hãy rời Hà Nội mà nhìn vào Thiên hạ Đại thế!
Chính quyền Barack Obama đang bật ra một tín hiệu khó hiểu cho những ai chưa thấm nhuần đạo lý chính trị của nước Mỹ. Tín hiệu ấy có phần cương cứng là cùng nhau be bờ chống Tầu, chẳng khác gì chiến lược của Chính quyền Harry Truman khi be bờ chống Liên bang Xô viết vào thuở ban đầu của Chiến tranh lạnh. Nhưng kèm theo tín hiệu ấy lại là khẩu hiệu “không phân giải phải quấy trong việc tranh chấp chủ quyền giữa các nước Đông Á” mà chỉ muốn bảo vệ “quyền tự do lưu thông ngoài biển”, mặc dù Hoa Kỳ đã quyết định “chuyển trục” hay “tái cân bằng lực lượng” trong khu vực.
Chuyện cương cứng và âm nhu như vậy chỉ là lẽ thường của sinh lý chính trị học.
Ngày xưa, nước Mỹ có thể be bờ chống Liên Xô vì chẳng buôn bán gì với Đế quốc Xô viết của Nga. Các đồng minh Tây Âu cũng vậy. Và Liên Xô tan rã không vì chiến lược be bờ ấy mà vì những nhược điểm uyên nguyên nội tại của chế độ cộng sản. Nhược điểm ấy phát tác từ bên trong khi Đế quốc Xô viết quên phận con ếch mà phùng mang như con bò.
Ngày xưa, một đồng minh chiến lược của Mỹ là Cộng hòa Liên bang Đức tại miền Tây còn có lúc mơ chuyện hòa giải với miền Đông – Ostpolitik – với khẩu hiệu “Thà Đỏ Hơn Chết”, nhưng dưới sự bảo vệ của Hoa Kỳ và Minh ước NATO vào thời Tổng thống Ronald Reagan. Cũng chẳng sao, vì năm năm sau là Liên Xô chuyển sang từ trần mà không kịp viết cáo phó.
Ngày nay, Hoa Kỳ mua bán với Trung Cộng – bán 117 tỷ và mua 482 tỷ - chẳng khác gì các đồng minh chiến lược là Nhật Bản hay Nam Hàn, thậm chí Đài Loan. Thực tế thì các bạn hàng số một của Hoa Kỳ đều nằm tại Bắc Mỹ là Canada và Mexico, chứ bạn hàng số một của Trung Cộng chính là Nhật Bản. Be bờ thế nào khi tầu hàng thì nhận còn tầu chiến thì chận?
Cho nên chuyện hăm he be bờ chỉ là răn đe không hơn không kém.
Còn lại, càng ở sát tầm đạn Trung Cộng thì càng phải khoác bộ giáp cho dầy và nhà cung cấp có đẳng cấp cao nhất thế giới vẫn là nước Mỹ. Nói chuyện văn hóa và nhân quyền, người được giải Nobel Hòa Bình là Obama vừa có chuyến rao hàng cho kỹ nghệ sản xuất chiến cụ và dịch vụ quân sự của Mỹ. Nhưng khi rao hàng vẫn biết chữ “chọn mặt gửi vàng” nên không gửi cho phường Ba Đình.
Việc chuyển trục cũng thế.
Hoa Kỳ là siêu cường toàn cầu, duy nhất có thể kiểm soát và can thiệp vào mọi khu vực của địa cầu. Đấy là cái trục trung tâm như cốt lõi của một bánh xe, với các nan hoa xòe ra thập phương tứ hướng.
Cái hướng có nhiều rủi ro sinh tử cho quyền lợi của Hoa Kỳ là Tây Âu và Đông Á, nên Mỹ đã có sẵn sự hiện diện của binh lính trong nhiều căn cứ: gần 63 ngàn tại Tây Âu và gần 78 ngàn tại Đông Á. So với các đơn vị tác chiến hay viễn chinh tại Bắc Phi, Trung Đông và cả ba chiến trường nóng là Iraq, Afghanistan và Syria, là tổng cộng hai vạn, thì ta thấy ngay đâu là chính binh, đâu là kỳ binh, đâu là hư đâu là thực!
Thế thì nước Mỹ muốn gì?
Nước Mỹ muốn bán hàng, thời bình bán bánh, thời loạn bán súng. Nhưng không chỉ có vậy. Nước Mỹ cũng muốn là không cường quốc nào có thể lên ngôi bá chủ để đe dọa quyền lợi của mình. Trung Cộng có thể là cường quốc đang đòi cạnh tranh với Mỹ chứ chưa thể là bá chủ thay thế Hoa Kỳ. Cạnh tranh thì được, nhưng sẽ mệt hơn và càng ngày càng mệt - như Liên bang Xô viết ngày xưa. Nếu lại muốn cạnh tranh trong lãnh vực sở trường của Hoa Kỳ, là chiến tranh, thì… cũng tốt thôi!
Hoa Kỳ không hề can ngăn khi Trung Cộng xuất huyết, là chuyện đang xảy ra về mặt kinh tế. Khi khích động và bày hàng cho các quốc gia bán đảo hay quần đảo vây quanh xứ này, Hoa Kỳ có thể dàn ra một cuộc thi đua khác để khí huyết Thiên triều càng thêm nhộn nhạo. Chống Tẫu đến nẫu ruột là võ công thuộc loại gì thì có lẽ Bắc Kinh vẫn chưa tìm ra chữ! Cái ác là Obama hé cửa cho lãnh đạo Hà Nội mơ ước việc đi mua võ khí. Và đẩy qua Quốc hội cái nhiệm vụ từng bước hỏi tội chế độ tồi tệ này về nhân quyền.
Một nhân vật mà đao phủ và nạn nhân đều muốn ôm hôn thắm thiết tất nhiên là tay xuất chúng, tiêu biểu cho tinh hoa “Ma Ma Phật Phật” của nước Mỹ! Hèn gì ông chọn Điện Ngọc Hoàng ở Sàigon chứ chẳng ghé chùa Giác Lâm để chắp tay….
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét