khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2016

Bàn về chiến lược quân sự “Offshore Control” của Hoa Kỳ




Một trong những lý do Trung Quốc hung hăng ráng vươn sức mạnh Không – Hải của mình càng gần tới eo biển Malacca càng tốt là nhằm để đối phó với kế sách mà giới chiến lược gia quân sự kinh tế của Hoa Kỳ đang đề nghị, bàn thảo khi nỗ lực tìm cách khống chế mộng bá quyền của Trung Quốc mà không cần phải thông qua giao tranh trực diện Không – Hải.

Kế sách này được gọi là chiến lược quân sự “Offshore Control,” được tạm hiểu là chiến lược “Phong Tỏa Hải Lộ”.

Các chiến lược gia Hoa Kỳ cho rằng sự cầm quyền độc đoán của Đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ bị gãy đổ nhanh chóng nếu nền kinh tế của Trung Quốc rối loạn và tê liệt. Để nền kinh tế Trung Quốc bị tê liệt thì chỉ cần phong tỏa các hải lộ chính chuyên chở hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu ra khắp nước hoặc phong tỏa hải lộ chuyên chở dầu hỏa về cho nền kinh tế đang phát triển rất nhanh, từ 6% đến 8%, nên không thể thiếu hụt dầu và khí đốt.

Các báo cáo phân tích về kinh tế cho thấy rõ nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc hoàn toàn vào lượng dầu hỏa nhập khẩu, trong đó 80% số dầu hỏa nhập khẩu về cho Trung Quốc phải đi qua eo biển Malacca hay còn gọi là Malacca Straits, trung bình khoảng trên 5 triệu thùng dầu mỗi ngày. Giao thông vận tải, phân phối tại Trung Quốc sẽ hoàn toàn tê liệt nếu hải lộ Malacca bị phong tỏa hoàn toàn. Giới lãnh đạo Trung Quốc gọi nổi ám ảnh thiếu dầu khiến kinh tế rối loạn tê liệt dẫn đến bất ổn chính trị là “nổi ám ảnh Malacca” hay còn gọi là “Malacca dilemma.”

I. Năm mục tiêu của chiến lược quân sự “Offshore Control”:

Chiến lược quân sự “Offshore Control” cần phải thỏa mãn năm mục tiêu quan trọng sau đây:

1- Khẳng định vị thế lãnh đạo của Hoa Kỳ trong vùng & củng cố niềm tin của các nước đồng minh Hoa Kỳ trong vùng là Hoa Kỳ sẽ can thiệp loại bỏ mọi hành đồng vũ lực hiếu chiến gây nguy hại đến đồng minh.

2- Duy trì hòa bình trong vùng.

3- Đảm bảo sự phát triển ổn định thịnh vượng kinh tế cho đồng minh Hoa Kỳ trong vùng.

4- Dành lấy thắng lợi sau cùng với sự thiệt hại thấp nhất và giảm thiểu tối đa nguy cơ sử dụng vũ khí hạch tâm.

5- Răn đe và kềm hãm Trung Quốc sử dụng vũ lực để lấn chiếm lãnh hải và lãnh thổ của các nước đồng minh Hoa Kỳ.

II. Ưu điểm của chiến lược quân sự “Offshore Control”:

Những chiến lược gia Hoa Kỳ ủng hộ chiến lược quân sự “Offshore Control” cho rằng chiến lược này có những ưu điểm quan trọng sau đây:

1- Giúp Hoa Kỳ né tránh một cuộc đụng độ không hải trực diện với Trung Quốc có thể dẫn đến leo thang chiến tranh hạch tâm.

2- Hạn chế chiến phí và giảm thiểu tối đa thiệt hại nhân mạng cho Hoa Kỳ và các nước đồng minh.

3- Tiêu diệt tham vọng của Trung Quốc thông qua tê liệt kinh tế dẫn đến sụp đổ chính trị cho nhưng toàn bộ cơ sở hạ tầng kinh tế Trung Quốc còn nguyên không bị phá hủy bởi bom đạn.

Các chiến lược gia Hoa Kỳ khi đưa ra chiến lược quân sự “Offshore Control” cho rằng việc phong tỏa hải lộ sẽ giúp Hoa Kỳ tránh bị lôi cuốn vào những trận đụng độ không-hải tổn hao nhân lực vũ khí tiền của không cần thiết mà lại đem đến kết quả thiết thực hữu hiệu cho một chiến thắng chính trị ngoại giao và quân sự sau cùng. Những nơi hải lộ bị phong tỏa dù rằng rất then chốt trọng yếu nhưng lại hoàn toàn nằm xa ngoài khả năng kiểm soát của Hải quân Trung Quốc và nằm sâu trong lãnh thổ của đồng minh Hoa Kỳ khiến Trung Quốc không thể ngang nhiên ngang ngược xâm lược trước công pháp quốc tế hoặc không đủ khả năng quân sự trải rộng khắp để xâm lược.

Một ưu điểm quan trọng của chiến lược này là làm sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc bị gãy đổ nhưng cơ sở hạ tầng của Trung Quốc còn nguyên vẹn, không bị phá hủy bởi bom đạn.

III. Khuyết điểm của chiến lược “Offshore control”:

Chiến lược quân sự “Offshore Control” chỉ có thể hữu hiệu thành công nếu các quốc gia trong vùng châu Á Thái Bình Dương tham gia chiến lược này tin tưởng hoàn toàn vào mục tiêu đầu tiên đã nêu ở trên của chiến lược, tức là tin tưởng là Hoa Kỳ sẽ sẵn sàng động binh nếu Trung Quốc trong lúc quá túng quẫn bế tắc đối sách do bị cấm vận dầu hỏa đang bị rối loạn kinh tế sẽ xâm lược bừa vào các nước đồng minh tham gia chiến lược này mà bất chấp công pháp của Liên Hiệp Quốc như Nhật Bản đã từng làm trước đệ nhị thế chiến; cũng như hoàn toàn tin tưởng vào Hoa Kỳ sẽ trợ giúp kinh tế các nước đồng minh tham gia chiến lược “Offshore Control” này khi Trung Quốc bục tức trả đũa các nước đồng minh về kinh tế như cấm vận, xiết nợ… vân vân.

Mặc dù sức mạnh Không-Hải Trung Quốc không mạnh như Hoa Kỳ nhưng cũng đủ để làm các nước liên quan trong vùng (ngoài trừ Hoa Kỳ) suy nghĩ, cân nhắc và cảm thấy thiết lập một nền hoa bình dù bị quy lụy, đe dọa với Trung Quốc vẫn có lợi hơn là phải đối đầu trực diện với Trung Quốc. Trung Quốc lợi dụng tâm lý lưỡng lự này của các nước trong vùng ra sức gia tăng áp lực quân sự, đẩy mạnh sự hiện diện Không-Hải của mình trên toàn cỏi biển Đông một cách hung tợn hiếp đáp bất chấp mọi luật lệ của Liên Hiệp Quốc về hải phận.

Mối liên hệ kinh tế sâu rộng giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng càng làm cho các nước có liên quan nghi ngờ quyết tâm của Hoa Kỳ trong việc kiềm chế Trung Quốc. Tâm lý nghi ngờ này khiến các nước trong vùng xích lại gần nhau để đối phó Trung Quốc rất chậm chạp lỏng lẻo và rời rạc trong suốt hơn mười năm qua.

Hiện tại, các quốc gia trong vùng vẫn còn lo sợ về bài học của cuộc chiến tranh Việt Nam và vẫn chưa thật sự tin tưởng Hoa Kỳ. Bài học “chiến tranh Việt Nam” cho các nước trong vùng Đông Nam Á là họ thấy rõ Hoa Kỳ sẵn sàng bỏ rơi đồng minh thân cận là Việt Nam Cộng Hòa không can thiệp khi Trung Cộng dùng vũ lực tấn công chiếm lấy quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1974 sau khi đã có những thỏa ước tốt đẹp với Trung Quốc.

Việc Hoa Kỳ thất hứa không viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa tự vệ trước sự xâm lăng của Cộng Sản sau khi đã có những thỏa hiệp tốt đẹp với Trung Cộng thông qua bản thông cáo chung tại Thượng Hải càng làm cho các nước trong vùng Đông Nam Á lo sợ về một viễn cảnh xấu là nếu tham gia chiến lược “Offshore Control” của Hoa Kỳ chống lại Trung Quốc thì tương lai sẽ hứng chịu thảm cảnh khốc liệt gây ra bởi Trung Quốc do bị Hoa Kỳ bỏ rơi nếu Trung Cộng & Hoa Kỳ đã đạt được những thỏa hiệp tốt đẹp và không còn cần thiết phải duy trì chiến lược “Offshore Control” căng thẳng với Trung Quốc nữa.

Vì vậy, chính phủ Obama trong hơn bảy năm qua đã phải ráo riết gia tăng các nỗ lực ngoại giao để trấn an, gây niềm tin đối với các trong vùng Đông Nam Á và thể hiện rõ quyết tâm của Hoa Kỳ hiện diện tại vùng này với vai trò lãnh đạo nhằm duy trì hòa bình và dứt khoát can thiệp để chấm dứt mọi hành động đe dọa của Trung Cộng lên các nước trong vùng.

Chính phủ Obama đã phải tỏ ra lạnh nhạt với Do Thái một cách công khai để trấn an các chiến lược gia các nước trong vùng Đông Nam Á, thậm chí, không tiếp thủ tướng Do Thái khi ông này có mặt tại Washington theo lời mời của quốc hội Hoa Kỳ. Ngoài ra, cam kết tăng viện dầu hỏa cho Do Thái không điều kiện vào tháng chín năm 1975 do Ngoại Trưởng Henry Kissinger xúc tiến cũng không được chính phủ Obama cho “renew” tức gia hạn. Thông điệp của Hoa Kỳ rất cương quyết và rõ ràng: “mối bận tâm hàng đầu của Hoa Kỳ không phải là Do Thái hay vùng Vịnh nữa mà chính là biển Đông và Đông Nam Á.”

Dù vậy, niềm tin không thể một sớm một chiều mà có, nhất là lịch sử đen về một lần Hoa Kỳ thất hứa và bội phản đồng minh Việt Nam Cộng Hòa còn đó.

IV. Hệ quả trước mắt của chiến lược “Offshore Control”:

Khi kế hoạch này được đưa ra bàn thảo tại bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ thì các quốc gia trong vùng Đông Nam Á lật đật gia tăng hiện đại hóa quân đội để phòng khi ứng biến. Bề ngoài, sự hiện đại hóa quân đội này nằm trong mục tiêu ứng phó trước sự hung hăng khiêu khích quân sự của Trung quốc về mặt lãnh hải nhưng bề trong, các nước trong liên quan trong vùng Đông Nam Á cần gia tăng cũng như hiện đại khả năng cấm vận không-hải trên lãnh hải của mình khi tham gia liên quân với Hoa Kỳ cấm vận Trung Quốc.

Ấn Độ và Nhật Bản là hai thí dụ cụ thể cho sự gia tăng ngân sách quốc phòng trong vùng châu Á Thái Bình Dương.


Quốc hội Nhật Bản đã chuẩn thuận cho phép quân đội của nước mình được tham chiến bên ngoài phạm vi lãnh thổ của Nhật nếu đồng minh của mình bị tấn công. Đây là một bước ngoặt vô cùng lớn trong lịch sử của Nhật Bản kể từ sau đệ nhị thế chiến.

Việc Hải-quân Hoàng Gia Nhật sẽ có mặt trở lại cảng Cam Ranh vào năm 2016 sau hơn 70 năm tính năm 1945 là một sự kiện trọng đại không ngờ của lịch sử nước Nhật kể từ sau ngày đầu hàng quân đội Đồng Minh. Nhật đã viện cớ sử dụng cảng Cam Ranh cho tiếp liệu quân sự mà thực ra ngấm ngầm gia tăng khả năng cấm vận của quân đội Đồng Minh đối với Trung Cộng khi cần thiết như chiến lược Offshore Control đề ra.

Việt Nam, vì khả năng quân sự quá yếu kém nên không thể tự mình thực hiện đúng vai trò phong tỏa trong kế sách Offshore Control của Hoa Kỳ dù có vị thế chiến lược vô cùng quan trọng nên cần cả Nhật, Ấn và Hoa Kỳ trợ giúp thêm khi cần thiết. Do đó, sự hiện diện của Nhật tại Cam Ranh không hề nằm ngoài những mưu tính của chiến lược Offcshore Control.
Ngoài ra, hiệp ước Trans Pacific Partnership – TPP ra đời trong bối cảnh sự căng thẳng biển Đông ngày một gia tăng cũng không ngoài mục đích bảo vệ kinh tế cho đồng minh của Hoa Kỳ khi tham gia chiến lược Offshore Control. Với hiệp ước này, mọi khống chế về kinh tế để bẻ gãy nối kết liên minh với Hoa Kỳ từ các nước trong vùng đã hoàn toàn không còn có thể thực hiện.

Nhìn một cách tổng quát, ảnh hưởng trước mắt của chiến lược Offshore Control là sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Hoa Kỳ và các nước châu Á Thái Bình Dương ở mọi mặt từ chính trị, kinh tế lẫn quân sự.

Và đương nhiên, ảnh hưởng trước mắt khác dễ thấy của chiến lược này là sự hiện diện ngày mỗi tăng của Hải-quân Hoa Kỳ trong vùng.

V. Vai trò hiện đại hóa quân đội Việt Nam trong chiến lược “Offshore Control”

Khi tham gia liên kết với Hoa Kỳ vào chiến lược Offshore Control, dù là trong miễn cưỡng do tình huống đẩy đưa hay tự giác, thì Việt Nam vẫn rất khập khiển để đóng đúng vai trò chiến lược của mình trong kế sách Offshore Control.

Có một bờ biển dài 3600 cây số nhưng Việt Nam hoàn toàn không có lực lượng tuần duyên hiện đại để giám sát mọi vi phạm lanh hải khi cần thiết. Cả Nhật Bản và cả Hoa Kỳ mới đây đã phải liên tục hổ trợ các phương tiện tuần duyên từ tàu bè đến tài chánh, cụ thể là bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ là ông Carter đã tặng tuần duyên Việt Nam nhiều tàu tuần duyên và 18 triệu đô la cho chí phí huấn luyện.

Bởi quân đội Việt Nam hiện nay vẫn còn là một quân đội Cộng Sản cho nên vấn đề cải cách hiện đại hóa quân đội bị cản trở do phải đặt mục tiêu chính trị duy trì và củng cố quyền lực của Cộng đảng lên trên mục tiêu quốc phòng. Hơn nữa, cái mác Cộng Sản khiến Hoa Kỳ và Đồng Minh không thể thẳng tay viện trợ canh tân và giúp đỡ. Sự giúp đỡ của Nhật và Hoa Kỳ hiện nay về quân sự đối với Việt Nam còn quá e dè, chừng mực.

Hy vọng Hoa Kỳ bải bỏ cấm vận vũ khí sát thương toàn diện vẫn còn úp mở bàn thảo khiến Việt Nam lại bị chậm trễ về việc canh tân vũ khí trong lúc tình hình ngày một căng thẳng hơn tại biển Đông. Tương lai chính trị của Việt Nam vẫn còn đang mờ mịt trước những xáo trộn nội bộ bên trong đảng Cộng Sản Hà Nội càng làm đối sách canh tân quốc phòng không thể tiến nhanh được. Sự kiện tướng Phùng Quang Thanh và vây cánh bị cô lập khiến nền quốc phòng của Việt Nam thành đấu trường chính trị hơn là một tổ chức quân đội đúng nghĩa.

VI. Kết

Liên kết giữa các nước trong vùng với Hoa Kỳ đang càng ngày càng rõ nét. Mối liên hệ quân sự giữa Ấn – Nhật – Hoa Kỳ – Úc – Mã Lai – Phi Luật Tân – Indonexia – Anh quốc – Singapore – Việt Nam đang càng ngày càng mật thiết cho thấy Hoa Kỳ đang từng bước chuẩn bị cho một khả năng phong tỏa Trung Cộng về hàng hải khi cần thiết như chiến lược Offshore Control đề cập.

Việc Mã Lai cam kết có để cho Hoa Kỳ cấm vận eo biển Malaccca hay không không còn là một nghi vấn nữa khi hai vị bộ trưởng quốc phòng Mã Lai và Hoa Kỳ gặp nhau trong tháng này trên hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt để thể hiện quyết tâm hợp tác giữa hai nước đồng minh.

Sẽ còn quá sớm để nhìn thấy một cuộc cấm vận hàng hải toàn diện đối với Trung Cộng như chiến lược Offshore Control trình bày nhưng đã quá trễ để phá vỡ liên minh quân sự đã được hình thành để sẵn sàng thực thi chiến lược này.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét