Từ mấy năm nay Sài Gòn xuất hiện quán cà phê Chiêu, phục vụ khách uống cà phê và đọc sách, do nhà thơ Chiêu Anh Nguyễn chủ trương thực hiện, lấy tên quán là CHIÊU CÀ PHÊ SÁCH.
Nội thất “Chiêu Cà Phê Sách.” (Hình: Nguyễn Đạt/Người Việt)
Thời gian đầu chỉ là quán nhỏ đặt ở một đường phố chật hẹp gần khu vực chung cư Tân Bình tại quận Tân Bình. Sau đó Chiêu Cà Phê Sách phát triển thành 3 quán cà phê rộng rãi bề thế, gồm 2 quán gần kề nhau trên đường Hoàng Sa - quận Nhất, và một quán ở phía trong khu vực này.
Chúng tôi thường uống cà phê ở một trong hai quán Chiêu Cà Phê Sách gần kề nhau trên đường Hoàng Sa, con đường chạy dài theo dòng kênh Nhiêu Lộc, dòng kênh chảy giữa quận Nhất và quận Phú Nhuận. Đường Hoàng Sa khởi từ con dốc dưới chân cầu Kiệu, đi khoảng trăm mét tới hai quán Chiêu Cà Phê Sách.
Cả hai quán Chiêu Cà Phê Sách mang sức thu hút với vẻ mỹ quan của những quán cà phê phương Tây. Trên hàng hiên rộng rãi trước quán, những bộ bàn ghế xinh xắn kiểu cổ điển của Pháp được bày ra, khách vừa ngồi nhâm nhi cà phê vừa nhìn ra dòng kênh xuôi chảy trước mặt. Dòng kênh Nhiêu Lộc được cải tạo nạo vét trong nhiều năm, làn nước đã trở nên trong sạch, bờ kênh cây lá cỏ hoa tươi tốt, là công trình lớn của thành phố hoàn thành trong năm 2014 -2015.
Quán cà phê sách không phải là phương thức đầu tiên của Chiêu Cà Phê Sách. Trước khi nhà thơ Chiêu Anh Nguyễn mở quán Chiêu Cà Phê Sách, công ty văn hóa Phương Nam đã thực hiện từ trước đó nhiều năm. Tuy nhiên cà phê & sách của công ty văn hóa Phương Nam chủ yếu giới thiệu những sách do công ty này in ấn phát hành. Sách của quán cà phê Chiêu là một cố gắng đáp ứng mong mỏi của những người muốn được đọc những gì mình chờ đợi, thậm chí những gì khó được đọc tại Sài Gòn và nói chung trong cả nước.
Tại “Chiêu Cà Phê Sách,” khách có thể đọc được các tác phẩm do “Giấy Vụn” xuất bản. (Hình: Nguyễn Đạt/Người Việt)
Muốn đọc sách, khách sẽ ngồi uống cà phê phía trong quán. Phía trong quan khá rộng, bàn ghế đặt có khoảng cách để khách thoải mái trầm ngâm với quyển sách mình đang đọc. Chúng tôi cảm động khi đứng trước một kệ sách phía trong quán, trên kệ sách có khung hình in một trích đoạn thơ trong bài thơ Ta Về của Tô Thùy Yên. Bên cạnh trích đoạn bài thơ Ta Về của Tô Thùy Yên, hình ảnh một chiếc thuyền của thuyên nhân Việt Nam vượt biển tìm tự do, đang bập bềnh trên sóng nước mênh mông.
Trích đoạn bài thơ Ta Về của Tô Thùy Yên:
Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cảm ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi
Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc bể dâu này...
Cũng trong quán Chiêu Cà Phê Sách, chúng tôi được đọc lại kiệt tác Darkness At Noon của Arthur Koestler, qua bản dịch Việt ngữ “Vòng Tròn Ma Thuật” của Phạm Nguyên Trường. Đây là một trong những quyển sách xuất bản không có giấy phép của nhà nước, do nhà xuất bản ngoài luồng “Giấy Vụn” thực hiện.
Chị Chiêu Anh Nguyễn, chủ quán Chiêu Cà phê Sách là người có sinh hoạt văn nghệ, làm thơ phổ biến trên các báo mạng Tiền Vệ, Da Màu... và quan hệ rộng rãi. Những quyển sách do chị tìm kiếm, được thân quen bằng hữu gửi tặng, nên số sách của quán ngày một phong phú, và phần lớn là những tác phẩm văn nghệ. Khách uống cà phê tại đây có thể đọc những tác phẩm của các nhà thơ - nhà văn - nhà biên khảo Việt Nam đang sống ở hải ngoại, những tác phẩm xuất bản tại Hoa Kỳ, Canada, Autralia...
Chiêu Cà Phê Sách mang sức thu hút với vẻ mỹ quan của quán cà phê phương Tây. (Hình: Nguyễn Đạt/Người Việt)
Sách của quán Chiêu Cà Phê Sách còn được tăng cường nhiều tác phẩm nổi tiếng thế giới từ thế kỷ trước, do họa sĩ Nguyễn Thuyên (tức Nguyễn Xuân Trung, nguyên đại úy Tiểu Đoàn 33 Biệt Động Quân) sang định cư tại Hoa Kỳ, trao tặng quán. Thật vui mừng khi vào uống cà phê được đọc lại những quyển sách mà chúng tôi và bạn đồng liêu Nguyễn Xuân Trung từng một thời say mê. Như tác phẩm Le Grand Meaulnes, tiểu thuyết duy nhất của nhà văn Pháp Alain Fournier; có cả bản dịch “Anh Môn” của nhà văn Mặc Đỗ kèm theo. Như Lord Jim và Typhoon của Joseph Conrad, nhà văn Anh gốc Ba Lan...
Riêng tôi càng cảm động khi thấy tác phẩm Lord Jim, bởi quyển sách làm tôi nhớ những ngày trước Sài-Gòn-giải-phóng, lần tôi giới thiệu anh Đỗ Đình Tuân, nguyên giáo sư Anh ngữ tại trường đại học văn khoa Sài Gòn, với nhà thơ Tô Thùy Yên, chủ trương Nhà xuất bản Kẻ Sĩ, để dịch tác phẩm này cho nhà xuất bản. Khi anh Đỗ Đình Tuân dịch xong quyển sách thì xảy ra biến cố lịch sử 30 Tháng Tư, 1975, và tôi vẫn giữ bản thảo bản dịch “Ngài Jim” của anh Đỗ Đình Tuân. Tiếc thay sau đó bản thảo bản dịch ấy đã thất lạc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét