khktmd 2015
Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2016
Hoa Kỳ vô can? - Không muốn can thiệp sau khi đã can thiệp - và gây chuyện đảo điên... - Tác giả Nguyễn Xuân Nghĩa
Vào ngày mở hàng đầu tiên của năm 2016, thị trường cổ phiếu Hoa Kỳ rớt như cục gạch. Nói chung mất giá hơn 2%, điều chưa từng thấy từ 84 năm về trước, cũng vào một năm Thân, 1932. May qua, khi thị trường đóng cửa thì chỉ mất có 1.5%.
Giới quan sát nêu ra hai lý do.
Thứ nhất là thị trường cổ phiếu Thượng Hải mất giá hơn 7%, thị trường Thẩm Quyến nhỏ hơn thì mất trên 8%. Truy lên lý do mất giá bên Tầu là thị trường mất niềm tin vào 1) giá trị cổ phiếu, 2) đà tăng trưởng kinh tế và 3) khả năng quản lý của giới hữu trách. Tổng kết lại, mất niềm tin vào cơ chế kinh tế chính tri. Đấy là nguyên nhân. Còn hậu quả? Hậu quả là toàn cầu lo ngại ảnh hưởng bất lợi từ Trung Quốc nên thị trường Hoa Kỳ chưa mở bát vào sáng Thứ Hai thì các thị trường Âu Châu cũng sụt giá nặng. Nghĩa là Hoa Kỳ có bị hiệu ứng từ Trung Quốc, chỉ vài ngày sau khi Bắc Kinh biểu dương ý chí quân sự tại Đông Á...
Chúng ta sẽ trở lại chuyện bên Tầu sau, vì lý do thứ hai của vụ sụt giá cổ phiếu tại Hoa Kỳ là một biến cố Trung Đông.
Hôm Thứ Bảy mùng hai, Bộ Nội Vụ Saudi Arabia thông báo việc 47 tội phạm vừa bị hành quyết trên toàn quốc vì ba trọng tội là 1/ phản đạo Hồi, 2/ liên can đến việc tấn công lực lượng an ninh Saudi làm nhiều người thiệt mạng và 3/ âm mưu phá hoại kinh tế và uy thế chính trị Saudi khi đánh cướp ngân hàng và tràn vào tòa tổng lãnh sự Mỹ tại Jeddah. Trong số bị hành quyết có giáo sĩ Sheikh Nimr al-Nimr là dân Saudi nhưng lãnh đạo hệ phái Shia trong lãnh thổ Saudi Arabia.
Với Hoàng gia Saudi thì khủng bố xưng danh Thánh Chiến, hệ phái Shia hay tội phạm hình sự đều là kẻ thù phải bị trừng trị.
Lập tức, lãnh đạo khối Hồi giáo Shia là Iran có phản ứng: Tòa Đại sứ Saudi ở thủ đô Tehran bị đám đông tấn công và đốt phá. Hậu quả tức khắc ngày hôm sau là Hoàng Gia Saudi quyết định đoạn giao với Iran và triệu hồi nhân viên ngoại giao trong vòng 48 tiếng. Hai đồng minh Sunni của Saudi Arabia là Bahrain và các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất cũng cắt đứt bang giao với Iran.
Dù Iran chưa, và có thể là không, áp dụng nghệ thuật giam giữ nhân viên ngoại giao làm con tin, biến cố ấy cũng dội ngược vào thị trường Hoa Kỳ làm cổ phiếu sụt giá.
Nước Mỹ đã muốn vô can mà vẫn hữu họa! Vào buổi đầu năm, “Hoa Kỳ nhìn từ bên ngoài” là chuyện lý thú...
Lý thú đầu tiên là đa số dân Mỹ không theo dõi mâu thuẫn lâu đời giữa xứ Iran của dân Ba Tư theo hệ phái Shia với xứ Saudi của dân Ả Rập theo hệ phái Sunni, nên ít chú ý đến sự kiện là hai cường quốc Hồi giáo này có hai tên gọi khác biệt cho cùng một vùng Vịnh. Saudi gọi đó là Vịnh Ả Rập, Arabian Gulf. Iran gọi đó là Vịnh Ba Tư, Persian Gulf. Có mặt thì phải đặt tên, để xác định mặt đó là mặt gì, của ai.
Mâu thuẫn giữa hai cường quốc Ba Tư và Ả Rập là chuyện quá xa cho người Mỹ. Năm xưa, khi Iran còn theo chế độ quân chủ của một Quốc Vương, một Sa Hoàng (Shah) và là đồng minh của Hoa Kỳ thì đã có tranh chấp ảnh hưởng với Hoàng Gia Saudi, một đồng minh khác của Mỹ. Cả hai đều ngồi trên những giếng dầu rất thanh và ngọt, không cần xin viện trợ Hoa Kỳ, nhưng tranh đoạt quyền lợi vì những nguyên nhân sâu xa, thuộc về chủ nghĩa quốc gia dân tộc.
Thế rồi, nhìn từ bên ngoài, Hoa Kỳ dưới chánh sách ngớ ngẩn của Jimmy Carter và theo lập trường cực tả của truyền thông còn ngớ ngẩn hơn, đã kết án chế độ Sa hoàng của Mohammad Reza Pahlavi là độc tài. Kết quả là cuộc “Cách Mạng Hồi Giáo” tại Iran vào đầu năm 1979, Giáo chủ Ruhollah Khomeini lên lãnh đạo, sứ quán Hoa Kỳ bị phong tỏa, nhân viên ngoại giao Mỹ bị bắt làm con tin trong 444 ngày. Chuyện nhỏ, nhưng cũng khiến Ronald Reagan đắc cử tổng thống.
Chuyện lớn hơn là mâu thuẫn giữa Iran và Saudi có thêm kích thước tôn giáo: giữa hai hệ phái Shia và Sunni.
Trên đà “thắng Mỹ,” Iran của Giáo chủ Khomeini còn xung đột với một cường quốc Sunni khác là Iraq, dưới sự lãnh đạo của Saddam Hussein. Tám năm chiến tranh Iran-Iraq từ 1980 là một tổn thất kinh hoàng sau Thế Chiến II mà người Mỹ không biết, và khỏi cần biết. Sau khi thắng Iran, Hussein cũng lại thừa thắng xông lên mà tấn công Kuweit. Lần này thì bị Chính Quyền George H. Bush chặn đứng với trận Bão Sa Mạc năm 1991, khi Liên Xô đã tàn lụi và sụp đổ.
Vì giấy báo có hạn nên xin nhìn lẹ hơn một chút mà gác qua chiến dịch Iraq tai hại của George W. Bush, làm Iran có thêm lợi thế, vừa can thiệp vào Iraq, vừa yểm trợ chế độ Bashar al-Assad...
Ngày nay, 25 năm sau. Hoa Kỳ dưới thời chính quyền Barack Obama lại muốn bắt tay... Iran với một hiệp ước đáng nghi. Và thấy đáng nghi nhất là hai đồng minh khác của Mỹ. Israel và Saudi Arabia. Đấy là nguyên nhân sâu xa khiến Hoàng Gia Saudi lên lưới đối đầu với Iran, trực diện khai chiến với hệ phái Shia và huy động hậu thuẫn của dân Ả Rập theo hệ phái Sunni.
Nói vắn tắt thì nước Mỹ không phải là vô can! Những đảo điên lật lọng của siêu cường này gây bất an cho các nước khác, cả bạn lẫn thù, và còn tạo cơ hội cho tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ISIS bành trướng. Và với cuộc tranh cử tổng thống đang diễn ra thì giao tranh giữa Saudi Arabia với Iran cũng chỉ là chuyện nhỏ. Miễn sao, Obama khỏi phải tung quân vào trận như ông Bush con!
Bây giờ, ta nói chuyện Trung Quốc. Cũng một mô hình lý thú tương tự.
Năm 1972, Hoa Kỳ giải vây Trung Cộng để chặn Liên Xô, với kết quả là Việt Nam Cộng Hòa bị bức tử, Việt Nam Cộng Sản mời hạm đội Xô viết vào Cam Ranh. Nhưng hậu quả là Trung Cộng chiếm ghế của Đài Loan trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, cho Hà Nội một bài học. Khi ấy, nước Mỹ cũng cóc cần vì đã thắng Liên Xô và chấm dứt chiến tranh lạnh.
Rồi có Trung Cộng có 36 năm tiến hành cải cách để trở thành cường quốc kinh tế hạng nhì thế giới. Nhưng lại là mối nguy hạng nhất tại vùng Đông Á, sau khi đóng đai Hà Nội trong vòng kiềm tỏa của mình từ 1991. Cũng chẳng sao. Năm 2015 vừa qua là khi Hoa Kỳ có quan hệ quân sự khắng khít nhất với Trung Cộng, sau khi Chính quyền Obama còn mời Bắc Kinh tham gia cuộc thao dượt quân sự RIMPAC trên vòng cung Thái Bình Dương, lần đầu tiên kể từ hơn hai chục năm của RIMPAC.
Bây giờ, chuyện đáng ngại cho nước Mỹ là tình trạng kinh tế sa sút của nước Tầu!
Sau 36 năm vênh váo, kinh tế Trung Cộng đang bước vào chu kỳ suy trầm - hạ cánh nhẹ nhàng - có khi là suy thoái tức là hạ cánh nặng nề. Chu kỳ ấy mới thách đố hệ thống chính trị. Một vụ sụt giá cổ phiếu có thể gieo họa kinh tế lớn hơn, mà chưa chắc, vì thị trường chứng khoán Trung Cộng không vận hành như các nước Tây phương. Nhưng nếu tình hình kinh tế lại nguy ngập hơn, bất ổn chính trị sẽ lan rộng. Trong hoàn cảnh rối bời hiện nay tại Âu Châu, Liên bang Nga và Trung Đông, Hoa Kỳ không muốn phải canh chừng thêm một sự bất ổn khác tại Hoa lục, đáng dấu năm cuối cùng của hai nhiệm kỳ Obama.
Còn sóng gió Đông Hải? Thì cũng như sóng gió tại vùng Vịnh, chỉ là chuyện nhỏ!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét