khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2015

Saigon 40 năm sau- Tác giả Nguyễn Hiền



Mỗi khi nghe tin tôi đang ở Việt Nam, hay gặp nhau lúc tôi từ Việt Nam trở về sau chuyến du lịch, bạn bè thường hỏi câu bất di bất dịch: “anh thấy Việt Nam (hay Saigon) hồi này ra sao?”

Câu trả lời thật dễ mà cũng thật khó. Dễ là nếu ta muốn lấy lòng người đặt câu hỏi, tùy theo nhận thức, quan điểm chính trị của họ mà trả lời cho thuận lòng - cái này dân marketing thuộc nằm lòng: cùng một sự việc, nhưng tùy đối tượng, anh chỉ nên cho họ biết điều họ muốn nghe. Ai cũng thỏa mãn. Không phải nói dối, mà là chỉ kể một phần sự việc. Còn khó là khi ta muốn, chỉ trong vài phút, tóm tắt - một cách tạm gọi là khách quan đi - những gì mình trải nghiệm, thấy nghe sờ mó v.v… chỉ nội chuyện Saigon thôi, cũng là cả một sự cân nhắc.

Với số dân gần 10 triệu (con số chính thức của Tổng Cục Thống Kê ngày 01/03/2011 là 7,5 triệu thường trú nhân - chưa tính dân ở lậu và du khách) Saigon là một con voi, cho dù có lặn lội cả tháng, bạn cũng chỉ thấy được một hai cái chân, may mắn lắm thấy được thêm cái vòi hay cái đuôi. Nói chi tôi lưu lại Saigon có hai tuần khi cả nước vật vã trong cái “chảo lửa” nóng chưa từng thấy sau nhiều năm.

Từng đi nhiều nước, tôi không thể phủ nhận sự nhanh chóng và dễ dàng trong thủ tục nhập cảnh ở Tân Sơn Nhất ở thời điểm năm 2015. Một chuyến Airbus A320 với gần 200 hành khách quốc tế được giải quyết toàn bộ trong vòng chưa tới nửa giờ, từ khi bước ra cửa máy bay, qua cổng soát hộ chiếu (thông hành) cho tới khi lấy hành lý, qua trạm kiểm soát thì quả là một tiến bộ đáng kể. Thủ tục điền tờ khai nhập cảnh cũng đã bỏ, tuy nhiên vì đang có dịch MERS-CoV nên hành khách phải điền một tờ khai y tế. Tôi ghi được rất nhanh một điểm: rất ít hành khách mang theo đùm đề hành lý, điều này chứng tỏ thân nhân họ ở Việt Nam không cần những thứ lỉnh kỉnh đó nữa. Người ta nói Việt Nam giờ mua gì cũng có.

Thủ tục nhập cảnh đơn giản chắc chắn mang lại ấn tượng đầu tiên tốt đẹp cho du khách khi vừa đặt chân đến Việt Nam. Những dịch vụ bên ngoài phi trường cũng cải tiến nhiều, xe taxi có tổ chức xếp thứ tự. Còn nếu bạn muốn, đón xe bus trước cửa phi trường về tới chợ Bến Thành giá có 5.000đ (= chưa tới 30 cent tiền Mỹ), hành lý cồng kềnh trả thêm 1 xuất. Xe bus lâu hơn taxi chừng 15 phút thôi, bởi vì trong nạn kẹt xe không có sự phân biệt giàu với nghèo, sang với hèn.
 
Một lần đi taxi cùng chị bạn, tôi được nghe một màn tranh luận sôi nổi giữa hai nhận định từ hai thái cực. Khách đi xe quả quyết Việt Nam tiến bộ nhiều so với 5 năm trước, bằng chứng rõ ràng là có nhiều cây cầu tân kỳ mới toanh, đường xá mở rộng, thành phố để ý đến công tác trồng cây xanh và làm công viên, xe cộ ít bóp còi và ngay ngắn chờ nơi ngã tư có đèn báo hiệu. Người dân có thể mua bảo hiểm y tế, tiền khám tiền thuốc trả tượng trưng (có dẫn chứng qua hoàn cảnh của những thân nhân trong gia đình), có chế độ hưu đủ sống nếu làm thâm niên và nếu có nhà riêng... Chú tài xế phản bác kịch liệt với dẫn chứng cụ thể ngược lại là hiện giờ chú phải chạy xe từ 8 giờ sáng tới 2 giờ khuya mới tạm đủ cho chi thu gia đình có vợ đi làm và hai con đi học, là vì giá biểu thuế má, xăng nhớt, đồ ăn thức uống lên vù vù, rồi lâu lâu lại có thêm những mục thuế mới ban hành, nhất là thuế đánh vào người sử dụng xe. Trong khi đó, giấy phép hành nghề taxi cấp vô tội vạ, cảnh sát không lo bắt cướp mà rình phạt những chuyện chẳng ra gì. Hết núp bắn tốc độ thì bây giờ chuyển sang kiểm soát chuyện cài seat belt. Bệnh thì phải chầu chực khám, bỏ công việc thì mất lợi tức, không bù được cái lợi khi có bảo hiểm y tế. Khách viện lý do muốn có tiện nghi công cộng và phúc lợi xã hội thì phải đóng thuế, đúng ra là phải đóng thuế nhiều hơn nữa mới so được với những gì đang được hưởng, hay muốn được hưởng. Chú tài cãi lại bằng những câu chuyện (đương nhiên có thực) về tình trạng rút ruột công trình, nhà to cửa rộng của mấy quan chức, cầu vừa xây đã sập v.v… May là cuốc xe đã tới nơi, nếu không thì máy lạnh trong xe cũng không hạ được nhiệt của cuộc đấu khẩu. Ai cũng cho là bên kia cãi chày cãi cối lấy được.
 
Dẫn chứng này cho thấy cùng một hiện tượng mà có nhiều cách nhìn khác nhau. Nhìn chung, so với 5 năm trước, hay so với những năm đầu thiên niên kỷ, Saigon đã đổi mới rất nhiều. Thế nhưng, dĩ nhiên mọi tầng lớp dân chúng đều phải gánh chịu ít nhiều để Saigon có được bộ mặt “tươi đẹp” hôm nay, vì đương nhiên tiền không tự dưng từ trên trời rơi xuống. Vấn đề ở đây là chia sự gánh vác ra sao. Dân khố rách áo ôm, cho dù thuế má nhẹ bằng một nửa hay một phần mười so với đại gia đi nữa, nhưng mỗi tờ giấy bạc họ kiếm được là mồ hôi nước mắt của lao động chân tay thật sự, không phải do mánh mung. Duy chỉ có “các quan”, những người bẻ lái cho sự vận chuyển của xã hội, là ung dung, vì họ là người cầm chịch của một cơ cấu lấy quen biết làm chất bôi trơn động cơ chạy guồng máy. Họ biết trước hơn ai hết cỗ xe sẽ đi về đâu.

Kỷ niệm và kỷ niệm, sao mà lắm thế?

Năm 2015 là hội tụ của một số “mốc lịch sử”: Ngày sinh Hồ Chí Minh (theo sử chính thống ghi: 19.05.1890), thành lập Đảng Cộng Sản VN (1930), Nam Kỳ khởi nghĩa (1940), Cách mạng tháng 8 (1945), thành lập MTGPMN (1960), ngày “Giải phóng” (30.04.1975)… thôi thì đủ thứ ngày cho mấy ông nhà nước viện cớ cho những chuyện quảng cáo rùm beng cho cái đảng của mấy ông. Dường như chưa đủ, tháng 6 này họ còn rầm rộ kỷ niệm “90 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam”, trong đó hai nhân vật được nhắc đến nhiều là Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp?? Trong số 200 bút hiệu khác nhau mà Hồ Chí Minh đã dùng, người Việt hải ngoại thường chỉ nhắc đến ba bút hiệu được gán cho tính lươn lẹo của ông ta: Nguyễn Ái Quốc (mượn danh), T.Lan (tác phẩm Vừa Đi Đường Vừa Kể Chuyện, một hình thức “selfie” và tung lên Facebook trong thời chưa có smart phone) và C.B. (với bài báo “Địa Chủ Ác Ghê” đòn chí tử đập bà Cát Hanh Long Nguyễn Thị Năm, một ân nhân hàng đầu của Đảng Cộng sản trong thời kháng chiến chống Pháp). Ngoài Hà Nội thì chắc chắn quan chức đang nghĩ tháng 8 này sẽ phải tổ chức kỷ niệm 40 năm lăng Ba Đình ra sao.
 
Nhìn lướt qua bề mặt, quả là Saigon có một số thay đổi đáng kể, ngoài những vụ đắp đường bắc cầu. Dân chúng đang bàn tán về Bưu điện Thành phố được (hay bị) sơn một màu vàng chói mắt. Thay đổi lớn nhất là những bảng hiệu tiếng Việt và tiếng Hoa đã bị bảng hiệu tiếng Anh đánh bạt. Thay đổi thứ hai là rất nhiều nhà chọc trời được xây lên trong vài năm vừa qua, thương xá cao cấp to bự sang trọng mọc lên khắp nơi, bảng SALE cùng khắp nhưng vắng như chùa Bà Đanh. Thay đổi lớn thứ ba là mạng lưới xe bus đã tăng cường rất nhiều, cộng với những con đường cho chạy một chiều đã giải quyết phần nào chuyện kẹt xe. Saigon hiện có hơn 150 tuyến xe chạy liền liền, và đang hợp tác với Nhật xây hệ thống metro dài hơn 12km, bắt đầu từ đường Nguyễn Huệ. Với giá vé rời từ 5 ngàn cho tới tối đa 7 ngàn, quả là quá sức rẻ cho dân du lịch (Price of Travel năm 2015 xếp du lịch Saigon rẻ thứ ba trong số 130 thành phố trên thế giới được khảo cứu (giá 17,35 USD/ngày cho 1 giường ngủ trong nhà trọ, 3 bữa ăn bình dân, 2 cuốc xe công cộng, 1 vé xem biểu diễn văn hóa và 3 ly bia rẻ tiền). Nhưng nếu không theo dõi, họ chẳng nhìn ra sự cạnh tranh sống chết trong ngành xe bus. Rất nhiều xe đã phải đi đến biện pháp bỏ nhân viên bán vé, có những xe tắt luôn máy lạnh và có những tuyến đường đang thí nghiệm phương thức khách tự bỏ tiền và tự xé vé! Phải chăng mức độ tự giác của dân Saigon đã cao hơn? Chưa chắc, vì sự kiểm soát của “nhân dân” cũng dữ dội lắm, không mua vé là có người nhắc nhở liền.

Cạnh tranh trong thời wifi

Tôi cũng ghi nhận được ở Saigon một số “hiện tượng theo trào lưu” trong sinh hoạt xã hội ở các quốc gia tiên tiến: giới trẻ - nhất là nữ - chụp hình “tự sướng” (selfie) khi đi với bạn bè không còn là chuyện lạ, Saigon giờ cũng có hotel capsule như ở Nhật Bản (khách sạn Hongkong Kaiteki, khai trương tháng 04/2015). Tại Saigon bạn có thể bấm app gọi Uber taxi, hay rút điện thoại gọi hệ thống xe ôm “3000 đ/km”, chưa tới nửa giá bình thường. Ở khu Tây Ba Lô (đường Phạm Ngũ Lão và những con đường phụ cận) khách qua đường có thể dễ dàng nhìn thấy những màn “chướng mắt” của giới LGBT(Lesbian, Gay, Bisexual and Transgender) bày ra nơi công cộng sáng đêm. Chuyện mua hàng, đặt vé, thuê dịch vụ qua mạng cũng dần phổ biến…

Những tiệm ăn nói chung giờ đã khang trang hơn, số ruồi bay vo ve giảm đi rõ rệt trong khi số chim có phần tăng lên, đặc biệt là chim sẻ, chúng đã trải qua cả chục kiếp luân hồi (phóng sanh - bắt lại - phóng sanh, một hình thức tạo nghiệp thiện rất kỳ quái tại chùa chiền). Không phải vì những chủ quán có ý thức, mà là do sự cạnh tranh gay gắt giữa các quán qua cách nâng cấp hình thức phục vụ của tiếp viên (như chào khách ra vào, nói năng nhỏ nhẹ lịch thiệp), rồi lại có thêm sự tham gia ngày càng đông của những hệ thống “chain” với quảng cáo trên truyền hình, sponsor các show diễn, được cấp các chứng chỉ an toàn & vệ sinh, được giải thưởng, và nhất là kéo khách bằng các mạng xã hội như Facebook, YouTube v.v…  Cơm tấm Thuận Kiều giờ đã có 10 chi nhánh ở Saigon. Một thương hiệu mới nổi là những quán mang tên “Món Huế”, riêng tại Saigon hiện có tới 50 địa điểm. Giới kinh doanh bắt đầu thấy được sức mạnh của quảng cáo có hệ thống, so với chi phí bỏ ra rất thấp. Những tiệm ăn gia đình lẻ tẻ rõ ràng rất chật vật trong cuộc sinh tồn, bởi vì muốn tồn tại và có cơ phát triển, họ bắt buộc phải có 1 website và kèm theo là trang Facebook, có người thường xuyên tìm likes và loan tin, gửi spam, những chuyện này đòi hỏi không những kinh nghiệm đặc biệt mà còn phải có thời gian thường xuyên. “Gà rán Kentucky”, Burger’s King và McDonald còn mệt ngất ngư với những chain bán món Việt, nói chi họ.

Trong cuộc chạy đua gay gắt này, kẻ nào hụt hơi một chút là có thể “đi luôn”. Cà phê Trung Nguyên năm 2012 đạt danh hiệu cà phê được người tiêu dùng ưa thích nhất, nhưng ngay tại thời điểm đó đã có vài dấu hiệu bất ổn, qua sự chuyển hướng bán thêm “cơm trưa văn phòng”. Đến nay, 2015, quả thực dân uống cà phê có tiền đã lũ lượt bỏ Trung Nguyên để qua ngồi tại Highlands Coffee, và gần đây nhất, Starbucks Coffee đang là một đe dọa thực sự, mặc dầu bạn phải trả trên dưới trăm ngàn mỗi người, gần gấp đôi Trung Nguyên. Phải chăng thất bại nằm ở sự đánh giá nhẹ sự chọn một nơi đắc địa, và sự lơ là trong công tác coi chừng sự kinh doanh nơi những cơ sở mướn thương hiệu? Tuy nhiên những quán cà phê con cóc vẫn sống khỏe, vì họ phục vụ giới khác, giới cần buôn chuyện hơn muốn khoe tiền bạc quần áo. Hiện nay, nơi quán xá bạn ít bị quấy rầy bởi đội quân ăn xin hay bán vé số. Có tiệm ăn để rõ “ngồi bàn này không mua vé số”! Khách khỏi mất công lắc đầu. Giới trẻ, vì những nhu cầu thời đại khác, không còn mặn mòi với xổ số. Thêm vào đó, xổ số hiện nay có cả online, người ta cũng có thể vào web Minh Ngọc xem trực tiếp xổ số hay nghiên cứu những đồ biểu xác suất những số đã ra thay vì ngồi đoán mộng bàn đề ngoài quán xá! Nạn ăn xin tại Saigon gần như biến sạch sau nhiều đợt càn quét, chẳng biết nên vui hay buồn, một số người nghèo khó tận mạng giờ biết bám víu vào đâu. Ngồi trên ghế đá trong công viên, lâu lâu thấy có chị đàn bà ẵm đứa nhỏ lân la đến gần, ra dấu nửa kín nửa hở thì biết là dân bị gậy, nhưng lắm khi chẳng tìm thấy sự liên hệ vóc dáng mặt mũi giữa em bé mập và bà “mẹ” gầy, chắc đây là một màn “bóc lột sức lao động của trẻ em”, dù sao phơi nắng cũng không đến nỗi vất vả như mấy em ở Phi châu phải ngồi đập đá suốt ngày.
 
Sự lớn mạnh của các chain siêu thị Co-opmart, Citymart, Maximart… và những siêu thị chuyên bán một loại đồ dùng đã làm những sạp hàng ngoài chợ hết dám nói thách nhiều nữa (ngoài khu vực Chợ Bến Thành, nơi tập trung khách du lịch ngù ngờ). Người đang đi làm không hưởn để cò cưa trả giá, ngoài ra không khí trong siêu thị lạnh mát giúp để đồ ăn lâu hơn, coi tươi mới hơn. Đồ ăn ngoài chợ còn bị mang tiếng dơ bẩn, thiu thối, nhiễm chất độc hại… Nếu không có phương tiện làm vườn rau sạch trên sân thượng hay sau nhà thì người ta phải cố tin vào những tấm chứng chỉ đạt chuẩn… cấp cho một số siêu thị hay cửa hàng. Trái cây bóng đẹp bán ngoài chợ Bến Thành thường chỉ được dùng làm quà biếu, người ta đồn nhau là họ xịt thuốc cho đẹp, nhưng dường như chưa có quan chức nào chết vì ngộ độc vì ăn những thứ trái cây này.

Cuộc sống chung giữa các từ ngữ

40 năm trôi qua, hơn nửa dân Saigon chưa từng biết đến chiến tranh. Họ cũng không còn nhớ, và thấy không cần phải nhớ tên cũ của những con đường đã nhiều lần đổi tên suốt 40 năm qua, những tên đường cũ đã từng ghi dấu kỷ niệm của những người đang bước vào tuổi “cổ lai hy”, cha ông của họ. Bạn thử hỏi các bạn trẻ đường Duy Tân, đường Yên Đổ, Hiền Vương, Phan Thanh Giản hay đường Tự Do ở đâu, mấy ai còn biết. Tuy thế, bạn cũng nên biết là những tên đường này đã sống lâu hơn trong ký ức người ta, nếu bạn còn nhớ rằng vào năm 1975, nếu hỏi bạn đường Mayer, Chasseloup-Laubat hay MacMahon… nằm ở đâu chắc bạn cũng ú ớ mặc dù chỉ mới chưa đầy 20 năm mang tên mới. May lắm thì bạn còn nhớ ra đường Bonard, Charner vì chúng đôi lần còn được nhắc đến trong văn thơ. Tương tự, nếu được nhắc thường xuyên thì đã không có chuyện vào ngày 19/6 tôi hỏi một số người quen còn nhớ đó là ngày gì không, thì ai cũng ngơ ngẩn. Khi nhắc ra, cảm tưởng chung của họ là chuyện đó đã xa lắm rồi mà họ cũng chẳng thể nhớ khi đó chuyện gì đã xảy ra và vì sao có Ngày Quân Lực. Nói gì đi nữa, ai cũng nói “phải đi lính” (để bảo vệ chính nghĩa quốc gia?).
 
Sự cọ xát giữa hai kho từ ngữ Bắc-Nam sau 40 năm nay đã dần tìm được sự đồng thuận. Mỗi miền du nhập thêm một số ít từ của miền kia. Những từ ngây ngô như “máy bay lên thẳng”, “lính thủy đánh bộ”… lần lần biến mất. Trong Nam, trừ những từ trong lãnh vực hành chánh hay kỹ thuật, hoặc những từ mới phát sinh sau này do tiến hóa tất nhiên của xã hội mà không thể có sự chọn lựa nào khác hơn, người ta đã quen dùng một số từ ngữ mà nhiều số người Việt hải ngoại (thuộc thế hệ thứ nhất) cho là chói tai như: chất lượng, Nhà Trắng, năng nổ, hoành tráng, tham quan… Sự chọn lựa từ ngữ của cộng đồng xem ra chẳng theo quy tắc nào nhất định, không có gì đúng mà cũng chẳng có gì sai. Có tiệm “bánh mì” và tiệm “bánh mỳ” nằm gần nhau. Có “bác sĩ giải phẫu” mà cũng có “bác sĩ giải phẩu” trong cùng một bệnh viện. Người ta xem “phim Hàn Quốc” nhưng chạy xe trên “xa lộ Đại Hàn”. Áo thun mang chữ Saigon, bảng hiệu cũng Saigon, còn người dân nói “lên thành phố”, dường như ai cũng muốn tránh gọi tên Hồ Chí Minh. Có lẽ toàn bộ dân Saigon hiện tại nói “…sau ngày giải phóng”, không ai còn mất công đặt vấn đề “Saigon thất thủ” hay “Saigon được giải phóng”. Nhu cầu thông tin theo kiểu hiện đại bắt buộc người ta phải bỏ cú pháp cũ chính tả khắt khe, với văn phạm chặt chẽ do mấy ông Tây thuộc địa nghĩ ra, vì không ai muốn mất thời gian cho những chuyện rườm rà này. Ai cũng biết thông tin thời nay chỉ có giá trị rất ngắn. Còn cú pháp: sao cũng được. Có thể nói: vì mọi người đang bị bội thực thông tin.

Bội thực thông tin?

Dân Saigon dường như không còn thời gian đọc báo. Không hẳn vì “báo nào cũng vậy”, ngoài những tờ báo hàng ngày còn có những tạp chí chuyên phục vụ một giới (phụ nữ, thanh niên, thời trang, văn hóa, thể thao, bóng đá v.v…), nhưng giờ đây người ta đọc online vừa dễ vừa rẻ vừa khỏi mất công đi mua và sau đó phải vất tờ báo đầy quảng cáo. Thông tin online có ba điểm tai hại: thiếu sự sâu sắc mà chỉ cần đặt cái tựa cho kêu, người ta có khuynh hướng tìm đọc tin giật gân (kiểu tin của Daily Mail được dịch và đăng nhan nhản trên các website Việt Nam) và người theo dõi tin thường chết cứng ở một số website đã quen truy cập. Máy tính bảng (tablet) và điện thoại thông minh (smart phone) đã góp phần trong việc tạo khuynh hướng đọc tin kiểu này. Giới trẻ hiện đã chuyển sang dùng tablet cho mọi chuyện, vì theo họ, vừa gọn nhẹ vừa tiện, lúc nào cũng trong tầm tay, khỏi cần bật tắt. Facebook, sms, WhatsApp, Instagram… đã thay phần lớn email.

Người lớn tuổi rảnh rang ngồi nhà vẫn còn cặm cụi lướt web nếu trong nhà không có người mở tivi xem show hay phim tập từ sáng đến tối trên tivi bắt được trên 50 “kênh”. Nhưng khuynh hướng tiếp cận truyền thông hiện đại đã đổi khác rất nhiều. Từ những năm xưa nghe radio, đọc báo; cho tới thời cuối thế kỷ 20 xem truyền hình và xem tạp chí, bao giờ cũng có hai phương cách song hành để tiếp cận tin: nghe đối thoại và xem chữ. Bước sang thiên niên kỷ thứ ba, xem báo online người ta đòi hỏi tin phải có chữ, có hình và tiếng cùng lúc, những bài nhận định cũng phải có kèm phỏng vấn hay quote dẫn chứng. Dạng tiếp cận tin kiểu này mang đến tình trạng bội thực thông tin, vì người nghe không thể tiêu hóa kịp một lượng thông tin khổng lồ trong chớp mắt đến từ mọi ngã, hay chỉ nhận được những tín hiệu thông tin hời hợt, mới thoáng nghe qua tưởng như phong phú, nhưng sự thực thiếu chiều sâu vì vô tình bị dẫn dắt. Có lần tôi nghe trong chương trình phóng sự về xã hội trên VTV, có phần phỏng vấn giáo sư Carl Thayer (chuyên gia về Việt Nam tại Úc), ngạc nhiên sao ông này tuyên bố những điều có vẻ mâu thuẫn với những nhận định của ông được các báo hải ngoại trích đăng. Té ra bên nào cũng chỉ lọc lấy một phần có lợi cho mình.
 
Một ghi nhận là diễn đàn TED conference bằng tiếng Việt mới thành lập - chuyển âm từ phiên bản Anh ngữ - ngày càng thu hút thêm nhiều sinh viên, tôi hy vọng diễn đàn này sẽ mở rộng tầm nhìn cho các bạn này. Tại bến xe bus chợ Bến Thành tôi thấy một nhóm chừng chục sinh viên mặc đồng phục đang chỉ cách đi xe bus cho mấy bà già lóng ngóng, tôi hỏi “mấy cháu làm tình nguyện cho bến xe à?”. “Không, chúng cháu đứng đây mục đích chính là hướng dẫn những bạn mới xong cấp 3 từ quê lên, muốn ghi danh đại học nhưng họ không rành các thủ tục, hay chúng cháu tìm chỗ trọ cho họ.” À ra thế. Khi hỏi thêm mới biết được là trong thời gian nghỉ hè các sinh viên phải làm công tác xã hội gì đó để sau này có thể ghi vào lý lịch, có lợi khi tìm việc làm. Chẳng khác nào bác sĩ tốt nghiệp phải đi làm tình nguyện tại những nước Á-Phi hay luật sư mới được phép hành nghề phải tạm đầu quân vào những văn phòng cãi thí!
 
Có bạn trẻ rủ tôi tham gia một buổi công tác xã hội tại một trung tâm bảo trợ trẻ em ở Thủ Đức - những khu công nghiệp với nhà trọ cho các công nhân đã để lại một hậu quả là nhiều em sinh ra ngoài ý muốn. Và cũng có người rủ tôi đi theo toán cứu trợ xã hội của nhà chùa nơi vùng sâu vùng xa, nhưng tôi đành từ chối, vì không chịu nổi cái nắng tháng sáu. Nhưng chuyện này cho thấy là  xã hội cũng có những bộ mặt khác những tin đâm chém giựt dọc, hút xách đĩ điếm, Trung quốc Hàn quốc tuyển cô dâu như xem con heo trước khi làm thịt. Đương nhiên những mầm mống tốt hiện nay chưa nhiều, dù sao có cũng hơn không.

Thời giờ đi đâu?

“Một ngày chỉ có 24 giờ thôi bác ạ,” một đứa cháu bảo tôi, “cháu không còn thời giờ làm bất cứ một chuyện gì khác ngoài đi làm xong về nhà lo cho con cái.” Tôi để ý thấy là không phải vậy. Cô ta xem Facebook và sms lia lịa. Tôi hỏi trong đó có gì hay mà cháu phải xem hoài thế? Cô ta nói mọi thứ giờ nó trong đó hết, không xem và trả lời thì không được. Sms cô ta cũng cắt từng khúc, bảo là “gởi kiểu này không tốn tiền”. Tôi bảo cần gì phải xem thường như thế, buổi tối xong việc thì xem một lần cũng được. “Đâu có được bác, thỉnh thoảng dòm một cái đâu có mất thời giờ, với lại không xem thường thì tin tức nó đi mất”. Như thể cô ta khát tin hơn phóng viên nhật trình ngày xưa. Chẳng lẽ tôi lại bảo là tôi đã cộng nhẩm thời gian cô ta mất cho cái điện thoại là bao nhiêu.

Đương nhiên có những người không vướng vào những trò chơi thời đại này, nhưng xem chừng hiếm, nhất là nơi các bạn trẻ. Cảm giác “sợ bị lạc lõng trong xã hội” đã làm nhiều người bị quá lệ thuộc vào cái smart phone. Có ai đó gần đây đã viết là “chiếc điện thoại thông minh giờ là vật bất ly thân”. Đi xa quên mang theo bộ sạc là nhấp nhổm không yên. Nhu cầu cá nhân này đã ngốn nhiều thời gian dành cho tư duy riêng. Người ta lướt tin chứ không xem tin nữa. Mà kiểu xem tin “cóc nhảy” như thế thì thâu vào đầu được bao nhiêu. Đây là một tin không vui cho những nhóm tranh đấu có website “nhạy cảm”: tường lửa người ta cũng chẳng buồn vượt nữa, thực ra vì đã có nhiều website khác trích dẫn và tung lên, vấn đề ở đây là những website này làm sao tạo hấp dẫn cho người ta vào thăm. Người ta xem tin để có chuyện bàn, để không bị lạc hậu, còn nhà nước bắt ai thả ai chẳng mấy người còn quan tâm một cách tích cực. Không hẳn là hội chứng Stockholm, mà vì sau 40 năm nếp sống “từ thời cách mạng” đã tạo thành một hệ thống xã hội được đại đa số mặc nhiên công nhận, hay phải chấp nhận khi họ chưa thấy con đường khác đáng để họ tin theo. Có lẽ đây là lời giải thích thỏa đáng nhất cho sự mâu thuẫn giữa hai chỉ số: trong khi Việt Nam đứng hạng nhì trên thế giới theo như Happy Planet Index (2015, trong tổng số 151 quốc gia được khảo cứu) thì World Press Freedom Index 2015 cho thấy Việt Nam xếp hạng 175 trong số 180 nước được khảo cứu về tự do báo chí.
 
Người lớn tuổi còn có một thời quá khứ để so sánh, hơn nửa con dân nước Việt sinh ra sau chiến tranh, chỉ biết nghe chuyện thời xưa từ cha mẹ ông bà và nghe chuyện thời nay qua tivi và internet. Họ bị dội ngược trong mê trận của những mạng xã hội có những comments phá đám, tung tin giựt gân, tin vịt cồ cho người ta chạy theo. “Họ chửi bới dữ quá, rồi lại ca tụng Việt Nam Cộng Hòa quá, chuyện đó bây giờ với chúng cháu xa lắm rồi”. Tôi nghĩ bụng, tuổi trẻ chúng tôi khi trước cũng thờ ơ với thời cuộc, bây giờ đám trẻ cũng vậy, có khác bao nhiêu. Tuổi trẻ là khoảng thời gian để khám phá cuộc đời và con người, để vui buồn với những trải nghiệm mới. Sang vai trách nhiệm gánh vác những gì mình đã tạo ra có quá bất công? Hãy chỉ cho tôi bậc cha mẹ nào khuyên bảo con cháu phải dành chút thời giờ học bài để nghĩ đến đất nước một chút. Hay là ai cũng thúc hối con cái học ngày học đêm, chạy theo cái bằng “danh giá” để kiếm một chỗ đứng tốt trong xã hội. Điều đáng nói là sự vô cảm trước sự bất công xã hội, hay vô cảm trước tai nạn xảy đến cho người khác. Một tối, tôi đã tận mắt chứng kiến, ngay tại Chợ Thái Bình (quận 1, khi phố xá còn đông), từ một góc tối hay nơi nào chẳng ai hay một chiếc Honda vọt tới và tên ngồi xe vươn tay chụp chiếc túi xách của người bạn đi cùng, may là chụp hụt. Nhìn quanh, chỉ thấy sự thờ ơ của dân chúng, mặc dù chắc chắn một số người trong bọn họ biết tỏng ai là thủ phạm.
 
***
 
Thời gian ngắn ngủi hai tuần lễ đương nhiên không đủ cho một sự phân tích chi ly, nhưng một nét chính tôi rút ra được là Saigon hiện có nhiều người kiếm được rất nhiều tiền một cách dễ dàng, mà dân chúng lại trông vào đó làm mục tiêu phấn đấu. Sự kiện này đã là động lực chính đẩy cho xã hội thăng tiến nhanh về mặt vật chất, nhưng đồng thời nó tạo ra một giới nghèo như một phế phẩm của xã hội, chỉ vì họ “chạy theo không kịp” - do bản chất cũng có mà do hoàn cảnh cũng không ít. Nhà nước có thể tự bào chữa hay đổ tội cho những nguyên nhân “khách quan và chủ quan” này nọ, nhưng sự thể không ai chối cãi được là khoảng cách giữa giàu nghèo ngày càng lớn hơn. Tuy “nghèo” với nhiều gia đình chưa hẳn là nghèo đúng nghĩa, họ đang sở hữu căn nhà ổ chuột trị giá năm ba trăm triệu tới vài tỉ kia mà. Nhưng họ không thể nhúc nhích được mà tháng ngày phải lây lất bám vào những gì hiện nay họ còn có thể trông cậy vào xã hội. Thật đau lòng nhìn những khu gia cư chật chội cũ nát như Thanh Đa, khu Bàn Cờ, thấy rõ kế sách của nhà nước là để cho chúng xuống cấp luôn tới tận cùng để rồi có cớ đập bỏ và bồi thường tượng trưng trước khi cất lại một chung cư khác hiện đại. Liệu rồi tự điển sẽ định nghĩa từ “dân oan” ra sao?
 
Dân Saigon nói riêng, hay cư dân Việt Nam nói chung thường có nhận định khác người Việt hải ngoại khi nhìn về những biến động quốc tế, hay về mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới. Một phần do nguồn báo chí thông tin khác nhau, phần khác do sự suy diễn về hậu quả của biến động đó. Người Việt hải ngoại nhắm nhiều vào sự tồn vong của đảng cộng sản cùng chế độ do đảng này áp đặt, trong khi người Việt trong nước nhắm nhiều hơn vào sự an nguy của chính bản thân họ hay rộng ra, vào sự an nguy của gia đình họ. Một điều giống nhau: mọi người hướng nhiều về một sự can thiệp của quốc tế, trong khi đó lơ là chuyện xây dựng sự tự lập, bắt nguồn từ con người. Công dân không biết tự lập bằng sức mình sẽ dẫn đến một quốc gia thiếu tự chủ. Có cái gì đó giống như thành phố Saigon, hoành tráng là thế, nhưng đó chỉ là bề ngoài. Hiện nay, khi Saigon bắt đầu công tác chỉnh đốn hạ tầng cơ sở, người ta mới thấy biết bao trở ngại cần san bằng

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét