khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

Trốn trại tù cải tạo của CSVN- Tác giả Nguyễn Văn Uyển



Trại tù cải tạo Long Khánh, một ngày tháng Tư năm 1976. Sáng sớm. Cả trại còn đang ngái ngủ, bỗng có lệnh tập họp điểm danh bất thường. Tiếng ồn ào khắp nơi lan nhanh: có người trốn trại. Rồi tôi nghe tiếng xì xầm: thằng Bé, thằng Thái, thằng Lộc phòng bên cạnh mình trốn trại.

Ồ! Hoá ra hai anh chàng không quân, thường vào lúc tối hay vác soong chảo, vừa gõ vừa hát bài “O talamera”, nét mặt lúc nào cũng hớn hở, vui tươi. Cả hai anh đều là phi công A 37. Tôi biết Bé khi còn là sinh viên sĩ quan không quân tại Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân ở Nha Trang, chúng tôi cùng học khoá sinh ngữ anh văn. Lúc đó tôi đã là thiếu úy, được tuyển vào không quân từ trường Bộ Binh Thủ Đức; còn Bé được tuyển trực tiếp vào không quân. Lộc thì tôi biết sơ sơ thôi. Riêng anh chàng Thái thì tôi rành rẽ từ lâu, trước 1975.

Thái là trung úy quân cảnh thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh. Đồn quân cảnh của Thái đóng tại căn cứ Lai-Khê, còn tôi khi ấy là trưởng ban 2 thuộc Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh. Tôi biết Thái nhân dịp giao một quân nhân Thiết Giáp phạm pháp, say rượu và quậy phá đơn vị trong lúc hành quân. Trông Thái lúc đó oai phong, đúng là tư cách của một sĩ quan quân cảnh, Thái ít nói nhưng tướng cũng ngầu lắm.
Tất cả đám tù chúng tôi bị lùa hết ra sân tập họp, vài tên quản giáo và mấy tên vệ binh mặt đằng đằng sát khí, súng đã lên nòng hướng về phía các hàng tù cải tạo.

- Anh nào biết mấy tên trốn trại không? Viên quản giáo hỏi.

Mọi người trong hàng đều im lặng. Tên quản giáo nói tiếp: “Mấy anh này có tên trong danh sách được thả về sao lại dại dột thế!” Sau mấy lời ngọt ngào” ấy là đủ mục đe doạ, nào là mấy anh trốn trại này sẽ không thoát khỏi tay nhân dân và cách mạng; đảng và nhà nước đã khoan hồng cho học tập cải tạo vậy mà còn ngoan cố. Sau này các anh sẽ thấy số phận dành cho bọn muốn chống phá cách mạng.
Sau khi điểm danh, chúng tôi vào phòng mà lòng đầy hồi hộp lo âu vì sợ những con người dại dột kia bị bắt hoặc bị giết. Anh em tù đều thầm cầu nguyện, mong cho cả ba nguời đều vượt thoát, vì biết rõ nếu bị bắt lại, các anh sẽ không thể sống nổi.

Khoảng mấy ngày sau, có tin toán trốn trại đã bị bắt lại, rồi xác hai người bạn là Bé và Lộc bị đưa về trại tù Long-Khánh để làm gương và dằn mặt anh em tù nhân chúng tôi. Sau đó, một số tù nhân được lệnh đem xác Bé và Lộc đi chôn ở một gò đất cách trại chỉ vài ba trăm mét.

Những ngày ở trại Long Khánh sau đó, khi có dịp cùng cùng đội tù lao động khổ sai đi ngang gò đất chôn tù này, tôi vẫn thường cầu nguyện cho Bé và Lộc, rồi nhớ đến Thái. Tên cán bộ quản giáo có lần nói là Thái cũng đã bị bắt lại và đã phải “đền tội”. Không biết thật sự số phận Thái ra sao. Nỗi thắc mắc ấy phải hơn hai mươi năm sau mới được giải đáp.

Năm 1994, gia đình tôi sang Mỹ định cư theo diện H.O. dành cho cựu tù cải tạo. Mấy năm sau, khi đã “an cư” tại Little Saigon, một ngày họp bạn tại cà phê Factory, tôi đã tình cờ gặp lại Thái. “Ôi, không thể ngờ là mày vẫn khoẻ mạnh thế này. Chúa giữ gìn mày đó Thái,” tôi nói.

Trong nhóm bạn càphê tại Factory thời đó còn có cả cố nhạc sĩ Nhật Ngân. Anh Ngân gọi Thái là “ông trốn trại.” Rồi cả bàn cà phê từng có dịp hồi hộp nghe Thái diễn lại cuốn phim vượt ngục gay cấn của bộ ba Bé-Lộc-Thái.

*

Tờ giấy trải bàn cà phê được mở rộng. Cây viết cầm sẵn trên tay, Thái nhấp thêm ngụm cà phê rồi bắt đầu nói, nói đến đâu vẽ trên tờ giấy trải bàn đến đó, cứ như một trưởng ban ba đang thuyết trình, vẽ đường tiến quân trên phóng đồ hành quân.

Sau đây là lời kể của Thái:

Tôi cũng như hai thằng Bé và Lộc, cả ba đã lên kế hoạch trốn trại từ lâu, hành lý vượt ngục đã chuẩn bị sẵn. Hành lý gì à? Thì mỗi thằng thủ sẵn hai bao cát, loại bao nhựa xanh, đan thưa dùng để dồn cát làm công sự chiến đấu cho quân đội nên rất bền bỉ. Một bao dùng đựng lương khô, nước uống. Riêng phần bao của Bé còn chứa thêm một trái lựu đạn. Đây là trái lựu đạn bọn tôi tình cờ lượm được khi lao động dọn bãi cỏ tranh. Bao cát thứ hai được dùng để chứa tí rau muống, rau tàu bay hái được bên suối hay bờ ruộng, thường gọi nôm na là “đi cải thiện, nhằm che mắt bọn vệ binh, bộ đội.

Rồi sau nhiều phen tính toán, “ngày hành động” tới. Đó là một buổi chiều trung tuần tháng Tư, - 19 hoặc 20 tháng 4 năm 1976. Khi đoàn tù cải tạo đi lao động thu xếp ra về, ba thằng Bé, Lộc và tôi đi ngược hướng ra cổng. Vài anh em tù hỏi chúng tôi đi đâu? -Đi cải thiện chứ đi đâu.Chúng tôi trả lời.
Bọn tôi đi trên con đường đất, dọc theo con suối ven trại để đến chỗ có rau muống. Thấy tên vệ binh trên vọng gác mải nhìn về hướng đám bộ đôi đi lãnh cơm chiều và cười đùa với ho, Bé, Lộc và tôi lần lượt nhào xuống suối. Tôi lặn cùng hai thằng dọc theo bờ suối có đầy cỏ phủ trùm trên đầu. Cứ lặn ít thước thì phải chồi lên thở. Đoạn lặn sau cùng, khi cả bọn vừa ngóc đầu lên thì thấy một em bé gái cỡ 9, 10 tuổi, tay cầm xô, xuống suối múc nước. Lộc đưa ngón tay ra hiệu cho em bé gái im lặng. Thật là may mắn, em bé không tỏ phản ứng gì, lặng lẽ xuống suối múc nước và trở lên bờ. Chúng tôi cũng vội vã lên theo, mau chóng lẩn vào những lùm cây cối um tùm. Rồi cứ vậy, len lỏi nhắm hướng núi Chứa Chan (Gia-Rai) tiến tới.

Trời đã nhá nhem tối, thấy có đám lửa từ xa, ba thằng bèn chui vào bụi để ngủ vì sợ bị bại lộ. Sáng dậy, tiếp tục cuộc hành trình thì gặp một người đàn ông đang cuốc ruộng, chúng tôi đánh bạo hỏi phía trước có bộ đội đóng quân không, anh nông phu trả lời không. Có lẽ anh ta là lính chê độ cũ, nên không thắc mắc gì thêm. Chúng tôi tiếp tục đi và lại gặp thêm một chị phụ nữ, chúng tôi hỏi thì chi cũng trả lời tương tự như anh nông dân kia. Đến gần núi thấy trại bộ độI trước mặt, thấy họ sinh hoạt bình thường, không thèm để ý, chúng tôi bèn leo lên núi Gia- Ray. Suốt ba ngày trên núi, uống nước suối và bắt tôm tép, cá trong những hố, khe nước suối cạn nấu nướng ăn. Cuộc hành trình đã kéo sang ngày thứ 5, cả bọn quyết định xuống núi.

Nhắm hướng quốc lộ chúng tôi tiến tới. Đây là quốc lộ 1, hướng tay phải về Sài gòn và hướng ngược lại về Phan Thiết. Tới đường, thấy có cái bảng Ủy Ban Nhân Dân xã ấp gì đó, nên ba thằng quẹo trái về hướng Phan Thiết. Bé và Lộc đi ven lộ bên phải, còn tôi đi bên trái. Thấy một bà ngồi bên vệ đường có vẻ chờ đợi cái gì đó. Thật là sui sẻo, vì chính bà này đã đi báo cho du kích biết. Vì chỉ lát sau là thấy có du kích đạp xe đạp rượt theo Bé và Lộc. Tên du kích hỏi hai anh kia đi đâu? Bé trả lời

“Chúng tôi đi tìm người quen.”

“Hai anh cho coi giấy tờ.”

“Tôi để quên giấy tờ ở nhà, Bé đáp lại. Tên du kích ra lệnh “Mời hai anh vào ủy ban xã.”

Bé nhìn sang phía tôi, bảo “Mày về nói vợ tao đem giấy tờ lên bảo lãnh.”

Tên du kích tức thì ra lệnh “Cả anh kia nữa, cũng đi vào ủy ban.” Ba thằng tôi đành đi theo tên du kích. Chúng tôi bị lọt vào giữa đám du kích và người hiếu kỳ, họ đến mỗi lúc mỗi đông. Tên du kích quát lớn, “Các anh mở hết túi, lấy đồ vật ra.”

Bé làm bộ lấy đồ, lần tới trái lưu đạn, làm bộ mở chốt rồi la lớn, “ĐM., tao giết hết chúng mày.” Mọi người bỏ chạy tán loạn, ba thằng tôi chạy ngược về hướng núi.Tôi chạy trước, Bé và Lộc chạy phía sau. Có lẽ Bé vì bị đau chân từ trước, từng phải chống gậy khi còn ở trong trại, nên chạy không nổi, Lộc phải dìu Bé chạy và tạt vào một bụi cây gần đó. Đã có tiếng súng nổ phía sau. Tôi tiếp tục chạy, nhưng thật khó khăn vì những ụ đất to, lởm chởm cản trở. Bọn du kích vẫn bắn và dượt theo tôi. Tôi chạy theo hình dzích dzắc để tránh đạn. Bỗng tôi nghe thấy hai tiếng súng lớn, có lẽ bọn du kích pháo cối đuổi theo, rồi lại thêm một tiếng nổ lớn nữa. Sau đó là những tràng đạn bắn xả về hướng tôi, tôi cố gắng chạy, nhưng lại té gục xuống gò đất phía trước.

“Thật may mắn, đúng lúc ấy, hướng phải tôi có lũ em nhỏ theo cha mẹ ra đồng đùa chơi, tôi chạy về hướng đó và rồi không nghe làn đạn dượt theo nữa, chắc chúng sợ bắn lầm vô các em. Tôi chạy vòng lại ra hướng quốc lộ 1, vượt qua đường và chạy vô khu cư dân gần đó. Tôi tiếp tục lẩn tránh cho đến khi thấy một căn nhà, nhìn vào thấy có bàn thờ Chúa, Đức Mẹ và trên khung ảnh thấy có hình một quân nhân mặc đồ đại lễ thuộc trường Bộ Binh Thủ Đức. Tôi gõ cửa, một người đàn bà tay bế đứa bé, mở cửa mời tôi vào nhà. Tôi hỏi thăm chị về bức hình ảnh sĩ quan kia, chi cho biết đó là chồng chi hiện đang đi học tập cải tạo. Tôi yên lòng và không hỏi gì thêm, chỉ tự giới thiệu mình và thú thật về chuyện trốn trại của tôi. Chị hoảng hốt, tái mặt, nhưng sau đó lấy lại bình tĩnh. Tiếp tục câu chuyện, tôi nhờ chị đưa về Hố Nai. Chị nói sẽ đưa tôi tới ngã ba Dầu Giây và đón xe dùm tôi về Hố Nai.
Sau đó, chị kêu thằng con trai lớn ra ẵm em và dặn dò cháu coi nhà. Chi đưa cho tôi hai nải chuối, chiếc nón rộng vành. Tôi hỏi xin chị đôi dép cũ vì dép của tôi bị đứt quai khi chạy. Chị bảo thằng con đưa cho tôi đôi dép nhật cũ, đồng thời chị cũng nói cháu đưa cho tôi chiếc áo sơ mi cũ, màu xanh lơ để thay chiếc áo montarguiđã sờn rách. Đáp lại sự giúp đỡ của chị, tôi lột chiếc đồng hồ citizen tặng lại cho cháu.

“Ra tới quốc lộ, chị vời chiếc xe lam, hai người cùng lên xe và chạy về hướng Sài- Gòn. Bất ngờ, một thằng nhỏ bán kem cũng đón xe lam, hắn vừa lên xe là nói lớn: “Sáng nay có ngụy về, hai thằng bị bắn chết, còn một thằng bắn bị thương chạy vào trong núi. Nghe vậy, tôi hoảng hồn, ngồi nhích xa hắn.

Xe chạy tới ngã ba Dầu Giây, tôi theo chị xuống xe. Thay vì đi xe đò, chị lại vời chiếc xe Daihatsu, trong đó có nhiều bà con đi làm ruộng rãy về với nhiều rau trái chồng chất. Chị thu xếp với người lái xe Daihatsu, chờ tôi leo lên, rồi chia tay. Xe đưa tôi về xứ Thánh Tâm, thật may mắn, không gặp bất cứ tram kiểm soát nào.

Sau đó, tôi đi bộ vào khu dân cư thuộc Giáo xứ Thánh Tâm, tìm lại ông Dự, ông từng là bạn thân của cha tôi trước đây. Rất hên, tôi gặp được ông, ông sững sờ nhìn tôi và liền sáng hôm sau, ông xuống Sài Gòn báo tin và mẹ tôi lập tức lên gặp.

Hai mẹ con nhìn nhau ngậm ngùi, mẹ tôi khóc nhiều và bà đưa cho tôi vài vòng vàng, nhẫn để tôi có điều kiện ứng phó với hoàn cảnh sắp tới, nhưng tôi không nhận vì lúc đó tôi dự tính sẽ vô rừng hoạt động. Mẹ tôi trở lại Sài Gòn, báo cho chị tôi và ngay sáng hôm sau, thằng cháu con bà chị đi xe Honda lên nhà ông Dự. Hắn đưa tôi một khẩu sung lục và tự giới thiệu là thành viên của “Mặt Trận Dân Tộc Tự Quyết”. Thằng cháu chở tôi tới ấp Tân Phong đối diện với trại Suối Máu, và đưa tôi tới căn chòi ở tạm. Hôm sau, một người đàn ông đến chòi và giới thiệu ông là trung tá chế độ cũ, lãnh đạo mặt trận rồi ông đưa tôi 5 đồng nói đây là tiền mặt trận gửi tặng. Ông thuộc nhóm điều nghiên, lên kế hoạch đánh chiếm lại thành phố Biên Hoà.

Ba ngày hôm sau, ông quay lại cho biết kế hoạch bị bể, một số đã bị bắt. Ông nói tôi hãy tự lo lấy thân và nên rời chỗ này. Sáng hôm sau, tôi đội nón, vác chiếc cuốc trên vai, đi ngược ra đường và trở lại nhà ông Dự. Ông hoảng hốt, nhưng vẫn ra tay bao bọc, che chở, giúp tôi liên lạc lại với thằng cháu và tôi được đưa về nhà bà chị tại Biên Hoà.

Chị đưa tôi lên lầu ở, cơm nước chị cung cấp hằng ngày. Tôi liên lạc được bà xã. Sau 10 ngày, tôi về nhà tại Sài- Gòn và qua sự giơi thiệu của ngườI thân, tôi gặp được ông Phong, chuyên làm giấy tờ giả. Riêng tôi, tôi khắc những con dấu giả, tự đóng dấu và làm giấy tờ cho mình.

Tôi Xuống Rạch Giá, tìm cách vượt biên, nhưng bị bắt. Nhờ đã biết cách khai báo theo lý lịch giả, khoảng 3 tháng thì được thả về. Tôi lại ra làng Chu-Hải, kiếm mối vượt biên lần nữa, nhưng cũng lại bị bắt nhốt tại trại tù Bà Rịa. Đươc khoảng 4 tháng, nhờ bà xã liên lạc lại vơi người làm tờ giấy giả, Ông này có quen biết với cán bộ trưởng trại tù, ông ta gửi kèm lá thư cho tên này, ngay ngày hôm sau, tôi được tên trại trưởng này gọi lên trình diện lên lớp khuyên tôi nên ở lại Việt Nam, lao động tốt, giúp ích cho xã hội.

Sau khi được thả khỏi trại tù Bà Rịa, thấy khó có cơ hội ra đi bằng tàu thuyền, tôi quyết định vượt biên đường bộ.

Sáng mùng 2 tết năm1980, tôi rời Sài Gòn, đi đường bộ tới được trại tỵ nạn NW 9 nằm trong lãnh thổ Campuchia,sát biên giới Thái- Lan, do Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế quản lý. Thời gian sau họ chuyển tôi tới trại tỵ nạn Kao Y Đăng nằm trong lãnh thổ Thái Lan, rồi trại chuyển tiếp Chonburi và sau cùng tôi được chuyển tớI trại tỵ nạn Galant thuộc Indonesia. Đến tháng 2 năm 1981 thì được sang định cư tại Hoa Kỳ.

*

Chuyện trốn trại của Thái phôi pha theo ngày tháng. Đã từ lâu không còn là chuyện được nhắc lại, nhưng rồi một buổi sáng, cũng tại quán Factory, một phụ nữ bỗng tìm đến bên bàn cà phê.

Chị tự giới thiệu là vợ của Lộc, anh bạn phi công bị bắn chết khi trốn trại ở Long Khánh, và nói do anh Giàu giới thiệu đến để tìm biết ngôi mộ của Lộc ở trại tù để cải táng, hỏa thiêu hầu đem tro sang Mỹ để làm giỗ và thờ. Anh Giàu là một phi công trực thăng từng cùng bọn tôi uống cà phê, biết chuyện Thái vượt ngục, chuyện tôi kể thêm về việc xác Lộc và Bé được đưa về trại tù Long Khánh chôn cất.

Dù đã mấy chục năm, hình ảnh gò đất chôn tù năm xưa vẫn hiện rõ ràng trong đầu tôi và chúng tôi đã cùng nhau cung cấp cho chị Lộc mọi chi tiết và bản vẽ chính xác nơi Bé và Lộc được bạn tù chôn cất.
Sau một thời gian, chúng tôi được chị Lộc thông báo đã đem được tro cốt của chồng sang Mỹ. Khi Hội Ái Hữu Không Quân Nam Cali giúp chị Lộc tổ chức lễ giỗ cho chồng, chúng tôi được mời tới tham dự.

Lễ giỗ và vinh danh anh Lộc được cử hành tại nhà quàng Peak Funeral rất trang trọng trọng. Nhiều công trạng, thành tích, hy sinh của phi công Lộc đã được ban tổ chức và đồng đội nói lên. Chỉ tiếc là trong buổi lễ này bạn Thái quân cảnh của chúng tôi, nhân chứng sống trong nhóm trốn trại cùng với anh Bé và Lộc, đã không thể tham dự để chia sẻ về những ngày giờ cuối của hai người bạn đã cùng anh vượt ngục.

Trong những năm tù cải tạo, bản thân tôi đã chứng kiến nhiều chuyện bạn tù trốn trại. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày mất miền Nam 30 tháng Tư, tôi viết thay cho người bạn trốn trại tên Thái kể lại câu chuyện này để tưởng nhớ hai bạn Lộc, Bé cùng các bạn đã gục ngã trong trại tù cải tạo.
Xin trân trọng tưởng niệm và vinh danh các chiến sĩ quân lực VNCH đã hy sinh khi chống lại chế độ độc tài Cộng Sản.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét