khktmd 2015
Thứ Tư, 12 tháng 8, 2015
Đồng tiền Tàu Cộng tự phá giá - Tác giả Hùng Tâm
Nguyên nhân và hậu quả của việc phá giá đồng Nguyên
Một ngày sau khi mất hơn 200 điểm, sáng Thứ Tư, chỉ số DJIA của 30 đại doanh nghiệp Mỹ lập tức mất thêm hơn 190 điểm khi thị trường chứng khoán Mỹ vừa mở cửa, rồi sụt tiếp. Các chỉ số khác cũng thế, các thị trường Á Châu và Âu Châu cũng vậy trong hai ngày liền. Chỉ vì hôm Thứ Ba 11, Bắc Kinh phá giá đồng Nguyên của họ tới 1.9% và tiếp tục định giá thấp hơn 1.6% vào hôm sau. Trận chiến ngoại tệ toàn cầu đã bắt đầu.
Thuần về kinh tế, quý độc giả có thể nghe/đọc nhận định rất sớm của chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa trong cuộc phỏng vấn hôm qua của đài Á Châu Tự Do về trận chiến ngoại tệ. Nhưng vì kinh tế cũng là chính trị, hồ sơ Người Việt tìm hiểu thêm khía cạnh chính trị của quyết định phá giá này.
Những nguyên nhân phá giá
Bắc Kinh vẫn giàng giá đồng Nguyên của mình vào đồng Mỹ kim theo một hối suất chính thức và cho giao dịch mua bán trong một khoảng cách hay biên độ nhất định là 1%, hay 2% kể từ Tháng Ba vừa qua. Cuối Tháng Bảy thì họ nói đến biên độ 3%.
Giữa khung cảnh ấy, hôm Thứ Ba 11, Ngân Hàng Trung Ương (Ngân Hàng Nhân Dân Trung Quốc - PBoC) của Bắc Kinh đưa ra hai quyết định:
Thứ nhất là chấm một giá - chọn một hối suất - của phiên giao dịch hôm trước làm giá chính thức được thông báo vào 9:15 sáng hôm sau khi thị trường mở cửa. Nghĩa là lấy một “giá của thị trường” làm giá chính thức. Thứ hai là chấm ngay một giá thấp của Thứ Ba mùng 10, hôm trước, làm giá chính thức: giảm 1.9%. Nôm na là phá giá đồng bạc mất 1.9%, một mức phá giá cao nhất kể từ đầu năm 1994.
Hôm sau, Thứ Tư 12, họ chấm một giá thấp nữa, là giảm 1.6%. Nôm na là phá giá hai ngày liền. Ðiều ấy mới làm các thị trường tài chánh quốc tế chấn động và theo nhau tuột giá. Người ta còn dự đoán là Bắc Kinh sẽ còn phá giá đến 10% nữa.
Dù mỗi lần quyết định, Ngân Hàng Trung Ương đều cho phát ngôn viên đưa ra lời giải thích chính thức, người ta cũng nên và cần tìm hiểu nguyên nhân và động lực của việc này. Chúng ta có ba bốn cách giải thích khác nhau mà cách nào cũng có thể đúng một phần! Ðây là điều khó cho các nhà bình luận. Và tùy trình độ hiểu biết về kinh tế hay quan điểm chính trị thiên về Bắc Kinh hay hoài nghi Trung Quốc mà mỗi người lại thiên về một cách.
Giả thuyết thứ nhất là dựa vào tình hình kinh tế của Trung Quốc: sa sút hơn dự kiến qua hàng loạt thống kê vừa được công bố. Sản lượng đã và sẽ còn giảm, mức xuất cảng so với 12 tháng trước sụt 8.3% thay vì sụt 1.5% như dự báo, mà nhập cảng cũng giảm, nghĩa là nhu cầu nhập cảng cho sản xuất cũng sụt. Vì tình hình nguy ngập như vậy, Bắc Kinh phải phá giá để xuất cảng với hàng rẻ hơn và lại dùng xuất cảng làm đòn bẩy kích thích kinh tế.
Giả thuyết thứ hai là dựa vào viễn kiến lâu dài của Bắc Kinh: từng bước giải phóng chế độ hối đoái để đồng Nguyên được mua bán tự do hơn theo quy luật thị trường hầu sau này có thể trở thành một ngoại tệ dự trữ phổ biến như đồng Mỹ kim. Khi Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF thông báo là chưa thể xác định rằng đồng Nguyên có thể là một ngoại tệ dự trữ hay chăng, Bắc Kinh biết là chưa hy vọng leo lên một đẳng cấp cao hơn.
Chi bằng trong khi chờ đợi cái ngày vinh quang đó thì tiếp tục can thiệp vào hệ thống hối đoái (Hà Nội gọi sai là ngoại hối và ngoài này cũng dùng sai như mọi khi, vì... nội hối là gì?), để kích thích kinh tế. Cách suy diễn ấy có nghĩa là Bắc Kinh lại nhờ giới tiêu thụ hàng xuất cảng của Trung Quốc ở bên ngoài, chủ yếu là tại Hoa Kỳ - có nền kinh tế tương đối khá nhất với sức mua cao nhất - để cứu nguy kinh tế ở nhà, nhân tiện xuất cảng luôn nạn giảm phát của mình.
Giả thuyết thứ ba về nguyên nhân là Bắc Kinh có thể thực tin rằng đồng bạc của mình định giá quá cao so với ngoại tệ của các nước đối tác buôn bán với mình, nhất là Âu Châu, Á Châu và Nhật, nên mới nương theo thị trường mà định lại một giá thích hợp hơn, một cái giá thấp hơn. Cách giải thích ấy có vẻ lạc quan và hình như phù hợp với nhận định của IMF. Vì vậy, Bắc Kinh mới nói rằng mình đang áp dụng quy luật thị trường (lấy giá ngày hôm trước) và hôm sau IMF cũng rất ngoại giao xác nhận như vậy!
Giả thuyết thứ tư, cũng gần với giả thuyết trên, là Bắc Kinh bị kẹt giữa hai chiều hướng là mình thì giàng giá vào tiền Mỹ mà đô la tăng giá vù vù làm đồng Nguyên lên giá, trong khi các nước khác đều bơm tiền (như Nhật Bản, Âu Châu) hay phá giá như nhiều nước Á Châu khác ngoài Nhật Bản. Vì các nước đều đang đánh sụt trị giá đồng bạc của mình nên Trung Quốc bị kẹt.
Cho nên, “đèn nhà nào nhà ấy rạng, mạng người nào người ấy giữ,” ta cũng phá giá trong trận chiến ngoại tệ đang lan rộng trên toàn cầu.
Quý độc giả đừng thất vọng vì sao chuyện này lại rắc rối như vậy khi mà cách suy diễn nào cũng có một phần sự thật về nguyên nhân. Nhưng cái sự thật rõ rệt nhất vẫn là Trung Quốc vừa phá giá.
Và rõ rệt không kém là việc phá giá ấy không thể giải quyết được vấn đề. Trong tình trạng sa sút chung của thế giới, nếu nước nào cũng tìm cách kích thích xuất cảng nhờ hàng rẻ qua biện pháp phá giá thì nước nào sẽ mua? Chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa gọi đó là “muốn xuất cảng lên Hỏa tinh hay sao!”
Năm 1929, xa lắm rồi, các nước đã áp dụng chiến lược ấy nên mới làm vụ khủng hoảng tài chánh vì chứng khoán tụt giá tại Hoa Kỳ lan rộng và kéo dài thành Tổng khủng hoảng. Gần đây hơn, khủng hoảng tài chánh tại Ðông Á năm 1997 cũng khiến Thái Lan, Nam Hàn và Indonesia lật đật phá giá để cứu nguy kinh tế khiến khủng hoảng kinh tế bùng nổ vào năm 1998 và dội ngược tới tận Liên Bang Nga và Hoa Kỳ. Ðấy là chuyện kinh tế. Hay chính sách kinh tế tuyệt vọng và gây ra hậu quả bất lường vì người ta chỉ tìm cái “được” ở trước mắt mà chẳng thấy cái “mất” sau này.
Nhưng vì Trung Quốc coi mọi chuyện đều là “đấu tranh,” chúng ta cố đi xa hơn vậy.
Bị quyền lực mềm bật vào giữa mặt
Từ hai năm nay, Bắc Kinh đã tới tấp tung ra nhiều kế hoạch kinh tế nhằm tranh thủ hậu thuẫn chính trị của các nước. Ðấy là “Con Ðường Tơ Lụa” trên đất liền và ngoài biển, rồi “Tân Ngân Hàng Phát Triển” của nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Ðộ, Trung Quốc và Nam Phi) và Ngân Hàng Ðầu Tư Hạ Tầng Cơ Sở Á Châu (AIIB), cùng nhiều ngân khoản viện trợ cho hàng loạt quốc gia Á Phi lẫn dự án Phát Triển Tự Do Thương Mại Toàn Diện gồm 10 nước trong Hiệp hội ASEAN cộng thêm Nhật Bản, Nam Hàn, Ấn Ðộ, Úc Ðại Lợi và Tân Tây Lan, v.v...
Ðặc điểm chung của ngần ấy sáng kiến là Không Có Hoa Kỳ.
Nôm na là Bắc Kinh dàn trận chống Mỹ bằng quyền lực mềm, trong khi vẫn phát triển quyền lực thật về an ninh và quân sự từ biển Hoa Ðông tới biển Hoa Nam của Trung Quốc.
Phía Hoa Kỳ tính sao?
Ngày 6 Tháng Tư, tân tổng trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ là ông Ash Carter tuyên bố tại đại học Arizona State University, rằng Hiệp ước Ðối tác Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương TPP cũng có chức năng ngăn chặn Trung Quốc như một hàng không mẫu hạm. Bắc Kinh không thể lầm về ý đồ của đế quốc Mỹ!
Huống hồ sau đó, cả Tổng Thống Barack Obama lẫn Ngoại Trưởng John Kerry đều nhiều lần xác nhận với Quốc Hội Mỹ và cả lãnh đạo Hà Nội, rằng Hiệp Ước TPP có nội dung chính trị là tạo thế đối trọng với việc Trung Quốc bành trướng ngoài Ðông Hải. Vì vậy, ai ai cũng thấy ra một trận thế lớn lao giữa hai cường quốc ở hai bờ Thái Bình Dương.
Ðấy là bối cảnh rộng lớn của tình trạng đối đầu Hoa-Mỹ.
Trong khi nước Mỹ còn phân vân bất định - và chưa thể hoàn thành kế hoạch TPP trong năm nay - thì Bắc Kinh có cơ hội giăng lưới để chiêu mộ các nước khác. Nào ngờ chính là sau khi phóng ra hàng loạt ám khí kinh tế cho mục tiêu chính trị là “quyền lực mềm của đồng tiền,” Bắc Kinh lại rơi vào cái lưới kinh tế của mình. Gậy ông lại đập lưng ông.
Ðầu tiên là tình hình kinh tế lại sa sút hơn mọi dự báo. Kế tiếp là sau khi đã bơm lên trái bóng bất động sản làm nhiều người bỏng tay vì bóng bể thì từ năm ngoái Bắc Kinh thổi lên trái bóng cổ phiếu. Từ hai tháng nay, trái bóng đó cũng bể trước sự chứng kiến của cả thế giới.
Từ Ðại Hội 18 vào cuối năm 2012, Bắc Kinh đề ra nhu cầu cải cách và chuyển hướng kinh tế từ đầu tư và xuất cảng qua tiêu thụ của thị trường nội địa. Hai thị trường địa ốc và cổ phiếu đều thổi lên hy vọng gia tăng lợi tức của người dân để nâng mức tiêu thụ nội địa. Hy vọng đó đã tan tành!
Bây giờ, Bắc Kinh thực sự tuyên chiến với các nước Á Châu qua biện pháp phá giá, tức là mở ra cuộc chiến hối đoái bằng đồng bạc rẻ. Biện pháp ấy khiến Trung Quốc dễ xuất cảng hơn mà làm các nước khó xuất cảng vào thị trường Hoa lục vì giá nhập cảng lại tăng. Sau khi giăng lưới bắt thiên hạ, chính Bắc Kinh lại sa vào cái lưới của mình, bị quyền lực mềm bật vào giữa mặt!
Vụ phá giá đang xảy ra đã phá vỡ các kế hoạch BRICS, AIIB hay Tơ Lụa, và cho thấy Trung Quốc thiếu khả năng thiết lập các định chế có thể cạnh tranh hay thay thế Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF, Ngân Hàng Thế Giới hay Ngân Hàng Phát Triển Á Châu ADB. Việc đồng Nguyên sẽ trở thành ngoại tệ dự trữ khả dĩ cạnh tranh và thay thế Mỹ kim lại càng xa vời hơn.
Quan trọng nhất, khi mọi quốc gia đều dìm nhau xuống đáy bằng hối suất thấp thì kinh tế toàn cầu sẽ bị suy thoái, và nạn giảm phát từ Trung Quốc sẽ lan qua xứ khác. Ðấy là viễn ảnh 2016.
Kết luận ở đây là gì?
Ðang có tham vọng lãnh đạo thiên hạ, Trung Quốc lại ngã vào cái bẫy mình giăng.
Chỉ vì chưa có thực lực!
Ðấy là sự phá giá của Trung Quốc Mộng.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét