khktmd 2015






Đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện. Đại học chi đạo, tại Minh Minh Đức, tại Tân Dân, tại chỉ ư Chí Thiện. 大學之道,在明明德,在親民,在止於至善。












Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2015

Paris by Night lên sóng truyền hình Việt Nam! - Tác giả Gs Nguyễn văn Tuấn


Chuyện khó tin nhưng có thật! Chương trình "Giọng hát Việt 2015" cho phát hình ca khúc "Hà Nội 12 mùa hoa" do Thu Phương trình diễn. Bài này đã được trình diễn trong một chương trình ca nhạc của Paris by Night 110 trước đây. Đó chẳng phải là tín hiệu "hoà hợp" dân tộc sao? Nhưng không hẳn vậy, một bài báo trên Vietnamnet đã gián tiếp chỉ trích VTV3 làm một việc không tốt, vì "chương trình Paris By Night hiện vẫn chưa được cho phép biểu diễn và phát hành tại Việt Nam." Chỉ một sự việc nhỏ như thế cũng nói lên cái khoảng cách giữa người Việt trong và ngoài nước (hay miền Nam và miền Bắc) còn rất xa.




Thú thật các bạn, cứ mỗi lần nghe một chương trình văn nghệ "chưa được xin phép" là tôi thấy ... hỡi ơi. Văn nghệ mà phải xin phép? Sự kiểm soát văn nghệ và sáng tạo văn nghệ chắc chỉ có trong thế giới XHCN ngày xưa. Nhưng sự kiểm soát đó vẫn tồn tại ở VN, và điều đó cho thấy VN vẫn chưa thật sự đổi mới. Cách kiểm soát văn nghệ ở VN vẫn là mô hình thời bao cấp, chưa theo kịp tiến bộ của thế giới về thông tin và truyền thông. Chỉ cần truy cập được internet thì người ta có thể xem bất cứ chương trình nhạc nào, chẳng cần biết ai cho phép hay không.
 
Tôi chẳng phải là một fan của các chương trình ca nhạc tạp kĩ như PBN. Nhưng tôi phải công nhận một điều là trong các chương trình ca nhạc ở hải ngoại, PBN là chương trình có phẩm chất tốt nhất, có văn hoá nhất, và có đóng góp quan trọng cho việc duy trì nền văn hoá Việt Nam và văn nghệ miền Nam. Trong suốt >30 năm qua, hãng Thuý Nga đã sản xuất hơn 100 chương trình PBN và trở thành một cái tên quen thuộc của người Việt trong và ngoài nước. Nói như một kí giả Mĩ, trong mỗi gia đình của người Việt hải ngoại có 3 cái: cơm gạo, chai nước mắm, và DVD Thuý Nga Paris by Night. Đó là sự thật. Sự thành công của Thuý Nga PBN còn là mô hình cho nhiều trung tâm khác, và thậm chí ở trong nước người ta cũng bắt chước theo PBN (nhưng chưa tốt mấy về mặt kĩ thuật). Tôi nghĩ nếu PBN được phép hoạt động ở VN thì chắc các chương trình ca nhạc do Nhà nước bảo trợ khó mà sống nổi.
 
Chẳng có ai chỉ đạo chính trị trong các chương trình PBN cả. Tất cả xuất phát từ nhu cầu giải trí và tinh thần thôi. Những năm đầu xa VN, người Viêt rất nhớ nhà và nhớ người thân còn trong các trại tù cải tạo nên có những chương trình đáp ứng nhu cầu đó. Người ta có thể không đồng quan điểm chống cộng của Việt Dũng, nhưng ai cũng thấy "Một chút quà cho quê hương" nói lên được tâm trạng của họ. Thử hỏi ở trong nước có trung tâm nào làm được những chương trình có giá trị văn hoá như "Chúng ta đi mang theo quê hương" hay "Cây đa bến cũ" của Thuý Nga. Nhưng chương trình đó chẳng có gì là chính trị cả. Người MC là ông Nguyễn Ngọc Ngạn cũng chưa bao giờ nói gì mang tính chính trị hay cực đoan trên sân khấu PBN cả. Thật ra, ông này phải nói là một MC tài ba mà chưa có MC nào ở Việt Nam và nước ngoài so sánh được. Theo nhiều ca sĩ và nhạc sĩ Phạm Duy, ông chủ của Thuý Nga PBN cũng là người rất đàng hoàng, có tư cách, và yêu văn hoá Việt Nam (ông xuất thân là một giáo sư trung học thời trước 1975).
 
Ấy thế mà bài báo trên VNN viết "Tuy nhiên, bên cạnh những bài hát, nội dung đặc sắc phù hợp với đông đảo khán giả, một số chương trình có những nội dung không phù hợp về yếu tố chính trị" làm tôi thắc mắc không rõ nội dung nào không phù hợp chính trị? Có lẽ là mấy chương trình hồi thập niên 1980s nói về thân phận người biệt xứ do Nhà văn Duyên Anh viết lời dẫn, hoặc chương trình Hà Nội - Huế - Sài Gòn có nhắc đến vụ thảm sát Tết Mậu Thân? Tôi thì thấy mấy chương trình đó chẳng có gì mang màu sắc chính trị cả; chỉ là những gợi nhớ một thời đau đớn trong lịch sử. Không nên dấu giếm, và cần phải nói và nhắc lại những sự kiện đó để thế hệ sau hiểu biết hơn và thông cảm nhau hơn. Cũng không nên kì vọng người Việt ở hải ngoại say mê theo những bài ca như Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Sài Gòn quật khởi, Tiếng chày trên sóc Bom Bo, Giải phóng miền Nam, v.v. (Thật ra, ngay cả người trong nước cũng chẳng còn mấy ai mặn mà với những ca khúc đó).
 
Cho dù các chương trình ca nhạc của PBN bị cấm hay không được cho phép, các chương trình này vẫn tồn tại ở trong nước. Có lần ngồi ăn ở đường Nguyễn Trãi (Sài Gòn) tôi phát hiện là mấy chiếc xe lưu động bán đầy các DVD của hãng Thuý Nga, Asia, Vân Sơn, v.v. ở hải ngoại. Họ thậm chí có những DVD mới nhất mà tôi chưa xem qua! Do đó, việc công nhận hay cấm đoán các chương trình ca nhạc ở hải ngoại sẽ chẳng có ý nghĩa gì trong thực tế. Người dân vẫn tìm nghe các chương trình ca nhạc đó, và họ có nhiều cách để nghe. Việc cấm đoán chỉ tạo ra một thị trường đen băng đĩa lậu mà thôi.
 
Tại sao các tác phẩm văn học cũ ở miền Nam trước 1975 đã được tái xuất bản, mà lại đi ngăn cấm các chương trình ca nhạc? Các nhà văn và thi sĩ đã "hoà hợp" từ lâu, tại sao trong giới ca nhạc sĩ vẫn còn có khoảng cách trong và ngoài nước là câu hỏi khó có câu trả lời. Thật ra, nói vậy cũng chưa đúng, vì chẳng có khoảng cách nào giữa ca sĩ trong và ngoài nước (ngoại trừ vài trường hợp cá biệt), ca sĩ trong nước ra ngoài hát, và ca sĩ nước ngoài về VN hát rất ư là bình thường rồi. Do đó, "trái banh hoà hợp" đang nằm trong sân của Nhà nước và những tờ báo "lề phải", chứ không phải trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét